Mái ấm Đức Quang: Nơi tình thương chan đầy

GN - Chúng tôi đến Mái ấm Đức Quang (Bến Tre) vào những ngày nghỉ lễ và cảm nhận những đứa trẻ nơi đây luôn được chở che và nhận được tình yêu thương ấm áp… 

Gian nhà nhỏ yêu thương

Chúng tôi qua cầu Rạch Miễu, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, tới ngã tư Châu Thành, rẽ về huyện Bình Đại đến ấp Long An, xã Long Hòa, thăm Mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức. Đập vào mắt chúng tôi là khu đất khá rộng, có cả xe đưa rước học sinh mang tên mái ấm.

Vào cổng, phía bên trái là mấy gian nhà nhỏ, lợp lá dừa nước, bên trong kê những chiếc giường để các em nhỏ và bảo mẫu sinh hoạt, nghỉ ngơi, bên phải mái ấm là khu nhà chung, nơi đây vừa là gian thờ Phật, gần đó là nơi tổ chức bữa ăn cho các cháu và cũng là nơi bán sản phẩm do mái ấm tự làm để có thêm thu nhập.

hinh xh Gn 1000 (1).jpg

Những chú tiểu lớn lên từ mái ấm Đức Quang đang trong giờ học ở chùa

Dưới tán cây bồ-đề là hơn chục chú tiểu độ tuổi học sinh tiểu học đang làm toán, tập viết, tô màu… với sự hướng dẫn của các cô bảo mẫu. Một bảo mẫu cho biết, phải kèm thêm cho các con để đến trường theo kịp bạn bè. Vừa kèm trẻ học, các bảo mẫu ở mái ấm còn kiêm luôn việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho những đứa trẻ côi cút ở đây.

ĐĐ.Thích Hoàng Thành nhớ lại: “Lúc ba thầy trò chúng tôi đến đây, chùa Vạn Đức chỉ là thảo am đơn sơ nằm trên một cù lao sông nước thuộc ấp 2, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, muốn ra ngoài, phải đi qua phà Tam Hiệp. Năm 2010, chùa được xây dựng lại nhưng vẫn còn rất đơn sơ. Nhân duyên đến, vào một đêm mưa gió, một đứa trẻ sơ sinh đã bị đem bỏ trước cổng chùa. Chúng tôi bồng đứa bé vào chùa chăm sóc, cưu mang với không ít khó khăn và có cả những lời thị phi. Từ đứa trẻ ban đầu đó, chúng tôi đã có duyên với nhiều đứa trẻ khác”. 

Chỉ vào bảng ghi với hình ảnh, tên và ngày tháng năm sinh, Đại đức cho biết thêm, mái ấm hiện có 116 cháu, từ sơ sinh đến dưới 16 tuổi. Tất cả các cháu đa phần là mồ côi, bị khuyết tật, có cháu bị bỏ trước cổng chùa, có cháu được người thân đem gởi sau khi cha mẹ không còn…

Trong số các cháu bị bỏ trước cổng chùa có trường hợp bé Phạm Đức Lộc. Cháu bị mắc căn bệnh não úng thủy nặng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Sau quá trình điều trị dài hạn từ Việt Nam đến Singapore, bệnh tình của Đức Lộc từ chỗ nguy kịch đã dần hồi phục, hiện sức khỏe của bé cải thiện đáng kể.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cháu được sinh sống ở Mái ấm Đức Quang hiện có giấy tờ đầy đủ để được đến trường. Ở bậc tiểu học thì mái ấm có xe đưa rước, còn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì các cháu có thể tự đi bằng xe đạp. Ngoài giờ đến trường, các cháu lớn còn phải tự làm một số việc, giúp đỡ các em nhỏ. Tất cả các cháu đều được các thầy, các cô bảo mẫu dạy dỗ, tuân thủ theo giờ giấc, được học Phật pháp, đạo lý làm người…

Những đứa trẻ khát tình thương

Toàn mái ấm có khoảng hơn 40 người phục vụ ở các khâu chăm sóc, giữ trẻ, nấu ăn, bảo vệ…, trong đó có hơn 10 người thường xuyên đến đây làm công quả từ những ngày đầu. Cơ sở vật chất của mái ấm hiện nay từ chỗ ăn ở của các cháu, khu nhà bếp đến những khu vực thờ Phật… đều là nhà tiền chế, vách tôn, lợp lá dừa.

Theo ĐĐ.Thích Hoàng Thành, mảnh đất này khoảng hơn 4 công, do một Phật tử hiến tặng và cả chiếc xe đưa rước các cháu đi học, máy lạnh ở phòng trẻ sơ sinh cũng do Phật tử tặng. Qua quan sát tại mái ấm, chúng tôi nhận thấy có phòng dành cho trẻ sơ sinh gồm nhiều chiếc nôi, có bé chỉ khoảng 5 tháng tuổi được các cô bảo mẫu nuôi dưỡng, chăm sóc, bé nào cũng sạch sẽ, hồng hào.

Các cháu lớn hơn, khoảng 2-7 tuổi, đang nô đùa với sự trông coi của các bảo mẫu. Một bảo mẫu cho biết, các cháu luôn được chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh, tuy nhiên có những lúc cháu bị bệnh, sợ nhất là dịch bệnh lan truyền nhanh nên bảo mẫu phải cẩn thận hơn. Thương nhất là những em bé bụ bẫm thiếu tình thương của ba mẹ nên hễ có ai đến thăm là các cháu gọi ba, gọi mẹ và quấn quýt, dang tay đòi bế, không chịu rời ra.

Nhìn tấm bảng khởi công công trình xây dựng khu nhà ở cho trẻ sơ sinh từ tháng 1-2019 đã phủ bụi, khi được hỏi công trình bao giờ hoàn thành, một Sư cô lắc đầu bảo không biết đến bao giờ, bởi tiền ăn, tiền tã, rồi tiền sữa, tiền sách vở của các cháu, tiền công cho một số bảo mẫu… mọi thứ, chùa phải xoay xở đủ cách bằng cánh sản xuất ra các sản phẩm như: mật ong, nước màu, trái cây để có thêm thu nhập phụ thêm cho sinh hoạt ở mái ấm.

Dù kinh phí còn eo hẹp, nhưng mái ấm luôn chú trọng bữa ăn hàng ngày cho các cháu; ngoài rau, củ, quả được Phật tử, các nhà hảo tâm mang đến ủng hộ, nhà bếp còn mua thêm nguyên liệu nấu những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng. Bếp ăn ở đây được nấu cả chay lẫn mặn, bữa trưa nấu chay, buổi chiều nấu mặn bởi các cháu còn nhỏ sợ ăn chay dài ngày sẽ không đủ sức.

Vui chơi cùng các cháu, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, an lạc với tình thương lan tỏa nhờ công đức, sự hy sinh của thầy, cô và bảo mẫu ở mái ấm. Tiếng trẻ em vui đùa, gọi ba, gọi mẹ với khách đến thăm, xen lẫn với những tiếng khóc “oe oe” của các bé sơ sinh được các Sư cô, Phật tử và các bảo mẫu phát tâm chăm sóc, nuôi dưỡng đã làm cho nơi đây thật sự là mái ấm nhỏ, hồi sinh cho những mảnh đời kém may mắn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày