Một vài điển lệ - luật lệ đối với tu sĩ Phật giáo dưới triều Nguyễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1122 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1122 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1875), đạo Phật được chính quyền ủng hộ tích cực nên phát triển nhanh chóng trên vùng đất mới khai phá ở phương Nam.

Chính điều này đã tạo thuận duyên cho sự hội nhập của người Việt với các cộng đồng dân cư tiền trú đạt được hòa hợp, giúp cho sự phát triển nhanh chóng đất nước.

Hai mươi lăm năm cuối thế kỷ XVIII, nước Việt rơi vào cuộc nội chiến tàn khốc tranh giành ngai vàng giữa các tập đoàn phong kiến (Lê - Trịnh - Nguyễn - Nguyễn Tây Sơn). Kết thúc, chúa Nguyễn Phước Ánh hoàn thành công cuộc thống nhất hai miền Nam - Bắc, lên ngôi hoàng đế, chọn niên hiệu Gia Long, đặt quốc hiệu Việt Nam, khai sáng triều Nguyễn.

Năm 1813, vua Gia Long cho ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (22 quyển - 398 điều). Trong đó có các điều khoản áp dụng đối với tu sĩ các tôn giáo. Sau đây là những điều khoản trong bộ luật này liên quan đến Phật giáo.

- Điều 75. Cất riêng am viện và riêng độ Tăng đạo

Phàm chùa, quán, am, viện trừ các ngôi hiện có, năm trước đã kê khai, không được cất thêm. Cái đã có thì giữ nguyên trạng không được làm thêm. Vi phạm bị phạt 100 trượng. Tăng sĩ, đạo sĩ bắt phải trở về đời, đày đi xa hoặc sung làm lính. Riêng nữ tu bắt làm đầy tớ nhà quan. Nếu Tăng sĩ, đạo sĩ tự ý cạo tóc khi chưa được Bộ Lễ cấp độ điệp bị phạt 80 trượng. Nếu do gia trưởng làm thì chính gia trưởng phải chịu tội. Nếu do trú trì các chùa hay thầy thế độ tự làm thì đồng tội phải hoàn tục vào sổ dân thường.

- Điều 106. Tăng sĩ, đạo sĩ cưới vợ

Phàm Tăng, đạo cưới vợ thì bị phạt 80 trượng, bắt hoàn tục. Người chủ hôn đồng tội. Bắt phải ly dị, tịch thu tiền cưới. Trú trì chùa, quán biết mà không báo lên chính quyền cùng tội. Không biết sự việc thì miễn tội.

- Điều 144. Cấm đồng bóng tà thuật

Phàm bọn đồng bóng, bịp bợm thờ cúng tà thần, vẽ bùa chú, chống gậy đi trên nước, tự xưng thần thánh... tụ họp dân ngu làm các điều nhảm nhí để mê hoặc lòng người. Nếu phạm tội này thì kẻ chủ xướng phải thắt cổ, còn kẻ phụ họa theo chân thì đánh 100 trượng, lưu đày xa 3.000 dặm.

- Điều 157. Bổn phận tu sĩ phải thờ kính cha mẹ

Tăng Ni, đạo sĩ bắt buộc phải lo việc cúng tế để tang ông bà, cha mẹ giống như mọi người. Không chấp hành bị phạt 100 trượng, bắt hoàn tục. (Có thể cho nạp tiền phạt để chuộc tội).

Ngoài luật lệ chung, còn có điển lệ áp dụng riêng đối với Phật giáo dưới triều các vua Nguyễn.

- Việc quản lý tu sĩ Phật giáo do “Tăng đạo ty” trực thuộc Bộ Lễ. Ty này có trách nhiệm tuyển chọn các vị Tăng có giới đức, thông hiểu kinh điển, nghi lễ sung làm Tăng chúng tại các quốc tự (Thiên Mụ - Thánh Duyên - Giác Hoàng - Linh Hựu - Diệu Đế tại kinh đô Huế; Tam Thai -Linh Ứng tại Quảng Nam; Khải Tường tại Gia Định), mỗi ngôi từ 20 đến 60 vị. Bộ Lễ sẽ xem xét, tuyển chọn các vị có trí tuệ, đức độ được Tăng giới kính trọng tấu trình lên hoàng đế duyệt xét bổ nhiệm chức vụ Tăng cang, trú trì tại quốc tự hay các quan tự, tổ đình quan trọng ở địa phương để thống lãnh Tăng Ni, hộ trì Phật pháp, tổ chức các nghi lễ lớn của triều đình...

Tăng cang, trú trì lãnh lương bổng theo chức vụ thất phẩm, được cấp pháp phục (Ca-sa, áo hậu, mão hiệp chưởng, mão quan âm) do phủ Nội vụ chế tạo bằng vật liệu, kiểu thức đặc biệt. Tăng chúng được cung cấp lương thực tiêu dùng.

Triều Nguyễn rất tôn trọng pháp vị Hòa thượng. Các vị cao tăng giới đức thanh tịnh, gương mẫu được Tăng giới kính ngưỡng thỉnh làm đàn đầu tôn sư trong giới đàn mới được dùng danh xưng này.

Tiêu biểu, dưới triều Gia Long (1802 - 1820), năm 1817, ngài Nguyễn Phước Hậu trú trì chùa Thiên Thai thành Gia Định, được Tăng chúng cung thỉnh suy tôn lên ngôi vị “Hòa thượng đạo sư”, được triều đình chấp thuận. Sau khi giới đàn thành tựu viên mãn, ngài đã dâng sớ về triều tạ ơn vua (ngày 21-7, năm Gia Long thứ 17).

Dưới triều Minh Mạng (1820 - 1840), nhà vua được các quan tỉnh Phú Yên tâu rõ hành trạng của ngài Nguyễn Giác Ngộ (Tánh Thông). Nhân dịp lễ khánh thành quốc tự Giác Hoàng, vua truyền chỉ đón ngài về kinh đô Huế. Lễ xong, vua triệu vào cung hỏi về thiền giáo, thỉnh ngài giữ chức trú trì quốc tự. Ngài từ chối xin được trở về chùa núi tu hành. Vua rất ngưỡng mộ đạo phong của ngài, tán thán: “Người xưa có dạy, thuần nhất không pha tạp là hòa. Muôn loài đều tôn kính là thượng. Chính là vị này, xứng đáng là Sơn nhân Hòa thượng”.

Từ đó các vị Tăng cang, trú trì không được tự xưng hòa thượng nếu chưa từng được Tăng-già cầu thỉnh làm vị tôn sư truyền giới tại giới đàn.

Điển lệ này được tôn trọng suốt thời Nguyễn. Dưới triều Bảo Đại (1926 - 1945), có trường hợp Tăng trưởng Nguyễn Thanh Thạnh, chùa Hưng Long, tỉnh Ninh Bình vận động xin chính quyền Pháp - Việt ban thưởng cho được chức Hòa thượng. Tòa Thống sứ Bắc kỳ, Tòa Khâm sứ Trung kỳ đều đồng ý. Sự việc được chuyển lên Bộ Lễ Nam triều xem xét giải quyết.

Bộ Lễ phúc đáp: Theo điển lệ xưa nay các sư trong kinh và ngoài các tỉnh thành chưa bao giờ được chuẩn cho làm Hòa thượng, chỉ có lệ phê chuẩn chức vụ Tăng cang. Bộ Lễ tham vấn các vị Tăng cang tại kinh đô, được phúc đáp: “Theo Phật giáo thì chức danh Hòa thượng chỉ dành cho các vị tu hành đạo cao đức trọng thì được thập phương chúng Tăng dùng danh hiệu này để tôn xưng. Còn theo thể lệ của Nam triều, các sư nào ở chùa công mà tu hành chân chính, tinh thông khoa phạm, kinh điển thì được Bộ Lễ xét cấp độ điệp giữ chức vụ tự trưởng, trú trì hoặc cao nhất là chức Tăng cang mà thôi. Chưa bao giờ có lệ phong chức Hòa thượng để làm chức sắc trong nhà thiền.

Do đó Bộ Lễ xin chiếu lệ cấp cho sư Thanh Thạnh một thanh giới đao, một đạo độ điệp để phụng thủ tu trì, gọi là khuyến khích kẻ thiện tâm trung thành. Vậy kính trình soi xét quyết định phúc cho”. (Ngày 4-8, năm Bảo Đại thứ 5 -1930. Duyệt phúc)

Trên đây chúng tôi chỉ lược ghi những điển lệ - luật lệ đối với tu sĩ Phật giáo dưới thời Nguyễn được ghi chép trong các bộ sách:

- Hoàng Việt luật lệ

- Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ

- Đại Nam liệt truyện

- Châu bản triều Nguyễn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày