Bình tâm để vượt qua khó khăn

Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đất nước chúng ta hiện có gần 100 triệu dân, TP.HCM cũng hơn 10 triệu người. Nếu có 100.000 ca mắc Covid-19, thì vẫn còn hàng chục triệu, hàng triệu người khác, đó là chưa kể số người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi.

So với các nước trong khu vực như Thái Lan ghi nhận khoảng 10.000 ca một ngày, hay Indonesia 40.000 ca trong 24 tiếng đồng hồ thì số ca nhiễm ở nước ta vẫn còn ở mức thấp. Tuy nhiên, một hiện tượng cảm nhận được tại TP.HCM trong những ngày qua là dường như người dân đang bị hoang mang, dẫn tới tình trạng đổ xô đi mua sắm hàng hóa, thậm chí cả oxygen để dự trữ vì tác động bởi tin đồn mà cơ quan chức năng luôn nhanh chóng lên tiếng đính chính. Tại sao lại như vậy?

Khủng hoảng thị trường hay khủng hoảng truyền thông?

Về phía người dân, do tin đồn thành phố “lockdown từ 0 giờ 15-7” lan truyền và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, mặc dù cơ quan chức năng đã thông báo thông tin đó “sai sự thật”, nhưng họ vẫn lập tức đổ xô về các siêu thị. Rất nhanh, kệ hàng siêu thị trống không, và bất chấp giá cả lẫn nguyên tắc 5K, người dân vẫn chen lấn để sở hữu cho bằng được các nhu yếu phẩm.

Báo chí đã ghi nhận cảnh tượng này tại các hệ thống siêu thị và cả những cửa hàng nhỏ ở một số quận trên địa bàn TP.HCM, người dân đến mua sắm từ sáng sớm và xếp hàng dài để chờ đến lượt. Nhiều người mệt mỏi vì chờ hàng giờ (có nơi đến hơn 3 tiếng), nhưng họ vẫn phải chờ vì cho biết không còn sự lựa chọn khác, dù chỉ để mua tối đa hơn chục trứng gà, vài bó rau tươi.

Một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm phải đóng cửa tạm thời để giải tán bớt đám đông. Về mặt tâm lý, chúng ta hiểu các cơn hoảng sợ không đoán trước là sự xuất hiện tự phát mà không có bất kỳ yếu tố kích hoạt rõ ràng nào. Đằng này tin đồn trở thành yếu tố kích hoạt. Hầu hết người dân rối loạn hoảng sợ thường dự liệu và lo lắng về một tai họa sắp đến. Kết quả là các kệ rau tại siêu thị bị vét sạch chỉ trong vài giờ. Họ thậm chí mua cả bánh kẹo và những thứ hàng linh tinh khác.

Tình trạng này trong marketing gọi là “panic buying”, nghĩa là mua trong hoảng loạn. Ta nhớ ở Úc hay cả Mỹ năm ngoái, khi xảy ra dịch bệnh, họ mua sạch giấy vệ sinh trong siêu thị, nghĩa là mua không định hướng.

Bài học khủng hoảng truyền thông thiết nghĩ không cần phải nói lại, nó có thể đưa đến những hậu quả khôn lường. Trong một bài phản ánh và phân tích trên VOV hôm 18-7 dẫn lại từ CNN cho biết, rào cản lớn khiến Indonesia khó kiểm soát được sự bùng phát dịch bệnh là những thông tin sai lệch được phát tán tràn lan trên các mạng xã hội.

Trong nhiều tháng qua, trên ứng dụng WhatsApp đã lan truyền những tin giả về các phương pháp điều trị Covid-19 không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tranh cãi về hiệu quả của vắc-xin trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người dân ở nước này hoang mang và không muốn tiêm phòng vì cho rằng việc tiêm vắc-xin có thể khiến họ mắc bệnh nặng hơn hoặc tử vong.

Do xuất hiện thông tin sai lệch, nhiều người dân tại Indonesia không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, ngay cả khi số ca mắc xung quanh họ gia tăng. Làn sóng tin giả đã làm lu mờ những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19. Chuyện này đã dẫn đến cái chết của một số người coi nhẹ các triệu chứng. Con số tử vong của Indonesia hiện nay là hơn 1.000 ca mỗi ngày.

Tin đồn tác động làm nhiều người hoang mang - Ảnh: SCMP

Tin đồn tác động làm nhiều người hoang mang - Ảnh: SCMP

Vì đâu nên nỗi?

Từ phía chính quyền, trước những thông tin lan truyền, thiếu kiểm chứng, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã phát đi nhiều thông báo khẳng định thông tin về việc TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố “là sai sự thật, xuyên tạc”, đề nghị người dân bình tĩnh, không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng.

Nhưng tại sao nhiều người vẫn không nghe, không tin? Vì sao thông tin được các cơ quan chức năng khẳng định như vậy mà nhiều người vẫn đổ đến một số siêu thị để mua nhu yếu phẩm, dù Sở Công thương TP.HCM cho biết đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm?

Dường như tin đồn thường có sức “lây nhiễm” nhanh hơn những phản ứng đính chính của các cơ quan chức năng để dẫn tới tình trạng như chúng ta đã thấy. Và dường như Sở Công thương chưa tính tới phương án dự phòng khi cấm các chợ truyền thống. Cung ứng cho một thành phố với hơn 10 triệu dân hoàn toàn sẽ khác với Bắc Giang hay Hải Dương. Chúng ta đã không hình dung ra sự đứt gãy của chuỗi cung ứng (supply chain) khi các hệ thống bán lẻ thừa nhận đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng và gặp khó trong khâu vận chuyển (logistics), trong khi người dân mua hàng càng ngày càng tăng, gây áp lực lớn.

Bài học ở Úc là khi dân hoảng loạn mua sắm, nhà nước đã xuất kho dự phòng chiến tranh (được dự trù kéo dài 40 năm) bổ sung ngay lập tức. Việc đó đã đưa tâm lý người dân trở lại trạng thái thăng bằng.

Mới đây, trang thông tin nội bộ chính thức của Saigon Co.op chia sẻ một bài viết về những ngày không ngủ của Trung tâm Phân phối thực phẩm tươi sống (TPTS) Bình Dương. “Trong những ngày qua, hàng nghìn cán bộ nhân viên ở các điểm bán lẻ của Saigon Co.op đang căng mình tiếp nhận đơn hàng, soạn hàng giao khách, nhưng ít ai biết rằng để đảm bảo nguồn hàng hóa kịp thời chuyển đến siêu thị, còn có hàng trăm con người tại TPTS Bình Dương đang gồng mình làm việc như một chiếc máy, mỗi ngày chỉ có thể chợp mắt 3 - 4 tiếng…”.

So với thời điểm trước dịch, lượng hàng tập kết tại đây đã tăng lên gấp 4, trong đó ưu tiên cho nhóm hàng tươi sống. Khi TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, người dân đổ xô mua sắm thực phẩm để tích trữ hơn, thông qua tất cả kênh cửa hàng, trực tuyến và thông qua các dịch vụ đi siêu thị hộ. Thống kê của các hệ thống bán lẻ cho thấy lượng khách và sức mua những ngày qua tăng đến 5 lần so với thời điểm trước đây. Trong khi đó, mỗi ngày, một số điểm bán lớn ghi nhận hơn 2.000 đơn hàng online, siêu thị nhỏ từ 400-700 đơn, thậm chí có một chuỗi trong hệ thống phải tiếp nhận hơn 10.000 đơn hàng online/ngày.

Dù khối văn phòng có chi viện cho tuyến đầu siêu thị nhưng vẫn không thể giải quyết xuể lượng đơn hàng. Đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết: “Nhân sự của chúng tôi hiện không đủ để phục vụ. Do một số vẫn đang cách ly, chỉ 1/3 nhân viên còn làm việc tại các siêu thị. Khối văn phòng có chi viện cho tuyến đầu siêu thị nhưng vẫn không thể giải quyết xuể”. Để đảm bảo hàng hóa đến tay người dân nhanh nhất có thể, Satra đang huy động tất cả nhân viên tại chỗ và cả khối văn phòng để hỗ trợ “đi chợ giùm khách”, sắp xếp quầy kệ, hỗ trợ khai báo y tế... Trong khi đó, một số đơn vị kinh doanh tương tự đã tận dụng nhân viên từ các kênh trực thuộc, song song với việc tuyển thêm nhân sự mới.

Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM và chư Tăng Ni đảm trách hàng chục ngàn suất ăn phục vụ các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến mỗi ngày - Ảnh: Bảo Toàn

Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM và chư Tăng Ni đảm trách hàng chục ngàn suất ăn phục vụ các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến mỗi ngày - Ảnh: Bảo Toàn

Chiến lược ứng phó khủng hoảng

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có khi những điều chỉnh nhỏ cũng đủ đem lại một giải pháp lâu dài. Nếu như cuộc khủng hoảng có tính chất khá trầm trọng, cần lập ra một bản danh sách các vấn đề phải được giải quyết. Cuộc khủng hoảng đòi hỏi phải có những cái mới chưa từng hiện hữu hay ít nhất thì cũng phải vận dụng chính sách hiện tại với một liều lượng rất khác.

Danny Cox trong Leadership when the heat is on đã đề cập tới giải pháp xử lý khủng hoảng theo 3 cách sau: Giải quyết vấn đề dù lớn hay nhỏ càng nhanh càng tốt; Duy trì cảnh giác trước khả năng có những rắc rối đang manh nha và tìm kiếm những giải pháp đơn giản và trực tiếp. Sự giản dị là hình thức tối hậu của sự cầu kỳ. Vì nghĩ cho cùng, “vượt qua xung đột là gặt hái thêm sức mạnh”.

Cách truyền thông từ khi dịch bùng phát, đặc biệt trong đợt thứ 4 này chưa có sự điều chỉnh thích hợp khi khiến cho phần lớn hoảng loạn trước con số những ca bệnh ngày càng tăng và tình trạng quá tải ở bệnh viện, tập trung thiết lập bệnh viện dã chiến khắp nơi. Chúng ta đã quên rằng nếu có 100.000 người nhiễm bệnh thì vẫn còn hàng chục triệu người cần phải sống, và vấn đề lớn cần quan tâm là họ sống như thế nào khi thiếu lương thực, chưa kể đến tình trạng mưu sinh bị gián đoạn, bị tin đồn tác động khiến cho hoài nghi, hoang mang cản trở cho việc chống dịch khi chúng ta quan tâm đây là “một cuộc chiến”.

Cần minh bạch thông tin hơn

Tin đồn vẫn cứ là tin đồn vì chúng ta thiếu minh bạch thông tin ngay từ đầu. Hãy nhớ trước khi thi hành Chỉ thị 16 đã có thông tin rằng chuyện đó sẽ không xảy ra. Việc vô tình hay rò rỉ thông tin khiến cho thời điểm đó lại trùng hoặc gần nhau, khiến cho vai trò dẫn dắt dư luận của thông tin chính thống, phát ngôn từ cơ quan chức năng bị giảm hiệu quả.

Ngay cả những cập nhật về số liệu giữa Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM trong ca nhiễm, đặc biệt là số bệnh nhân tử vong cũng không thống nhất. Sự chênh lệch về số liệu, điều mà ai cũng thấy được, đã đem lại sự hoài nghi cho công chúng. Gần đây, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã có những giải thích, nhưng dường như tiếng nói đó trở nên lạc lõng và quá chậm chạp. Nếu không cải thiện và kịp thời, minh bạch hơn, tin đồn vẫn sẽ làm cho người dân lo lắng, hoang mang và mất niềm tin vào lãnh đạo. Nếu điều đó tiếp tục thì thật là đáng tiếc, đặc biệt là đối với chiến dịch tiêm vắc-xin đợt 5 trên diện rộng sắp tới. Một ngọn lửa nhỏ, nếu không được dập tắt thì sẽ len lỏi, trở thành ngọn lửa lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng mừng là ngày 19-7, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh ngay những bất cập trong chuỗi cung ứng, đồng thời có hướng mở lại chợ truyền thống, giải quyết hiện tượng máy móc khiến người ta có cảm giác các nhân viên thi hành pháp luật “vô cảm”.

Không xử lý khủng hoảng bằng thông báo

Như đã nói ở trên, “tìm kiếm những giải pháp đơn giản và trực tiếp. Sự giản dị là hình thức tối hậu của sự cầu kỳ”. Tất cả những thông báo hay chỉ thị mang tính chất hô khẩu hiệu cần tránh tối đa, bởi thực tế có những chỉ tiêu, khẩu hiệu không đủ sức chạm đến trái tim của người dân và người thực thi không hiểu, hay cố vận dụng cứng nhắc làm ách tắc, gây trở ngại cho những mắt xích trong khi vận hành công tác, nỗ lực phòng, chống dịch.

Trước mắt, triển khai thực hiện “các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân bằng cách thiết lập lại chuỗi cung ứng thông suốt. Người lãnh đạo phải “xắn tay áo” vào cuộc, đi vào các siêu thị hay thậm chí cho mở lại một phần chợ truyền thống, cải tiến việc cấp “giấy chứng nhận âm tính” ngay trong nội thành hoặc tại các chốt cách thành phố khoảng 1km. Điều đặc biệt là lãnh đạo và cán bộ thừa hành hãy thị sát, vào các khu phong tỏa xem người dân sống ra sao để có những chỉ đạo, điều phối kịp thời đúng với tính chất của “thành phố nghĩa tình”. Khi có nghĩa, có tình, người ta sẵn sàng bỏ qua những chuyện vặt vãnh, để kiên nhẫn, đồng lòng vì mục tiêu chung là kiểm soát, khống chế và dập tắt dịch bệnh, vì chính cuộc sống của thành phố trong đó có họ.

Bình tâm để nhìn vấn đề

Một kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông (và cả những lãnh vực khác) là sự bình tĩnh, để đánh giá được tình hình thực tế, nhận ra nguyên nhân sâu xa cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề phải đối mặt.

Đạo Phật luôn nhấn mạnh vai trò của yếu tố tỉnh thức trong quyết định hành động (nghiệp) dẫn tới đời sống hạnh phúc của con người. Chúng ta đã quá hoảng hốt vì sợ hãi trước đại dịch Covid-19. Đã hơn một năm, chúng ta cần bình tâm để đánh giá thực tế những gì đã trải qua, trên chính đất nước của chúng ta cũng như ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Vấn đề hiện nay, sau khi “bình ổn” giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như đã cam kết (chứ không phải trên giấy, như thực tế đã và đang diễn ra khi báo chí phản ánh sự kêu ca của người dân vì hàng hóa bị đội giá, tăng giá, còn cơ quan chức năng thì vẫn cứ hứa), kế tới quan tâm “bình ổn” tâm lý con người, đang bị căng thẳng, lo âu, sợ hãi, không chỉ ở khu cách ly mà cả bên ngoài vì nhiều nơi bị phong tỏa cục bộ.

Người dân đang bị mất việc làm, dẫn tới ảnh hưởng thu nhập, đời sống thực hiện giãn cách kéo dài sinh ra bí bách, lại suốt ngày nghe hay đọc những con số ca nhiễm vẫn đang trên đà tăng, đâm ra càng căng thẳng, nên bất cứ tin đồn nào cũng như ngọn lửa nhóm mồi tạo thành những ngọn lửa hoài nghi, lo âu, sợ hãi.

Trong kinh Pháp cú, kệ 143, Đức Phật có dạy: “Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt. Ở trong chỗ tối tăm bưng bít, sao không tìm tới ánh quang minh?”. Làm sao người dân có thể an ổn được khi họ vẫn bị tác động bởi các tin đồn làm tăng nỗi hoang mang?

Phải nhìn thẳng vấn đề trong những tương quan thực tế khác, số ca tử vong vì Covid-19 trong một năm qua có lớn hơn những trường hợp tử nạn do giao thông hay các bệnh lý khác? Covid-19 có thực sự nguy hiểm như những gì đã được truyền thông? Triệu chứng của người mắc Covid-19 có ghê gớm như tin đồn?

Đất nước chúng ta hiện có gần 100 triệu dân, TP.HCM cũng hơn 10 triệu người, vì thế dịch bệnh là đáng quan tâm. Nhưng như đã đề cập ở trên, thậm chí 100.000 ca mắc Covid-19, vẫn còn hàng chục triệu, hàng triệu người khác, đó là chưa kể số người nhiễm không có triệu chứng đã tự khỏi, hoặc nhiều người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi.

Mong rằng, những gì đã qua và những gì mà lãnh đạo Chính phủ, TP.HCM đang nhận ra, điều chỉnh sẽ hướng từng bước đưa tới mục tiêu cuối cùng là “an dân”, đừng để cảm giác mệt mỏi hiện trên từng nét mặt, nơi từng khu phố vì dây giăng phong tỏa; khi người dân có sự bình tĩnh, họ sẽ có thái độ và hành vi đúng, và chúng ta có quyền tin “sau cơn giông trời lại sáng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày