Một tài năng đàn tranh yêu Phật giáo

GN - Tôi đã gặp Đỗ Hồng Phước vào một ngày biểu diễn văn nghệ kính mừng lễ Vu lan tại một ngôi chùa cách đây 3 năm và tôi đã lắng nghe tiếng đàn tranh của em trong buổi lễ.

Tôi cảm nhận tiếng đàn trong trẻo, sâu lắng và dìu dặt cảm xúc qua bàn tay tài hoa trên dây đàn của em. Tiếng đàn của em không khỏi làm cho tôi chú ý, vì tôi cũng thuộc thính giả yêu thích âm nhạc truyền thống.

Anh 2 b, Trang PGTT GN 773.jpg
Đỗ Hồng Phước trong chương trình Giai điệu quê hương

Học đàn tranh nói chung không phải quá khó, cái khó là ở chỗ tiếng đàn có truyền tải cảm xúc hay còn gọi là cái “hồn âm nhạc” đến người nghe hay không. Người chơi nghệ thuật không thể làm nên sự nổi tiếng bằng sự tự mãn nhưng chính “cái hồn âm nhạc” và phẩm chất tốt sẽ tự làm cho họ được người khác biết đến. Việc tạo nên cái “hồn âm nhạc” chính là thành quả của sự minh mẫn và tinh tế.

Em mang dáng dấp của một thư sinh nhỏ nhắn, có nụ cười hiền hậu, khiêm tốn và lễ phép. Em cho tôi biết bắt đầu làm quen với đàn tranh từ lúc 13 tuổi, đến nay em đã có khoảng thời gian 10 năm theo đuổi niềm yêu thích với loại hình nghệ thuật này. Em là thành viên của Câu lạc bộ Tiếng hát Quê Hương do nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan chủ nhiệm. Điều mà tôi đánh giá cao ở em chính là em vừa đam mê nghệ thuật vừa học tốt ở trường đại học. Năm 2013, em đã tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM hạng ưu.

Khi tôi hỏi về việc sắp xếp thời gian để luyện tập đàn, em đã khôi hài với tôi rằng “đồng hồ sinh học” của em bị chậm kể từ thời đại học. Thay vì học hành và luyện tập đàn ở nhà vào ban ngày hoặc buổi tối, em lại chọn lúc mọi người đã yên giấc ngủ để ngồi nghiên cứu đề tài khoa học và luyện tập ngón đàn.

Qua tiếp xúc với em, tôi được biết em là một Phật tử nhiệt thành. Điều làm tôi ngạc nhiên là tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng những chia sẻ của em về Phật giáo rất sâu sắc. Em cho tôi biết, em theo đạo Phật từ bé do bà nội là một Phật tử. Ngoài việc đọc kinh, sách, em còn đi viếng nhiều chùa và gặp gỡ một số vị Tăng Ni để học hỏi. Em cũng vào internet để nghe các bậc tôn túc thuyết giảng Phật pháp như HT.Thích Thanh Từ, Thiền sư Nhất Hạnh, TT.Thích Nhật Từ…; nghe sách nói Phật giáo và tìm hiểu thêm về Phật giáo ở nhiều nơi trên thế giới. Khi tôi hỏi về định hướng và lý tưởng, em chia sẻ, lấy giáo lý nhà Phật làm kim chỉ nam cuộc sống, lấy nghiên cứu khoa học làm đam mê công việc và lấy nghệ thuật đàn tranh làm thú vui tao nhã.

Với tài năng đàn tranh được đánh giá đầy triển vọng tại các chương trình Hoa quê hương, Hội ngộ đàn tranh, Giai điệu quê hương, tôi khuyên em nên nỗ lực hơn nữa để đạt thành tích cao về nghệ thuật. Nhưng em nói, ước mong của em là có cuộc sống bình thường chứ không phải nhu cầu được nhiều người biết đến.

Thế đấy! Cuộc đời và thế giới con người khổ đau nhiều hơn hạnh phúc nhưng cuộc sống sẽ thật dễ chịu và đầy ý nghĩa biết bao nếu mỗi người có cách sống riêng một cách lành mạnh. Với tuổi trẻ tràn đầy ước mơ và sự lựa chọn, các bạn trẻ tự chọn cho mình một công việc ổn định cả với lý tưởng và niềm vui riêng. Nhưng điều quan trọng không phải là cách sống dễ dãi, đánh mất nhân phẩm, chạy trốn mọi khó khăn và thái độ vô cảm. Bất luận điều gì xảy ra, các bạn trẻ hãy luôn hướng về phía trước, những gì mà các bạn tin là đúng, hợp lý.

Thật lòng cảm ơn Đỗ Hồng Phước về sự “hữu duyên tương ngộ”, để tôi có thêm một sự nhìn nhận trong đời.

Duyên Nguyễn

_________________
* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày