Nghĩ về việc học Phật từ chuyện tăng trưởng rượu bia

GN - Việt Nam đứng đầu ASEAN về tăng trưởng rượu bia, tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta chỉ đứng thứ 8 trong khu vực. Thông tin ấy được bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết tại hội thảo cập nhật thông tin về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia tại Việt Nam diễn ra ngày 2-4 vừa qua.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh cho biết lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm vừa qua, khoảng 6,2 lít/người/năm (quy ra rượu), trong khi Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng do năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3,8 lít. Giai đoạn hiện nay lượng bia rượu sử dụng đang tiếp tục tăng và dự báo đến 2025 ở mức 7 lít/người/năm.

Anh Trang PGTT GN 792.jpg


Nếu mỗi người đều là Phật tử, bức tranh cuộc sống tốt đẹp sẽ hiện ra - Ảnh minh họa

Những điều trông thấy...

Đó là quán nhậu cứ mọc lên ngày càng nhiều và quán nào cũng đông khách, không chỉ ngày cuối tuần mà ngày bình thường cũng vậy. Nhậu, vì bất cứ lý do gì, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, rảnh rỗi nhậu, mà bận thì cũng tranh thủ...

Nhiều bạn trẻ than phiền rằng, thực ra họ không muốn nhậu nhưng... không nhậu không được việc, giao tiếp bị “gián đoạn” sẽ khó trong công tác. Ai cũng nghĩ thế, ngay cả khi bản thân không hề muốn, để rồi từ đó đưa mình vào khuôn khổ của nhậu để được việc, hanh thông trong những mối quan hệ, nhất là trong mối quan hệ xã giao, làm ăn.

Nhậu có nhiều tác hại - hỏi về tác hại của bia rượu hẳn không ai không biết, thậm chí nằm lòng. Tuy nhiên, bảo tránh nó ra thì ai cũng bảo khó. Cơ chế nhậu nhẹt sẽ được việc đã ăn sâu và cần một thay đổi từ chính sách chung của xã hội trong việc buôn bán, sử dụng rượu bia lẫn trong nếp nghĩ và ý thức của mỗi người.

Rượu bia nói riêng và những chất kích thích nói chung không trực tiếp tạo ra tội lỗi nhưng khi con người sử dụng những chất gây nghiện thì sẽ khó làm chủ bản thân trong cả ba phương diện: ý-khẩu-thân. Vì thế, rượu bia và chất kích thích là nguồn cơn dẫn tới tạo tội, do vậy trong nhà Phật xác lập giới thứ năm trong năm giới (năm nguyên tắc đạo đức hay năm hàng rào bảo hộ thân tâm người học Phật) là không sử dụng các chất kích thích, gây nghiện, gây mất tự chủ như rượu, bia, ma túy...

Thực tế cho thấy, nhậu có nguyên nhân từ việc quán nhậu nhiều và bia rượu rẻ, dễ mua. Việc bán buôn chất gây nghiện và gây hại cho sức khỏe này diễn ra một cách dễ dàng, tạo cơ hội cho người ta sử dụng nhiều là một lẽ. Lẽ khác, thiếu những chỉ dẫn thường xuyên về tác hại của bia rượu mà còn thường xuyên quảng cáo bia rượu trên nhiều phương tiện truyền thông lẫn những banner khắp các nẻo đường khiến cho người trẻ nghĩ rằng uống bia rượu là bình thường nên cứ uống.

Ban đầu, ai cũng nghĩ uống bia rượu chỉ là cho vui nhưng khi bản lĩnh chưa vững vàng thì việc sử dụng lâu ngày dài tháng chắc chắn tăng “đô”, đồng thời tăng những nguy cơ, hệ lụy. Cái vòng lẩn quẩn của vấn đề đó chắc chắn cần nhiều thời gian để tháo gỡ và sẽ là vô tận nếu không hành động ngay, không đánh giá hết nguy cơ của bia rượu trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu Phật giáo vào trong mỗi gia đình

Được như thế thì thật tuyệt vời. Vì khi ấy, mỗi gia đình đều có nền tảng của đạo đức Phật giáo, tức là lời Phật dạy trở thành bài học vỡ lòng của mỗi người. Theo đó, bài học về thương yêu, hiểu biết trên cơ sở quán chiếu nhân-quả sẽ được giáo dưỡng trong mỗi mái nhà, trở thành nếp sống thiêng liêng, khiến ai cũng biết gìn giữ nguyên tắc sống thiện lành: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất gây nghiện. Một con người được “lập trình” bởi những cái “không” đó chắc chắn sẽ “có” được nhiều thứ thuộc về đạo đức, phẩm chất cao đẹp để ngẩng cao đầu, tiến bước nhẹ nhàng giữa cuộc đời chứ không phải cuồng mê trong men say của những ly bia hay những giá trị vật chất bình thường.

Tất nhiên, đó là mong ước, là điều giả thiết bởi cuộc sống hiện đại chi phối con người nhiều thứ, trong đó có hưởng thụ vật chất. Con người luôn nghĩ tới sự phát triển nhưng lại nghiêng về hướng vật chất nên cố làm để kiếm tiền, ngay cả bất chấp sức khỏe bị tổn hại lẫn chấp nhận nhuốm đen tâm hồn. Cụ thể như việc sử dụng bia rượu để làm phương tiện trong xã giao, làm ăn, phát triển kinh tế - thực chất sự phát triển đó trên phần ngọn mà thôi.

Thu lợi nhuận từ bia rượu chỉ một nhóm nhỏ tham gia sản xuất ngành đó được, trong khi cả xã hội thì chịu thiệt hại vì phải chịu đựng, giải quyết, gánh gồng hậu quả lớn hơn từ rượu bia tăng trưởng. Đó là xã hội ốm yếu cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ hiện ra trong tương lai, có thể ngay lập tức chưa thấy được nhưng ngấm ngầm trong đó, sẽ biểu hiện một ngày không xa.

Xưa, những nước ngoại xâm muốn cai quản con người của nơi mình xâm lược thường dùng chính sách ngu dân thì nay, chính mỗi người tự để mình bị bia rượu, chất kích thích “xâm lược” cơ thể, tâm hồn, để mình lệ thuộc vào đó, trở nên ngu muội vì không tỉnh táo bởi ảo giác của việc say sưa ngày này qua tháng khác cũng là một sự nô lệ đáng trách.

Thay đổi thói quen sử dụng chất kích thích, nếp nghĩ về giao tế xã hội, không nhất thiết phải rượu bia... thì sẽ thay đổi được cuộc sống của mỗi người, góp phần thay đổi xã hội, giảm thiểu những hành vi không đúng chuẩn mực, đời sống gia đình chắc chắn sẽ thăng hoa, tệ nạn và tai nạn cũng sẽ lùi dần. Nếu mỗi người Phật tử trì giới nghiêm cẩn và nếu mỗi gia đình đều là Phật tử thì bức tranh sáng đẹp ấy không phải là một ước mơ xa vời!
Nguyễn Phong Châu

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày