Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết: Cải lương là bài giảng pháp đẹp nhất

Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết: Cải lương là bài giảng pháp đẹp nhất
Là tiến sĩ cải lương đầu tiên của Việt Nam, chị xem cải lương rất thiêng liêng, là nhân dạng của dân tộc. Tìm đến đạo Phật cũng là cách để giúp chị biết mình, làm cho mình hạnh phúc. Thảnh thơi, mạnh mẽ, trẻ trung, chị lúc nào cũng như đang làm mới chính mình, truyền khí lực cho từng lời hát, và chia sẻ nhiều hơn với mọi người…

Báo chí đang đầy dẫy thông tin tiêu cực về chuyện ứng xử giữa con người với con người. Là một nghệ sĩ quan tâm đến thời cuộc, chị có thấy bức xúc về một bức tranh xã hội nhiều màu tối?

Thực ra trước khi đi học ở Anh, tôi cũng bức xúc vậy đó. Mới đó mà đã 14 năm, thời gian trôi quá nhanh! Nên tôi hiểu rằng không thể để lỡ dù chỉ một ngày sống. Trước đây tôi cứ suốt ngày hỏi tại sao, tại sao, tại sao... Nhưng sống không phải là ngồi đó để hỏi. May mắn tôi được đi đây đi đó nhiều, có cái nhìn toàn cầu, đánh giá nhìn nhận mọi việc bình tĩnh hơn, hiểu được bản chất của mỗi vấn đề, bản chất của cuộc sống, của con người, nên bớt bị sốc. Những vấn đề tiêu cực trong đời sống, văn hoá hôm nay gắn chặt với những biến động kinh tế, xã hội. Hồi xưa, một nước lớn có thể “ăn hiếp” một nước nhỏ vì thiếu thông tin, nhưng bây giờ một đứa trẻ có thể gửi thư cho tổng thống. Đời sống đã bình đẳng hơn, người ta không lẻ loi nữa. Còn nếu ai lẻ loi thì trước tiên do tự thân họ không muốn la lên. Vì ích kỷ mà la lên sẽ bị phản đối, nhưng nếu vì cái chung, bạn sẽ được ủng hộ ngay. Vấn đề là ở cách thức, động cơ, để sự kêu gọi, thông báo đó không làm cho vết thương cuộc sống lớn hơn, mà chỉ làm đẹp hơn cuộc sống.

Nhiều người thắc mắc là chị nghiên cứu về cải lương, không biết sang bên Anh học được gì?

Luận văn tiến sĩ cải lương của tôi là “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á”. Thực ra cải lương là văn hoá. Nhờ hoạt động trong lĩnh vực này, tôi có cái nhìn cận cảnh. Nhưng khi lùi ra xa, nhìn rộng hơn về văn hoá toàn cầu, mới thấy rõ vấn đề của mỗi quốc gia, giá trị của cải lương, giá trị của công việc mình đang làm. Cũng nhờ những lúc biết tách ra, đứng bên đường như thế, cái nhìn viễn ảnh giúp mình suy nghĩ rộng hơn, bản thân cũng bớt hẹp hòi, tự ti, bớt ích kỷ. Khi dễ cảm thông và tha thứ hơn, người ta có nhiều cách để giải quyết một vấn đề, không bị đóng khung. Cuộc đời giống như những chuyến tàu, học nhiều lĩnh vực khác nhau giúp tôi có nhiều vé cho nhiều chuyến tàu để làm được nhiều chuyện khác nhau. Sống nhiều, tôi mới hiểu muốn hạnh phúc, phải học cách để biết mình, chứ không phải biết người. Khi biết mình, sẽ nhận ra thế giới này.

Vậy theo chị, điều gì là quan trọng nhất, để có thể sống có ích cho mình, cho đời?

Theo tôi, cần ba điều: tri thức, tấm lòng, sự biết ơn. Khi có ba điều đó trong mình, dù bạn hiện diện ở đâu cũng làm xung quanh dễ chịu, ít trằn trọc, ít thương ghét bất thường, ít phàn nàn hơn. Khi thấy đống rác, hãy lặng lẽ thu dọn thay vì cứ ngồi đó mà hỏi tại sao?

Nhưng ba điều chị nói lại là những điều thiếu nhất trong cuộc sống hôm nay!

Điều tôi lo nhất bây giờ là nghệ thuật dân tộc mình đang bị thả lơi, để người khác nhảy vô cắt đặt một văn hoá dân tộc khác. Nô lệ đâu phải chỉ là khi bị xâm lăng, nô lệ trong cái đầu mới đáng sợ.

Có thể một số người chưa biết cách dùng nó, phát triển nó thôi. Sự vô cảm đôi khi đến vì con người không đủ sức lựa chọn thông tin nào là hữu ích, họ bị ngợp, mở mắt mà không thấy. Tuỳ sức, tuỳ hơi, tuỳ tâm tính mà mỗi người đi sâu vào sự việc đó như thế nào, để hình thành nhân sinh quan của mình. Chính vì thế mà tôi không so sánh, không phàn nàn. Tôi thấy những việc cần làm, và rủ những người tương đồng với mình cùng làm, dần dần mọi người cũng nhận ra. Làm đi, làm thật nhiều, hồn nhiên như cỏ cây vậy đó, để nó lớn dần lên…

Những biến cố nào trong cuộc sống đã thay đổi hẳn cách nhìn của chị về cuộc đời?

Khi tôi tám tuổi, mẹ mất vì một tai nạn giao thông thảm khốc, còn quá nhỏ, tôi không hiểu phải sống tiếp như thế nào. Từ từ nỗi mất mát mới thấm dần, tôi biết thế nào là sống mà không có mẹ. Nỗi nhớ mẹ ngày một lớn, tôi nhớ mẹ tôi đi qua những biến cố của cuộc đời chẳng hề than van, sống lặng lẽ, hiền lành, không mất lòng ai, giúp hết mọi người, giúp rồi nín thinh… Từ đó, tôi bật dậy, quyết sống một cách đàng hoàng, tự xây dựng lối đi cho riêng mình… Bất ngờ lúc nào cũng sẵn sàng ập đến khiến mình chao đảo, đừng bao giờ đòi hỏi mọi việc phải ổn định, nếu không, mình sẽ đau khổ hoài. Đời sống là một sự chuyển động không ngừng. Từ đó, tôi dần hiểu, bản chất cuộc sống là sự bất ổn định.

Nhưng cuộc sống công bằng lắm. Nước chảy chỗ trũng, khi mình bị khuyết cái này thì cuộc sống sẽ bù cho cái khác, vấn đề là mình có nhìn ra không. Mười sáu tuổi, tôi tình cờ được số phận sắp đặt để đi vào nghề hát, may mắn được làm đào chánh liền. Con đường nghệ thuật với tôi giống như được dệt gấm thêu hoa, tôi tràn ngập lòng biết ơn và mong muốn được trả ơn cho đời, thậm chí có ai đó làm mình bất hạnh tôi cũng cảm ơn.

Với hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga chị xứng danh là “cải lương chi bảo”, làm thế nào để có thể bộc lộ hết thần hồn của một thái hậu bất khuất?

Sống nhiều, tôi mới hiểu muốn hạnh phúc, phải học cách để biết mình, chứ không phải biết người. Khi biết mình, sẽ nhận ra thế giới này.

Phải có nền tảng thì khí mới thông. Muốn diễn cho ra thần khí của Dương Vân Nga, tôi phải lặn lội ra Bắc mấy lần để nghiên cứu những chi tiết lịch sử, tìm đọc bức thư của nhà Tống gửi Dương Vân Nga, một văn kiện ngoại giao đầy giọng xúc xiểm, miệt thị dân tộc mình, gọi dân mình là “bọn An Nam bay”. Cùng đạo diễn Chi Lăng, chúng tôi đã lắng nghe âm nhạc của vùng đất Hoa Lư, để thiết kế lại toàn bộ phần nhạc của vở. Những hoa văn trên bộ hoàng bào cũng từ hoa văn khắc trong đền thờ vua Đinh – vua Lê. Phải đứng trước ngã ba sông trên đền Thượng đền Hùng, mới cảm được từng lời bài tế của Dương Vân Nga, cảm được “hồn thiêng sông núi đang cuộn khói trầm luân…”. Tôi không coi cải lương chỉ để mua vui, đó là những bài giảng pháp đẹp của dân tộc. Phải tìm đến đời sống thật của dân tộc, mới có thể diễn thành công những vai lịch sử.

Nhìn về thế hệ kế thừa, về tương lai của cải lương, chị lo âu nhiều không?

Mỗi thời kỳ của đất nước, cải lương có cách bày tỏ riêng. Cải lương có thể xuất hiện rất hoành tráng, đường hoàng trong một nhà hát sang trọng, có thể rất giản dị trên một chiếc ghe bầu, hay một bãi cỏ ven sông… mà vẫn lay động lòng người. Cải lương là tiếng nói, là ca kịch của dân tộc, được làm mới hoài, làm sao mất được. Nghiên cứu nghệ thuật truyền thống của các dân tộc khác, mới thấy phải mất 60 – 70 năm mới có vài ba danh tài. Ca kịch càng khó, 30 năm qua rồi chưa có được một người tài sắc vẹn toàn như Thanh Nga. Có thể họ đang đâu đó, nhưng chưa hoàn thiện, chưa thuyết phục được khán giả. Âu cũng là lẽ thường. Nhưng tôi mừng vì cải lương ngày càng thu hút người trí thức, người trẻ, thành đạt. Tôi từng bắt gặp rất nhiều người trẻ vào karaoke hát cải lương. Khi người ta bớt lo cuộc sống, sẽ có thời gian nhiều hơn dành cho cải lương. Để giữ gìn sự sang trọng của cải lương, hồi xưa, mỗi quận đều có một nhà hát. Bây giờ, chỉ còn một nhà hát Trần Hữu Trang, anh em làm nghệ thuật rất thiếu nơi đàng hoàng để trình diễn và học hỏi. Phải an cư mới lạc nghiệp chứ. Con người khi được tắm trong sân khấu dân tộc, sẽ được nuôi dưỡng lòng tự hào, nhân nghĩa, lòng biết ơn, biết cách đối xử với đồng loại… Điều tôi lo nhất bây giờ là nghệ thuật dân tộc mình đang bị thả lơi, để người khác nhảy vô cắt đặt một văn hoá dân tộc khác. Nô lệ đâu phải chỉ là khi bị xâm lăng, nô lệ trong cái đầu mới đáng sợ. Đó là tội của truyền thông.

Từng diễn rất “mùi” với Út Trà Ôn, với Hùng Cường, có bao giờ chị yêu bạn diễn? Trong tình trường, chị đã trải qua nhiều sóng gió?

Tôi biết ơn đoàn hát Thống Nhất, biết ơn Út Trà Ôn, người đưa tôi đến giải Thanh Tâm đầu tiên năm 1963. Là ngôi sao lớn, đệ nhất danh ca, nhưng ông lặng lẽ lùi lại phía sau để lăngxê tôi. Về mặt con người, ông cũng là “đệ nhất” trong tôi. Còn Hùng Cường thì tôi… mê lắm, nhưng vẫn có điểm dừng, vì biết quá nhiều người thương anh ấy, nhưng không thấy ai ở lại lâu. Nhưng yêu là không nghĩ, nghĩ là không yêu. Nhiều người nói tôi lý trí mạnh, tôi nghĩ mình… hèn, sợ khổ quá nên luôn đề phòng trước, giống như con nhím thân quá mềm nên phải có bộ lông cứng… Tôi biết thân mình là con mồ côi, may mắn được chọn làm đào chánh, tôi dồn hết tốc lực học nghề cho rành. Từ nhỏ đến lớn chưa biết xài tiền của ai, tôi hiểu không gì khổ bằng cái nghèo, nên làm được bao nhiêu cũng tích cóp cho anh em hậu đài, nuôi trẻ mồ côi… Khi cuộc đời mình có mục tiêu mạnh mẽ, cái khác cũng nhẹ đi, có lẽ nhờ thế mà tôi chưa đau khổ vì ai. Trong đời tôi có hai người đàn ông, cả hai đều tốt, dù chia tay chúng tôi vẫn coi nhau như bạn bè. Nhưng “bảy mươi chưa biết mình lành”, không nên dễ vui, không nên ngạo mạn… (cười hóm hỉnh).

Người đàn bà sống một mình có khó khăn lắm không, nhất là nghệ sĩ?

Hồi xưa ở với má Bảy Phùng Há, cùng đi hát, cùng làm từ thiện với bà, tôi coi bà là người ngoại hạng, một bà thánh, một người thầy. Có lúc tôi hỏi má sống một mình có cô đơn, có buồn không, má cười: “Con người ai cũng có vui có buồn, nhưng cô đơn hai người còn khổ hơn cô đơn một người. Nỗi buồn đôi khi giúp mình hiểu đời hơn. Nói cho cùng, cô đơn của người nghệ sĩ giúp cho mình sáng tạo nhiều cái mới hơn. Hình như trời đất sinh ra mình để cho mọi người, không phải cho một người con ạ”. Học nghề là một chuyện, học bà mới quý giá hơn nhiều. Sau này, khi diễn một mình vở Hoàng hậu hai vua, tôi mới biết trong nghệ thuật, khi bạn một mình, là có tất cả.

Chị đã cùng thầy Thích Thanh Từ thực hiện DVD trường ca sư tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, kinh Pháp cú, kinh Kim cương… và viết nhiều bài về Phật pháp. Phải chăng con đường tu tập, thiền định giúp chị thảnh thơi vui sống?

Tôi không chuyển thể kinh Phật thành tích truyện cải lương mà trung thành với nguyên tác của kinh luận, khai thác dòng âm nhạc dân tộc, trong đó nghệ thuật ca kịch cải lương làm chủ đạo. Tâm nguyện của tôi là làm thế nào để tinh thần của đạo Phật đi vào công chúng rộng rãi hơn, giúp con người hoà hợp với thiên nhiên, với trời đất, biết yêu thương nhau hơn. Đó chính là tấm lòng biết ơn của tôi với cuộc đời, gửi lại một hạt bụi sạch sẽ, tinh khiết, làm cho cuộc sống tốt hơn… Khi sự nghiệp đạt đến đỉnh cao, để tạo sự thăng bằng cho mình, tôi đã gặp được ánh sáng của Phật giáo. Tôi không xem đó là tín ngưỡng mà là triết học của đời mình. Từ nhỏ, tôi đã đi chùa, tụng kinh hàng ngày với bà nội, nên khi vào thiền mọi thứ đều suôn sẻ. Bí quyết để giữ được thần khí lúc nào cũng sung mãn là tập thiền, ăn rau, biết quan sát cuộc sống và biết thương thân mình. Không thương thân mình, làm sao thương được người khác. Khi bên trong đầy mới có lực, khi có lực thần khí mới xuất hiện. Thần khí mạnh rồi, bạn sẽ không còn sợ hãi, không bất ngờ, có nhiều giải pháp hơn để giải quyết mọi vấn đề. Khi chưa ngộ thì thiên đường cũng thành địa ngục, khi đã ngộ thì địa ngục cũng có gió mát.

Và rồi phép lạ đã đến với chị?

Khi bác sĩ nói tôi không thể có con, tôi đau khổ lắm. Nhưng tôi nghĩ con người sinh ra từ hạt bụi, hạt bụi tích tụ thành khí. Muốn thay đổi khí huyết trong mình phải tạo ra năng lượng mới. Tôi quyết định tự mình sẽ làm phép lạ. Cùng với sự hướng dẫn của một người thầy, tôi bắt đầu nhịn ăn vào đầu xuân, đầu hạ, đầu thu và đầu đông, để thay đổi toàn bộ tế bào cơ thể. Một năm sau tôi có bầu, và sinh một bé trai. Mẹ con tôi luôn xưng hô với nhau là “bạn”. Học kế toán công nghiệp tại Mỹ, nhưng cháu rất mê đàn bầu, trong xe lúc nào cũng có một đĩa tuyển những bài hay nhất của cải lương. Cháu thường khoe với bạn bè nước ngoài rằng đó là “kinh của Việt Nam”…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày