Mong mỗi năm đều có Pháp hội Vu lan

Phật tử tham dự Pháp hội Vu lan tại Việt Nam Quốc Tự
Phật tử tham dự Pháp hội Vu lan tại Việt Nam Quốc Tự
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vừa qua, nhiều Phật tử khi biết tin GHPGVN TP.HCM tổ chức Pháp hội Vu lan tại Việt Nam Quốc Tự đã sắp xếp thời gian để tham dự trọn đủ 3 ngày của sự kiện tâm linh này với tấm lòng thành thiết tha của mình, nguyện người thân đã khuất được an lòng, người hiện tiền được an tâm.

Thân thương “Nghĩa đồng bào”

Khi hay tin Việt Nam Quốc Tự tổ chức Pháp hội Vu lan, chú Nguyễn Văn Tạo, 60 tuổi từ Thủ Đức “chạy ù” xuống để tham gia khóa lễ phổ độ trai đàn chẩn tế siêu tiến chư anh linh chiến sĩ, đồng bào tử vong trong dịch Covid-19.

Dù đứng suốt 2 tiếng hơn, chú Nguyễn Văn Tạo vẫn trang nghiêm hướng về đàn tràng

Dù đứng suốt 2 tiếng hơn, chú Nguyễn Văn Tạo vẫn trang nghiêm hướng về đàn tràng

“Chú cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ của mình và cầu nguyện cho bá tánh, đồng bào của mình đã mất trong đại dịch Covid-19”, chú Tạo cho biết.

Vì đến trễ, hội trường hết chỗ, chú đứng bên ngoài. Chân yếu, nhưng chú Tạo vẫn đứng suốt 2 tiếng hơn, thỉnh thoảng chú nhón chân đôi cái cho đỡ mỏi. Mặc dù trời nắng, chú chỉ kẹp cái nón trong tay chứ không dám đội. “Đó là sự kính trọng tối thiểu phải có”, chú nói.

Thấy chú đứng ngoài nắng, khi một vài người trong hội trường ra ngoài, các tình nguyện viên đã mời chú vào bên trong. Chú cứ đứng như bất động tập trung cầu nguyện. Một chị Phật tử có người thân mất vì dịch Covid-19 đứng bên cạnh chú xúc động chảy nước mắt khi nghe chú tâm sự: “Tôi không có người thân mất vì dịch Covid-19 nhưng hôm nay tôi vẫn đi, tôi cầu mong cho người chết được an lòng, người còn sống nguôi ngoai, được an tâm sống, làm việc, cống hiến. Vì tôi biết nỗi đau đó lớn lắm”.

Nhận diện và chuyển hóa khổ đau

Tham dự Pháp hội Vu lan năm nay tại Việt Nam Quốc Tự, chị Mai Thị Tú Minh, pháp danh Tâm Thiên Hoa (ngụ Q.8, TP.HCM) xúc động khi nhắc đến ơn đức của chư tôn đức: “Nhờ tấm lòng của quý Thầy mà đau khổ trong con đã dừng lại. Gia đình con có bố, chú, thím đều mất trong mùa đầu dịch Covid-19. Năm rồi, khi Việt Nam Quốc Tự tổ chức lễ cầu siêu, ngay khi bước vào con xúc động khi thấy quý Thầy chuẩn bị dép, áo, quần cho người mất - đó là những thứ khi mất người thân chúng con không mang theo. Con xúc động thật sự trước lòng từ bi, hiểu và thương của quý Thầy dành cho gia đình chúng con. Gia đình nào có người thân mất trong mùa dịch Covid-19 thì mới thấu hiểu được”.

Chị Mai Thị Tú Minh tưởng nhớ những người thân đã mất trong đại dịch Covid-19

Chị Mai Thị Tú Minh tưởng nhớ những người thân đã mất trong đại dịch Covid-19

Một năm từ ngày giỗ đầu đó, nỗi đau của chị Tú Minh dần nguôi ngoai khi cả nhà hướng tâm đến Phật pháp nhiều hơn, tụng kinh nhiều hơn và làm mọi việc lành để hướng đến người thân, theo lời chư tôn đức dạy. Mùa Pháp hội Vu lan năm nay, chị chia sẻ: “Tâm của con đã nhẹ nhàng hơn, nút thắt được tháo gỡ, và con muốn sống tốt hơn, muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội, để hồi hướng công đức đó cho người thân, cũng là đền đáp công ơn chư tôn đức và Tam bảo”.

Năm nay, khi đến Việt Nam Quốc Tự dự Pháp hội Vu lan, chị Tú Minh cũng khấn mời vong linh người mất vì dịch Covid-19 hữu duyên với chị theo chị về đây để được nghe pháp, nương theo Pháp hội để siêu sanh cõi lành.

Gieo những yêu thương

Nhà trọ ở Q.6, đi làm ở Tân Phú nhưng Thiện Trí, một Phật tử trẻ sinh năm 1999 vẫn tranh thủ về sớm để kịp chạy sang Việt Nam Quốc Tự tham dự thời tụng kinh tối trong Pháp hội Vu lan.

Phật tử trẻ này cho biết bạn tham gia trì tụng kinh trong Pháp hội để hướng về ba mẹ ở quê nhà Bạc Liêu và cũng hồi hướng đến ông bà tổ tiên. Do cuộc sống mưu sinh nên Thiện Trí không ở gần ba mẹ, để ba mẹ an lòng, bớt nhớ thương con, bản thân cũng thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm.

Thiện Trí chia sẻ, khi tham gia Pháp hội, gặp nhiều anh chị đến tụng kinh hồi hướng cho người thân mất vì Covid-19, bạn hiểu thêm rằng không phải đợi tới Vu lan mới báo hiếu, mà hiếu là thể hiện thường ngày. “Khi học đạo, tôi rất tâm đắc câu kinh Pháp cú, Đức Phật dạy ‘Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chính là lời Phật dạy’ giúp giữ cho mình tốt hơn trước rồi, khi mình tốt thì ba mẹ mới an tâm, từ đó mình mới có thể hướng về ba mẹ”, Thiện Trí bày tỏ.

Biết tới thông tin về Pháp hội Vu lan qua báo Giác Ngộ, Phật tử Thiện Quang (sinh năm 1999, ngụ Q.6) đã sắp xếp thời gian tham dự đủ 3 ngày Pháp hội. Thiện Quang cho biết tháng 7 mùa Vu lan - Báo hiếu của người con Phật nên khi tới Pháp hội dự khóa tụng kinh, bạn thấy mình có thêm sự gần gũi với Đức Phật, qua đó để mình hồi hướng năng lượng lành mong cho cha mẹ sức khỏe và cửu huyền thất tổ được siêu sanh.

Trong đại dịch vừa rồi, gia đình Thiện Quang có bác mất ở bệnh viện do có bệnh nền, nên khi tham gia Pháp hội, bạn trẻ này cũng ghi cầu siêu cho bác. Qua đợt dịch, Thiện Quang thấy cuộc sống rất vô thường nên bản thân tu tập tinh tấn, trân quý biết ơn khi ba mẹ còn bên cạnh.

Tâm thành hướng về Pháp hội

Tâm thành hướng về Pháp hội

Mong mỗi năm đều có Pháp hội Vu lan

Quy y Phật được 8 năm và đây là lần đầu tham dự Pháp hội Vu lan lớn như vậy nên chị Tâm Nhã (sinh năm 1984, ngụ Q.10) đã rủ cả nhà cùng tham gia.

“Vu lan năm nào cũng về chùa tụng kinh, cũng xúc động, cũng cảm nhưng không giống như trong Pháp hội Vu lan, vì có sự nhất tâm cầu nguyện của chư Tăng, có sự đồng tâm của người Phật tử hướng về người thân đã mất, cha mẹ, nên không kìm được nước mắt rơi”, Phật tử Tâm Nhã chia sẻ.

Chị Tâm Nhã kể trước đây chị với mẹ không hợp nhau, rất ít nói chuyện nhưng từ khi quy y, biết đến Phật pháp, học theo lời chư tôn đức chỉ dạy về hiếu hạnh, giúp chị thay đổi. Đó là khi nghe pháp thoại của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng nói về hiếu hạnh, làm chị xúc động với câu “Trăm hạnh thì hiếu đứng đầu…”. Ngài hỏi “mỗi ngày mình đã làm được việc gì cho cha mẹ vui lòng”, khi nghe câu nói đó, chị cảm thấy mình là đứa con rất có tội với mẹ. Về gia đình chị bắt đầu thực tập lại, nói chuyện với mẹ, tới bây giờ hai mẹ con rất thân.

“Tôi rất biết ơn Đức Phật, biết ơn Tam bảo, biết ơn các vị Thầy đã giúp cho tôi biết đến Phật pháp và làm đời mình thay đổi, khi nhận ra còn có mẹ là còn hạnh phúc”, chị Tâm Nhã bày tỏ.

Trong đợt dịch, gia đình có người ông mất do bị hậu Covid-19, chị chia sẻ sau khóa tụng kinh sẽ về thắp nhang cho ông. Chị cho biết, ông chị mất khi thành phố mở cửa cho đi lại nên cung thỉnh được quý thầy tới tụng kinh. Lúc đó mới nới lỏng có 3 ngày, con cháu không tới nhiều nên đám tang cũng vắng, tới đám giỗ đầu tháng 10 này con cháu sẽ về rất đông.

“Tôi mong Pháp hội Vu lan nên duy trì mỗi năm, để gieo duyên cho Phật tử. Mỗi người đến tham dự Pháp hội sẽ có cái cảm của họ, làm cho họ tinh tấn tu tập, phát khởi tín tâm của người con Phật”, chị Tâm Nhã bày tỏ nguyện vọng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày