Ngôi cổ tự trên hải đảo Cù Lao Chàm

Chiếc thuyền gỗ đưa chúng tôi ra đảo Cù Lao Chàm trong tiết trời yên lành của một ngày cuối xuân. Từ bến đò Cửa Đại - Hội An đến Cù Lao Chàm khoảng 15km. Nếu đi bằng phương tiện tàu siêu tốc mất khoảng 20 phút, còn như muốn khám phá vùng biển miền Trung này thì đi bằng thuyền gỗ mất khoảng 60 phút để đến Cù Lao Chàm. Chúng tôi quyết định chọn phương tiện thuyền gỗ để được kéo dài khoảng thời gian ngắm nhìn những hải đảo ẩn hiện thấp thoáng trên nền đại dương mênh mông xanh thẳm.

chamchua_01.JPG

chamchua_02.JPG

chamchua_03.JPG

Du khách nước ngoài tham quan chùa

chamchua_04.JPG

Cổng tam quan ngôi cổ tự

Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, và là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị cổ Hội An. Tại đây còn nhiều di tích cổ thuộc các nền văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, Đại Việt, đặc biệt di tích chùa Hải Tạng, ngôi chùa đầu tiên có mặt trên hải đảo này cách đây gần 3 thế kỷ.

chamchua_05.JPG

chamchua_06.JPG

Tượng cổ trong chùa

Cách bến đò Cù Lao Chàm khoảng 5km về hướng Tây, du khách có thể nhìn thấy bóng dáng của pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm màu trắng ẩn hiện trên nền trời xanh mây trắng, xung quanh là một đồng ruộng bát ngát màu xanh. Pho tượng này được tôn trí trước chùa Hải Tạng cách đây vài năm. Tượng cao khoảng 3m, lưng tựa vào vách núi, mặt nhìn về biển như luôn thấu hiểu nỗi lầm than, cơ cực của cư dân xứ đảo xa xôi này.

Băng qua cánh đồng lúa xanh um trong thung lũng, trước mắt chúng tôi hiện ra một ngôi cổ tự, cảnh vật trông như một bức tranh thủy mặc sống động. Nét thời gian đã in đậm trên từng bậc thềm, vách đá làm cho ngôi chùa tôn thêm nét tĩnh mặc.

chamchua_07.JPG

chamchua_09.jpg

chamchua_08.jpg

chamchua_11.JPG

chamchua_12.JPG

Theo sử liệu ghi lại, chùa Hải Tạng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi hiện tại khoảng 200m về hướng Đông bắc, sau đó do thiên tai, toàn bộ ngôi chùa ban đầu bị hư hoại. Đến năm Tự Đức nguyên niên (1848), một số cư dân và thương gia đồng tâm hiệp lực tiến hành xây dựng lại ngôi chùa, đồng thời dời về vị trí hiện nay. Có nhiều truyền thuyết nói về nhân duyên khởi dựng chùa Hải Tạng. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ 17, có chiếc thuyền đưa một số cột gỗ được làm từ ngoài Bắc vào Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng ra, thuyền kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng nổi sóng lớn, thuyền không đi tiếp được. Sau có người trong đoàn lên một ngôi miếu ở Cù Lao Chàm khấn nguyện và được các vị thổ địa thần linh cho biết giàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là Tam tạng kinh điển, với ý nghĩa chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển. Một ý khác là kinh tạng của Phật được hội tụ từ mọi con đường trên biển để vào Cù Lao Chàm - một cụm đảo hoang vu và đầy bí hiểm.

Theo vị trí hiện nay thì chùa Hải Tạng tọa lạc sát chân núi phía Tây của Hòn Lao thuộc Cù Lao Chàm, lưng tựa núi vững chãi, mặt tiền xoay theo hướng Tây Nam, xung quanh là ruộng đồng - một thung lũng gần 2 cây số vuông là ruộng trồng lúa duy nhất tại xã đảo này. Theo người dân quanh vùng, trước đây vùng quanh chùa là rừng rậm, có nhiều trăn, rắn độc. Vì thế, khi xây dựng chùa, người ta cho xây tường thành bao bọc xung quanh được xây bằng đá. Cổng tam quan là một công trình kiến trúc cổ xưa tiêu biểu cho kiến trúc chùa ở xứ Đàng Trong này. Cổng gồm 3 lối vào, khoảng giữa có cổ lầu, mái lợp ngói âm dương, mặt ngoài tôn trí tượng Hộ pháp, mặt trong thờ bức bích họa Địa Tạng Vương Bồ tát với nét vẽ đã bạc màu theo thời gian. Toàn bộ tam quan cao 5m, dài 6m, trông rất vững chãi.

Bước vào cổng tam quan, qua một khoảng sân rộng là chùa chính. Tuy nhà Tây đã bị sập hoàn toàn, nhà Đông còn lại phần kiến trúc chính nhưng toàn bộ di tích vẫn toát lên vẻ hào sảng uy nghiêm hiếm thấy ở các di tích khác. Chính điện lợp ngói âm dương, tường xây bằng vôi vữa, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển tạo cảm giác nhẹ nhàng. Toàn bộ nếp nhà chính có hệ vì kèo kết cấu kiểu "chồng rường giả thủ" chia làm 3 gian. Bên trong chánh điện, gian giữa thờ 3 pho tượng Tam thế Phật. Gian bên trái (từ chùa nhìn ra) thờ Địa Tạng Vương Bồ tát. Gian bên phải thờ Tam thánh Quan Công, Lưu Bình và Châu Xương. Ngoài ra, hai bên chánh điện thờ Long thần, Hộ pháp và tấm bia đá khắc bằng chữ Hán. Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ sư Đạt Ma, với dáng ngồi bán già, tay cầm cuốn thư. Tất cả các pho tượng đều làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại cùng với ngôi chùa. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một quả đại hồng chung lớn, trên chuông có điêu khắc "Song long triều dương". Điều đáng chú ý là con rồng ở trên chuông chân chỉ có 4 ngón, dáng cong, có vẩy, đầu rồng uyển chuyển, râu rất dài. Đây là con rồng mang phong cách những năm đầu của thời Lê sơ, như vậy quả chuông này có thể còn có trước niên đại xây dựng chùa.

Tất cả các hoành phi, câu đối trang trí trong chánh điện đều được sơn son thếp vàng, uy nghiêm, hòa cùng hệ thống tượng thờ cổ kính tạo nên những mạch tiếp nối rất thiêng liêng, cho ta cảm giác mơ huyền như đang bước vào cõi Phật. Tuy nhiên, hiện nay người ta bài trí thêm 2 pho tượng mới hoàn toàn tại bàn thờ chính, đó là tượng Thích Ca Mâu Ni làm bằng thạch cao, sơn màu vàng rực và pho tượng Phật đản sanh, điều đó đã làm không gian nơi thờ tự của ngôi chùa mất đi vẻ cổ kính và huyền bí vốn có của nó.

Rời chùa Hải Tạng mà lòng tôi cứ man mác về những điều bí ẩn của ngôi chùa, những câu chuyện mang mạch sống thiêng liêng ngôi chùa đối với người dân nơi xã đảo xa xôi này. Hiện nay, khi Cù Lao Chàm trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, di tích chùa Hải Tạng là một bức tranh trong tổng thể di tích, danh thắng Cù Lao Chàm. Thế nhưng, nếu chỉ tập trung ở "bề nổi" của di tích (quảng bá, công nhận, giới thiệu du lịch…) mà lãng quên việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thì thật là điều đáng quan ngại. Sự xuống cấp của di tích chùa Hải Tạng như hiện nay, tuy chưa đến mức báo động, nhưng những gì mà chúng tôi chứng kiến như: vài tấm hoành phi, câu đối, cột, vỉ kèo đang bị mối mọt làm hư hại, cho đến việc xâm hại không gian di tích… là một điều cảnh báo trước sự hư hại của một di tích văn hóa tâm linh độc đáo nơi hải đảo xa này. Điều này, chắc hẳn các cơ quan chức năng sẽ sớm nhìn thấy và khắc phục trước khi quá muộn! l

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày