Ngôi chùa tâm linh

Trong hai tuần, chư tôn đức được nghe giảng dạy pháp Phật, sinh hoạt của Giáo hội và đường lối của Mặt trận. Những gì thu hoạch được từ khóa bồi dưỡng thể hiện mối quan hệ giữa vị trụ trì với Giáo hội, giữa trụ trì với quần chúng và giữa trụ trì với chính quyền; đương nhiên đó là khuôn mẫu được đề ra. Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ thêm, với tư cách là Sa môn xuất gia được Giáo hội bổ nhiệm làm trụ trì, cho nên những việc làm của chúng ta tất yếu có sự gắn bó với Giáo hội, với quần chúng, với Mặt trận; nhưng chúng ta không nên kẹt vào những công việc này. Vì nếu bị vướng mắc, bị ràng buộc trong mối quan hệ với Giáo hội, với quần chúng, với chính quyền, thì không bao giờ thoát khỏi sinh tử luân hồi, không thể gặp Phật, không được giải thoát và không chứng Niết bàn, mà chỉ là tu sĩ trong lục đạo tứ sanh. Bị vướng mắc như vậy, chúng ta đã làm trái với chí nguyện ban đầu của chúng ta là xuất gia học đạo, tìm giải thoát.

7-10to29cl_jpg.jpg

Phần một chúng ta đã học là nghĩa vụ của người công dân, của tu sĩ, nhưng muốn giải thoát, chúng ta phải vượt lên trên nghĩa vụ này thì bấy giờ, chúng ta mới thể hiện được ý nghĩa tìm đạo giải thoát và cứu nhân độ thế, không phải chúng ta bị ràng buộc trong Giáo hội, trong xã hội. Thật vậy, trên lộ trình tìm giải thoát, từng bước chúng ta thăng hoa, không bị ràng buộc ở giới luật, không bị ràng buộc ở pháp luật. Được như vậy, chúng ta mới trở thành một vị giải thoát Tăng của hàng tam thừa và tứ quả. Nếu không nương vào tam thừa giáo của Phật và không chứng được tứ quả, chúng ta chỉ là phàm Tăng ở trong thế giới sinh tử. Ý thức được điều quan trọng này, mặc dù còn là phàm Tăng, chúng ta luôn cố gắng tiến tu để vượt lên, đạt được bậc thấp nhất là Hiền vị cho đến Thánh vị và chứng đắc Niết bàn; đó là con đường tất yếu chúng ta phải trải qua. Nhưng muốn đi con đường này và làm trụ trì thì phải như thế nào và ai bổ nhiệm chúng ta?

Là người công dân thì phải lệ thuộc luật pháp Nhà nước. Là tu sĩ thì phải lệ thuộc Hiến chương, Nội quy Tăng sự và Giáo hội bổ nhiệm chúng ta làm trụ trì, giao cho chúng ta một số trách nhiệm. Riêng tôi, được giao nhiều trách nhiệm, nhận nhiều chức vụ, mà chức vụ nào cũng quan trọng. Ngoài những hoạt động Phật sự, tôi còn nhận một số trách nhiệm về lãnh vực xã hội. Mặc dù có trách nhiệm với Giáo hội, có trách nhiệm với xã hội, nhưng tôi không lệ thuộc; vì nếu bị lệ thuộc thì một việc cũng không làm được, nói chi là nhiều việc, đó là kinh nghiệm mà tôi muốn nhắc nhở quý vị. Đối với tôi, nhiều chức vụ, nhưng không lệ thuộc chức vụ nào cả, vì tôi đi trên con đường tam thừa tứ quả của Phật.

Muốn có tư cách của một vị giải thoát Tăng, tất yếu phải nương theo tam thừa để chứng tứ quả là Tu đà hoàn, Tu đà hàm, A na hàm và A la hán. Nếu ta lệ thuộc Giáo hội, lệ thuộc xã hội, chắc chắn luôn bị kẹt trong vòng tranh chấp thì phải giải quyết, phải đối phó và càng giải quyết theo thế gian, chắc chắn sẽ bị bao vây từ cái khó này đến cái khó khác, để cuối cùng chúng ta chỉ luẩn quẩn trong ba việc là phiền não, trần lao và nghiệp chướng. Vì vậy mà chúng ta thường nghe than rằng làm trụ trì là làm dâu trăm họ, phải làm vừa lòng Phật tử, lại làm vừa lòng lãnh đạo Giáo hội và vừa lòng cả chính quyền. Có thầy trụ trì nào cảm thấy khó chịu với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà, với Mặt trận, với quần chúng hay không? Nếu bị lệ thuộc thiên hạ như vậy thì có còn là thầy Tỳ kheo nữa hay không?

Trên bước đường tu, chúng ta phải thoát khỏi những sự trói buộc như vậy; vì chúng ta bỏ tục xuất gia là bỏ cái nhà nhỏ để mang trọng trách lớn thì phải hướng theo con đường giải thoát của Phật mà đi, mới có thể gánh vác nổi đạo nghiệp. Và tiến tu tăng trưởng được đạo hạnh thì đến giai đoạn không phải Giáo hội bổ nhiệm chúng ta làm trụ trì, nhưng là Phật bổ nhiệm, hay Phật bổ xứ.

Chua 2.jpg

Theo kinh nghiệm riêng tôi, là người xuất gia chỉ làm hai việc trên thế gian do Tăng sai và Phật bổ xứ. Chư Tăng bảo làm việc gì, ta không từ chối, vì ta sống trong Giáo hội, các vị lãnh đạo nhận thấy khả năng của ta nên phân bổ công việc cho ta thì ta làm được. Tôi luôn tin lời Phật dạy rằng con mắt của tập thể sáng nhất. Nếu áp dụng ý này theo tinh thần của Bồ tát Quan Âm gọi là ngàn mắt ngàn tay, thì đó là mắt và tay của đại chúng, tức Tăng sai. Tôi làm được việc cho đến ngày nay nhờ Tăng sai, nhờ ngàn mắt ngàn tay của chư Tăng đồng tình, hỗ trợ. Việc của Tăng sai thì chư Tăng có trách nhiệm hợp lực; còn ta giành làm thì Tăng bỏ ta, ta chỉ có một mình thì làm được gì. Nhờ chư Tăng đồng thuận và chỉ bảo, nên cùng một lúc tôi làm được nhiều việc. Ý thức sâu sắc rằng người tu cần sống với tập thể Tăng, cho nên từ lúc xuất gia năm 1950 cho đến nay đã 60 năm, cuộc đời tôi luôn gắn liền với chúng Tăng, không bao giờ tách rời đoàn thể Tăng già, không làm việc riêng cho tôi, chỉ làm việc Tăng sai. Vì vậy, tuy làm nhiều việc, nhưng không phải là gánh nặng cho mình, không bị lệ thuộc và không bị áp lực; lúc nào cũng lắng nghe và nhìn thẳng vào thực tế, làm việc hết lòng, nên thành công. Còn làm theo ý đồ, có tính toán là thân xuất gia nhưng tâm chưa vào đạo.

Theo tôi, nếu tự mua đất và xin tiền cất chùa để làm trụ trì là hỏng. Chùa và tiền từ đâu mà có? Đương nhiên tiền này không phải của ta và về luật pháp, chùa cũng không phải của ta. Chùa và tiền là của bá gia bá tánh cúng dường và họ giao chùa cho mình quản lý thì họ có quyền và mình phải làm theo ý họ. Thực tế chúng ta thấy những thầy ở chùa của bà phủ bà huyện xây dựng đều trở thành phiền não Tăng, lúc nào cũng bực bội, đau khổ, tức tội; thật là tội nghiệp, vì bỏ cả cuộc đời để xuất gia học đạo mà phải quản lý chùa cho bà phủ bà huyện, họ muốn sai bảo gì, nói nặng nhẹ mình cũng được. Đọc truyện Thoát vòng tục lụy, chúng ta thấy Ngọc Lâm quốc sư không bằng lòng sự lệ thuộc như vậy. Trách nhiệm của thầy hương đăng mà ông làm là do Tăng sai và Phật bổ xứ.

Thầy trụ trì chỉ làm vì Tăng sai và Phật bổ xứ mà thôi. Tuy nhiên, theo tôi, nếu Tăng sai mà Phật không bổ xứ, chúng ta cũng không làm được. Thật vậy, dù chư Tăng ủng hộ chúng ta, nhưng nếu không được Phật bổ xứ, thì Hộ pháp long thiên sẽ không giữ gìn, không che chở, cho nên chúng ta sẽ gặp tai nạn liên miên và bị phiền não bao vây không có lối thoát; huống chi là tự mua đất cất chùa và làm trụ trì là chuốc họa vào thân, hoặc mình tự xin Giáo hội bổ nhiệm làm trụ trì, nhưng Giáo hội không chấp thuận thì lại đưa đơn thưa kiện. Làm như vậy, không được giải thoát, có thầy thưa kiện hết việc này đến việc khác, cả cuộc đời lận đận mà cũng không cất nổi ngôi chùa.

Những gì Tăng sai, tôi làm; nhưng Phật không bổ xứ thì ta thưa lại với Tăng chúng, xin chư Tăng sai người khác làm, hay sai mình làm việc khác. Vì Phật không bổ xứ, tức việc không thích hợp với ta, ta không thể làm được. Khi mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các ngài cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp. Có một số Hòa thượng hỏi rằng đất nước mới giải phóng thì hoằng pháp bằng cách nào. Tôi nói rằng Tăng sai thì tôi nhận, còn làm được hay không là việc khác. Nếu làm được thì tôi tiếp tục làm. Làm không được thì mình xin nghỉ.

Giáo hội cử tôi làm gọi là trạch nhân trí tài. Lúc đầu, các Hòa thượng định giao công việc Trưởng ban Hoằng pháp cho Hòa thượng Hộ Giác, nhưng ngài không còn ở trong nước, nên bảo tôi làm. Vì là việc của Tăng sai, tôi nhận lời, thì đầu tiên tôi được chư Tăng thương quý. Bước thứ hai, tôi xem mình có được Phật bổ xứ hay không. Có hai cách để nhận ra ý này. Cách thứ nhất rất khó vì chúng ta phải có trình độ tu chứng, trụ được ít nhất là sơ quả Tu đà hoàn, hay là Bồ tát thập trụ thì phiền não hết, tâm lắng yên, chúng ta mới nghe được pháp âm Phật và thấy Phật.

Cách thứ hai là tuy còn ở trong phiền não, nhưng nhờ thiện căn công đức của ta thì Phật vẫn hộ niệm ta, Phật vẫn bổ xứ ta. Bấy giờ, ta cũng có vui buồn, có suy nghĩ, có khó khăn, vì chưa chứng quả, nên nghiệp vẫn còn như người khác, cụ thể là việc ăn, mặc, ở vì còn thân tứ đại. Nhưng nhờ căn lành bên trong có, nên chúng ta thấy được Phật, tuy chưa thấy Phật trong thiền định, mà thấy Phật trong chiêm bao, thấy Phật trong trí tưởng tượng của chúng ta, thấy Phật bằng niềm tin chí thành. Nếu không được như vậy, thì hoàn toàn tuyệt phần, dù tu bao nhiêu năm cũng không vào cửa đạo được.

Vì không thấy Phật, làm sao biết Phật bổ xứ mình. Thường ngày, chúng ta tin Phật, nghĩ đến Phật, nên trong giấc ngủ mới thấy Phật. 50 năm trước, với niềm tin sâu xa và mãnh liệt, nghĩ nhiều về Phật pháp, nên tôi ngủ mơ thấy mình đi thỉnh kinh; không biết có phải do thuở nhỏ thích truyện Huyền Trang đi thỉnh kinh mà mơ thấy vậy hay không. Mơ thấy mình đi thỉnh kinh và lọt vô chùa Tiểu Lôi Âm bị ma bắt giống như Ngài Huyền Trang bị ma bắt vậy. Một số bạn tôi không tu được phải trở về đời, vì họ mặc áo tu, nhưng thường ngủ mơ thấy chài lưới, săn bắn. Có thầy ngủ mơ thấy là người thế tục ăn mặn, uống rượu và vui chơi như người đời. Tại sao vậy? Vì họ tu hành, cũng có hình thức là Sa môn, nhưng tâm nghĩ đến săn bắn, chài lưới, hay tâm chạy rông trong cuộc đời. Ban ngày làm gì thì ban đêm sẽ hiện ra cảnh tương ưng, vì tiềm thức chúng ta đã chứa sẵn những mầm mống như vậy.

Tu hành mà tiềm thức chưa có Phật, chưa tụng kinh, chưa Thiền định, chưa có lời Phật dạy là Phật không thâm nhập vào tâm chúng ta thì trong giấc mơ không thể nào thấy Phật, nếu không bị đọa, cũng không tu được. Bước đầu tu hành, chúng ta đem hình ảnh cao quý của Phật, Bồ tát và kinh điển vào lòng, tiến đến trong giấc mơ thấy chúng ta lạy Phật, tụng kinh, nghe pháp. Từ giấc mơ như vậy đi đến thiền định rất gần. Thiền sư Nhất Hạnh áp dụng pháp thiền hành. Tôi áp dụng thuật phi hành. Đi thiền hành là đi không bao giờ tới, cứ đi một cách vô tâm. Nhưng phi hành đi bằng ý chí, đi có mục tiêu hướng tới, nên nó tự hút tâm chúng ta đi rất nhanh. Dùng thiền hành hay thiền tọa, chúng ta vào đạo để thấy Phật, nghe pháp và nhận được sự bổ xứ của Phật, theo đó chúng ta làm, chắc chắn việc không có trở ngại. Đó là điều mà chư Tăng phải áp dụng khi làm Phật sự.

Xưa kia, Đức Phật trước khi đi giáo hóa độ sinh, Ngài thường ở trong thiền định và dùng pháp quán nhân duyên xem Ngài có mối liên hệ với người nào, với chỗ nào để sáng hôm sau Ngài đến đó cảm hóa. Tất cả các thầy Tỳ kheo đều phải quán nhân duyên như vậy, phải ngồi suy nghĩ, cân nhắc xem mình đi đâu, gặp ai và làm gì. Riêng tôi luôn áp dụng pháp này. Dù chúng ta không có tâm thanh tịnh và trí vô thượng như Phật, nhưng nếu áp dụng pháp quán nhân duyên trong thiền định thì cũng đạt được kết quả chính xác 50%, như vậy vẫn còn bị một nửa thất bại, tiến tu khá hơn thì đạt được 60% cho đến 80% đúng đắn và được 100% cái thấy chính xác như Phật.

chua 4.jpg

Có thể khẳng định rằng đi vào thế giới tâm linh mới là việc chính của người tu và đi trên lộ trình này mới là trụ trì giữ được ngôi chùa tâm linh, không phải giữ ngôi chùa vật chất. Nếu chỉ lo giữ chùa vật chất mà làm cháy ngôi chùa tâm linh thì phiền não nổi dậy liền. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, biết bao lần mình làm cháy ngôi chùa tâm linh và phải khổ công xây dựng lại ngôi chùa tâm linh này.

Phiền não làm cháy ngôi chùa tâm linh được Phật diễn tả là chúng ta bị thiêu đốt trong Nhà lửa tam giới. Nhưng chỉ ở trong Nhà lửa tam giới, chúng ta mới xây dựng được ngôi chùa tâm linh; nghĩa là chúng ta tu được một pháp nào, chứng được một pháp nào, vụt phiền não mình nổi dậy làm cháy mất chùa tâm linh, vì chùa này được hình thành bằng tâm thanh tịnh, nên tâm vọng động là cháy mất chùa.

Chùa tâm linh chúng ta xây dựng trong biển Thức mênh mông ví như một chiếc thuyền để chúng ta vượt sóng là thuyền Bát Nhã, tức trí tuệ. Ta nhen nhúm được một chút trí tuệ, nên được giải thoát một phần. Và ta ngồi trên thuyền trí tuệ này mà vượt biển khổ sông mê. Thiền sư Nhất Hạnh nhắc tôi rằng ta ngồi trên thuyền Bát Nhã, nhưng nên nhớ trong biển Thức mênh mông có những đợt sóng ngầm, có loài thủy quái và cuồng phong nổi lên. Vì hoàn cảnh tôi tu hành lúc ở Nhật rất khó khăn, nên ngài đã nhắc tôi phải coi chừng thủy quái nuốt mất mạng. Trí mình có bao nhiêu, nhưng phải đối phó với hoàn cảnh quá khó khăn, làm sao vượt qua được. Thiện tâm sở của mình ít hơn ác tâm sở, nên dễ dàng bị loài thủy quái chụp bắt. Trí chúng ta cạn, nhưng phiền não nhiều gọi là chướng thâm huệ thiển, cho nên không khéo sẽ bị thủy quái nuốt mất, nếu không thì cũng gặp cuồng phong thổi chúng ta vào biển khổ, không biết về bến bờ nào.

Ở trên cuộc sống này đã phức tạp, mà ở trong biển Thức mênh mông còn phức tạp hơn vạn lần và trên đường đi, chúng ta còn bị va vào sóng ngầm cuốn trôi mình luôn. Vì vậy, chiếc thuyền tâm linh của chúng ta chông chênh trong biển Thức, giữ được nó không đơn giản chút nào.

Từ hoàn cảnh khó khăn như vậy, tôi gặp được kinh Pháp Hoa và nương vào kinh này tu hành để vượt sông mê biển khổ. Còn nếu thuyền Bát Nhã của chúng ta chông chênh giữa biển Thức mênh mông mà không đối chọi được với sóng thần, không chống nổi loài thủy quái, thì phải mất mạng giữa đường thôi.

Đối với tôi, kinh Pháp Hoa là chiếc phao cứu mạng mình, gọi là Phật hộ niệm, cho nên niềm tin của tôi gắn liền mật thiết với Phật, thì Tăng sai tôi làm và tôi xem Phật có bổ xứ mình hay không. Từ đó, tôi mới phát hiện thêm rằng điều nào Phật giao thì tôi đi, Phật không giao, không đi, dù Tăng sai. Chư Tăng lãnh đạo Giáo hội sai tôi xuống đạo tràng này thuyết giảng và tôi cảm nhận Phật cũng bổ nhiệm tôi đến đây. Sáng nay tôi có thời giảng dạy ở trường hạ Phổ Quang, nhưng tôi dời lại, vì nghĩ rằng Phổ Quang chỉ có hơn một trăm chư Tăng an cư, còn ở đây có hơn 400 vị trụ trì đến tu học. Cho nên Phật bổ xứ tôi đến đây viếng thăm và sách tấn quý vị, vì một năm chúng ta gặp nhau chỉ có một lần, không tận dụng cơ hội này để hỗ trợ quý vị tu hành thì uổng phí. Còn ở Phổ Quang, tôi tu chung với đại chúng nên lúc nào cũng giảng dạy được.

Nếu chúng ta được Phật bổ xứ làm việc, bấy giờ sẽ có Hộ pháp Long thiên giữ gìn mình. Ví như khi quý thầy cầm tờ bổ nhiệm của Giáo hội trình với chính quyền địa phương, tất nhiên quyết định này có giá trị, nên họ phải chấp nhận. Hôm nay, đến Tổ đình này để thuyết giảng, tôi tin chắc rằng trên đường đi của mình có Thiên long Bát bộ hộ trì và tu Pháp Hoa, tôi càng tin mãnh liệt hơn rằng nếu có gặp khó khăn thì Phật sẽ khiến các vị Kim Cang thiện thần bảo vệ. Và nếu Phật bổ xứ thì Ngài sẽ khiến cho người đến nghe pháp và giữ gìn, chắc chắn mình làm được.

Khi ta xây dựng được ngôi chùa tâm linh sẽ làm được Phật sự, vì trong thế giới tâm linh có Phật, có Thiên long Hộ pháp giữ gìn. Tuy được như vậy, nhưng ta cần kiểm nghiệm lại với thế giới thực tế hữu hình, vì đời sống tâm linh hình thành từ sự suy tưởng của mình nên rất dễ dẫn đến không tưởng. Vì vậy, ta cần đối chiếu những gì thấy được trong thế giới tâm linh với thế giới hiện thực mình đang sống; nếu thấy khớp với nhau là đúng. Không cân nhắc như vậy, dễ thất bại. Thực tế có thầy muốn thỉnh tôi giảng với ý đồ nào đó, nhưng trong thế giới thiền định, tôi cảm nhận được mình không nên đi vì Phật không bổ xứ và khi kiểm chứng lại thực tế cũng nhận thấy đúng như vậy. Nếu không sống trong sự tĩnh lặng để quán chiếu xem Phật có bổ xứ hay không, mà cứ nghĩ rằng mình có quyền đi hoằng pháp nơi này nơi nọ, dễ gặp vô số trở ngại, thậm chí bị mất mạng.

Phải kiểm chứng tâm linh và thực tế, nếu khớp được với nhau là biết ta tưởng tượng đúng, hay trí tuệ ta sử dụng được ở chừng mực nào đó. Ví dụ tôi ở thành phố Hồ Chí Minh được quyền tưởng tượng giảng đường này có rất nhiều Tăng Ni tập hợp đến nghe các thầy tỉnh hội báo cáo và nghe tôi thuyết pháp; nhưng đó chỉ là sự suy tưởng của tôi thôi. Cho nên nghĩ như thế rồi, tôi cũng phải đến đây xem thực tế có đúng như vậy hay không, hay chỉ là báo cáo không thực. Nếu bước vô đây thấy mọi việc đều đúng như vậy, đó là ta kiểm chứng đúng. Ngoài ra, nếu Phật bổ xứ thiệt thì phải có Thiên long Bát bộ giữ gìn, nghĩa là thực tế đến đây tôi xem có yên ổn hay không. Nếu có an ninh bảo vệ và chính quyền Mặt trận giúp đỡ thì đó là những vị Hộ pháp thần dương. Thực tế cho thấy những nơi có chính quyền ủng hộ, chúng ta phát triển được; chưa ủng hộ thì làm chưa được, hay Phật không bổ xứ. Các thầy trụ trì chùa nào được Giáo hội bổ nhiệm, nếu chính quyền địa phương hoan hỷ với ta là ở được; còn họ luôn kiếm chuyện thì làm đạo khó khăn vô cùng. Hoặc ta trụ trì, nhưng bổn đạo nổi loạn thì cũng không ở được. Có một số trụ trì bị Phật tử thưa kiện hoài, hay bị chính quyền địa phương áp lực, trong trường hợp này thật ra nên trình bày với Giáo hội xin từ nhiệm; vì Giáo hội bổ nhiệm, nhưng Phật không bổ xứ.

Muốn Phật bổ xứ, các thầy phải xây dựng được đời sống tâm linh mình an trụ trong giáo pháp của Phật. Sống ngoài giáo pháp, không thể nào được Phật bổ xứ. Sống trong giáo pháp của Phật là các thầy phải an trụ trong Tứ Thánh đế tu hành, chắc chắn sẽ được Phật bảo hộ và phát Bồ đề tâm tu sáu pháp Ba la mật của Bồ tát thì được Phật bổ xứ. Sống ngoài sáu pháp, Phật không bổ xứ và Hộ pháp không ủng hộ.

Mỗi lần gặp khó khăn mà tôi bực tức là ngôi chùa tâm linh của tôi bị cháy; vì Phật dạy chúng ta nhẫn nhục, không dạy chúng ta nổi nóng. Sống với sự nhẫn nhục thì được Phật bổ xứ và che chở; nổi nóng là sống ngoài pháp Phật. Vì vậy, hàng ngày chúng ta thường tụng "Ngày đêm tự mình nương pháp Phật" và pháp Phật chính yếu là Tứ Thánh đế, lục Ba la mật và Thập nhị nhân duyên.

Sống trong Phật pháp được Phật thọ dụng, chính quyền ủng hộ và Phật tử đồng tình. Sống ngoài Phật pháp chắc chắn không an ổn và không lâu dài. Chúng tôi mong rằng mỗi Tăng Ni tu hành đều sống trong pháp Phật để xây dựng được ngôi chùa tâm linh tráng lệ, làm tròn trách nhiệm mà Phật bổ xứ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày