Nghị lực vượt khó của chàng trai tật nguyền

GN - Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bị tật nguyền ở chân nhưng anh Lê Tiến Vỹ (35 tuổi, trú tại thôn Thi Phương, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã vượt lên số phận, trở thành ông chủ của xưởng điêu khắc Lạc Việt nổi tiếng trên đất Quảng.

ANH TT (4).jpg

Anh Lê Tiến Vỹ bên tác phẩm của mình

Với nghị lực vươn lên không ngừng, bàn tay khéo léo của anh đã tạo ra những sản phẩm chạm trổ trên gỗ rất đẹp, được thị trường ưa chuộng. Năm 2009, trong một lần tham dự triển lãm điêu khắc gỗ ở Hội An, sản phẩm của anh Vỹ được một công ty có tiếng ở Hà Nội mua với giá 80 triệu đồng.

Cầm số tiền đó trong tay, anh quyết định thực hiện ước mơ mà từ lâu mình đã ôm ấp, đó là mở một cơ sở điêu khắc và giải quyết công ăn việc làm cho những thanh niên hư hỏng, thất học, những người có hoàn cảnh bất hạnh như anh.

Là người điêu khắc gỗ có tiếng, đặc biệt hơn anh còn có khả năng cảm hóa những thanh niên hư hỏng trong làng. Tất cả đều được anh thu nạp và truyền nghề. Đến nay, có người ra riêng và mở được cơ sở điêu khắc cho mình. Anh là một tấm gương sáng của vùng đất Điện Bàn. Sản phẩm điêu khắc của anh được rất nhiều người tìm đến đặt hàng, nhiều nhất là những khu du lịch ở miền Trung và Tây Nguyên.

Anh Vỹ tâm sự: “Tôi lớn lên cùng với niềm tủi hổ bởi đôi chân teo tóp, sự chế giễu của bạn bè khiến tôi tự dặn mình phải luôn cố gắng để thành công. Tôi sẽ luôn phấn đấu từng ngày để thành công hơn nữa”.

Hiện tại, anh là ông chủ của cơ sở điêu khắc gỗ nghệ thuật Lạc Việt với 20 thợ và học viên. Hàng năm, xưởng điêu khắc giúp anh thu nhập gần 1 tỷ đồng - số tiền mà cả năm một người bình thường chưa chắc làm được. Còn với anh, đó là cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ. Bởi đây là công việc vừa để anh kiếm thu nhập nuôi sống cả gia đình vừa là nơi để anh thể hiện niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc.

Ở xưởng, anh Vỹ còn giúp những thanh niên hư hỏng, khuyết tật với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Em Lê Văn Xuân (16 tuổi, trú tại Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: “Trước kia, em thường bỏ học, đua đòi lêu lổng nên bố mẹ gửi em vào đây. Được sự chỉ dẫn tận tình của anh Vỹ nên em đã bắt đầu thấy được ý nghĩa của cuộc sống”.

Khi hỏi về dự định trong tương lai, anh Vỹ chia sẻ: “Trong tương lai, tôi dự định sẽ thuê một mặt bằng làm xưởng lớn hơn và quảng bá sản phẩm của mình ra nước ngoài, tạo công ăn việc làm để giúp những hoàn cảnh khó khăn. Đó là ước mơ mà tôi luôn ấp ủ từ lâu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày