Một lần Ozadao...

Chuẩn bị dập dìu bao nhiêu lần thì chả đi được, vô tình xuống Đức Cơ công tác, thổ lộ với mấy vị lãnh đạo huyện, tôi gạ: “Ra biên giới... ngắm cái hè”. Tưởng nói chơi vậy thôi, ai ngờ Đạt, phó Chủ tịch huyện hưởng ứng. Anh bảo chuyện vặt, sang Ozadao luôn. Ozadao là một huyện của tỉnh Natarakiri, giáp với huyện biên giới Đức Cơ của Gia Lai. Nhiều lần nghe các đồng nghiệp đi về khoe đủ chuyện, trong đó có chuyện là bao cao su để đầy khách sạn. Campuchia là một đất nước có nhiều chuyện để kể.

Té ra Đạt không nói dóc và anh đã đưa tôi đến Ozadao.

Thì ra thị trấn Ozadao chỉ bằng một cái... làng, có khi còn không bằng cái làng S'tơ của ông Núp. Một ngôi chùa như cái nhà sàn, nhưng cạnh đấy có một cái chùa rất lớn đang xây phần thô thì... hết tiền, mấy bà cụ Campuchia vui tính và thích chụp ảnh với chúng tôi bảo thế. Có mấy vị sư cao ráo, mấy cô trong đoàn chúng tôi xúm vào chụp ảnh bị mấy bà cản bằng cách xen vào giữa và nói thẳng: “Không được đứng gần sư”. Lạ là các vị sư chả nói gì, vẫn đứng im khi các thiếu nữ đứng gần. Trong chùa, trên tường vẫn rất kính cẩn treo ảnh vua, hoàng hậu và thái tử, giống y như ở Thái Lan dù ban thờ rất đơn sơ và đồ lễ thì để trên chiếc chiếu.

Một lần Ozadao... ảnh 1

Nụ cười Campuchia.

Thị trấn Ozadao có chợ và các quán nhậu. So với chợ Việt Nam thì rất nhỏ, tuy thế hàng Thái, hàng Mỹ khá nhiều, nhất là các túi ngủ kiêm võng mác USA trông rất tiện lợi. Cái quán này có đặc sản, một là cái bàn to, dài, dầy bằng nguyên một phiến gỗ, trông là muốn... ngả lưng và  có một cô gái phục vụ rất xinh. Cô không nói được tiếng Anh nhưng nghe hiểu lõm bõm tiếng Việt, đại loại kêu đá thì mang đúng đá. Chúng tôi kêu món đặc sản Campuchia là món bồ hóc. Nó sền sệt màu sữa. Cũng thuộc loại dạn ăn, kèm theo có uống tí từ Đức Cơ, tôi lấy dưa leo chấm hai nhát và... không có cảm giác gì. Cái sự ăn thì chả biết đằng nào mà lần. Hồi còn ở ngoài Bắc, anh em tôi toàn đi đánh nhái về cho vịt, ngan ăn. Và thấy nó rất ghê. Về Huế, ở nơi thanh cảnh mọi mặt ấy, tôi bị lừa ăn cháo nhái (mấy cô sinh viên Huế nấu một nồi cháo nhái kêu tôi sang ăn và bảo cháo... chim), tôi phát hiện là món ấy rất ngon, đến nỗi hôm sau tôi tình nguyện đi bắt về giao cho các em nấu tiếp. Mới rồi ra Hà Nội, nhà báo Xuân Ba bảo “Tôi đưa ông đi chỗ này rất oách. Một là uống bia hơi dưới chân Đoan Môn, bia này rất zin, ngày xưa ngay cả vua cũng chả được ngồi đây mà nhậu đâu. Thứ hai là ở đây có chả nhái rất tuyệt. Chưa ăn chả nhái ở đây thì chưa... thành người”, vậy nên cũng đừng vội bảo rằng bồ hóc là thua mắm Việt, vấn đề là nó có vệ sinh không? Ăn xong lên xe mới thấy phảng phất cái mùi của nó, tức là lẫn lộn giữa thịt để lâu và cái thứ nguyên chất trong ruột non của động vật. Ai đó ý nhị nhét vào tay tôi lọ dầu Miên mới mua, loại đặc sản Campuchia mà bất cứ ai đã đến biên giới Campuchia cũng phải mua...

Về cơ bản thì rừng Campuchia cũng đã... trắng như ta, trọc lốc. Hồi sang Lào thấy nườm nượp xe chất gỗ cao như núi nhiều khi nép tránh cả tiếng đồng hồ chưa nhích được xe, nhưng sang đây thì đường trống trơn, xe chúng tôi chả phải tránh cái xe nào ngược chiều, mà đường thì  rất tốt, hình như do Việt Nam làm...

Nhớ cách đây mấy năm, tôi đã ngồi vọng bên này viết về một cô bé "người rừng" tên là Rơchăm H'pnhiên. Chao ơi, hồi ấy thèm vô cùng vọt sang đây, chụp cái ảnh, gặp trực tiếp cô bé, nhưng dò hỏi, thấy bảo phải làm thủ tục nhiêu khê lắm, nên thôi. Giờ mới thấy, mới biết, khó đấy mà dễ đấy, nhiều khi là những cuộc ăn may. Cuộc đời may hơn khôn, các cụ dạy thế...

Và nhờ thế có cuộc xuất ngoại thú vị này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày