GN - 1. Mùa Trung thu, những chiếc bánh trung thu trở thành “cầu nối” để người ta ngồi lại với nhau. Ăn bánh - uống trà, là cơ hội để trò chuyện, để giãi bày, hay để ôn lại tình cảm gia đình bị phai lạt ít nhiều do cuộc sống, công việc tất bật, nhiều lo toan, cũng như bị xa ra do công nghệ kỹ thuật, người người sống “ảo” trong những phương tiện được gọi tên là hiện đại.
Do vậy, chiếc bánh trung thu cùng với tách trà ấm là “cái cớ” cho một sự kết nối, truyền thông, để biết đâu, đấy là dịp để những người lang thang sống “ảo” nhận ra giá trị của thấy mặt nhau, nói chuyện qua lại với nhau bằng hình hài thân thương này, từ đó tái lập truyền thông, có mặt cho nhau nhiều hơn bằng những buổi ngồi lại sẻ chia, tháo gỡ chứ không phải là hễ có chuyện gì lại quăng cục buồn, cục tức lên mạng - thành một người chuyên “bán than”, gieo rắc những nỗi buồn!
Ảnh minh họa
2. Chiếc bánh trung thu cũng là món quà thiện nguyện. Khi ấy, mùa Trung thu trở thành dịp để người ta trao tình thương qua các chương trình như Trăng sáng niềm tin, Ấm áp mùa Trung thu, Trăng rằm yêu thương… Tên gọi của hàng loạt chương trình ấy tuy có khác nhau nhưng đều đồng quy ở chỗ: trao tặng niềm tin, xốc xới tình thương, sự sẻ chia trong lòng người, để trong những lao chen bộn bề, nhiều người có cơ hội nhớ tới những thân-phận con người xung quanh mình, còn lắm truân chuyên. Đó, cũng là nhớ rằng, có thể mình nghèo, nhưng chưa phải là người nghèo nhất, hoặc mình khổ đó, thiếu thốn đó nhưng vẫn còn nhiều người khổ hơn mình, họ đang ở đâu đó trên đất nước này hoặc vùng miền xa xôi khác.
Niềm tin được tưới tẩm lên trong mình từ ý niệm đó, để rồi người ta có thể sẽ móc hầu bao đóng góp hoặc sắp xếp thời gian để đến nơi cần đến, trao cho em nhỏ nghèo xác xơ, thiếu ăn, thiếu mặc, chưa từng mơ tới chiếc bánh trung thu chính cái “giấc mơ xa vời” ấy. Nghĩa cử đó như một thứ “thần thông”, như “nước cam lồ” rưới xuống tâm hồn của những trẻ em nghèo tứ xứ, làm bật dậy niềm tin trong các em, rằng, cổ tích đâu phải chỉ là những câu chuyện kể hàng đêm hay trong những bài học khô khan từ trường lớp, hóa ra, trong đời thường, nơi mùa Trung thu về cũng có những “ông Bụt, bà Tiên” mang những món quà tới cho mình…
3. Thế nhưng, đâu đó, chiếc bánh trung thu cũng là cái cớ để… bật dậy cơ hội thăng tiến, để gửi trao một hy vọng khác qua những “đường vòng” lo lót. Khi cuộc sống được định hình bằng cơ chế “bôi trơn” trong mọi con đường đi tới cái đích mang tên “thành đạt” hoặc “địa vị, quyền lợi” thì mùa nào cũng là mùa để người ta “thể hiện tấm lòng”. Những chiếc bánh trung thu giá hàng triệu đồng với nhân bên trong là yến sào, vi cá… chứa đựng trong nó “cơ hội” khác, mà người trao lẫn người nhận đều có những thông điệp riêng, rồi đằng sau bức thông điệp tặng quà ấy chính là những “hợp đồng”, những “ô dù” dối trá. Những chiếc bánh ấy không dành cho trẻ em!
Lợi dụng mùa Trung thu để làm chuyện mờ ám là điều tệ hại mà có thể nhiều người nghĩ nó “hợp lý” cũng như đinh ninh rằng, nó chẳng có tác hại gì; nhưng kỳ thực, trong dòng sống mênh mông, với những ý niệm-hành động tác tạo, biểu hiện, sao tránh khỏi những từ trường ảm đạm, trong cái nhìn về sự thanh lương nơi lòng người giảm xuống. Khi ấy, có khi những đứa trẻ con ông cháu cha, con của sếp này, sếp nọ sẽ ăn những chiếc bánh chứa dụng tâm, là “sản phẩm” của sự “đút lót, bôi trơn” sẽ bắt đầu “ngấm” bài học về sự-thật đầy dối trá mà cha mẹ mình đã, đang lao vào.
Khi ấy, sao tránh khỏi sự phân biệt sẽ nhuốm lên trong lòng các em, với những đứa trẻ nghèo khác, và giai cấp, đối xử cũng bắt đầu hình thành; cùng với đó là những bài học luồn lách trong cuộc sống, một mai các em sẽ lại đi bằng hai đầu gối và công thức cho sự thành công chắc chắn sẽ ảnh hưởng bởi “đường vòng” mà em đã “học” được từ cuộc sống quanh mình, trực tiếp “ngấm” trong thức ăn không đơn thuần chỉ là mùi-vị hợp thành mà còn được nêm nếm bởi lòng tham, bởi những “uẩn khúc” trong sự trao tặng của người lớn…
4. Chiếc bánh trung thu nói lên lương tâm của người làm bánh, của thị trường thực phẩm! Khi mà chiếc bánh lẽ nên là sự thòm thèm trong mùa Trung thu thì ít nhiều nó lại chứa đựng những nỗi… lo lắng, hoài nghi. Liệu có gì trong bánh khiến ăn vào thì “lãnh đủ” như phụ gia, tạp chất… có xuất xứ Trung Quốc hay không? Câu hỏi ấy gợi lên một thực trạng về an toàn thực phẩm, trong cuộc chiến cam go của những thế lực đen với lợi nhuận khủng. Khi ấy, lương tri con người bị treo ngược, “biến mất” hay biến dạng trong tình trạng bất chấp. Luật nhân-quả hay pháp luật của nhà nước trở thành chuyện “để mai tính”, còn món lợi quá lớn trước mắt đủ làm mờ mắt người kinh doanh, sản xuất.
Chính vì thế mà những thực phẩm thiếu an toàn mới nhan nhản, đến mức đụng đâu, ăn gì người ta cũng thấy độc hại. Đến nỗi, con người đánh liều trong chuyện uống ăn vì… biết quá rõ nguồn gốc, xuất xứ độc hại của mọi thứ cho vào miệng mình, rằng “thôi thì, không ăn cũng chết, ăn cũng chết, thế thì ăn rồi chết vậy”, chỉ khác là một bên chết đói, bên kia chết bệnh; hay có người phải bất lực thốt lên “sợ độc không ăn thì ăn gì bây giờ?”.
Chúng ta ca ngợi cuộc sống đang lên vì chúng ta lấy thước đo của vật chất tăng nhưng nhiều thứ giá trị thuộc về tinh thần, sự bình an trong tâm hồn cứ giảm theo ngày tháng, không được đong đếm, trong đó có niềm tin trong ăn uống (nhu yếu của con người) dường như đã “chạm đáy”. Nỗi lo sợ bệnh nhưng vẫn phải ăn uống hay biết chắc ăn vào sẽ phải mang họa… sát thân nhưng vẫn phải cho vào miệng, đó là bi kịch mà chính lòng tham của con người đã tạo ra cho cộng đồng xã hội của mình, cho chính mình.
Có chuyện vui rằng, ở ngoài chợ, bà bán trái cây thì cấm tiệt con mình ăn… trái cây vì tường tận xuất xứ, nguồn gốc hay những hệ lụy có thể mang lại từ món ăn có chứa nhiều chất độc trong quá trình sản xuất, bảo quản của mình; bên cạnh đó, bà bán rau muống cũng tuyệt đối “tẩy chay” sản phẩm mình bán với lý do tương tự. Thế nhưng, bà bán trái cây vẫn ăn rau muống và mua về cho cả nhà dùng hàng ngày; bà bán rau muống cũng là bạn hàng của bà bán trái cây mỗi ngày. Điều đó cho thấy, con người chúng ta đang tạo ra nỗi khổ cho mình, lừa dối chính mình trong những vỏ bọc của đồng tiền, lợi nhuận. Bệnh tật nguy hiểm, cùng những nan y thời đại cũng chính là “kết quả” nhãn tiền của việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Trong cái nhìn của đạo Phật thì bạo động cũng có nghĩa là như thế. Tuy bên ngoài có vẻ như hòa bình nhưng kỳ thực trong hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đó mang bản chất của bạo động. Vì, nó đưa tới sự bất an trong lòng người, đưa tới hệ lụy bệnh tật, chết chóc, khổ đau, tàn phá, ăn mòn cảm xúc và niềm tin vào cuộc sống, vào con người!
5. Thời đại nào cũng có những điều xấu xí, bởi trong lòng người còn tham-sân-si, mà “tướng từ tâm sinh” nên những biểu hiện đó đây của cuộc sống vốn cũng là “sản phẩm” tất yếu mà ba món độc ấy tạo ra. Do vậy, khi cắn một miếng bánh trung thu và uống một ngụm trà, mình hãy nhẹ lòng với những cái bên ngoài mà trở lại quán sát bên trong mình, để làm mới chính mình.
Có thể, mình sẽ thấy, mình vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là thủ phạm tạo ra hình hài bất an hiện tại. Đó, có thể là kết quả của nhân quá khứ, đẩy đưa mình sinh lại thời đại bất ổn, cũng là góp duyên tạo nên bất ổn từ chính những phản kháng, những ý nghĩ hùa theo, đồng hóa hành động của mình trong sự thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, vì lý lẽ “không làm vậy thì… thiệt thòi”. Mình không thấy, cái “thiệt thòi” trước mắt có thể là lực đẩy để mình vượt thoát Ta-bà nên mình cứ mãi quẩn quanh trong việc nhìn ngó, hành xử… Đó mới là thiệt thòi, mới là đáng thương mà mình không biết, bởi mình quên hay không được tiếp xúc với chân lý nhân-quả, luân hồi, trong chiều kích quá-hiện-vị lai luôn công bình, không mảy may sai biệt.
Nghĩ vậy để ăn bánh, uống trà, nghe chuông rồi nhìn sâu, sám hối và sửa mình, để có thể “cảm ơn Trung thu” vì đã cho mình thêm cơ hội được lắng lòng…