GNO - Theo lời dạy của Đức Phật, đây là một trong những nghề chánh mạng. Với tôi, người chọn nghề y là người đầy lòng thương người và dũng cảm.
Và tôi nghĩ đến tình thương ấy đầu tiên được nhen nhóm từ lòng thương người thân của mình. Ai chưa một lần ước mình sẽ thành bác sĩ để chữa bệnh cho ba má hay ông bà mình - chỉ vì thấy những người gần gũi mình khổ sở vì bệnh tật mà bản thân không thể giúp được gì?
Từ ước muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho thân nhân, những người vào nghề đã bắt đầu học cách quan tâm, yêu thương bệnh nhân của mình bằng chức nghiệp của ngành, bằng lời thề Hippocrates.
Bé Tiểu Trạch (3 tuổi) đã cúi đầu kỉnh ơn y tá Tào Linh Linh trong ngày ra viện, 22-2, sau khi được theo dõi và âm tính với Covid-19, tại Bệnh viện Trung tâm thành phố Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Hình ảnh này được tờ Thiện Hưng Nhật Báo đăng tải đã gây xúc động không chỉ ở Trung Quốc
Những ngày này, khi dịch Covid-19 đang diễn ra, phức tạp ở tâm dịch Vũ Hán, sau đó lan ra các địa phương, các quốc gia khác, nhiều hình ảnh xúc động về các bác sĩ, nhân viên y tế khoác áo blouse đã được chia sẻ với lòng cảm kích về sự hi sinh, làm tròn trách nhiệm của họ.
Và với những gì các bác sĩ, nhân viên y tế đã làm - sẽ còn làm lâu dài trong đợt dịch lớn - được truyền thông, báo chí, mạng xã hội cập nhật hàng ngày, hàng giờ, đậm nét như hơn một tháng qua, mới thấy hết đây là nghề nguy hiểm. Người chọn nghề chắc chắn là dũng cảm.
Không dũng cảm sao được, khi mà họ thừa biết, nghề đó ngay khi chân ướt chân ráo học nghề đã tiếp xúc với... xác người, với đủ thứ bệnh phẩm, người bệnh, nguồn bệnh. Bất cứ khi nào bác sĩ cũng có thể trở thành bệnh nhân vì chính nguồn lây bệnh ở ngay trong bệnh viện. Thực tế, dịch Covid-19 này, con số thống kê (có thể chưa đầy đủ), là có 3.000 bác sĩ, nhân viên y tế ở Trung Quốc đã bị nhiễm, một số người đã tử vong trong khi tận hiến với nghề, với công tác chống dịch, chữa bệnh cứu người.
Xin cúi đầu tri ân những bác sĩ tuyến đầu của đợt dịch và cả những bác sĩ, nhân viên y tế thầm lặng khác, mỗi ngày vẫn bền bỉ với niềm vui công việc, tận tâm cứu người, làm cho màu áo của mình thêm trắng, sáng.
Chắc chắn, ai rồi cũng sẽ có lần đến bệnh viện, được những người khoác blouse ân cần cứu chữa, hoặc người thân-thương của mình trong trường hợp ấy.
Và ai, rồi cũng sẽ nhớ và xúc động với câu chuyện thuộc loại hạt giống an lành về một bác sĩ đã khéo nhận ra ân nhân của mình năm nào. Khi đó, anh còn là một đứa trẻ nghèo đã được một ông chủ tiệm bánh cho ăn miễn phí, đi qua những ngày đói khổ và vươn lên trong học hành. Anh chọn nghề y. Nhiều năm, vị bác sĩ gặp lại người đàn ông năm xưa ở nơi chẳng ai muốn nằm - bệnh viện - và đã tận tâm cứu chữa cho đến khi ông khỏe hẳn.
Ngày ra viện, ông cụ bất ngờ vì có người thanh toán viện phí (khá cao) cho mình với lời nhắc, năm xưa ông đã trả viện phí bằng những bữa ăn cho cậu bé nghèo...
Câu chuyện có thể thật hoặc chỉ để làm ta lắng lòng, nhưng nó đẹp. Nó làm ta thêm yêu cuộc đời vì lòng biết ơn vẫn hiện diện, dù anh có là ai trong đời này.
Một lần nữa, xin cảm ơn những người đã chọn nghề y, tận hiến với chức nghiệp của mình. Chúc mừng 27-2, đầy trân trọng!
Lưu Đình Long