Nghi thức thực hiện Lễ Giao thừa tại tư gia

Giác Ngộ - Sách Pháp sự khoa nghi, soạn giả HT.Thích Huyền Quang, có biên soạn chi tiết Nghi thức cúng giao thừa. Trong khuôn khổ tư gia, các Phật tử có thể vận dụng giản lược nghi thức này để làm lễ giao thừa tại gia đình như sau:

Hỏi: Người Phật tử làm lễ giao thừa tại tư gia thì tụng niệm, khấn vái như thế nào? (Sơn Đức, Q.3, TP.HCM)

khannguyen.gif

Ảnh: Khôi Nguyên

Đáp: Bạn Sơn Đức thân mến!

Sách Pháp sự khoa nghi, soạn giả HT.Thích Huyền Quang, có biên soạn chi tiết Nghi thức cúng giao thừa. Trong khuôn khổ tư gia, các Phật tử có thể vận dụng giản lược nghi thức này để làm lễ giao thừa tại gia đình như sau:

Đến phút giao thừa, đốt hương đèn, y phục tề chỉnh, cả gia đình quỳ trước bàn thờ Phật (vị đại diện quỳ trước làm chủ lễ, con cháu tuần tự theo sau).

1-Cúng hương. 

2-Tán Phật.

3-Lễ Phật.

4-Đảnh lễ Tam bảo.

5-Tán hương.

6-Tụng chú Đại bi

(Giống hệt các nghi thức khác trong kinh Nhật tụng).

7-Bạch thỉnh 

Giao thừa Nguyên đán lễ thiêng liêng,

Cung thỉnh mười phương Phật Thánh Hiền,

Duyên giác, Thanh văn cùng liệt Tổ,

Thiên thần Hộ pháp với Long thiên.

Thiêu thân liệt Thánh tử vì đạo,

Dũ ánh uy quang giáng tọa tiền,

Lễ nhạc hương hoa xin cúng dưỡng,

Nguyện cầu giáng phước lễ minh niên.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ tát (3lần)

8- Sám tụng

Đêm nay ngày lành Nguyên đán,

Giờ này phút thiêng giao thừa,

Chúng con:

Tuân lệ cổ tục ngày xưa,

Mở cửa nghinh Xuân tiếp phước.

Truyền thừa di phong thuở trước,

Tâm thành lễ Phật dâng hương.

Cầu minh niên vạn sự cát tường,

Nguyện xuân nhật Tam nguyên như ý!

Cũng trong lễ hôm nay:

Nhớ xưa có Đại sĩ,

Đức Di Lặc hóa sinh,

Huyện Phụng Hóa, Châu Minh,

Thuộc đời Lương, Trung Quốc.

Tin vui của trời đất,

Ân huệ của nhân sinh.

Ngài có một thân hình,

Đầy từ bi hoan hỷ.

Ngài có nhiều thần bí,

Rất khó nghĩ khôn lường.

Và không ít dị thường,

Thật ngờ phàm ngại Thánh.

Người có nhiều kỳ hạnh,

Nói năng không định lời.

Xôn xao trong một thời,

Không ai biết sự thật.

Có người bảo là Phật,

Có kẻ gọi là Thầy,

Đi khất thực đó đây,

Ai cúng gì cũng lấy.

Bị vải treo đầu gậy,

Vật phẩm chứa không đầy,

Có lúc thấy ở đây,

Có khi gặp nơi khác.

Khuyên người chớ làm ác,

Dạy người nên làm lành,

Không ai biết tánh danh,

Gọi Bố Đại Hòa thượng.

Một hôm người dùng trượng,

Tại núi chùa Nhạc Lâm,

Ngồi trên đá định tâm,

Nói bài kệ vắn tắt:

"Rằng Ta chơn Di Lặc

Phân thân ngàn muôn ức,

Thường hiện trước mọi người

Mọi người tự không biết".

Nói xong Ngài nhập diệt,

Diệt Đông lại sanh Tây,

Ứng hóa khắp đó đây,

Vận thần thông diệu dụng.

Và trong một dịp khác,

Trước một số dân chúng,

Ngài tuyên bố như vầy:

"Ta có một vị Thầy (Phật)

Mọi người đều không biết,

Không tô vẽ sơn thếp,

Không một chút thể sắc,

Không chạm trổ điêu khắc,

Không một chút cát bụi,

Sạch sẽ không lau chùi.

Người vẽ vẽ không thành,

Kẻ trộm lấy không được,

Thể tánh vốn tự nhiên.

Tuy là có một thể,

Phân thân ngàn muôn ức".

Ngài sử dụng thần lực,

Hóa hiện khắp nhơn thiên,

Khuyến dạy kẻ hữu duyên,

Dắt dìu người ít phúc.

Xa lánh đời trần tục,

Đưa về cõi Thiên cung.

Hẹn Long Hoa tam hội trùng phùng,

Nguyện Suất Đà nhất sanh thân cận.

Giờ này mọi nhà kính cẩn,

Xưng dương tán lễ Hồng danh,

Đêm nay trăm họ chí thành,

Trân trọng cúng dường vía Thánh.

Trăm hoa hân hạnh,

Mừng hóa Phật giáng sinh;

Muôn vật vươn mình,

Đón xuân thiên khai thái.

Đến đây tất cả chúng con:

Cúi đầu lễ bái,

Cầu gia đình hạnh phúc an khương;

Ngửa mặt dâng hương,

Nguyện nước nhà hòa bình hưng thịnh.

Năm châu an định,

Bốn biển thanh bình,

Tình với vô tình,

Đồng thành Phật đạo.

Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật (10 lần).

9-Xưng tán

Bố Đại Hòa thượng,

Di Lặc hóa thân,

Giao thừa mừng đón lễ Tân Xuân,

Ban phước xuống muôn dân,

Hân hạnh trăm phần,

Mừng rước lễ sanh thần.

Nam mô Từ Thị Di Lặc Phật (3lần).

10-Tụng Tâm kinh và chú Tiêu tai (3 lần)

11-Nguyện an lành

Nguyện ngày an lành, đêm an lành,

Đêm ngày sáu thời thường an lành,

Tất cả các thời đều an lành,

Xin nguyện Phật từ thường gia hộ.

Nam mô Tiêu Tai Giáng Cát Tường Bồ tát (3 lần)

12-Hồi hướng

Vừa rồi bao nhiêu công đức,

Bấy nhiêu hương hoa,

Thành kính thiết tha,

Nguyện xin hiến cúng:

Chư Phật Thánh chúng,

Hộ pháp thiện thần,

Duy nguyện ai lân,

Thùy từ minh chứng.

 13-Phục nguyện

Phật từ cảm ứng,

Pháp lực hiệu linh.

Gia hộ cho chúng con:

Chờ Phật Di Lặc giáng sinh,

Ngõ nghe pháp âm tái chuyển.

Đợi thuở Long Hoa xuất hiện,

Hầu thấy Phật nhựt trùng quang.

Mong thế giới bình an,

Nguyện nhơn sinh hạnh phúc.

Năm mới an khang cung chúc,

Đầu xuân phước thọ chào mừng.

Mạch đạo lưu chuyển không ngừng,

Dòng đời đổi thay chẳng dứt.

Chúng con nguyện:

Tạo thêm công đức,

Tiêu bớt tội khiên,

Phủi sạch não phiền,

Trau dồi trí tuệ.

Học đạo Tứ đế,

Tu hạnh Nhất thừa,

Tinh tấn sớm trưa,

Cầu thành Phật đạo.

14-Xưng tán

Giao thừa Nguyên đán lễ nghiêm trang,

Rước Phật đón xuân lễ đã hoàn,

Công đức vô biên ban tất cả,

Vui mừng chúc tụng khắp nhơn gian.

Nam mô Viên Mãn Tạng Bồ tát (3 lần)

15-Tụng

Nguyện tiêu ba chướng…

Bất thoái Bồ tát là bạn hữu.

16-Tam tự quy

Tự quy y Phật…

Tự quy y Pháp…

Tự quy y Tăng…

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sanh,

Đều trọn thành Phật đạo.

nhankhoi02.jpg

17- Khấn nguyện trước bàn thờ gia tiên

Sau khi lễ Phật cung đón giao thừa xong, toàn thể gia đình đến trước bàn thờ gia tiên khấn nguyện. Soạn mâm cỗ Tết đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết. Đốt đèn, thắp hương và thành kính cầu khấn:

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy Tổ tiên nội, ngoại chư vị tiên linh,

Chúng con gồm: (tên, tuổi, con, cháu…)

Nay phút giao thừa vừa tới, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, chúng con thành tâm, sắm sửa hương hoa phẩm vật, dâng lên tiến cúng Tổ tiên, liệt vị tiền hiền, đốt nén tâm hương, thành tâm kính lễ.

Chúng con kính mời chư vị Tổ tiên nội ngoại gia tộc, liệt vị hương linh, cúi xin giáng về linh sàng thụ hưởng lễ vật.

Cúi xin chư vị phù hộ độ trì cho toàn thể chúng con năm mới tốt lành, sức khỏe dồi dào, tấn tài tấn lộc, vạn sự tốt lành như ý.

Chúng con lễ bạc tâm thành, nhất tâm kính lễ, cúi xin liệt vị phù hộ độ trì (rót trà, lạy 4 lạy).

Chúc các bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày