Mùa An cư giữa đại ngàn

GN - Giữa Tây Nguyên đại ngàn còn nhiều khó khăn, hòa với chư Tăng Ni cả nước hướng về giá trị bất di bất dịch của giới luật ngàn đời chư Phật để lại, chư hành giả xuất gia tại Kon Tum cũng đang trải qua một mùa tịnh tâm trang nghiêm và nhiều nỗ lực.

a baothien1.jpg
Chư Tăng và Phật tử đi kinh hành nhân mùa an cư - Ảnh: Trần Thọ

Mùa An cư trên ngôi chùa mới

Hơn 3 giờ sáng, tiếng chuông khuya văng vẳng trên một ngọn đồi thuộc phường Ngô Mây của phố núi Kon Tum xua tan không khí u tịch và màn đêm yên tĩnh. Hơn 30 phút sau, tiếng tụng kinh trầm hùng trên chánh điện của chư Tăng phần lớn tuổi đời còn rất trẻ làm cho không gian trở nên an nhiên và sâu lắng. Một ngày mới được bắt đầu như thế nơi chùa Huệ Chiếu, P.Ngô Mây, TP.Kon Tum), nơi đặt văn phòng của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum.

Chỉ vừa được hoàn tất giai đoạn 1 sau hơn 2 năm thi công xây dựng và mới đưa vào sử dụng vào đầu năm nay, chùa đã trở thành điểm an cư tập trung cho chư Tăng Ni toàn tỉnh vùng cao này. Ít ai nghĩ rằng, giữa vùng đất vốn là nghĩa địa vắng lạnh, giờ là một ngôi phạm vũ trang nghiêm, vững chãi, vừa mang nét truyến thống vừa có dáng dấp hiện đại, từ trên đồi cao soi mình xuống phố, tạo nên sự hòa quyện giữa đạo và đời.

Theo HT.Thích Quảng Xả, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum, đã hơn 10 năm qua, đây là mùa an cư đầu tiên chư Tăng Ni trong toàn tỉnh được tu học trong một ngôi chùa mới, khang trang và rộng thoáng. Nhờ thế mà cách thức tổ chức được quy củ và sinh hoạt có chất lượng hơn.

Theo vị đứng đầu Phật giáo tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có gần 60 vị Tăng Ni bao gồm cả Sa-di và chúng điệu thì đã có 30 vị an cư tập trung tại chùa Huệ Chiếu. Đây là điểm an cư duy nhất của cả tỉnh khi mà lượng tu sĩ còn ít so với những đơn vị Phật giáo phía Nam. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Trưởng ban và tập thể Ban Trị sự, công tác triển khai an cư được thực hiện nhanh chóng để hành giả ổn định sinh hoạt.

Song song với thời khóa của chư Tỳ-kheo bắt đầu từ 3g30 sáng và kết thúc vào 10g tối mỗi ngày, hạ trường còn tổ chức lớp học gia giáo gồm các môn luật Trường hàng, giáo lý căn bản, hai thời công phu và Hán văn dành cho các chú điệu tập sự do chư Tăng Ni hành giả an cư đảm trách.

a baothien3.JPG
Trẻ em đồng bào dân tộc tại Kon Tum tham dự khóa tu
Một ngày an lạc trong mùa An cư PL.2560 - Ảnh: Trần Thọ

HT.Thích Quảng Xả cũng cho biết, để tùng theo chư Tăng, mùa kiết hạ đầu tiên tại ngôi chùa mới này, Ban Trị sự khuyến khích và tổ chức quý Phật tử địa phương trì tụng kinh Pháp hoa mỗi ngày, mở khóa tu Bát quan trai cho Phật tử thâm tín mỗi nửa tháng để có cơ hội tăng trưởng đạo tâm, chuyển hóa tự thân và tiếp cận môi trường tu học đã được củng cố sau nhiều năm gặp khó khăn về nhân sự kế thừa.

“Nhờ vào sự hoàn thiện của cơ sở vật chất nơi ngôi chùa mới nên các điều kiện ăn, ở và sinh hoạt của chư Tăng tại hạ trường đều được đáp ứng tươm tất. Vì xác định Tăng Ni trẻ là thành phần quan trọng, kế thừa cho sự phát triển của Giáo hội, cần có nội lực tu tập cho nên dù là hạ trường mùa đầu tiên nhưng Ban Trị sự cũng đã lên chương trình sinh hoạt với nhiều nội dung và hoạt động khác nhau gồm thiền tập, tụng kinh, tham gia hướng dẫn các khóa tu cho Phật tử và điều hành sinh hoạt của các điệu nhỏ”, HT.Thích Quảng Xả thông tin thêm.

Hướng về đồng bào dân tộc

Trong những ngày an cư kiết hạ vừa qua, ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho chư Tăng Ni tu học theo tinh thần giới luật Đức Phật chế định, Ban Trị sự GHPGVN Kon Tum còn thực hiện những hành động thiết thực chăm lo cho đời sống tâm linh của người dân tộc.

Theo đó, Phật giáo tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức các kỳ tu học dành cho đồng bào đến từ các buôn làng thuộc các huyện xa xôi. Mỗi khóa tu diễn ra một ngày bằng việc đưa đón bà con từ buôn làng ra chùa, sinh hoạt nội quy, hướng dẫn các nội dung khóa tu, hành trì, thọ trai, phát quà và đưa trở về lại buôn làng.

Theo ĐĐ.Thích Nhuận Tâm, Thư ký hạ trường, do bà con không hiểu nhiều tiếng Việt và không quen với sinh hoạt tu tập Phật giáo dù đã được quy y nhiều năm nên việc hành trì chủ yếu dành cho họ là pháp môn Niệm Phật. Ngoài ra, các buổi thuyết giảng hay nói chuyện cũng đều phải dùng thuật ngữ thật đơn giản và hướng dẫn những nội dung căn bản.

Cũng theo thầy Nhuận Tâm, mỗi lần tổ chức một khóa tu cho đồng bào dân tộc, công sức và tài chính phải chi tiêu khá cao vì tốn phí vận chuyển và đón rước từ những nơi rất xa. Hơn nữa, số lượng đồng bào tham dự mỗi khóa tu thường lên đến 500 người. Một trong những khó khăn khác là sự khác biệt về ngôn ngữ và khả năng nhận thức của những hành giả này.

Tuy vậy, Ban Trị sự vẫn quyết tâm thực hiện các khóa tu cho đồng bào, đặc biệt trong mùa an cư kiết hạ có đông đảo chư Tăng, vì theo HT.Thích Quảng Xả, đây là chủ trương và định hướng quan trọng, lâu dài.

“Đồng bào dân tộc là một bộ phận không thể tách rời đối với sinh hoạt Phật giáo các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của TƯGH, Phật giáo tỉnh nhà đã có những định hướng hỗ trợ và tô bồi nhận thức thông qua các sinh hoạt Phật giáo của bà con bằng nhiều cách khác nhau, và các khóa tu dành riêng cho họ là một trong những biểu hiện đó”, HT.Thích Quảng Xả khẳng định.

a baothien2.JPG


Phật tử đồng bào dân tộc về tham dự khóa tu "Một ngày an lạc" - Ảnh: Trần Thọ

Chia sẻ cảm xúc khi tham gia tu học với chư Tăng mùa an cư, chị Y Mưa, một trong những nữ tín đồ tích cực nhất sau khi trở thành Phật tử cách đây nhiều năm, thể hiện sự hoan hỷ cho hay:

“Sau khi quy y và trở thành Phật tử, chúng tôi được dịp tiếp cận khá nhiều chư Tăng Ni trong và ngoài tỉnh thông qua các dịp lễ lớn, nhưng để được cùng sinh hoạt trọn một ngày trong ngôi nhà Phật pháp thì khá hiếm. Mùa an cư, được về chùa hành trì cùng quý thầy, bà con ai cũng vui tươi, phấn khởi và hăng hái tham gia nên số lượng dự kỳ tu học khá đông. Riêng bản thân tôi, được nghe giảng giải nhiều vấn đề mình thắc mắc, qua đó tăng trưởng niềm tin nơi Phật pháp là niềm hạnh phúc lớn”.

Dù chưa kết thúc mùa an cư và sẽ không có cái nhìn toàn cảnh khi đưa ra những đánh giá về sinh hoạt Tăng đoàn tại tỉnh Kon Tum trong thời điểm này, nhưng theo HT.Thích Quảng Xả, những gì được biểu hiện suốt hai tháng qua tạo nên sự sinh động và hướng đi mới của Phật giáo nơi vùng cao. Qua đó, nếu được tổ chức tốt sẽ là thuận duyên để vun bồi đạo lực cho đội ngũ Tăng Ni trẻ, tạo lực lượng kế thừa, góp sức hành đạo để mang nguồn mạch Phật pháp đến với quần chúng Phật tử nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày