GN - Sau tập Việt sử thi ấn hành hai năm trước (như một diễn ca về lịch sử Việt Nam), năm nay tập Truyện ngắn Phật giáo của Thượng tọa Thích Đức Trí được ra đời sau nhiều ngày tháng bỏ công sưu tầm-chọn lọc.
Bìa sách "Truyện cổ Phật giáo" - Sách do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2014
Một trăm câu chuyện (được chọn-trích từ rất nhiều kinh sách Phật giáo như Kinh Pháp Bảo Tạng, Kinh A Nan vấn Phật kiết hung, Kinh Bảo thập dị, Thiết kiều lập, Sa-di luật giải, Mục Liên sám pháp, Pháp uyển châu lân, Tam bảo ký và nhiều kinh sách khác…) bao gồm nhiều nội dung của những sự việc đã xảy ra ở nhiều quốc độ như Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam. Những câu chuyện ấy, có chuyện diễn ra từ 2.500 năm trước, có chuyện từ thời các vua Hùng, có chuyện trong những trăm năm về sau này… Sự sắp xếp các câu chuyện được bố trí có chủ đích, như những chuyện đầu tiên tập trung kể về việc tả kinh, tụng kinh, nghe kinh và những công đức từ những việc làm này, ví dụ như chuyện: Tụng kinh thoát khổ, Tả kinh cứu bạn đồng học, Tụng kinh thoát thân nữ, Tụng kinh cứu dân trong thành…
Những chuyện tiếp theo có nội dung nói về kết quả tốt đẹp của việc thực hiện lòng từ, của việc quy y Tam bảo và vấn đề nhân-quả như những chuyện: Cứu ốc đỗ Trạng nguyên, Ăn lươn bị lươn hại, Cứu vật, vật trả ơn, Nhờ nghe pháp được thân người, Quy y Tam bảo thoát được kiếp lợn…
Trước khi nhắc đến những chuyện ở Ấn Độ và Trung Hoa, thì những chuyện ở Việt Nam được tác giả sắp xếp có chủ ý, như các chuyện về: Thiền sư Phật Quang và Chử Đồng Tử, Chuyện ông Thánh Gióng, Truyền thuyết về Thăng Long, Phật mẫu Man Nương, Ỷ Lan thái phi…
Nhìn chung, những truyện trong tập sách đề cập khá nhiều vấn đề Phật học mà nhìn qua các nhan đề, người đọc có thể hình dung được phần nào nội dung qua những chuyện như: Sự hiến cúng của một người nghèo, Thiếu nữ mê hoặc Tỳ-kheo, Quả báo của một vị thần thông đệ nhất, Sự chứng ngộ của một sát thủ, Cái gì đưa ta lên thiên đường?, Tỳ-kheo sinh tâm đố kỵ chịu quả báo…
Bên dưới mỗi một truyện, còn có Lời bình của tác giả, vừa giúp cho người đọc dễ “tóm tắt” nội dung, vừa để “quảng diễn” ý nghĩa các chuyện ấy. Ví như: “Biết mình có tội, phát tâm sám hối tội liền tiêu. Tội tiêu thì nghiệp chuyển. Vì vậy mà từ thân làm thú có thể trở thành người” (Nghe kinh thoát khỏi thân chim); hoặc như: “Chính sự thật này đã giúp cho dân tộc ta yên tâm có những thiên thần luôn luôn phò hộ cho chúng ta mỗi khi có giặc xâm lăng đến. Vì vậy, việc bảo tồn nền văn hóa tâm linh là một phần trọng yếu của tất cả chúng ta” (Truyền thuyết về Thăng Long).
Những mẩu chuyện trong tập sách này, khi sưu tầm-tuyển chọn, có lẽ tác giả không có mục đích nào khác hơn là mong muốn để cho hàng hậu học biết thêm và củng cố niềm tin vào con đường tu-học vốn dằng dặc gian khó mà chỉ có sự nỗ lực không ngừng và niềm tin vững bền mới có thể làm chỗ dựa để không ngừng từng bước tiến tu. Và, có lẽ một mong muốn khác nữa của tác giả là, để có được cuộc sống an vui, con người cần tiến đến cái nhìn triết học rằng, vũ trụ là một sự thống nhất, thế giới không có bắt đầu và kết thúc… Trong ý nghĩa ấy, cần hạn chế sự can thiệp của bản ngã trong phương pháp tư duy và cố gắng không để cho các định kiến, niềm tin mù lòa và những lợi ích riêng làm ảnh hưởng đến nhận thức và việc làm…
Giờ đây, có thể hy vọng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của sự quay tìm bản thiện. Đông-Tây đang bắt đầu tìm đến với nhau trong một tiến trình hội ngộ đang diễn ra. Dài hay ngắn, lâu hay mau, tất cả tùy thuộc vào điều kiện nền tảng nhất: Tâm Lành-Ý Sáng.