Mỗi nghề mỗi nghiệp

Mỗi nghề mỗi nghiệp

GN - HỎI: Tôi là một Phật tử đã thọ năm giới. Gia đình tôi làm nghề nông (trồng cây ăn trái), trong quá trình canh tác, vườn cây của tôi hay bị rầy rệp gây hại, bất đắc dĩ tôi phải phun thuốc trừ sâu. Vừa rồi tôi đọc kinh biết được Phật dạy người cư sĩ không được giết hại từ những động vật lớn cho đến côn trùng... Sau khi xem kinh xong tôi rất hoang mang, vì từ trước đến giờ tôi đã giết hại rất nhiều sâu rầy. Vậy tôi phải làm sao để vừa giữ giới Không sát sanh vừa làm vườn để nuôi sống gia đình?

(NGỌC LINH, ngoclinhteo81@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Ngọc Linh thân mến!

Trong xã hội, mỗi người đều có ít nhất một nghề, và dĩ nhiên nghề nào cũng có tạo nghiệp. Sự tạo nghiệp thiện ác và nặng nhẹ khác nhau là do ý thức mỗi người, đặc thù của mỗi nghề. Có những nghề rất cao quý, được xã hội tôn vinh là thầy (thầy thuốc, thầy giáo) nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ là gây chết người, gây lầm lạc cho nhiều thế hệ.

Vì không có nghề nào tránh được việc tạo nghiệp, nên người Phật tử chỉ tránh những nghề ác (đồ tể, buôn ma túy, bán vũ khí, buôn người… nói chung là tà mạng), làm một nghề phù hợp theo khả năng với ý thức rõ ràng về những tội nghiệp mình đã và đang tạo ra theo đặc thù của nghề ấy.

Bạn làm nghề nông, trồng cây ăn trái, chắc chắn bạn có tạo nghiệp giết hại giun dế và sâu trùng. Nếu bạn sợ tạo nghiệp rồi không làm nông, trong khi không có khả năng và điều kiện để chuyển nghề, bạn và cả gia đình chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Sự túng thiếu sẽ tạo ra nhiều nghiệp ác khác, luẩn quẩn như “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.

Muốn “vừa giữ giới Không sát sanh vừa làm vườn để nuôi sống gia đình”, trước hết, bạn cần hiểu rõ rằng, trọng tâm của giới Không sát sanh là không giết người. Các loài to lớn như bò heo gà vịt… cũng không được giết. Ngoài ra, vì vô tình hay do bất đắc dĩ mà làm tổn hại đến những loài sâu trùng nhỏ nhít thì phải thành tâm sám hối.

Điều cần lưu tâm ở đây là bạn cố ý làm tổn hại sâu trùng thì nghiệp sát nặng hơn vô tình. Bạn cần ý thức rõ điều này để biết mình đang tạo nghiệp và chấp nhận nghiệp quả của nó. Mặt khác, bạn cần tích cực làm các việc thiện khác (sám hối, lễ Phật, tụng kinh, bố thí,…) để bù đắp cho việc tổn phước bởi nghề nông. Đức Phật từng dạy về tương quan tội phước như bỏ một nắm muối vào bát nước thì mặn chát không uống được, nhưng nắm muối ấy bỏ xuống dòng sông thì nước sông không hề hấn gì.

Vậy bạn hãy tìm mọi cách làm cho phước của mình nhiều như nước sông. Phước đức sẽ nâng đỡ cho bạn về mọi phương diện trong cuộc sống, góp phần hóa giải những tội nghiệp do mình vô tình hay cố ý tạo nên. 

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày