Nghệ An: Chùa Yên Thái và An Thái vào danh mục di tích

GNO - Tháng 10-2014, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An đã tiến hành công tác kiểm kê khoa học tại các di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Theo kết quả kiểm kê, chùa Yên Thái (Sơn Hải), chùa An Thái (Quỳnh Long) đã được đưa vào danh mục di tích cấp tỉnh theo quyết định số 1017/QĐ-UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An.

1 yen thai 1.jpg


Tượng Hộ Pháp bằng đá tại chùa Yên Thái

Chùa Yên Thái được xây dựng vào thời Lý (1009-1025), có lối kiến trúc cổ mái ngói cong, 2 tầng 8 mái, chùa thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Quan Âm, Địa Tạng. Hiện nay tại chùa còn lưu giữ một tượng Hộ Pháp cổ làm bằng đá xanh nguyên khối có chiều cao 1,2m, 1 khánh đá có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI – XIV), hai tượng Bổn Sư, một tượng Di Lặc và một cụ rùa làm bằng đá nguyên khối, trên lưng cõng  một tấm bia đá… Tất cả những hiện vật đều có giá trị, là một trong những yếu tố giúp chùa sau này có thể được xếp hạng di tích.

Chùa  An Thái  có từ lâu đời và đến thời Trần Minh Tông (1324 -1329) được tu sửa với quy mô lớn. Về học thuyết âm dương, thì ngôi chùa tọa lạc ở giữa thế “tứ linh hội chầu”. Chùa .còn lưu giữ được ba pho tượng cổ mang phong cách thời Hậu Lê, đó là pho tượng Phật Thích Ca và hai pho tượng Văn Thù, Phổ Hiền, có một bệ sen cổ có niên đại từ thế kỷ VI (thời Đường thuộc) được chế tác hoàn toàn bằng gạch đất nung, chạm khắc tinh tế, có trọng lượng khoảng 20kg và một cụ rùa đá trên lưng cõng một tấm bia đá.  

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được giếng cổ linh thiêng, dưới đáy giếng cổ có gỗ ván chữ thập, khắc chữ: “Thiên Thành Giáp Tý niên khai thiên tạo tỉnh”, cho thấy giếng được đào vào năm 1024 triều đại vua Lý Thái Tổ, niên hiệu Thiên Thành. Điều kỳ lạ, là long mạch của giếng có nước quanh năm không bao giờ cạn, có màu xanh ngọc bích.

1 yen thai 2.jpg


Cụ rùa bằng đá cõng trên lưng tấm bia đá tại chùa An Thái

1 yen thai 3.jpg


Đại hùng bảo điện chùa An Thái

Nhiều người cho rằng tại chùa Yên Thái và An Thái, mỗi chùa có một cụ rùa đều cõng trên lưng tấm bia là môt cặp. Tuy nhiên, cụ rùa ở chùa An Thái có kích thước lớn hơn so với chùa Yên Thái, người dân hai xã Sơn Hải và Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vẫn luôn trân trọng, bày tỏ lòng tín ngưỡng với hai cụ  rùa đá.

Hiện hai ngôi chùa này  đều có nhiều hiện vật gốc quý hiếm, có giá trị nổi bật về mặt tâm linh. Sau khi tiến hành kiểm kê khoa học và thu thập đầy đủ dữ liệu, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An đã đưa chùa Yên Thái và An Thái vào danh mục di tích cấp tỉnh để có phương án bảo tồn, phát huy giá trị, làm căn cứ cho việc phục hồi và xếp hạng di tích sau này.

Hữu Tình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày