GN - Từ trên chiếc thuyền buồm vượt dòng kênh Tàu Hủ, mái chùa uốn lượn ẩn hiện trong ráng chiều muộn rồi lẩn trong ánh đèn đường phía xa xa. Lần đầu tiên trong đời, chú bé Nhật Anh, nhà quận Gò Vấp xúng xính trong bộ đồ mới cùng mẹ hành hương trên chiếc tàu lớn hướng ra bến Bạch Đằng. Mùa xuân in dấu dọc bờ sông với mai vàng, hoa trái miệt vườn bày bán ven bờ kênh Tàu Hủ… khiến cậu bé tròn xoe mắt. Tàu cập bến Bình Đông, Nhật Anh được viếng cảnh chùa Long Hoa với rực rỡ sắc đỏ của những chiếc lồng đèn, nét đặc trưng của một ngôi chùa Trung Hoa ở bến sông… làm cậu bé vừa lạ lẫm vừa quen thuộc…
Từ … chùa gần
Cứ đến tháng Chạp, các chùa tại TP.HCM khá bận rộn chuẩn bị chu đáo tour hành hương hướng Phật vào dịp đầu năm mới cho Phật tử. Từ khâu lên lịch hành trình, thuê xe, ăn, ở nhưng quan trọng nhất vẫn là chương trình đến chùa lạy Phật, cúng dường đầu năm, cầu nguyện bình an, sức khỏe, may mắn… luôn được quý thầy, sư cô chú ý đặc biệt. Vì lẽ, đó là chương trình “cốt lõi” nhất trong tour hành hương hướng Phật đầu năm.
Múa lân đầu năm mới tại chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình - Ảnh: H.D
Phật tử TP.HCM có nếp quen rất thú vị là thích hành hương thập tự trong mùa xuân mới. Những ngôi chùa nổi tiếng, di tích văn hóa, lịch sử, thắng tích Phật giáo như: Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang, Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, Hội Sơn, Phước Tường, tịnh xá Ngọc Phương… không thể không đến viếng. Xa hơn, các chùa ở vùng ven thành phố như huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức, Q.2… cũng là những hành trình thập tự quen thuộc của Phật tử. Chính vì thế, các ngôi chùa trung tâm, hoặc vùng ven thành phố, ngày xuân càng thêm đông đúc, không khí đón xuân hoan hỷ và an lạc.
Thầy Hải Đạt, chùa Ấn Quang, quận 10 cho biết, năm nào cũng vậy, quý thầy ở chùa thường tổ chức cho Phật tử bổn tự hành hương 10 ngôi chùa gần tại TP.HCM rồi đến các tỉnh lân cận như: Tổ đình Hội Sơn (Q.9), chùa Viên Dung (Q.Thủ Đức), Bửu Thiền (Long Thành), Huê Lâm 2, Đại Tòng Lâm Phật Giáo, Ni viện Thiện Hòa (BR-VT); chùa Huệ Minh (Long Thành), thiền viện Thường Chiếu, Linh Chiếu (Long Thành)…
Hành hương 10 chùa gần thường chỉ đi trong một ngày nên các Phật tử đăng ký rất đông. Đây là dịp để Phật tử kết nối duyên lành với Phật, cúng dường, làm công tác từ thiện, nhân đạo, tạo điều thiện lành trong những ngày đầu năm.
… đến chùa xa
Phật tử, người dân TP.HCM cũng thường tranh thủ những ngày nghỉ đầu năm, tự mình tổ chức hoặc đăng ký với các chùa tham gia hành hương thập tự các tỉnh, thành. Phật tử vừa thăm viếng, lạy Phật vừa du lịch đến các danh lam, thắng tích Phật giáo. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều công ty tổ chức du lịch TP.HCM cũng mở tour hành hương dịp Tết. Tour hành hương thập tự đến các tỉnh, thành trong dịp đầu năm mới thường “cháy” tour từ rất sớm.
Những tour đặc biệt thu hút khách là hành hương thập tự, lạy Phật, viếng chùa vừa ngắm biển Phan Thiết, Kê Gà (Bình Thuận). Hay, tour gần hơn là thăm viếng thập tự, cúng dường, ăn chay tại các tự viện hướng biển Vũng Tàu, Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Điều thú vị ở các tour này chính là vừa hành hương tâm linh Phật giáo vừa kết hợp du lịch biển trong thời gian ngắn, chỉ ở lại một đêm.
Phật tử phóng sanh đầu năm mới tại chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình - Ảnh: H.D
Hành hương đầu năm chính là bước đầu để Phật tử sơ cơ kết duyên với chùa, với Phật. Đó cũng là dịp để Phật tử hiểu biết những điều cơ bản nhất khi đến viếng chùa, lạy Phật, tập cúng dường, ăn chay. Chính vì vậy, xuân Giáp Ngọ này, thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, TP.HCM tổ chức cho Phật tử hành hương thập tự tại khu vực Thường Chiếu (Đồng Nai), khu Đại Tòng Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu) để họ có cơ hội kết nối, làm quen với cảnh thiền môn, thẩm thấu những giá trị tâm linh Phật giáo.
Đón xuân Giáp Ngọ, chùa Thiên Tôn, quận 5, TP.HCM cũng tổ chức cho 500 Phật tử viếng thập tự ở các tỉnh, thành lân cận TP.HCM. Chị Đinh Kiều, cư ngụ tại quận 11 cho biết: “Những ngày đầu năm được đến chùa lạy Phật, cúng dường là niềm hạnh phúc chung của gia đình tôi. Khi còn trong tháng Chạp, cả gia đình đã lên chương trình hành hương đầu năm, mở đầu cho một năm mới được hạnh phúc, may mắn”.
Và… hành hương trên sông
Chị Bình, phụ trách vé tàu, sắp xếp tour hành hương Tết trên kênh Tàu Hủ cho biết, tour hành hương do Ban Quản lý chùa Long Hoa (Q.8, TP.HCM) và Công ty TNHH Du lịch Thuyền buồm Đông Dương tổ chức, mặc dù đây là lần đầu nhưng khách mua vé rất đông. Đây cũng là tour không chỉ dành cho khách du lịch trong và ngoài nước mà còn rất đông Phật tử đăng ký tham gia chuyến viếng chùa, thưởng thức cảnh đẹp của thành phố.
Phật tử tham gia tour hành hương trên kênh Tàu Hủ - Ảnh: L.H
Điều thú vị cho Phật tử, người dân TP.HCM trong dịp Tết Giáp Ngọ năm nay chính là được hành hương trên kênh Tàu Hủ đã “thay da đổi thịt”. Trên chuyến hành hương này, khách được đến chùa lạy Phật, viếng cảnh ở chùa Long Hoa, một ngôi chùa mang đậm dấu ấn Trung Hoa trên bến Bình Đông, thưởng thức món chay, lắng lòng với đờn ca tài tử Nam Bộ…
Kiểu tour du lịch này được mở từ dịp Phật đản PL.2557 - DL.2013 chủ yếu dành cho Phật tử, nhưng đây là tour hành hương Tết đầu tiên. Xuất phát từ bến đò chùa Long Hoa (bến Bình Đông), khách sẽ lên thuyền buồm vượt kênh Tàu Hủ, qua các quận 8, quận 6, quận 5, quận 4 rồi thuyền cập cảng du lịch bến Bạch Đằng (Q.1). Thuyền buồm sẽ đánh vòng lớn trên sông để khách ngắm cảnh đô thị rộn ràng mùa xuân. Chị Linh Phương (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Điều thú vị của tour hành hương này chính là được ngắm sông nước - một cung đường thủy hội đủ yếu tố “trên bến dưới thuyền”, ngắm nhìn thành phố đổi thay trong không khí mùa xuân vẫn còn rực rỡ ở ven bờ”.
Dọc ven bờ kênh này, mùa xuân “đơm đầy hoa trái”, thương lái, nhà vườn miệt miền Tây Nam Bộ còn neo thuyền mang đặc sản là hoa tươi, bon-sai, trái cây miệt vườn cập bến ven sông bán cho người dân thành phố. Cảnh sắc mùa xuân ấn tượng còn là được ngắm đại lộ Võ Văn Kiệt về đêm lung linh, huyền ảo…
“Hành hương là tập quán từ lâu đời của người dân nói chung và Phật tử trên thế giới nói riêng. Phật tử đi đến các di tích văn hóa, lịch sử, thắng tích Phật giáo để
Ngày nay, mỗi dịp xuân mới, Phật tử, người dân khắp nơi hành hương đến các đình, chùa ngày càng nhiều, đó cũng là điều đáng mừng. Vì lẽ, những dịp như thế sẽ giúp Phật tử, người dân tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc, hiểu biết hơn về truyền thống, giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo đồng thời vun đắp thêm lòng yêu quê hương, giữ gìn giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Hành hương đầu năm còn thúc đẩy, kích cầu du lịch, hướng tâm con người tìm đến những giá trị tốt đẹp, có cơ hội tu tập. Hành hương khác với du lịch thông thường, là tìm đến những trung tâm vui chơi để ăn uống, giải trí thuần túy”. TT.Thích Chơn Không |