GNO - Nhấp một tách trà thơm trong không khí lành lạnh của mùa xuân tại ngôi chùa thân thuộc khiến tôi cảm thấy yêu cuộc sống vô cùng.
Trong không khí nhộn nhịp của vạn vật vui đón xuân về, gia đình tôi cũng rộn ràng chuẩn bị chào mừng tết đến. Cứ đến hai chín tết là nhà cửa đã được quét dọn, sơn phết sạch sẽ, bộ lư, chân đèn bằng đồng được đánh bóng thật kỷ lưởng đến ngời lên sắc vàng óng. Sáng ba mươi tết, bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên đã được chưng dọn hoa đèn bánh trái tinh tươm, hai nhánh mai vàng đẹp nhất mang đầy nụ hoa được cắt cẩn thận từ cây mai trước cổng chưng trên bàn thờ khiến cả phòng khách như sang trọng hẳn ra. Ngoài cặp dưa hấu dán giấy đỏ, trên bàn thờ ông bà tổ tiên, vợ tôi bao giờ cũng bày một mâm ngũ quả gồm các thứ trái cây là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và vài trái sung, với hàm ý cầu vừa đủ xài, sung túc.
Cứ nhìn đến mâm ngũ quả, tôi lại nhớ đến mẹ, mẹ tôi cũng chưng mâm ngũ quả vào ngày tết. Có lần tôi lên tiếng chê, hỏi mẹ, sao không chưng quả gì cầu xài cho nhiều nhiều mà chỉ cầu vừa đủ xài, cầu như vậy hoài, giàu sao được. Mẹ tôi bảo, xài cho nhiều vào, làm sao khá nổi, phải biết tiết kiệm, tích tiểu thành đa chứ. Nói xong mẹ tôi trầm ngâm bảo, ngày xưa mẹ cũng hỏi ông ngoại như vậy, ông ngoại nói sống biết đủ là sẽ đủ, chứ chạy theo đòi hỏi vật chất hoài thì dù giàu có cỡ nào cũng không bao giờ cảm thấy đủ cả và theo lời Phật dạy, tiêu xài hoang phí sẽ bị mất phước, trở thành nghèo khó.
Dù ngoại, mẹ tôi đã mất từ lâu, nhưng mỗi lần nhìn mâm ngũ quả, tôi lại nhớ đến họ và như tìm thấy trong một biểu tượng dân gian là một triết lý sâu sắc về cuộc sống. “Tri túc, đãi túc, hà thời túc” chỉ là một câu nói bác học của một ước muốn bình dị “cầu vừa đủ xài” của những người dân quê chân chất mà thôi.
Vào chiều ba mươi tết, bao giờ mẹ tôi cũng nhắc con cháu nhớ đong đầy muối, gạo, nước trong nhà. Bà bảo, phải đong đầy ba thứ đó để tạo cái huông tốt, cả năm sẽ được no đủ vì đó là thức ăn chính, có chúng, ta không bị đói khát dù trong hoàn cảnh khó khăn.
Bây giờ, dù đã có nước máy đến tận nơi, gạo ăn chỉ cần nhấc điện thoại lên là có người mang đến tận cửa, muối thì đủ loại, đóng bao sạch đẹp bán đầy rẫy nhưng cứ vào chiều ba mươi tết, tôi luôn giữ thói quen chứa đầy các thứ đó trong các dụng cụ đựng xưa của mẹ để lại, xem như một biểu hiện hoài cổ, nhớ những người đã cưu mang, nuôi dưỡng mình khôn lớn. Và tận trong tâm khảm, tôi vẫn cầu mong cho không chỉ gia đình mình mà cả họ hàng thân tộc, đồng bào luôn được ấm no, hạnh phúc.
Khi tiếng chuông đồng hồ báo giờ giao thừa đến, lúc tiếng vị lãnh đạo đất nước đọc diễn văn chúc tết toàn dân được phát trên loa của thông tin văn hóa xã, cả nhà tôi mặc quần áo chỉnh tề, trang nghiêm đến bàn thờ thắp hương lễ Phật và mừng tuổi ông bà đã khuất, sau đó vợ tôi bày một mâm trái cây, bánh mứt, trà nước ngoài sân, thắp hương cúng thí thực những linh hồn phiêu bạt không nơi nương tựa, còn tôi mở máy bơm nước tưới ướt đẩm cây cối, hoa kiểng quanh nhà. Ta vui xuân nhưng không quên những kẻ sống quanh ta, dù chỉ là cỏ cây hoa lá, đó là lời thường dạy của cha tôi, khi cùng thức đón giao thừa và tôi bao năm đã sống, thực hành theo lời người dạy dỗ, cố gắng giúp đời trong khả năng cho phép dẫu biết rằng một mình khó có thể cưu mang hết những mảnh đời khốn khó, một việc làm cần nhiều bàn tay xã hội góp lại.
Như lệ thường trong hơn hai mươi năm, hôm nay sau khi tưới cây xong, tôi lên xe đến ngôi chùa mà tôi đã quy y Tam bảo, ngôi chùa cách nhà tôi gần năm cây số. Đường sá vắng vẻ, thỉnh thoảng có một chiếc xe gắn máy chạy vút qua, có lẽ là những người tuổi trẻ đi xem lễ bắn pháo hoa trên thị xã đang vội vã về nhà. Không khí mát lạnh sương đêm hòa lẫn mùi hương trầm thoang thoảng từ những nén hương thắp đón giao thừa của những ngôi nhà dọc hai bên đường đi, khiến không gian đêm càng thêm huyền ảo.
Khi đến nơi, anh em Phật tử trong đạo tràng đã tề tựu đầy đủ, đang xếp hàng theo Ni sư trụ trì vào lễ Tổ, tôi nhanh chóng mặc áo tràng nối bước, sau đó cùng mọi người trở lên chánh điện lễ Phật. Bài kinh Bát nhã trầm hùng được những người con Phật đọc tụng trong khoảnh khắc đất trời giao hòa khiến lòng người càng thấm thía lời Phật dạy, càng thấu lẽ duyên hợp, vô thường, tử sanh,...
Sau khi lễ Phật, đến phần chúc xuân, một vị Phật tử đại diện huynh đệ trong đạo tràng đọc bài chúc xuân cho Ni sư trụ trì. Anh ấy vốn là một người có tâm hồn thi sĩ, hay làm thơ, viết văn nên lời chúc của anh ấy thật hay, Ni sư trụ trì tươi cười cảm ơn và có những lời khuyên dạy chúng tôi cần tu hành tinh tấn hơn trong hoàn cảnh xã hội còn nhiều khó khăn, đừng để những vấn đề mưu sinh ảnh hưởng đến việc tu tập. Tôi nhìn Ni sư trụ trì nói chuyện, lòng mừng thầm vì sức khỏe của cô vẫn còn tốt lắm, ở cái tuổi trên tám mươi mà vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, không phải ai cũng được như vậy. Tôi lại thầm giật mình, mới đây đã hai mươi mấy năm trôi qua. Khi tôi quy y, nơi này lúc đó chỉ là một tịnh thất đơn sơ, mái tôn, vách cây, nhờ Ni sư dẫn dắt Phật tử chúng tôi, trải qua không biết bao nhiêu là gian khó, cực nhọc, tinh tấn, hôm nay mới xây dựng thành ngôi chùa lớn nhất cả vùng, có rất đông Phật tử đến tu tập.
Sau lễ Phật, chúc xuân Ni sư trụ trì, Phật tử chúng tôi cùng uống trà, ăn mứt mừng đón xuân về. Cắn một chút mứt gừng cay cay, nhấp môi một tách trà thơm trong không khí lành lạnh của mùa xuân trong ngôi chùa thân thuộc khiến tôi cảm thấy yêu cuộc sống vô cùng. Lòng chợt nghĩ, ai đó mà không biết đến chùa lễ Phật đón xuân, cùng người đồng tâm chuyện vãn giữa lúc vũ trụ giao hòa là quá uổng phí. Đang miên man suy nghĩ, tôi bỗng nghe một người đứng lên nói với Ni sư, xin phép hát tặng Ni sư và Phật tử một bài nhạc Phật giáo. Cả đạo tràng cùng vỗ tay khuyến khích, anh ta hát bài Mẹ từ bi, giọng rất hay, hát xong, trong tiếng vỗ tay tán thán. Anh ta bỗng nói, nghe tôi thường làm thơ gởi báo Phật giáo, nên anh đề nghị tôi ngâm một bài tặng Ni sư và bạn đạo. Được sự động viên của Ni sư và các đạo hữu, tôi đứng lên đọc bài thơ vừa sáng tác lúc chờ giao thừa. Bài thơ tôi viết để tặng riêng Ni sư, nhưng anh em Phật tử yêu cầu, nên tôi đọc luôn. Bài thơ có tựa là Chúc tết Thầy:
Tuổi đời, tuổi đạo vượt tầng cao
Tóc trắng, da nhăn, luống nghẹn ngào
Trăm năm chăm dắt bao đàn trẻ
Đứa lớn, đứa thành, đứa vẩn vơ
…
Mong sao xuân đến, mai, sen nở
Thầy khỏe, tươi cười, ban ý thơ
Không khí đạo tràng như trầm xuống khi tôi đọc xong bài thơ, có lẽ họ cũng như tôi, thầm lo cho Ni sư, tuổi tác đã cao, không biết liệu còn dìu dắt chúng Phật tử được bao lâu nữa. Ni sư khen bài thơ có ý nghĩa, nhưng hỏi tôi, đứa vẩn vơ là ai. Tôi chắp tay, cười trả lời: Dạ, là con ạ, tánh thích làm thơ nên hay nghĩ vẩn vơ, còn “tâm viên ý mã” lắm thầy ơi. Ni sư cũng cười, dạy rằng, làm thơ thiền, viết văn về Phật pháp thì tốt, đừng viết những chuyện ái tình lăng nhăng ngoài đời, kẻo ảnh hưởng đến tâm định của mình. Tôi cúi đầu, cám ơn lời dạy của Ni sư.
Tôi lên xe ra về sau khi vào chánh điện lễ Phật, cúng dường, đường sá đã đông người hơn, chắc họ cũng đi chùa về. Đến nhà, tôi tắt máy, dắt bộ vào, tự “xông đất” cho nhà của mình. Tôi chợt nhớ đến một người bạn, anh ta rất mê tín, rất quan tâm đến chuyện “xông đất” đầu năm, anh ta sợ kẻ hãm tài, vận xui đến nhà vào đầu năm nên trước ba mươi tết, thường tìm những người mà anh ta chấm là người có thể mang vận may đến cho mình, để nhờ họ đến “xông đất” giúp. Nhưng qua bao nhiêu năm, tôi thấy anh ta vẫn cứ bị xui xẻo hoài, chẳng khá thêm chút nào. Tôi thì chẳng tin vào chuyện “xông đất”, bởi tôi nghĩ họa hay phước do mình tự tạo, chẳng có thần, Phật nào có thể ban phước giáng họa cho ai, nói chi là kẻ phàm phu, người trần mắt thịt.
Vào nhà, tôi đến thắp hương bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà. Dự định ngày mai, mùng một tết, sau khi tranh thủ viếng thăm họ hàng nội ngọai, tôi sẽ chở đứa con gái đến viếng một ngôi tịnh xá gần nhà, nơi đang nuôi dưỡng hơn ba chục bệnh nhân già yếu, không quyến thuộc, những người đó đang cần lắm những tấm lòng nhân ái của xã hội nói chung và của những người con Phật nói riêng. Sau đó tôi sẽ tiếp tục đến viếng những ngôi chùa ở các xã lân cận trong hai ngày tết còn lại để lễ Phật cúng dường Tam bảo.
Nỗi buồn sẽ giảm đi phân nửa khi ta chia sẻ với người ngoài cuộc, niềm vui sẽ nhân đôi khi ta chan sớt cho đời. Hãy cùng nhau đến và chia sẻ niềm vui với những người bất hạnh trong mùa xuân này bạn nhé! Xin chúc các bạn hưởng một mùa xuân an lạc, tròn đầy ý nghĩa nhất.