Nghệ sĩ Lê Bình ra đi vẫn để lại tình thương cho đời

GNO - Tối nay, 3-5, gia đình nghệ sĩ Lê Bình đã trao 100 triệu đồng cho các nghệ sĩ nghèo (50 triệu đồng trao cho Hội Sân khấu TP.HCM và 50 triệu đồng trao cho đại diện Viện Dưỡng lão nghệ sĩ) trong niềm xúc động và trước sự chứng kiến của đông đảo nghệ sĩ, người yêu mến ông (ảnh).

gia dinh nghe si le binh.jpg


Ảnh: Hòa Bình/PLO

Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp diễn xuất, tuy phần lớn vai diễn của cố nghệ sĩ là vai phụ nhưng ông vẫn để lại ấn tượng trong lòng khán giả một hình ảnh người đàn ông chất phác, giản dị, luôn hết mình với sự nghiệp.

Nghệ sĩ Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, xuất thân trong một gia đình gốc miền Tây Nam Bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn của nhiều vở kịch.

Trong nghiệp diễn, Lê Bình giành được 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiêp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Dấu ấn cố nghệ sĩ ở hơn 10 vở kịch công diễn tại các sân khấu như Idecaf, 5B, Phú Nhuận… Ông còn được biết đến với vai trò diễn viên trong hơn 60 phim điện ảnh và phim truyền hình và khán giả nhắc nhiều qua các phim: Mùa len trâu, Đất phương Nam, Cô gái xấu xí… Ông tham gia tổng cộng 16 vai diễn trong loạt phim Cổ tích Việt Nam được người xem ở nhiều độ tuổi yêu thích.

Nghệ sĩ Lê Bình đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 1-5 tại khoa ung bướu Bệnh viện 175 TP.HCM, để lại sự tiếc thương cho khán giả và đồng nghiệp. Trước đó, Lê Bình phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn thứ ba từ tháng 8-2018. Ban đầu, nghệ sĩ giấu bệnh vì sợ làm phiền mọi người và vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan để chống chọi bệnh tật. Giữa tháng 3-2019, bệnh tình ông trở nặng, khối u di căn đến tủy khiến phần thân dưới từ thắt lưng trở xuống bị liệt.

Tang lễ ông diễn ra với lễ nhập quan lúc 14 giờ ngày 1-5; viếng tang từ 16 giờ cùng ngày.

le-binh-ai-nhu_ctdm.jpg


Đã phát hiện bệnh nhưng ông luôn lạc quan

Những ngày qua, rất đông nghệ sĩ, khán giả đã đến viếng ông, bày tỏ niềm thương tiếc. Dù đã thực hiện hàng trăm vai diễn nhưng mỗi khi nhắc đến Lê Bình là nhắc đến một nghệ sĩ chuyên trị những vai phụ mang cuộc đời - tính cách nghèo khổ, mộc mạc. NSƯT Mỹ Uyên cho rằng, hầu hết vai diễn của ông dù vai diễn nhỏ hay lớn đều để lại ấn tượng rất sâu đậm.

Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Ái Như chỉ viết vài lời nhưng đầy xúc động: “Giã từ hoa cỏ. Anh đi. Vẫy tay an lạc, niệm A Di Đà”. Còn nhà văn Lê Văn Nghĩa trân trọng gọi Lê Bình là “Nghệ sĩ đích thực”...

Lễ động quan cố nghệ sĩ diễn ra lúc 7 giờ sáng mai, 4-5, sau đó thi hài nghệ sĩ Lê Bình được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM).

Dặn dò trước lúc đi xa

Theo chia sẻ từ người thân của cố nghệ sĩ, trước khi mất, ông đã căn dặn con gái nuôi Khả Hân nhiều điều về hậu sự và những tâm nguyện của mình như cố gắng hoàn chỉnh cuốn hồi ký đã được ông ấp ủ hai năm qua; xuất bản tập truyện ngắn “Vui buồn cùng chú cháu tôi”; sau khi ông mất, số tiền còn lại mà mọi người đóng góp cộng với tất cả tiền phúng điếu trong ngày lễ tang sẽ mang đến Hội nghệ sĩ và những nơi cần sự giúp đỡ để làm từ thiện…

le-binh-hon-me109_fkfb.jpg
Nghệ sĩ Lê Bình

Nghệ sĩ Lê Bình cũng mong ước đưa tro cốt bố mẹ về Đồng Tháp và rải ở quê hương, để cát bụi trở về với cát bụi. Hiện tại tro cốt song thân nghệ sĩ Lê Bình được thờ tại một ngôi chùa nên ông sợ khi mình mất đi, hương khói của ông bà sẽ lạnh lẽo.

Cố nghệ sĩ dặn với các con sau khi hỏa thiêu, mang tro cốt của ông ra biển thả để không làm gánh nặng cho con cháu sau này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày