Mẹ ơi!

GN - Dì vừa bước vào nhà tôi chưa tròn năm thì cha đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn xe máy. Dẫu hãy còn son trẻ, nhưng dì vẫn quyết định không đi bước nữa, mà ở lại căn nhà cấp bốn cũ kỹ này để hương khói cho tổ tiên, cha mẹ và nuôi tôi ăn học nên người.

Có lần, khi đang ngồi cặm cụi ôn thi trong buồng, tôi nghe bà hàng xóm rủ rỉ với dì: “Cô dại quá. Còn trẻ đẹp như vậy việc gì phải chịu cảnh góa chồng cho khổ thân ra? Làng bên có cậu Bách làm nghề thuốc Nam là cháu họ tôi, cũng đã góa vợ hơn bốn năm nay rồi. Để tôi giới thiệu cô cho cậu ấy”.

Dì nhỏ nhẹ đáp lại: “Dạ, cháu năm nay cũng ngoài ba mươi rồi, trẻ đẹp đâu ra nữa ạ bác? Kiếp này đành rằng cháu kém duyên vô phận. Nhưng may mắn vẫn còn cu Thiều bên cạnh. Cháu coi nó như con ruột của mình. Thế nên, cháu chả nghĩ đến chuyện tái giá nữa”.

me.jpg


Bươn chãi mưu sinh - Ảnh minh họa

Kể từ ngày bố mẹ lần lượt ra đi, tôi lớn dần lên trong sự thương yêu, chăm sóc và chở che của dì. Rồi tôi đỗ cao đẳng mãi tận trong thành phố Hồ Chí Minh xa xôi. Hàng tháng, dì vẫn đều đặn gửi tiền chu cấp cho tôi học tập và sinh hoạt. Một năm tôi chỉ có cơ hội về thăm dì hai lần vào dịp hè và Tết Nguyên đán. Mỗi lần lén lút ngắm dì hái rau muống ngoài ao hay vo gạo bên giếng, tôi chợt nhận ra, hình như dì đang già đi theo năm tháng. Ngày xưa, dì đẹp lắm. Suối tóc dài vừa dày vừa mượt hững hờ chảy tràn trên bờ vai mảnh dẻ để lộ bờ xương quai xanh thanh thoát. Làn da trắng hồng hay ửng lên mỗi khi đi nắng. Và nụ cười duyên luôn lộ ra hai lúm đồng chinh. Nhưng giờ đây, suối tóc ấy đang khô mòn dần vì sương nắng bao mùa khắc nghiệt. Làn da bớt mịn màng hơn và hằn in lên đó là những vệt nám, nếp nhăn, những đốm đồi mồi mờ ẩn. Duy chỉ có nụ cười của dì là vẫn vẹn nguyên và rạng rỡ như xưa.

Tôi biết, để có tiền gửi vào miền Nam cho tôi trọ học, dì đã phải bươn chải khắp ruộng đồng quê hương mà không quản ngại nắng mưa, gian khó. Ấy vậy mà mỗi khi tôi hỏi dì dạo này thế nào thì vẫn chất giọng dịu dàng ấy, dì trả lời bằng câu nói quen thuộc “mọi thứ vẫn bình thường con ạ” như một cách để làm yên lòng tôi. Những ngày về quê, sáng sáng, tôi phụ giúp dì kéo một xe cải tiến chất đầy rau muống ra chợ. Tôi cầm càng xe đi trước, dì đẩy theo sau. Dọc đường, tôi xởi lởi kể cho dì nghe chuyện học tập, chuyện đời sống sinh viên, thậm chí là cả chuyện về mối tình đầu của tôi nữa. Nghe xong, dì hiền từ nói: “Con cũng lớn rồi. Tương lai phía trước là do con lựa chọn và quyết định. Nên phải biết cân bằng mọi thứ”.

Về thăm dì vài tuần, tôi lại phải nuối tiếc xách chiếc ba-lô chật ních quần áo, cá khô và gói xôi nếp lạc dì đã lom khom chuẩn bị từ buổi mờ sương, vào Nam tiếp tục học tập. Bao giờ cũng vậy, trước khi tôi lên tàu, dì luôn bịn rịn cầm tay tôi dặn dò đủ điều. Nhìn đôi mắt long lanh nước của dì, không kìm nổi lòng mình, tôi cũng quay mặt vào trong khóc thầm sụt sịt. Khi đoàn tàu từ từ lăn bánh, ngó qua cửa kính, tôi vẫn thấy cái dáng nhỏ gầy của dì đứng bên gốc xoan mọc cạnh ga tàu lặng lẽ dõi theo cho đến khi cả đoàn tàu chìm khuất trong cánh đồng ngút ngát mía đường. Lắm lúc thầm nghĩ, cuộc đời là những chuyến đi. Biết đến khi nào mới chạm chân tới đích?

*

Nghỉ giữa kỳ, tôi lại tranh thủ về quê thăm dì. Nói là về thăm dì chứ thực chất là về để xin dì tiền học phí. Dì đạp xe ra ga tàu đón tôi. Gặp lại dì, đầu tiên, tôi bỗng nhận thấy dì có một chút khang khác. Thì ra, hôm nay dì trang điểm. Làn da lộ lên một lớp phấn mỏng và đôi môi được đánh son hồng vừa đủ. Phải chăng hôm nay ở xóm có hội diễn văn nghệ? Tôi cảm thấy khá bất ngờ vì trước nay dì là một người giản dị, không thích son phấn, màu mè. Vả lại, từ ngày cha mất, chẳng bao giờ dì thiết tha tham gia vào các hoạt động như thế. Rồi, tôi tự nhủ, dì là phụ nữ, làm đẹp một chút thì có sao đâu?

Về đến nhà, sau khi thắp hương lên bàn thờ cha mẹ, tôi xuống bếp phụ dì nấu ăn. Đang làm cá ngoài giếng, dì nói vọng vào: “Thiều ơi, đem cho dì cái nồi nhỏ đặt trên tấm giá gỗ”. Tôi “vâng ạ” rồi với tay lấy cái nồi nằm sâu phía trong góc giá gỗ, giữa một đống nồi xoong lỉnh kỉnh. Thấy nồi hơi nằng nặng, tôi mở vung ra. Không phải nồi cá mà là nồi thân đu đủ muối kho mắm. “Dì ơi, những ngày qua dì ăn cơm với thân đu đủ kho mắm ạ?”, tôi hỏi. Dì bối rối: “Không… Không phải. Thân đu đủ non dì nấu cho con lợn nái già đấy. Ai lại đến mức phải đi ăn cái đó hả con!”.

Như một thứ quy luật không thể làm trái, sau mấy ngày ngắn ngủi đoàn tụ với dì, tôi lại phải lên đường. Dì cầm bọc tiền gói kín trong chiếc khăn mùi-soa căn dặn tôi: “Đi đường dài lắm chuyện không ngờ tới, con phải cất giữ cẩn thận nhé!”. Dùng dằng bước lên tàu, tôi để lại đằng sau những giọt nước mắt luyến lưu…

*

Tôi vào học được hai tháng sau đợt nghỉ giữa kỳ ấy thì cô tôi điện thoại vào, giọng lanh lảnh: “Dì Hài mày có mang rồi. Thiên hạ đang đồn ầm lên kia kìa. Nghe nói “tác giả” của đứa bé là gã Bách làng bên. Bởi vì trước đó, người ta thấy dì mày hay lui tới nhà ông ấy”. Trước những lời “tố cáo” chua ngoét ấy của cô, tôi chỉ biết đáp lại một tiếng “dạ” đầy ngao ngán.

Tắt điện thoại, ngồi thụp xuống chiếc giường bộn bề sách vở, tôi thầm hỏi, lẽ nào dì đã tìm được một người đàn ông khác? Thảo nào mà cái lần ra đón tôi ở ga tàu, dì đánh phấn tô son điệu đà như thế. Bất chợt, tôi nhớ đến câu chuyện của dì và bà hàng xóm trong buổi tối cách đây mấy năm. Hồi ấy, dì bảo sẽ ở vậy để nuôi nấng, chăm lo cho tôi, thế mà... Có một thứ cảm giác khó tả trào lên nơi lồng ngực tôi nghèn nghẹn. Liệu rằng dì sẽ bỏ rơi tôi để đi tìm một hạnh phúc mới? Tự dưng, tôi giận dì. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, dì năm nay mới ba lăm tuổi, dì có quyền khát khao và mơ về một tổ ấm cho riêng mình. Điều đó có gì là sai trái?

Tôi gọi điện về hỏi thăm sức khỏe dì, tuyệt nhiên không đả động đến cái vấn đề mà cô tôi vừa “tố cáo”. Dì bảo: “Con cứ yên tâm. Dì vẫn khỏe. Mọi thứ ở nhà bình thường con ạ”. Ngày trước, những cuộc điện thoại của tôi và dì có khi kéo dài đến cả tiếng đồng hồ, nhưng chẳng hiểu sao, lúc này đây, ngôn từ trong cổ họng tôi dường như đang đóng băng lại. Viện lý do bận đi học thêm, tôi trả lời vắn tắt những lời hỏi han ân cần của dì, rồi kết thúc cuộc trò chuyện bằng một câu đầy dụng ý: “Dì nhớ bồi bổ nhiều vào nhé!”. Nói xong câu ấy, tôi thấy mình thật ích kỷ.

*

Sau khi trả tiền cho bác xe ôm xong, tôi vội vã chạy vào bệnh viện. Dì tôi đang nằm thoi thóp trên giường bệnh. Mở hé ánh mắt nhìn tôi, dì mấp máy miệng như muốn nói một điều gì đó những không thể cất nên lời. Bụng dì đã lùm lùm nhú lên trong lớp áo cũ sờn. Sắc diện của dì xuống cấp trầm trọng. Làn da vàng vọt, nhăn nheo. Hai gò má nhô lên hốc hác… Bên cạnh dì là bà hàng xóm và một người đàn ông đứng tuổi, tôi đoán đó là “gã Bách” trong câu chuyện của cô tôi hôm nào. Nắm chặt lấy bàn tay gầy guộc, sần sùi của dì, tôi òa khóc: “Con đã về với dì đây”. “Hãy bình tĩnh, cháu”, bà hàng xóm vỗ về. Tôi hoảng hốt hỏi: “Bà ơi, dì cháu bị làm sao vậy?”. Bà nhìn sang người đàn ông nói nhỏ: “Bách ơi, cháu ngồi đây trông nom cô Hài để cô với thằng bé ra đây có chút việc”.

*

- Cách đây khá lâu, biết dì cậu bị đau dạ dày, tôi dẫn cô ấy sang nhà thằng Bách, cháu tôi, người đang ngồi chăm sóc dì cậu trong kia, để bốc thuốc Nam - bà vừa bỏm bẻm nhai trầu kể chuyện, vừa chỉ tay vào phía căn phòng dì tôi đang nằm. Nhưng do bệnh tình của cô ấy kéo dài khá lâu nên thuốc Nam không phát huy tác dụng. Đến lúc, quan sát sắc mặt, biết bệnh tình của cô ấy đã trở nên nghiêm trọng, tôi bảo cô ấy nên đến bệnh viện khám xem sao thì cô ấy nói rằng cảm thấy trong người vẫn khỏe.

Bà hàng xóm bỗng ngưng kể một lát rồi nhìn về phía xa xăm. Tôi sốt sắng:

- Rồi sao nữa ạ bà?

- Dì cậu ăn uống rất đạm bạc, kham khổ để cố dành dụm tiền cho cậu đóng học phí. Cô ấy bảo khi nào lo xong chuyện học hành cho cậu thì cô ấy mới đi khám sau. Để rồi, bệnh cứ nặng dần thêm, do dạ dày không tiêu hóa được, bụng cô ấy cứ chướng to lên bất thường. Nhưng không ngày nào cô ấy cho phép mình ngơi nghỉ tay chân. Sáng hôm rồi, khi đang kéo xe rau ra chợ bán, đi đến đoạn đường vắt qua làng bên, cô ấy đột nhiên ngất xỉu. Lúc đó, tôi cũng đi bên cạnh, nên đã kịp thời gọi điện cho thằng Bách phóng xe ra chở cô ấy xuống bệnh viện.

- Bác sỹ bảo dì cháu bị làm sao vậy bà?

Bà hàng xóm ấp úng:

- Cô ấy… Cô ấy bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Bệnh tình diễn biến như cơn lốc. Sự sống của cô ấy bây giờ chỉ còn tính được bằng phút, bằng giờ…

Không kịp nghĩ ngợi gì nữa, tôi chạy ào vào trong phòng bệnh. Đúng lúc vừa khám cho dì xong, bác sĩ bước ra, khe khẽ lắc đầu: “Mấy ngày qua cô ấy đã gắng gượng hết sức rồi…”. Nhìn gương mặt tái nhợt của dì, lòng tôi quặn lại, nhói đau. Tôi chợt thấy lương tâm mình cắn rứt vô cùng. Giờ đây tôi mới kịp vỡ lẽ ra rằng cái hôm dì đánh phấn không phải là vì muốn làm đẹp mà là để che giấu bệnh tình đang biểu lộ trên nét mặt của mình. Tôi dang tay ôm choàng lấy dì. Hơi thở dì thều thào, yếu ớt. Dì vẫn cố mở mắt thật to nhìn tôi như đang chờ đợi một điều gì đó. Tôi cố nén những giọt nước mắt sắp chực trào ra để dì thấy tôi đã trở nên cứng cỏi hơn. Và ngay lúc ấy, từ thẳm sâu trong tâm khảm, tôi thốt lên hai tiếng: “Mẹ ơi!”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày