Năm Canh Dần, coi chừng con cọp!

Giữa năm 1999, Zơ Râm Mạnh người huyện Nam Giang (Quảng Nam) bị cọp xơi mất... một nửa con bò. Anh quyết “chơi” ông ba mươi, bèn đào một cái hố, đặt bẫy thò và lấy một cục thịt bò để nhử.

Con cọp cầm tinh tuổi Dần, là chi đứng thứ ba trong 12 chi tính theo âm lịch. Trong tiếng Việt, cọp được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Ở phía Bắc, bà con gọi là hổ theo phiên âm Việt Hán; ở phía Nam bà con gọi là cọp. Ngoài ra, cọp còn được gọi bằng nhiều tên khác. Người Nghệ An gọi cọp là ông khải; người Quảng Nam gọi cọp là ông hùm. Cư dân các tỉnh miền núi thì gọi cọp là ông thầy hay ông ba mươi. Đêm 30 âm lịch, trời tối thui. Cọp lợi dụng trời tối, thường mò vào các làng xóm ven núi rừng bắt bò, bắt heo ăn thịt. Như vậy, cọp là động vật có tên gọi phong phú hơn các động vật khác.

Canh Dần, tức là... coi chừng con cọp! Ảnh: ST

Cọp thuộc họ mèo, chuyên ăn thịt sống nên hai chi trước và cơ hàm rất khỏe. Cọp không bao giờ mặc đẹp nhưng lại thích ăn ngon, thường chỉ dùng phần thịt của các con mồi bắt được. Phần xương và các thứ linh tinh khác cọp dành cho mấy chú nhóc chó rừng, linh cẩu. Đó là phong cách của một động vật quân tử.

Ngày xưa, con người sợ cọp. Thành ngữ có câu “Cọp Khánh Hòa; ma Bình Thuận” để chỉ con đường đáng sợ khi đi qua miền Nam Trung bộ. Trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam đoan quyết rằng ngày trước, cọp ở U Minh còn khá nhiều. Nay thì tôi đi khắp U Minh Hạ và U Minh Thượng, tìm một sợi lông cọp làm thuốc cũng không có!

Bây giờ, cọp lại sợ người. Bằng chứng là năm 2009 vừa qua, có mấy vụ cọp bị người... ướp lạnh, chở đi ra tận phía Bắc bán để nấu cao hổ cốt. Chính vì vậy, cọp sống bỏ trốn đâu đó sang tận rừng núi các nước bạn hết ráo.

Cách đây trên 10 năm, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế viện trợ cho ngành kiểm lâm Quảng Nam 30 ngàn đô-la Mỹ để ngành tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ cọp. Kiểm lâm Quảng Nam làm việc này khá tốt nhưng rồi lại xảy ra vụ án ông ba mươi.

Giữa năm 1999, Zơ Râm Mạnh người huyện Nam Giang (Quảng Nam) bị cọp xơi mất... một nửa con bò. Anh quyết “chơi” ông ba mươi, bèn đào một cái hố, đặt bẫy thò và lấy một cục thịt bò để nhử. Quả nhiên, ông ba mươi dính chân trước vào bẫy. Zơ Râm Mạnh lấy lao đâm, ông càng vùng vằng dữ tợn hơn. Túng thế, anh lấy súng ra “phàn”, thế là ông tử vong. Anh bị truy tố về cả hai tội sử dụng trái phép vũ khí và vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.

Tháng 11-1999, Zơ Râm Mạnh ra trước Tòa án nhân dân Quảng Nam cùng với vợ và ba đứa con. Hôm đó, lũ lụt tràn ngập tòa án. Zơ Râm Mạnh nói với ông tòa: “Mình đi 200 cây số mới xuống được đây. Tòa không xử, sau này kêu mình nữa, mình không xuống đâu. Tòa bỏ tù mình thì bỏ tù luôn cả vợ con mình đi”. Tòa... sợ quá, phải xử!

Phiên xử diễn ra trong... nước lụt. Tòa co giò ngồi trên ghế; Zơ Râm Mạnh cũng được đứng trên ghế khai báo trong khi vành móng ngựa trôi lềnh bềnh. Tòa nhất trí với Viện Kiểm sát, “bớt” cho Zơ Râm Mạnh tội vi phạm các quy định bảo vệ rừng vì xét ra anh không biết “sách đỏ” là gì. Tòa chỉ phạt Zơ Râm Mạnh 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội sử dụng trái phép vũ khí. Tòa còn tặng cho Zơ Râm Mạnh một ít tiền để trở lại Nam Giang và dặn Zơ Râm Mạnh nói với bà con đừng nên bẫy cọp nữa. Trở lại Nam Giang, anh vui vẻ nói: “Mình khuyên bà con đừng đặt bẫy chơi ông ba mươi. Làm như vậy là trật”.

Năm nay là năm Canh Dần, tức là năm... coi chừng con cọp. Bà con các tỉnh miền núi nên chăm sóc đàn bò, đừng cho cọp vồ bất tử và cũng nên giúp ngành kiểm lâm phát hiện những tay săn bắn cọp, để bảo vệ loài thú quý hiếm này. Bà con có quyền vào Sở thú hay các nơi vui chơi coi cọp nhưng đừng chọc tức nó. Những ai nuôi cọp làm kiểng nên nhớ làm chuồng trại chắc ăn, đừng để nó nhảy ra vồ người. Nói chung là ta vừa đề phòng cọp, vừa bảo vệ cọp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày