Ngài Tam Tạng thứ 12 giảng pháp tại chùa Hoằng Pháp

GNO - Chiều qua, 25-1, chư Tăng và Phật tử chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) đã trang nghiêm cung đón ngài Tam Tạng thứ 12 - HT.Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa đến từ Myanmar viếng thăm và giảng pháp.

hp 1.jpg


Cung nghinh ngài Tam Tạng pháp sư thứ 12 quang lâm chùa Hoằng Pháp

Sau khi thăm Thượng tọa trụ trì Thích Chân Tính, ngài pháp sư đã có một thời pháp ngắn gởi đến đại chúng tại giảng đường chính chùa Hoằng Pháp.

Trước khi thời pháp được diễn ra, Sư cô Thích nữ Diệu Hiếu, du học sinh học vị Tiến sĩ tại Yangon đã trình bày sơ lược về kỳ thi Tam Tạng pháp sư của Myanmar và tiểu sử ngài Đại Trưởng lão Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa. Tiếp đó, sư Hộ Giới đã thông dịch những pháp ngữ của ngài Tam Tạng pháp sư.

Pháp sư rất xúc động và hoan hỷ trước tình cảm của chư Tăng và Phật tử chùa Hoằng Pháp. Ngài trình bày sơ lược về những khó khăn và những điểm kỳ đặc của cuộc thi Tam Tạng pháp sư. Đây là cuộc thi được tổ chức dài ngày nhất và chất lượng kỳ thi này được thế giới công nhận.

Để có được danh hiệu Tam Tạng pháp sư phải hội đủ nhiều yếu tố: sức khỏe, trí tuệ, sự tinh tấn và nhiều pháp hành Ba-la-mật khác, phải trải qua ít nhất là 10 kỳ thi, thuộc lòng và thông hiểu giáo pháp một cách chắc chắn và hoàn hảo.

Tiếp đến, ngài đã có những lời sách tấn tu tập cho Phật tử. Ngài nói, trên cuộc đời, chúng ta có nhiều hạnh phúc: hạnh phúc về con cái, tiền bạc, hạnh phúc về công việc làm ăn sinh sống, về sự hưởng thụ ngũ dục của thế gian. Thế nhưng, sự hạnh phúc đó không bền vững và đem lại nhiều bất an, lo lắng, buồn rầu, đau khổ cho ta. Chỉ có niềm vui trong Chánh pháp mới đem lại hạnh phúc thật sự cho con người.

Ngày xưa ông Mahanama hỏi Đức Phật làm sao để có được hạnh phúc trong đời sống của người cư sĩ. Phật dạy rằng phải thường nhớ nghĩ đến sáu điều (lục niệm): niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiện. Người nào thường xuyên nhớ nghĩ và quán tưởng đến sáu điều này chắc chắn sẽ có được an lạc hạnh phúc.

"Người tu niệm Phật thì phải biết niệm “tánh đức” của Đức Phật, phải hoan hỷ với những đức tánh cao quý của Đức Phật mà mình ưa thích. Người nào thường nhớ nghĩ đến Phật sẽ không bị tham, sân, si chi phối. Chúng ta thực hành việc niệm Phật trong mọi oai nghi, mọi không gian và thời gian thì sẽ được an lạc giải thoát trong hiện tại và hướng đến Cực Lạc, Niết-bàn...", ngài Pháp sư nói.

hp 2.jpg
Hàng ngàn Phật tử tới chùa để cung đón và
nghe ngài Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa giảng pháp

hp 3.jpg
TT.Thích Chân Tình tặng quà tới ngài pháp sư và đoàn chư Tăng Myanmar

hp 5.jpg
Tại giảng đường chính của chùa, ngài Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa
đã có thời pháp ngắn, khuyến tấn Phật tử tu học

hp 6.jpg
Người tu niệm Phật thì phải biết niệm “tánh đức” của Đức Phật, ngài nhắc hành giả tu Tịnh độ

hp 4.jpg
Phật tử bên trong hội trường

hp 7.jpg
Và bên ngoài sân chùa theo dõi lời pháp của ngài Tam Tạng pháp sư thứ 12

Myanmar có 13 Đại Trưởng lão Tam Tạng pháp sư

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài đã để lại một gia tài pháp bảo to lớn được các bậc Thánh đệ tử ghi lại trong Tam tạng Thánh điển gồm Kinh, Luật, Luận. Ban đầu những Thánh giáo được hàng đệ tử truyền miệng với nhau mà không qua ghi chép, truyền thống này được gìn giữ và phát huy lâu dài. Những bậc có thể nhớ hết Tam tạng bằng tiếng Pali được tôn xưng là “Đại Trưởng lão Tam Tạng pháp sư”.

Trải qua 66 kỳ thi Tam Tạng (1949 - 2015), đất nước Myanmar hiện có 13 vị Tam Tạng thuộc lòng và thấu suốt Kinh - Luật - Luận. Ngài Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa là vị thứ 12 đạt được danh hiệu cao quý này.

hp 8.jpg
Ảnh: Hoài Nam

Được biết, Tam Tạng pháp sư Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa (ảnh) được sanh trong một gia đình Phật giáo tại Sagaing (Myanmar), năm 11 tuổi ngài thọ giới Sa-di và học Phật pháp tại một tu viện địa phương. Sau đó, ngài học tập tại Phật học viện với các bậc trưởng lão uyên thâm Phật pháp.

Năm 20 tuổi ngài thọ Đại giới Tỳ-kheo. Kể từ đó ngài không ngừng hành trì pháp học và đạt được nhiều văn bằng Phật học cũng những danh hiệu cao quý do chính phủ Myanmar và Hội Truyền bá Pháp tạng Nikaya trao tặng.

Hiện tại ngài đang giảng dạy lớp đào tạo chư Tăng và tự viện của ngài nổi tiếng là “nơi đào tạo Tăng tài” với nhiều sư uyên thâm về pháp học. Những hoạt động về từ thiện và hoằng pháp của pháp sư đã đem lại sự an lạc hạnh phúc cho nhiều người.

Từ 22 tới 27-1, ngài Tam Tạng pháp sư thứ 12 thăm viếng và có nhiều hoạt động tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày