Chữa bệnh và giải nghiệp

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Một số bạn bè của tôi là Phật tử có quan niệm rằng, bệnh tật của bản thân (nhất là những bệnh nan y) đều do nghiệp xấu của cá nhân và một phần của cộng đồng tạo ra, trong đó nghiệp của cá nhân trong quá khứ (đời trước và đời này) là chính yếu. Vậy nên, song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp? Mong được quý Báo chia sẻ thêm để tôi hiểu rõ hơn về vấn đề này.

(VĂN PHÁP, ngphap…@gmail.com)

Bạn Văn Pháp thân mến!

Về căn bản thì quan niệm trên là đúng Chánh pháp. Theo tinh thần thừa tự nghiệp (Kinh Trung bộ, số 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt) thì “các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp”. Tất cả những biểu hiện của mỗi cá nhân trong hiện tại phản ánh trung thực sự kế thừa nghiệp lực thiện ác trong quá khứ của họ.

Nghiệp gồm biệt nghiệp là nghiệp riêng của cá nhân, cộng nghiệp là nghiệp chung của cộng đồng. Đối với bệnh tật, biệt nghiệp là những nghiệp nhân chủ yếu xuất phát từ các hành vi sát sinh, hại vật, không nuôi dưỡng từ bi. Cộng nghiệp là sự hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm thực phẩm, không khí, tiếng ồn… ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Cần lưu tâm là nghiệp thì có nghiệp cũ và nghiệp mới. Khái quát thì nghiệp cũ được tạo ra trong quá khứ (xa thì đời trước, gần thì đời này), nghiệp mới được tạo ra trong hiện tại hoặc gần đây. Nhiều người thường nghĩ rằng bệnh tật do nghiệp cũ gây ra nhưng nghiệp mới tạo lối sống thiếu lành mạnh, ăn uống không chừng mực và không tiết độ trong các sinh hoạt… cũng là những tác nhân quan trọng tạo ra bệnh tật.

Chuyển nghiệp là lối sống hướng thượng, nỗ lực tự hoàn thiện bản thân rất đáng trân trọng. Trong mười nghiệp bất thiện (thân: sát sinh, trộm cướp, tà hạnh; miệng: nói dối, nói thô ác, nói chia rẽ, nói dua nịnh; ý: tham lam, sân hận, si mê), nghiệp nào nổi trội hơn thì lưu tâm cố gắng giảm bớt và hướng đến chấm dứt. Những nghiệp xấu khác cũng để ý nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, chuyển xấu thành trung bình hoặc tốt hơn.

Khi lâm bệnh, tin tưởng và hợp tác với thầy thuốc để trị liệu theo y học chính là chuyển nghiệp. Hầu hết các trường hợp bệnh, thầy thuốc sẽ chỉ ra khá chính xác những nguyên nhân gây nên bệnh tật. Đơn cử như uống quá nhiều rượu, thường thức quá khuya, thù hận hay buồn khổ lâu ngày, ít vận động, ăn uống kham khổ v.v… Những nghiệp nhân gây bệnh này chủ yếu là nghiệp mới. Người bệnh dùng thuốc phối hợp với kiêng cữ, điều chỉnh lối sống lành mạnh thì bệnh tật được thuyên giảm và chấm dứt. Đây chính là chuyển nghiệp.

Có những loại bệnh phát sinh từ cấu trúc cơ địa, do lỗi gen di truyền hoặc không rõ nguyên nhân dù đã thăm khám nhiều nơi. Y học hiện đại dù phát triển nhưng vẫn có giới hạn. Trường hợp này, ngoài việc trị liệu theo y học thì sám hối và làm phước để hồi hướng khắp cả nhằm nâng cao phước báo là điều nên làm. Kinh nghiệm trị liệu bệnh tật cho thấy đủ duyên gặp thầy, gặp thuốc rồi lành bệnh cũng thường xảy ra. Khi phước đức được vun bồi và tăng lên thì sự đủ duyên ấy mới có cơ hội thành hiện thực.

Giữ tinh thần lạc quan cũng là liệu pháp chữa bệnh vô cùng quan trọng. Lạc quan ở đây không phải tự an theo kiểu ám thị mà chính là thấy ra sự thật nên bình thản. Khổ Thánh đế có thể thân chứng thông qua bệnh tật của chính mình. Khổ sinh già bệnh chết là hiện thực của thân này vốn không quá khó để nhận ra nhưng không phải ai cũng chứng nghiệm về chúng. Vì có sinh ra nên có già bệnh và chết đi. Không đợi đến khi ta chết mới gọi là diệt mà sự sinh diệt liên tục xảy ra trong từng tế bào, nơi mỗi ý niệm. Sự sống, cái chết và tái sinh là một dòng sông sinh diệt trôi chảy vô tận, vô cùng.

Thấy ra như vậy rồi thì lành bệnh cũng vui mà không chữa hết bệnh cũng chẳng sao, bình thản chấp nhận mọi nhân duyên hiện hữu trong đời sống hiện tại. Nếu phát huy cái thấy sâu sắc hơn về bệnh khổ sẽ thấy ra thân tâm này giả hợp, vô thường, vô chủ mà vượt thoát sự bám víu và chấp thủ tự ngã, ngay đó được tự do hoàn toàn.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự sách tấn chư Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM)

"Tăng Ni cần tu hành chân chánh để đánh tan những dư luận, nhiễu loạn không đúng về Phật giáo"

GNO - Đó là lời sách tấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong buổi thăm Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024, do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, sáng nay 8-12.

Thông tin hàng ngày