Nghĩ về lòng hiếu thảo

GN - Báo hiếu cha mẹ là tình cảm đạo đức, là bổn phận, trách nhiệm của người con, là đạo lý làm người.

mother-love-14110-hd-wallpapers.jpeg

Xưa có người tên Đinh Lan sớm mồ côi cha mẹ. Vì thương nhớ cha mẹ, nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục nhưng chưa có cơ hội đáp đền, ông tạc tượng cha mẹ để phụng thờ, hết lòng cung kính, sớm chiều dâng cơm hiến nước, xem như cha mẹ còn ở bên mình.

Đinh Lan không còn cha mẹ, khao khát tình thâm, muốn ở bên cha mẹ mà không còn được nữa; nghĩ đến công ơn cha mẹ, muốn báo hiếu mà cha mẹ không còn. Vậy nên những ai còn có cha mẹ là diễm phúc, là phước báo trong đời, lẽ nào không mừng vui, không quý trọng, không hết lòng kính yêu, hiếu thảo?

Đức Phật dạy, cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, thờ cha mẹ cũng chính là thờ Phật.

Đức Phật sau khi thành đạo cũng trở về quê nhà hóa độ phụ vương, lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân. Khi vua cha băng hà, Đức Phật ghé vai nâng kim quan vua cha đưa đi trà tỳ. Lòng hiếu thảo của Đức Phật là tấm gương sáng soi cho hậu thế.

Dù đã cát ái từ thân, dù là bậc thầy của trời người, Đức Phật vẫn không quên ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu không có cha mẹ ban cho tấm thân thì làm sao có ngày đạt đạo Bồ-đề, thành bậc Đại giác? Và cũng chính vì có hiếu tâm mà Ngài đủ đức hạnh để trở thành một vị Phật. Đức Phật đã từng dạy: “Trong vô lượng kiếp về trước, Ta luôn là người con hiếu thảo, chính vì thế mà nay Ta thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác”. Cho nên nói “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật” là vì vậy.

Một người dù mang thân phận gì, ở địa vị nào, nếu bất hiếu với cha mẹ thì không đủ tư cách làm người. Từ vua cho đến thứ dân, từ người trí thức cho đến kẻ không được học hành, từ người sang đến kẻ hèn, ai ai cũng do cha mẹ sinh ra mà có mặt trên cuộc đời này, không ai từ đất chun lên hay từ trên trời rơi xuống. Dù cha mẹ có xuất thân thấp hèn cũng là người đã tạo ra mình, nuôi mình nên hình nên vóc, nếu không có cha mẹ thì mình đâu có được ngày hôm nay.

Có người bảo rằng, do cha mẹ vui vầy hoan lạc mà sinh ra mình, mình là kết quả niềm vui ái ân của cha mẹ. Sinh ra thì phải nuôi vậy thôi, đều do cha mẹ tạo, sao lại kể công ơn? Những người như thế không nghĩ rằng, nếu không có tình thương yêu con, thì cha mẹ đâu nuôi con khôn lớn, dạy dỗ con nên người, làm mọi thứ chỉ vì lo cho con, muốn tốt cho con, luôn muốn con được sướng vui, hạnh phúc. Nếu không có tình thâm phụ mẫu đối với con, thì đâu cần phải mang nặng đẻ đau làm gì, có thể phá đi hoặc vì bất đắc dĩ mà sinh con ra vẫn có thể bỏ con, chứ không nuôi con khôn lớn nên người làm chi cho nhọc.

Theo lời Phật dạy, được làm người là một phước báo lớn lao. Thử hỏi nếu cha mẹ không cho ta cơ hội ra đời, ta rơi vào thai loài súc sinh nào đó thì làm gì ta có được thân phận một con người. Nếu ta tái sanh làm con trâu, con bò, con heo, gà vịt, chẳng phải là bi thảm lắm sao? Vậy lẽ nào ta không biết ơn cha mẹ?

Trên thế gian này cũng có bậc làm cha mẹ thiếu tình thương con, không làm tròn trách nhiệm đối với con, tuy nhiên không thể phủ nhận công ơn cha mẹ đã cho con vóc dáng hình hài, đã cho con cơ hội làm người mà không phải chúng sinh nào cũng dễ dàng có được. Vì thế không nên oán hận cha mẹ, không nên khinh rẻ, bạc đãi cha mẹ.  

Lòng hiếu thảo chẳng những là bổn phận, là trách nhiệm đạo đức của người con đối với cha mẹ, mà còn là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu sau này noi theo. Một ngày kia ai cũng sẽ trở thành ông bà cha mẹ, khi ấy không ai muốn con cháu bất hiếu với mình, vong ân bội nghĩa đối với mình, và sẽ rất đau lòng khi nghe nói rằng: “Cha mẹ có công ơn gì chứ? Con cái chỉ là kết quả niềm vui ái ân hoan lạc của họ mà thôi!”.

Từ ngàn xưa, người Á Đông đã có truyền thống hiếu thảo. Lễ Vu lan hàng năm (vào ngày 15 tháng 7 âm lịch) là ngày lễ tưởng nhớ công ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, trong đó có ông bà cha mẹ nhiều kiếp nhiều đời. Ở Việt Nam, Vu lan được xem là ngày lễ quan trọng dành cho các bậc sinh thành, là ngày hướng về nguồn cội. Lễ Vu lan có ý nghĩa thiêng liêng trong việc bày tỏ lòng thành kính biết ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ, trong việc thực hành hiếu đạo theo lời Phật dạy qua những việc làm thiết thực hữu ích có giá trị cho người thân của mình. Qua lễ Vu lan, tự thân người con có ý niệm cam kết sống tốt, đúng theo đạo lý truyền thống và đúng theo lời Phật dạy để xứng đáng với công ơn cha mẹ, xứng đáng là người con hiếu thảo đúng nghĩa.

Thế giới có Ngày của Cha (Father’s Day) và Ngày của Mẹ (Mother’s Day) là hai ngày lễ kỷ niệm dành tôn vinh cha mẹ, là ngày những người con bày tỏ lòng biết ơn đối với hai đấng sinh thành. Lễ kỷ niệm Ngày của Cha thường diễn ra vào ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 6. Lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ vào ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5. Vào hai ngày này những người con gởi đến cha mình, mẹ mình những lời yêu thương hoặc những cánh thiệp do tự tay mình làm, hay những món đồ mà cha mẹ yêu thích, ước ao. Người con cũng có thể gởi đến cha mẹ những việc làm bày tỏ lòng kính yêu, hiếu thảo, khiến cha mẹ sung sướng, tự hào về những đứa con của mình.

Ngày lễ Vu lan hay Ngày của Cha, Ngày của Mẹ là những ngày lễ kỷ niệm, là những ngày đặc biệt dành cho cha mẹ. Các ngày lễ này nhắc nhở những người con phải luôn nhớ đến công ơn cha mẹ, luôn nuôi dưỡng những tình cảm đạo đức thiêng liêng quý báu, gìn giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Dĩ nhiên không phải chỉ trong lễ Vu lan hay Ngày của Cha, Ngày của Mẹ con cái mới nghĩ tưởng đến cha mẹ mình, hiếu thảo với cha mẹ mình, còn những ngày tháng khác thì bỏ quên cha mẹ. Con cái phải luôn nhớ nghĩ đến cha mẹ mình, hiếu thảo với cha mẹ mình mọi lúc mọi nơi; khi mình còn nhỏ và cả khi tuổi đã xế chiều, vì dù con có lớn đến bực nào thì cũng vẫn là con của cha mẹ. Sự quan tâm, kính trọng, thương yêu, báo hiếu cha mẹ là tình cảm đạo đức, là bổn phận, trách nhiệm của người con, là đạo lý làm người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày