Nghĩ về chuyện dạy và học online

0:00 / 0:00
0:00
GN - Sau thời gian dài thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường cùng với nỗ lực đẩy mạnh việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, tình hình TP.HCM có sáng sủa hơn, tỷ lệ tử vong gần đây có giảm.

Hàng triệu học sinh các cấp tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác vẫn bước vào năm học mới, nhưng thay vì đến trường như mọi năm thì lại chuyển sang học trực tuyến.

Trước hết dạy học trực tuyến không còn là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc, nhưng ngay cả như thế thì không có nghĩa chúng ta hoàn toàn bị động. GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Việc tiếp cận dạy học trực tuyến hiện nay rất chậm, nửa vời".

"Trong một hội nghị từ năm ngoái, ngành giáo dục khẳng định phải thực hiện giáo dục trực tuyến. Như vậy, đáng ra phải chủ động, chuẩn bị kỹ hơn từ năm ngoái để khi triển khai sẽ không còn ngỡ ngàng, nhiều hạn chế… Dường như, chúng ta đã quên và chỉ chăm chăm vào học trực tiếp. Vì vậy, đến lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát thì nhiều nơi kêu khó. Hơn nữa, để khắc phục nỗi lo dạy học trực tuyến được triển khai, rớt mạng, không có máy tính, cơ sở vật chất thiếu thốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm sát sao để có biện pháp khắc phục, nhất là vùng sâu vùng xa… Giáo dục là phải đi trước, tôi nghĩ, hệ thống giáo dục đại học làm được thì bậc phổ thông cũng làm được, đó là ứng dụng chuyển đổi số vào công tác dạy học”, GS.TS Phạm Tất Dong nhận định.

Ông Dong cũng đưa ra đề xuất, nên giảm tiết học ở các khối lớp, chú trọng bồi dưỡng giáo viên. Nơi nào hạn chế phương tiện, thiết bị để học tập thì kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, đặc biệt, học trực tuyến nhưng học sinh vẫn phải có sách để học.

Phụ huynh và học sinh trở tay không kịp

Mặc dù học sinh, nhất là cấp 3 và đại học, khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trên cả nước hiện có 26/63 tỉnh, thành phố học sinh không thể tới trường, do đó phải dạy học trực tuyến. Trong đó, có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao nên cho toàn bộ học sinh học trực tuyến. Ước tính, có khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến hoàn toàn. Tuy nhiên, có một thực tế là học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu trầm trọng thiết bị để học tập.

Khảo sát từ các địa phương cho thấy, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Ngay tại TP.HCM cũng có đến 75.000 học sinh không có thiết bị để học và khoảng hơn 165.000 học sinh ở hai tỉnh gần đó là Bình Dương, Bình Phước cũng khó học trực tuyến. Báo chí cũng phản ánh thực tế ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước như Bù Gia Mập có tới trên 76%, Lộc Ninh 65% và Bù Đăng với 62% học sinh chưa có thiết bị học tập trực tuyến. Trong khi đó, đường truyền internet ở nhiều địa phương chưa được phủ khắp.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức và mạnh thường quân chung tay quyên góp hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Họ lập cả chương trình ATM thiết bị học tập nhưng số lượng học sinh quá lớn nên dù Thủ tướng có đứng ra kêu gọi, nhiều tổ chức, đoàn thể trong đó có cả GHPGVN phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhưng con số hàng triệu học sinh cũng khó có nhà hảo tâm hay doanh nghiệp nào kham nổi. Ngay lớp mà tôi đang dạy ở Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, có một số sinh viên vẫn dùng điện thoại, vì không mang máy tính về quê hay máy bị hư không ai sửa lúc này.

Thầy Trần Quốc Sắc, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Giáo viên tại trường luôn sẵn sàng cho công tác dạy học online, nhưng điều kiện còn rất hạn chế do nhiều yếu tố như thiếu tinh thần tự giác, điều kiện cơ sở vật chất của từng hộ gia đình không đều nhau, đường truyền không đồng bộ… Tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, khoảng 80% gia đình các học sinh có điều kiện để học sinh tiếp cận các phương tiện, tinh thần học tự giác của một số học sinh tuy cao nhưng nhiều học sinh khác không tự giác đã tạo lỗ hổng để khi quay trở lại học trực tiếp, lớp sẽ có sự phân hóa rõ rệt”. Áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục học sinh không có nhiều cơ hội học hỏi trao đổi thông tin với bạn bè, phụ huynh học sinh không thể có mặt giám sát, phải có đội ngũ giáo viên hướng dẫn nếu muốn học sinh học tốt.

Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Một số học sinh kể cả sinh viên hệ đại học thiếu tự giác, mở máy ra và làm việc khác, không tập trung, thậm chí ngủ trong giờ học mà thầy cô khó quán xuyến hết.

Về cơ sở hạ tầng, cũng chưa phải hoàn hảo, hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, học sinh nhiều lần bị “out” khó bắt kịp bài giảng.

Giáo viên cũng lúng túng

Khó khăn còn thuộc về giáo viên, nhất là tại Việt Nam: việc dạy - học trực tuyến không phải là công việc được thực hiện thường xuyên. Vì thế khi dịch Covid-19 bùng phát, giáo viên cực kỳ lúng túng về kỹ thuật thực hiện. Có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu vẫn là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả.

Hơn nữa, đa phần giáo viên đã quen với không gian trực tiếp trước học trò, nay đứng trong không gian trực tuyến để giảng bài, nhiều thầy cô sẽ lúng túng hoặc không tự tin khi triển khai bài giảng. Nhất là những giáo viên lớn tuổi, thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin. Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi phải bỏ cuộc vì không đáp ứng kịp yêu cầu thiết kế bài giảng e-learning, chưa kể thu video clip và chấm bài trên mạng khá lạ lẫm với họ.

Còn phải kể đến những nghịch lý từ phía nhà trường, một số đại học tại TP.HCM đã thậm chí cắt giảm thù lao hay lương giáo viên đến 20% vì dạy trực tuyến, trong khi công sức của các thầy cô bỏ ra gấp nhiều lần giờ dạy trực tiếp trên lớp. Đã có những nhận định xác đáng rằng để có được một tiết dạy trực tuyến, giáo viên phải có sự chuẩn bị gấp mấy lần dạy trực tiếp cho tiết dạy của mình.

Là người dạy học, ai cũng biết và chắc cũng đã trăn trở, vất vả vì dạy trực tuyến khác xa với dạy trực tiếp, không phải chỉ theo giáo án, độc thoại một mình vì như thế hiệu quả tiết dạy không đạt và sẽ gây nên sự nhàm chán cho học sinh. Dạy trực tuyến phải thu hút được học trò chăm chú vào tiết dạy, phải làm tài liệu trình chiếu, thiết kế các hoạt động trò chơi hấp dẫn.

Với giảng viên đại học, hệ thống bài nghiên cứu nhóm hay cá nhân mà họ phải chuẩn bị, phải tạo cho sinh viên tương tác trực tiếp với giảng viên qua hệ thống công nghệ số, đưa bài tập lên hệ thống mạng vốn cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Để soạn được một bài giảng trực tuyến bài bản như thế sẽ tốn không ít công sức và cả kỹ năng mà không phải ai cũng có được. Đó là chưa nói đến việc, có những thầy cô phải bỏ tiền ra mua thêm các thiết bị như camera, tai nghe, bảng điện tử… để giảng bài, tạo cảm giác như một lớp học trực tiếp nhằm thu hút sự tham gia của học sinh.

Từ thực tế giảng dạy, đã có ý kiến từ giới chuyên môn đề đạt với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công thức quy đổi hợp lý là 1 tiết dạy trực tuyến sẽ bằng 3 tiết dạy trực tiếp và Bộ đã trả lời “lửng lơ” rằng tùy trường áp dụng! Quả bóng trách nhiệm cứ thế bay lơ lửng và chưa có kết luận dù về cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận ý kiến đó là đúng.

Ngay một nước tiên tiến như Singapore, các thầy cô giáo cũng đã phải đương đầu với tình trạng ấy. Một bài viết trên mạng gần đây cho biết dạy học trực tuyến khiến nhiều giáo viên Singapore “phát điên”: Công việc làm mãi không xuể, căng thẳng nhất từ trước đến giờ. Bài báo cho biết dạy học trực tuyến và đại dịch đã khiến nhiều giáo viên phải vật lộn với khối lượng công việc nặng nề hơn, tự đối mặt với mọi áp lực một mình, không được giúp đỡ từ bên ngoài.

Một giáo viên nói: “Khi chúng tôi phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến có nghĩa là phải thay đổi rất nhiều kế hoạch giảng dạy. Mọi người phải chuẩn bị tư liệu dạy học bằng máy tính từ đầu, thiết kế các câu hỏi và bài thi trực tuyến cũng như ghi lại bài giảng online. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải liên tục giải đáp thắc mắc cho các học sinh và phụ huynh. Công việc dường như không bao giờ dừng lại. Tôi thực sự cảm thấy kiệt quệ”.

Ngoài khối lượng công việc, một số giáo viên cảm thấy sức khỏe tinh thần của họ không được ưu tiên. Trên Instagram, trong một phong trào chia sẻ để giải tỏa áp lực, một giáo viên đã bày tỏ: “Làm nghề giáo viên trong hai năm nay thật là đáng sợ. Tôi cảm thấy kiệt quệ nhất từ trước tới giờ, sức khỏe tinh thần đang ở mức thấp nhất mọi thời kỳ”. Người ta ghi nhận rất nhiều áp lực cả về thể chất và tinh thần đối với giáo viên”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, bà Chua-Lim Yen Ching thuộc Bộ Giáo dục Singapore cho biết: “Không thể phủ nhận rằng Covid-19 và dạy học trực tuyến đã để lại nhiều ảnh hưởng đến chúng tôi”. Theo bà, trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 6 với 460 giáo viên ở nước này, cứ 10 người được hỏi thì chỉ có 7 người cho rằng “có thể ứng phó” với căng thẳng công việc. Như vậy, 30% trong số họ cần sự giúp đỡ và cảm thông.

Hầu hết các giáo viên đều đau đầu với việc đảm bảo học sinh tham gia lớp học đầy đủ. Nhiều cô giáo cho biết họ gần như mất nửa tiết đầu tiên để yêu cầu mọi người bật camera, bật mic và ngồi yên trên ghế để học. Nếu học sinh nào vắng mặt, cô phải liên tục gọi điện cho phụ huynh để kiểm tra con cái mình đã dậy hay chưa.

Nhưng với sinh viên, khác với chúng ta, ở bậc đại học Singapore đã ứng dụng online từ lâu nên họ lại không gặp trở ngại gì. Những lớp học ở Đại học Quốc gia Singapore có hơn 50 sinh viên đã chuyển sang e-learning từ giữa năm ngoái. Người ta không cần đóng cửa trường đại học mà vẫn cho sinh viên tiếp tục học bằng lên mạng trực tiếp, thu trước bài giảng, thảo luận trên nền tảng trực tuyến, và đánh giá phản hồi giữa thầy và trò bằng nền tảng công nghệ số. Tất cả trên một cách dạy và học nhất quán.

Ngay cả khi việc lên lớp được cho phép, người ta cũng chia nhỏ sinh viên thành các nhóm thực tập trong phòng thí nghiệm. Những nền tảng công nghệ như Zoom, Respondus hay Microsoft Team luôn sẵn sàng cho việc sử dụng, cho phép các giảng viên tự do chọn lựa phương thức hiệu quả nhất cho sinh viên. Nhưng ở bậc trung và tiểu học như đã nói ở trên, vai trò và công việc giáo viên trở nên rất căng thẳng.

Còn ở Malaysia, chúng ta biết học sinh của họ đã ở nhà hơn một năm nay và họ đã trang bị cho học sinh các phương tiện cần thiết để học tập. Nhưng qua khảo sát 58% học sinh muốn kết hợp vừa online vừa offline để có sự tương tác với các bạn trong lớp một cách trực tiếp, thay vì chỉ trao đổi qua mạng. Một thách thức đối với học sinh nước này là cảm hứng học tập. Thầy cô cho rất nhiều bài tập vì suy nghĩ rằng học sinh có quá nhiều thời gian. Chất lượng đường truyền cũng là một vấn đề với 46% học sinh được khảo sát.

Học sinh muốn có nhiều hình thức giàu tính giải trí hơn, nội dung giảng dạy tương tác nhiều hơn và tham dự tích cực hơn trong lớp. Tỷ lệ mong muốn này là 70% năm nay so với 37% năm ngoái. Chưa kể thiết bị dù họ có trang bị đầy đủ nhưng không đồng bộ về chất lượng. Học sinh muốn được đánh giá cá nhân qua các phương thức mới dù là online (35%) sau đó mới đến hệ thống bài giảng trên mạng cần linh hoạt hơn (29%), thảo luận nhóm (21%) và hoạt động theo dự án (15%)

Nhìn chung, học sinh ở Malaysia phần đông hài lòng với sự hỗ trợ từ nhà trường và thầy cô vì họ hiểu những thách thức mà tất cả mọi người đang cùng đối mặt. Nhưng cái chính là khơi gợi động lực và chất lượng đường truyền. Họ đánh giá cao sự linh hoạt và dễ tiếp cận của hệ thống nhưng họ muốn trong tương lai nên có sự kết hợp của cả hai hệ thống trên lớp và qua mạng. 2 trong 5 học sinh cho biết trạng thái tinh thần và cảm xúc không ổn định. Họ cần sự tư vấn hay động viên từ cha mẹ và thầy cô.

Tôi nghĩ tình hình Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Sức khỏe tinh thần người lớn và trẻ em cũng cần được chăm sóc trong bối cảnh họ dễ tổn thương vì nhiều yếu tố ngoại cảnh. Thầy cô và cả học sinh, sinh viên đối diện với hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn và bất cập, hơn lúc nào hết phải nỗ lực và cần được chia sẻ, động viên nhiều hơn. Về phía các nhà quản lý nhà nước, phải có những dự liệu ngay từ ban đầu để tránh rơi vào hoàn cảnh như hiện nay với hàng triệu học sinh đang chờ đợi thiết bị, chưa kể kết nối đường truyền chưa thật sự hoàn hảo.

*

Đức Phật trong kinh Tương ưng bộ đã phân tích sự khổ đau gồm có hai thể dạng khác nhau: sự đau đớn trên thân xác và các xúc cảm trong tâm thần. Ngài so sánh hai thể dạng ấy với hai mũi tên: Mũi tên thứ nhất là những cảm nhận đau đớn tự nhiên của thân xác cẩu hợp và mũi tên thứ hai là những nỗi đau buồn và lo lắng do mình tạo ra trong tâm thức của chính mình, tức là những thứ khổ đau mà mình đem ghép thêm vào sự đau đớn phát sinh trên thân xác. Ví dụ như một người vướng phải căn bệnh hiểm nghèo mà nghe người khác nói rằng bệnh đó vô phương cứu chữa.

Trong hoàn cảnh này cần tránh làm cho người ta gánh thêm những lo âu không cần thiết. Là một thầy giáo, tôi và các đồng nghiệp có nhiều băn khoăn về những bất cập trong việc dạy trực tuyến. Khi phụ huynh học sinh đang phải căng mình vì gánh nặng cơm áo, nếu gây thêm căng thẳng cho họ về việc giáo dục con cái chẳng khác nào mũi tên thứ hai bắn vào tâm trí họ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày