Nghĩ về Phật giáo Nhật Bản

NSGN - Tôi còn nhớ vào khoảng đầu thập niên 60, sau khi Hòa thượng Thiện Hoa tham dự Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Nhật Bản trở về, ngài nói chuyện cho học tăng Phật học đường Nam Việt về sự tiến bộ của Phật giáo Nhật Bản. Nghe được những điều tốt đẹp của Phật giáo nước bạn, lại cộng thêm việc tôi đọc được bài viết của Cụ Mai Thọ Truyền kể lại 15 ngày, ông tham quan nước Nhật. Tất cả đã gợi cho tôi ý nghĩ muốn sang Nhật Bản để nghiên cứu về tình hình Phật giáo xứ người.

1.jpg
Chùa vàng - một trong những thắng cảnh của Phật giáo Nhật

Đến năm 1965, tôi may mắn được nhập học trường Đại học Rissho, Tokyo. Từ đó, tôi mới thực sự hiểu về người Nhật và Phật giáo Nhật. Tuy nhiên, trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, không thể nói được tất cả suy tư, nhận thức của tôi thu thập được trong suốt 8 năm tu học ở Nhật Bản về sức sống của Phật giáo nước họ.Điều đáng nói là người Nhật tuy tiếp thu Phật giáo từ Triều Tiên, Trung Hoa, Ấn Độ, nhưng họ đã biết chọn lọc những điều thích hợp với dân tộc họ. Nhờ đó, họ phát triển và thăng hoa đời sống tâm linh, có cái nhìn chính xác, dẫn đến việc làm lợi ích cho đạo và đời.Người Nhật nghĩ rằng Đức Phật Thích Ca đạt quả vị Toàn giác, Toàn năng, cứu nhân độ thế toàn hảo. Ngày nay, theo dấu chân Phật, họ cũng phải nỗ lực đạt đến Phật quả, để làm được việc lợi ích cho dân tộc, không phải đem áp đặt những giáo điều không mang lại kết quả tốt.

Lần đầu tiên, sau khi Phật giáo truyền sang Nhật Bản, chúng ta không thấy nhà sư giảng kinh, nhưng người thăng tòa thuyết pháp lại chính là Thánh Đức thái tử. Ông đã giảng 3 bộ kinh lớn của Phật giáo Đại thừa là kinh Pháp hoa, Duy Ma và Thắng Man.Đặc biệt cách giảng của ông về 3 bộ kinh này làm cho người Nhật không thấy có Phật Thích Ca ở Ấn Độ. Dưới mắt họ, chỉ có Đức Phật cửu viễn thật thành, nghĩa là một Đức Phật của nhân loại bao trùm cả vũ trụ.Thật vậy, trong phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 kinh Pháp hoa có nói Đức Phật ứng hiện ở nhiều chỗ khác nhau, ở quốc độ này thì có tên này, ở chỗ khác có tên khác. Và Ngài tùy theo từng nơi, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Vì vậy, căn cứ vào tinh thần của phẩm này, người Nhật tin rằng Đức Phật của họ thực vĩ đại, chi phối cả vũ trụ, chứ không phải chỉ là Phật Thích Ca hữu hạn ở Ấn Độ.


Và khi giảng kinh Duy Ma, Thánh Đức thái tử cũng làm sáng tỏ tinh thần Phật giáo Nhật Bản hơn nữa, rằng không nên chấp chặt vào giáo điều và hình thức xuất gia một cách tuyệt đối. Vì những mô hình cố định này tiêu biểu cho Phật giáo Ấn Độ và gây trở ngại cho sự thăng hoa tâm linh của người Nhật.Tư tưởng của Thánh Đức triển khai kinh Duy Ma khiến cho người nghe liên tưởng đến hình ảnh Duy Ma không ai khác hơn là ông. Và giảng kinh Thắng Man, ông cũng gợi cho mọi người nghĩ đến Suy Cổ thiên hoàng là cô ruột của ông, tiêu biểu cho Thắng Man phu nhân.Có thể nói Phật giáo đã du nhập vào đất Nhật sớm, nhưng mãi đến thời Thánh Đức thái tử trị vì, mới được dân Nhật chấp nhận. 

Vì rõ ràng, ông không đi theo lối mòn của các Pháp sư trước đó. Họ thường đưa ra những kiểu mẫu Phật giáo của Ấn Độ hoặc Trung Hoa, mà người dân Nhật khó chấp nhận được, vì họ vốn có tinh thần dân tộc rất cao.Thánh Đức biết triển khai nét tinh ba của giáo nghĩa kinh phù hợp với bản chất tự chủ của dân tộc Nhật. Chính vì vậy, ông được dân chúng Nhật Bản kính trọng như Bồ-tát Văn Thù tái sanh. Và ông đã hình thành một hình thái Phật giáo Nhật Bản mang tính độc lập và vũ trụ, hoàn toàn mới lạ so với Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Trung Hoa.Đến thời đại Bình An, các nhà sư Ấn Độ và Trung Hoa truyền sang Nhật nhiều tông phái khác nhau, dần dần sinh hoạt của Phật giáo Nhật đi lệch hướng.Đến thế kỷ XIII, ngài Nhật Liên ra đời phủ nhận mạnh mẽ các tư tưởng truyền bá Phật giáo Ấn hay Trung Hoa và chủ trương phục hưng tinh thần của Thánh Đức với hình ảnh Đức Phật là Đại Nhật Như Lai, một Đức Phật có khả năng chi phối sức sống của muôn loài giống như mặt trời vĩ đại.  

Theo ngài Nhật Liên, những gì thích hợp lợi ích cho con người vẫn được trân trọng, nhưng không vì thế mà phải lệ thuộc vào chủ nghĩa văn tự. Ngài soạn ra bộ Lập chánh an quốc luận trình lên Tướng quân thời Kamakura. Theo đó, ngài đả kích mạnh tư tưởng vãng sanh Tịnh độ không quan tâm gì đến xã hội mình đang sống. Ngài cũng đả phá pháp tu Thiền vô vi, không dính líu đến cuộc đời. Ngài đưa ra pháp tu thực tiễn, áp dụng thiền quán của Phật dạy để thấy được ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong kinh và ứng dụng vào cuộc sống giúp mọi người thăng hoa. Nói cách khác là áp dụng văn, tư, tu. Phải học rộng nghe nhiều, không theo chủ nghĩa kinh viện. Kế đến là suy nghiệm về nghĩa lý sâu sắc của Phật dạy tác dụng như thế nào trong cuộc sống và sau cùng áp dụng những điều đã suy tư cho được lợi ích bản thân và xã hội.

Những ý tưởng ấy được ngài đề xuất để cứu nguy quốc gia, phát huy tinh thần dân tộc, không nên lệ thuộc phạm trù cố định. Và ngài khẳng định nếu không đi theo hướng tích cực này, chắc chắn sẽ mất nước, vì mất gốc thì không thể giữ nước được.Và ta cũng thấy rõ điểm đặc sắc nhất trong thời cận đại của Phật giáo Nhật Bản là biết thích nghi với xã hội hiện tại để tự mình tồn tại và phát triển, đồng thời cũng giúp cho đất nước và dân tộc phát triển. Thật vậy, trong thời kỳ đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhiều nhà máy, công trường được thành lập, cũng như dân chúng sống tập trung một chỗ.Các nhà canh tân Phật giáo nghĩ rằng không nên xây chùa cao Phật lớn ở trên núi cao, tốn nhiều tiền của như trước kia, mà lại bỏ không. Người dân không có thì giờ lên núi lễ Phật như ngày xưa. Ở mỗi chung cư, họ sử dụng một vài phòng để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho tín đồ, vừa không tốn kém, vừa thích hợp, tiện lợi cho Phật tử đến sinh hoạt mỗi ngày. Tùy theo yêu cầu của dân địa phương, có thể đến những điểm sinh hoạt đó, khi thì đọc sách, hoặc nghe giảng pháp, nghe nhạc Phật giáo, hay tụng một thời kinh ngắn sau giờ làm việc. 

Tất cả những sinh hoạt này giúp cho Phật tử vừa thư giãn được sau một ngày làm việc mệt nhọc, cũng vừa học được những điều thánh thiện của Phật giáo, giúp họ cảm thấy nhẹ nhàng, an vui, làm hành trang cho ngày mai tiếp tục cuộc sống mới tốt đẹp.Các nhà truyền giáo Nhật Bản đã biết đưa ra phương cách sinh hoạt Phật giáo thích hợp với xã hội. 

Với các thời khóa tụng niệm ngắn, gọn, nhẹ nhàng, đỡ mất thì giờ, thì tín đồ mới có thể thường xuyên tham dự được. Ngoài ra, các sư cũng biên soạn những bài kinh tụng bằng tiếng Nhật thích hợp với từng thời kỳ và từng chỗ khác nhau, nhằm giúp cho mọi người dễ dàng tiếp thu và áp dụng được trong cuộc sống, đạt kết quả tốt đẹp cho bản thân họ. Ý tưởng này chịu ảnh hưởng tinh thần Pháp hoa, theo ngài Nhật Liên, Đức Phật dạy trong phẩm Phương tiện rằng niệm một câu Nam-mô Phật cũng là hạt nhân để thành Phật. Chỉ một niệm tâm nghĩ về Phật, Ngài cũng chứng minh, không cần hành trì vất vả.Chính vì tinh thần canh tân Phật giáo để sinh hoạt thích hợp với xã hội công nghiệp, nên chúng ta thấy được nhiều người hưởng ứng. 

Điển hình như Hội đoàn Phật giáo Sokai Gakkai chỉ phát triển trong vòng 20 năm mà số lượng tín đồ lên đến 20 triệu người. Qua lịch sử, nhìn chung, Phật giáo Nhật Bản luôn luôn đưa ra được những điều thích ứng với yêu cầu của dân chúng Nhật, phù hợp với từng giai đoạn khác nhau; không phải câu nệ hình thức hay một bộ kinh nào. Nhờ vậy, Phật giáo Nhật Bản đã xây dựng được tư tưởng vững vàng đi lên, hiến dâng cho cuộc đời những tinh túy quý báu, sống động.Chính nhờ những sự đổi mới, suy nghĩ mới vì mục tiêu lớn lao, thăng hoa dân tộc, nhân loại và chúng sanh mà từ đó, Phật giáo Nhật tìm được phương cách dâng hiến cho nhân loại những lợi ích lớn lao, thiết thực. Đó là sự phát triển của triết học Zen (Thiền). 

Không thể phủ nhận tinh thần Zen ảnh hưởng trong mọi lãnh vực hoạt động của dân Nhật. Kể cả trong lãnh vực nghiên cứu, sáng tạo, cũng nhờ khối óc của Zen mà có được những phát minh hiện đại, những hàng hóa có chất lượng, lợi ích cho đời. Một điều nữa cũng đáng ca ngợi, đó là việc người Nhật đã đóng góp công sức chủ yếu, lớn lao trong việc truyền bá tinh ba của Zen một cách rộng rãi sang các nước Tây phương. 

Tinh thần Zen đã thực sự giúp cho người Tây phương giảm được stress trong mọi công việc và quan trọng hơn nữa, làm cho họ nhận ra được giá trị vô cùng của cuộc sống đạo đức, tâm linh theo Phật dạy. Nói đến sinh khí tốt đẹp của Phật giáo Nhật Bản, tôi không khỏi suy nghĩ về tình trạng Phật giáo Việt Nam hiện tại. 

Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn còn tụng những bài kinh, bài sám bằng chữ Hán, mà người nghe không hiểu gì. Chưa kể đến những lãnh vực khác. Nói chung, giới Phật giáo chúng ta không đưa ra được những gì mới cho tín đồ ứng dụng lợi ích trong cuộc sống họ. 

Thiết nghĩ trước ngưỡng cửa XXI, các nước đang tiến bộ vượt bực, con đường tương lai của Phật giáo chúng ta phải như thế nào để phục vụ hữu hiệu cho cuộc sống người dân. Đó là vấn đề quan tâm bức xúc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử cần có đáp số nhanh.

Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày