Nghe mùi Tết tỏa ra từ bàn phím

GNO - Sáng, trên tường nhà cô “treo” thông báo: “Hải đường nở rồi, có ai đó cùng bồi hồi không” - đọc xong, ngó vội vào tấm ảnh mà thấy lòng nao nao. Cái màu đỏ thẩm, hồng thắm, nhị vàng, lộng lẫy của hải đường thật làm cho người ta khó cưỡng lại.

Xuan.1.jpg

Hoa hải đường đã nở trên “tường nhà” cô An Vy - Ảnh do cô An Vy chụp

Chỉ cần lên mạng hoặc dạo một vòng trên tường Facebook của các bạn thân quen, đâu đâu cũng nhìn thấy những chia sẻ, cập nhật hình ảnh về Tết, những bài nhạc ngày xuân, đặc biệt nhất là hàng loạt các chương trình từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo ăn Tết. Xuân vẫn chưa về nhưng mùi Tết đã bắt đầu tỏa ra từ… bàn phím.

Loài hoa này rất đặc biệt, chỉ nở rộ vào dịp xuân về. Khi mà cái lạnh của mùa đông đi qua, những ánh nắng ấm đầu xuân bắt đầu ùa về cũng là lúc hải đường khoe sắc. Thế nên, khi thấy hải đường nở, cũng có nghĩa là Tết đã gần về, xuân đã gần đến.

Lạn qua Facebook của bạn, thấy bạn “tag” vài tấm hình ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thu hoạch củ hành tím, thương lái thu mua cân hối hả. Đọc chú thích ngắn gọn: “Mùa hành trụi lá”, chỉ bốn chữ thôi nhưng đã gợi cho ta biết bao điều.

Nhớ năm rồi, có dịp về Sóc Trăng vào dịp cuối năm, cũng vào khoảng độ này, nhìn bà con thu hoạch hành, bán cho thương lái cầm tiền trên tay, ai cũng hạnh phúc, nụ cười luôn nở trên môi mà mình vui lây. Những đứa trẻ đi lặt củ hành thuê thì lăng xăng cầm tiền chạy đi khoe với mẹ, để mẹ dẫn đi mua áo mới. Ở vùng đất này, chỉ khi thu hoạch hành bán Tết thì bà con mới có tiền đi sắm sửa áo quần, thực phẩm, trang trí nhà cửa. “Thấy hành trụi lá là thầy tiền gần có, lúc đó thấy xuân về rồi đó”, lời một bác nông dân nói với tôi, tôi vẫn còn nhớ từng chữ một.

“Chỉ khi nào xuân sắp về, Tết sắp đến thì bà con mới thu hoạch hành nhiều như vậy. Xem hình mà nhớ lại, những ngày giáp Tết năm ngoái, mình cùng mẹ lên tận chợ đầu mối để mua củ hành tím tươi nhất (mới thu hoạch) về làm hành phi, ngâm dấm đường, làm dưa món. Nhìn thấy những tấm hình này là đã thấy Tết sắp về”, lời bạn chia sẻ trên Facebook làm cho không khí xuân thêm rộn ràng.

Rồi vô tình đọc được lời kêu gọi của nhóm, hội, câu lạc bộ nào đó ủng hộ bà con nghèo ăn Tết, thông điệp ngày xuân đang đến là điều ta nhận ra đầu tiên nhưng hằn sâu trong đó, ta hiểu thêm ở một nơi nào đó, bà con nôn nao Tết về nhưng trong nhà vẫn chưa “có gì”.

“Thêm một cái Tết nữa đang đến gần, mỗi chúng ta đều cuộn mình trong những chiếc chăn ấm, những bữa cơm ngon cùng gia đình bè bạn, những chiếc áo mới xinh. Nhưng đối với đồng bào dân tộc xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước một mùa Tết đang tới gần lại mang nhiều nỗi lo bộn bề”, lời kêu gọi của một nhóm thiện nguyện làm cho ta hiểu, các cụ già cần lắm những chiếc áo lành lặn, em thơ cần lắm đôi dép không hở miệng để xuân về thêm ấm.

Bất chợt bắt gặp những bài viết Mẹ mang xuân về của các bạn hay giúp mẹ ngày xuân; nào là phụ mẹ gói bánh tét, bánh chưng, nào là đi chợ Tết, làm mứt cùng mẹ mà cảm xúc dâng trào.

xuan.2.jpg

“Thấy hành trụi lá là thầy tiền gần có, lúc đó thấy xuân về rồi đó”, bác nông dân chia sẻ - Ảnh: Thiên Chương

Bạn Nhật Hoàng kể: “Thú vị nhất là canh nồi bánh chưng đỏ lửa trong bếp. Nhà tôi vẫn còn nấu bếp củi, thành thử mấy chị em tôi giành nhau ngồi quanh bếp lửa hồng phần để trốn cái lạnh đang len lỏi vào da thịt, phần vì háo hức chờ xem thành phẩm của mình sẽ ra lò như thế nào. Chúng tôi ai cũng tự tay làm cho mình một cái bánh chưng nhỏ xíu xiu, hay gọi đùa là “bánh cua” vì nó không được vuông mà méo mó y như yếm con cua vậy. Ngồi nghe tiếng nổ lép bép, mấy câu chuyện ma của bà nội làm chúng tôi sợ hét toáng hết cả lên, để rồi một tay bà dìu chúng tôi vào tận giường khi chúng tôi đã ngủ say bởi đâu có ai thức nổi canh nồi bánh chưng đâu”.

Đọc tất cả những chia sẻ của bạn, được bạn gửi tặng bài hát Lắng nghe mùa xuân về, chợt thấy xuân đang đến rất rất gần.

Ta bắt đầu thèm cái cảm giác hạnh phúc khi được rúc đầu vào lòng mẹ, nghe mẹ kể chuyện làng trên xóm dưới và cùng mẹ ngồi canh nồi bánh. Ta nghĩ đến việc đi chợ Tết sẽ mua gì, sẽ tặng quà gì cho mẹ nhân dịp đầu năm mới. Ta cũng bắt đầu bấm đốt ngón tay, nôn nao đếm ngược về Tết xem còn bao nhiêu ngày nữa…

Hạnh Ý

Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày