Mùa xuân trong lòng người xa xứ

Mùa xuân trong lòng người xa xứ
Giác Ngộ - Qua làng Điều Nha, vừa đến địa phận làng Đại, thằng Cường bảo người lái xe đi chậm lại để tôi có điều kiện nhìn cảnh quan của làng. Đến đoạn rẽ ngã ba Cầu Bục, thằng Cường - đứa cháu họ của tôi - đột ngột hỏi: Ông còn nhớ con sông này là con sông nào không?

Đúng rồi, nhắc đến tên con sông này (…), tôi thốt lên khi nhận ra ngôi chùa Kim Liên thấp thoáng giữa những vòm nhãn sum suê bên dòng sông Giàn, dẫu gần năm mươi năm xa cách. Trong sâu thẳm hồn tôi, ngôi chùa Kim Liên và con sông Giàn làng Đại vẫn còn lưu giữ cả một thời ký ức huyền sử, lưu giữ tất thảy phần hồn vía quê hương của người dân làng Đại. Và với tôi, ngôi chùa Kim Liên này, không chỉ giữ phần hồn mà còn giữ cho tôi cả phần xác thân trên cõi đời này nữa…

Xa lắm rồi! Nhưng tôi không bao giờ quên. Quên sao được ngày ấy quê tôi đói nghèo quay quắt. Vì đói nên bọn trẻ chúng tôi đứa nào đứa ấy cũng quắt queo nguyềnh ngoàng như rải khoai. Ruộng đất thì rộng mênh mông hút tầm nhìn đến con sông Cái. Nhưng vì mất mùa liên tiếp mà nhiều ngày tháng dân quê tôi phải ăn cháo kèm với củ chuối. Những người lớn tuổi như mẹ tôi, anh chị tôi nghĩ thế nào tôi chưa rõ, chứ bọn trẻ chúng tôi thì lúc nào cũng thấy đói, thấy thèm cơm (…)

Hồi ấy bọn tôi học cuối cấp một. Trường liên cấp một hai được xây dựng trên nền ngôi đình làng Đại. Đình làng Đại quê tôi to lắm, nằm cạnh chùa Kim Liên. Không hiểu vì sao thời ấy, những ngôi đình, ngôi chùa cứ hay được xây dựng cạnh nhau! Mẹ tôi thường kể, trước và sau cải cách ruộng đất, hầu hết những ngôi đình, ngôi chùa trong khu vực đều bị phá đi xây dựng trường học, trụ sở ủy ban. Nhưng ngôi chùa Kim Liên thì vẫn tồn tại cạnh trường học. Vào ngày rằm, mồng một, cứ vào buổi sáng chiều là hương trầm tỏa thơm ngào ngạt vượt qua bờ tường len lỏi vào lớp học. Đến tiết học cuối, bọn trẻ chúng tôi lại đói cồn cào…

Buổi chiều ấy, khi vừa tan học, tôi và mấy đứa cùng lớp rủ nhau vô chùa Kim Liên. Tới cửa chùa nhìn vô, bỗng thấy hai vị Hộ pháp mặt đỏ phừng phừng tuốt kiếm trừng mắt! Bọn con gái thấy vậy sợ hãi chuồn mất! Chỉ còn tôi và thằng Long không cầm được cơn đói… Hương chuối, hương xôi nếp trong chùa như réo gọi, như có phép thần dụ dỗ tôi và thằng Long lần mò vào ban thờ Tổ… Đến cạnh Tam quan phía ấy có cây thị cổ, dưới gốc là con sấu đá làm nhiệm vụ canh giữ chùa Kim Liên rất thiêng! Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy vắng bóng người, tôi và Long nháy nhau cùng kiễng chân với tay ôm gọn đĩa xôi và nải chuối trên ban thờ đang nghi ngút khói hương. Vừa quay ra thì bỗng gặp vãi Soải đang lòm khòm từ chánh điện lại. Nhanh như cắt, tôi vội vàng ấn đĩa xôi vào nách áo, rồi vụt chạy như bay về phía cổng trường thoát chết! Còn thằng Long bị vãi Soải la lối gọi người bắt… Kệ thằng Long, tôi chạy một mạch ra bờ sông Giàn, rúc vào một bụi cây gần đó ăn ngấu nghiến hết đĩa xôi chỉ trong giây lát (!). Trên đường trở về, tôi nghe mọi người trong xóm kháo nhau: thằng Long con bà Bường xóm giữa trộm xôi chuối trong chùa bị vãi Soải phát hiện bắt giữ. Được tin, tôi chạy vô chùa, thấy thằng Long bị mấy người làm công quả trói vào gốc nhãn. Tôi lo quá, cố nghĩ cách để giải cứu cho nó. Nhưng vừa nghĩ thì đã thấy sư thầy từ trong chùa đi ra nói với mọi người:

- Thôi giữ nó đủ rồi… Đói lòng nó trót ăn đĩa xôi, nải chuối thì thôi… Của chùa Đức Phật xá tội! Thả nó ra kẻo bố mẹ nó ở nhà mong… Thật khổ cho thằng Long! Tôi nghĩ nó có được ăn uống gì. Thương tình sư thầy bảo mọi người, xem ở ban Mẫu còn chút gì xin cho nó ăn đỡ đói lòng trước khi về nhà…

Thời gian cứ trôi chảy vô thường. Tôi đã chứng trải bao nhiêu là chuyện, nhưng chuyện tôi và thằng Long vào chùa Kim Liên ăn trộm xôi chuối thì tôi không thể nào quên được. Đó là ký ức tuổi thơ tôi thời tiểu học ở trường làng.

***

Không biết có phải vì sự vi diệu của đĩa xôi nhà chùa năm ấy, mà tôi đã vượt qua những ngày đói quay quắt, vượt qua thời tiểu học nhanh chóng, rồi tiếp tục học lên cấp hai, cấp ba. Học trong nghèo khó và bom đạn giặc. Trong chiến tranh, tôi cùng với thế hệ trẻ cả nước lên đường ra trận chống Mỹ. Bao người bạn tôi đã ngã xuống mãi mãi tuổi hai mươi như thời của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, rồi cả thằng Long bạn tôi cũng đã ngã xuống ở chiến trường. Tôi may mắn xuất ngũ trở về trong khi đất nước toàn thắng yên bình và vào đại học.

Rồi cuộc đời lại đưa đẩy tôi một thời ở nước ngoài, để rồi đến nay tôi trở về mảnh đất quê hương. Cuộc trở về này, tôi không có duyên phận ở các tỉnh phía Bắc, nơi tôi đã ra đi từ làng Đại, ở đó có ngôi chùa làng Kim Liên đầy ắp những kỷ niệm thời ấu thơ…

Sự trở về lần này vì công việc làm ăn, tôi đã bàn với gia đình vợ con định cư ở một tỉnh miền Trung Nam Bộ, nơi quê ngoại. Ra đi vốn liếng chẳng nhiều nhặn gì, và bây giờ trở về dẫu là một chủ doanh nghiệp, nhưng vốn đầu tư đâu có to tát. Nhiều lúc tôi nghĩ, mình chẳng làm được việc gì gọi là lớn lao cho đời. Nhưng có một việc nhỏ tôi nghĩ cũng ít ai làm được như tôi. Đó là việc tôi hay cho những người thiếu đói và kẻ ăn mày tiền gạo… Tôi làm điều này thật tự nhiên thôi, chứ không hề ra vẻ phô trương ngã chấp. Và tôi dám chắc là, không một người thiếu đói, hay ăn xin nào vào cửa nhà tôi mà phải ra không. Biết chuyện này, không ít người xì xèo dè bỉu, cho tôi là người thế nọ thế kia. "Gớm, như nhà doanh nghiệp cỡ lớn!". Có lần vợ tôi cằn nhằn: "Ai cũng cho…bây giờ khối người giàu vẫn giả đi ăn xin đấy!". Thấy vậy, tôi nói với vợ: - "Thế cô có biết ăn mày là ai không?" Vợ tôi khựng lại giây lát rồi nói xẵng: "Ăn mày là ăn mày, chứ còn là cái gì nữa mà phải chữ với chả nghĩa!"… Thấy vậy, tôi chỉ vào ngực mình nói với vợ: "Ăn mày là ta đây này… đói cơm rách áo hóa ra ăn mày! Người xưa nói thế đấy! Cô có cái Tâm đâu mà hiểu được ngọn ngành". Nghe xong, vợ tôi nguýt dài một cái có vẻ giận dỗi!... Tôi biết mình cũng hơi quá lời. Nhưng lại nghĩ vợ tôi làm sao mà biết được chuyện xưa kia của tôi đã từng đói quay quắt hơn cả người ăn mày! Khi ấy tôi đã ăn hết cả phần xôi chuối của thằng Long lấy trộm của nhà chùa…và hôm ấy, thằng Long bị giữ ở chùa Kim Liên… Đúng là chuyện xưa cũ rồi! Nhưng chuyện tôi đã ăn ngấu nghiến cả đĩa xôi trộm được hôm ấy ở chùa Kim Liên thì có lẽ chẳng bao giờ cũ.

Trong chiều vắng, tiếng chuông chùa lại ngân vang như thôi thúc từ sâu thẳm nỗi lòng tôi đối với quê hương đất mẹ. Thấy tôi ngơ ngẩn chìm vào ký ức một thời!, thằng Cường như hiểu được tâm trạng của tôi, nói người lái xe đi chậm lại! Ôi, cái làng quê lưu giữ núm ruột của tôi, một vùng đất bãi phù sa bao đời vẫn mát xanh dịu ngọt hoa trái. Xa xa kia là dòng sông Giàn như dải lụa xanh mềm uốn quanh xóm mạc giữ hồn vía quê hương! Dòng sông ấy, vừa là tên con sông, vừa là tên của phiên chợ Giàn tháng họp đôi lần. Phiên chợ Giàn ngày hai sáu tết (tức là phiên cuối cùng giáp tết) nó quan trọng đến nỗi, người dân trong vùng quê tôi thường ví von: "Bỏ con bỏ cháu, không ai bỏ hai sáu chợ Giàn!" Phiên chợ Giàn cuối năm tôi từng theo mẹ đi sắm tết. Đến chợ phải qua ngôi chùa Kim Liên... Còn đây những cây nhãn già, cây si, cây thị vẫn in dấu tháng năm thân xù xì mốc thếch! Nhưng cứ đến độ xuân về lại bừng nở hoa.

Nói đến con sông Giàn, chùa Kim Liên, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, nhiều lúc con tim tưởng như đập sai nhịp. Bởi ở đó tôi đã được sinh ra đi học, đất đình làng và ngôi chùa cổ đã chở che tôi. Ở đó tôi đã có một tuổi thơ đầy gian khó nhưng nồng nàn ký ức. Trong ý niệm tâm linh sâu lắng, dường như ở đó tôi đã từng được Đức Phật bao dung gia trì với tấm lòng từ bi rộng mở…

Đến cổng chùa Kim Liên, Cường bảo tài xế dừng lại. Tôi lặng lẽ vào chùa thắp nén tâm hương, cúi lạy sám hối trước Tam bảo. Trong hương trầm tĩnh lặng, tôi không quên nhắc tên Long người bạn cũ của tôi một thời lầm lỗi. Trải lòng mình trước Tam bảo, tôi lễ bái rất lâu mà lòng vẫn coi như chưa đủ, còn thấy khiếm khuyết điều gì… Phút quay ra, vừa rảo gót đến hiên chùa, tôi bỗng gặp sư thầy năm xưa, thầy vẫn mặc chiếc áo cà sa màu nâu đất bãi. Tay sư thầy run run chống cây gậy trúc từ vườn nhãn chậm rãi bước ra. Mặc dù sau gần năm mươi năm, sư thầy đã già đi nhiều lắm, nhưng tôi vẫn nhận ra nét thuần thành nơi pháp thân của thầy. Tôi chạy ào tới quỳ xuống đón lạy:

- Bạch thầy! Con về thăm quê, thăm sư thầy ạ! Sư thầy dừng bước, miệng niệm danh hiệu Phật, mắt nhìn tôi hồi lâu rồi bỗng điềm tĩnh thuần hậu:

- Cậu Long hả? Khác xưa nhiều lắm nhỉ? Mấy bữa nay làm gì, ở đâu? Cậu giận dỗi gì quê nghèo mà cả ngần ấy năm bây giờ mới về quê hả?...

Nói rồi sư thầy kéo tôi ngồi xuống bên gốc nhãn cổ thụ xưa. Sư thầy ngồi im lặng lâu lắm! Dường như hồi suy lại ký ức về lũ học trò nghịch như quỷ sứ chúng tôi, rồi thầy cứ gọi tôi là Long chứ đâu có biết tên thật của tôi. Nhưng dẫu sao trong ánh mắt của thầy, tôi và Long - người bạn cũ đã đi xa - chỉ là một. Với cánh tay run rẩy đưa lên, bỏ miếng bã trầu nhai bỏm bẻm trong miệng, sư thầy nhìn tôi nhân hậu. Tôi lặng lẽ nhìn gương mặt hiền như Bụt của sư thầy như nhìn vào một tấm gương sạch bụi của trần thế. Tôi nghĩ sư thầy như một báu vật của Đức Từ Phụ đang hành đạo giữa thế gian này. Sự có mặt của sư thầy như làm vơi đi nỗi khổ trầm luân của kiếp người!

Với những mặc cảm tội lỗi, phải lâu lắm tôi mới dám thưa chuyện và hỏi sư thầy:

- Dạ, thầy còn nhớ chuyện hồi xưa, bọn con đã làm điều vô lễ nơi nhà chùa không?

Nghĩ giây lát, sư thầy mỉm cười:

- À chuyện cậu Long trộm xôi chuối phải không?...

Không giấu được xúc động, tôi bạch sư thầy:

- Dạ, Long hy sinh ở chiến trường Đông Nam Bộ rồi thầy ạ!...

- Thôi mà, chuyện xưa rồi con nhắc lại làm gì! Đức Phật sẽ xá tội cho lũ trẻ các con mà. Chuyện này ta biết cả rồi!

Vâng, đúng như lời sư thầy: Tôi nhắm mắt nhớ người bạn cũ, lòng hướng về cõi Phật! Lời sư thầy vẫn còn vẳng bên tai tôi:

- Con đã biết sợ... biết xấu hổ! Và đã vô chùa sám hối! Đấy là giải thoát rồi… Cõi Phật tịnh độ chẳng ở đâu xa… ngay giữa lòng mình mà con.

Tôi đã ngộ ra câu nói ấy của sư thầy. Và bỗng thấy mùa xuân đang hiện hữu trở về trên đất mẹ quê hương sau những ngày xa xứ. Mùa xuân lại về sau những ngày đông giá lạnh. Bây giờ tôi mới thực sự cảm nhận trọn vẹn được hơi ấm nồng nàn của mùa xuân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự thống nhất sẽ mời các bên liên quan từng sự việc để trao đổi

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày