Mùa Vu Lan báo hiếu: Một bông hồng cho tất cả...

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được, cằn cỗi, héo mòn".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở đầu như thế trong tác phẩm Bông hồng cài áo như một lời dặn dò của người lớn nói với người trẻ, người đi trước nói với người tiếp bước theo sau. Và, mỗi người một cách, đã yêu thương mẹ theo kiểu của mình.

Nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng: Đáp đền mọi lúc, mọi nơi

Sĩ Hoàng chưa lập gia đình. Anh ở chung với bố mẹ và luôn coi mình may mắn hơn các em. Anh không có khái niệm "người già sinh tật". Chính vì thái độ và cách cư xử "lạ lùng" của con cái mới khiến cho cha mẹ bẳn tính. Anh ủng hộ quan điểm: "Một già, một trẻ như nhau", chung một chế độ chăm sóc. Chỉ khác nhau, kinh nghiệm của người lớn tuổi rất có giá trị. Bố Hoàng có chuyên môn kế toán, ông chỉ ra cho con những thiếu sót trong sổ sách một cách tế nhị, không hề áp đặt. Mẹ Hoàng biết nhìn sản phẩm của con và biết cách, biết chỗ "chê” hết sức thẳng thắn. Cứ tưởng, đến lúc Hoàng chăm sóc bố mẹ, hóa ra bố mẹ vẫn là "lá chắn của đời con". Trân trọng, đánh giá cao và nghe theo ý kiến của cha mẹ là cách đáp đền chữ hiếu và biết ơn của một đứa con thành đạt.

Đại gia đình của nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng

Sĩ Hoàng nhớ  ngày mẹ còn trẻ, bà rất thích ăn mía. Căn bệnh tiểu đường khiến bà phải kiêng ngọt. Nhưng, lâu lâu, Hoàng vẫn mua về nhà món mía hấp. Dù "mẹ chỉ được nếm một tí thôi nhé”, bà cũng rất cảm động, vì con trai luôn nhớ món ruột của mẹ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Cải - Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi: Tôi phải nhớ đến nhiều người...

"Mùa Vu Lan báo hiếu, người ta nhắc nhiều đến mẹ. Sự trân trọng, quý mến và biết ơn mẹ hoàn toàn đúng, vì những hy sinh của mẹ đối với con cái và cả gia đình vô bờ bến. Nhưng với tôi, Vu Lan nhắc mẹ không thôi thì chưa đủ, bởi cuộc đời tôi đã mang ơn quá nhiều người..

Gánh nặng gia đình trút lên đôi vai gầy của mẹ tôi ngay từ thời rất trẻ đã khiến mẹ khủng hoảng tinh thần và mắc phải căn bệnh tâm thần khi chỉ mới 19 tuổi. Rồi hai chị em tôi ra đời trong cảnh không cha, mẹ lúc tỉnh lúc mê một mình "vượt cạn". Sức khỏe không tốt mẹ vẫn lặn lội hái từng cọng rau, bắt từng con ốc bán kiếm tiền đổi gạo nuôi chị em tôi. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, mẹ bảo tôi "ráng học". Lời dạy ngắn ấy của mẹ với tôi như những lời vàng ngọc, thôi thúc tôi không được đầu hàng số phận dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì đi làm thuê nuôi mẹ và tôi, chị Hai đành gác lại việc học hành. Vậy mà, đến khi tôi có việc làm ổn định bằng sự học thì chị mãi mãi đi xa ở tuổi 37 vì căn bệnh ung thư! Mẹ, rồi chị, là hai người phụ nữ tôi nhớ nhất ở mùa báo hiếu... Nhưng, mùa Vu Lan, tôi vẫn còn "người phụ nữ thứ ba" phải nhớ, đó là mẹ của hai đứa con tôi".

Thầy Cải và gia đình

Chị Trần Thị Mỹ Loan phải thật "liều mình" mới ưng thuận làm vợ Cải. Lúc họ yêu nhau là lúc mẹ anh trở bệnh tâm thần nặng đang điều trị tập trung. Người chị mất sức và thất nghiệp. Cải vừa học đại học vừa bươn chải với đủ mọi công việc làm thêm mới có cái ăn và chăm sóc mẹ. Vậy mà, Loan vẫn đến với anh bằng tất cả trái tim, chia sẻ với anh những khó khăn, vất vả; động viên anh vươn lên và tin tưởng vào ngày mai. 

Khó khăn rồi cũng qua đi. Giờ thầy Cải  đã là giáo viên THPT ở ngôi trường đã từng là cái nôi chắp cánh ước mơ cho mình. Cô Loan, làm điều dưỡng ở BV Đa khoa khu vực Củ Chi. Mẹ thầy đã khỏe nhiều, trí óc minh mẫn hơn, sống vui vẻ bên con dâu và hai cháu nội, hai cháu ngoại. Căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười.

Ca sĩ Thùy Trang: Báo hiếu từ những việc rất nhỏ

10 năm trước, tôi được chùa Huệ Nghiêm mời đến hát trong đại lễ Vu Lan. Đứng trên sân khấu, nhìn xuống khán giả toàn cài bông hồng đỏ thắm, chỉ mình tôi cài bông hồng màu trắng, tôi đã òa khóc. Đó là Vu Lan đầu tiên má bỏ tôi đi.

Ca sĩ Thùy Trang và mẹ

Thuở nhỏ có lần giành đồ chơi với em, tôi bị má dọa đánh đòn, nên trốn vào buồng khóc từ trưa tới chiều, bỏ cả ăn. Má vừa giận, vừa xót xa "vì ba má nghèo không đủ tiền mua đồ chơi nên con Trang mới giành với con Út". Tôi cũng từng khóc tủi khi má cứ bắt đứa nhỏ mặc quần áo cũ vá lại của đứa lớn. Trong gia đình, tôi thứ 11 nên đến lượt tôi mặc thì quần áo đã te tua. Ba còng lưng với nghề thợ mộc, má vừa trồng lúa, mót lúa vừa bán bánh còng, bánh cam, nuôi heo, chăn bò... nhưng cả đời không dám ăn một miếng ngon. Mỗi anh em nhà tôi lập gia đình, ba đều tự tay đóng cho một giường và một tủ. Ngày tôi đi lấy chồng, dù đã già yếu nhưng ba cũng cố đóng cái tủ cho con treo áo dài và tiện một con trâu bằng gỗ rất đẹp (vì tôi tuổi con trâu). Nhân cách và sự tận tụy của ba má đã dạy cho anh em tôi biết sống nhân nghĩa ở đời. 

Khi tôi lên thành phố học Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh, thỉnh thoảng má lặn lội lên thăm. Mỗi lần nhớ cái dáng má nhỏ khô, gầy yếu giữa hai giỏ đầy bánh tét, bánh ú, tôi lại trách mình. Từ Sài Gòn về Mỹ Tho đâu có xa mà tôi cứ ngại. Tôi tất bật với những sô diễn, để cho danh vọng, tiền tài  chặn lối về thăm quê, để ba má mòn mỏi chờ trông. Bây giờ, dù có đánh đổi tất cả tôi cũng không thể thay được sắc hoa hồng trên ngực áo. Ngày xưa, với ba má, tôi vẫn rất thương nhưng không biết... quý. Bây giờ, con gái bảy tuổi của tôi "giỏi" hơn mẹ, đã biết thể hiện tình yêu và lòng biết ơn bằng những lời thì thầm, những trái tim khổng lồ bé tự vẽ tặng ba mẹ nhân sinh nhật, lễ Tết. Tôi chợt hiểu, báo hiếu có gì đâu to tát, báo hiếu từ những việc rất nhỏ nhưng đừng chần chờ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày