Ngôi nhà san sẻ yêu thương

GN - Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện - Cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, là nơi giao lưu, gặp gỡ của hơn 50 trẻ em khuyết tật. Đây không chỉ là ngôi nhà thứ hai của các em, mà còn là nơi san sẻ yêu thương, hỗ trợ cho các em nâng cao tay nghề, tìm kiếm phương kế mưu sinh sau này...

Nỗ lực của một tập thể…

Từ một tổ chức dạy nghề nhân đạo ngắn hạn cho thanh niên khó khăn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn do một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan tài trợ (tại số 283 đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), khi kết thúc dự án, từ năm 2005, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP.Đà Nẵng chỉ đạo cho Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thay đổi mục tiêu đào tạo là tập trung chủ yếu dạy nghề cho trẻ khuyết tật.

NAHTT (1).JPG

Các em khuyết tật sinh hoạt tại trung tâm

Trung tâm chính thức đi vào hoạt động, mỗi năm nhận khoảng 50 đến 60 trẻ khuyết tật ăn, ở và học nghề. Ông Lê Tấn Hồng - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Khi tiếp quản cơ sở vì kinh phí có hạn, chúng tôi chỉ dám nhận khoảng 25 em. Tận dụng tối đa những gì đã có của cơ sở cũ, trung tâm chia thành khu học nghề, nhà ăn, nhà vệ sinh, khu sinh hoạt chung và khu lưu trú học sinh nam, nữ, cùng mảnh vườn nhỏ để các em trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày”.

Các em vào đây có hoàn cảnh khác nhau. Em mồ côi cha, em mồ côi mẹ, em mất cả cha lẫn mẹ, có em còn cha mẹ nhưng hoàn cảnh quá khó khăn... có em ở Đà Nẵng, có em ở Quảng Nam. Đặc biệt, tất cả các em này đều bị khuyết tật như câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn vận động tay, chân…

Khi vào Trung tâm, các em được nuôi dạy miễn phí trong độ tuổi từ 15-25. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà Trung tâm tạo điều kiện cho các em học nghề, sắp xếp để các em chọn những việc phù hợp với thể trạng. Những trường hợp khuyết tật như mắt và chân tay vẫn bình thường thì được học nghề may, còn những cháu bị khuyết tật về chân mà đôi tay vẫn khoẻ mạnh thì Trung tâm bố trí học nghề thêu thủ công... Nhiều trường hợp đã quá tuổi nhưng chưa có khả năng tự lao động kiếm sống thì Trung tâm vẫn tiếp tục nuôi dưỡng.

Ông Lê Tấn Hồng cho biết thêm: “Ở đây mục đích hàng đầu chúng tôi đặt ra là làm sao để cho các em có thể sống tự lực bằng nghề của mình đã học, xây dựng môi trường thuận tiện để giúp các em sớm hòa nhập, lựa chọn nghề phù hợp cho từng đối tượng và cải tiến phương pháp dạy nghề. Đối với việc dạy nghề cho các em, chúng tôi đã tiến hành phân loại đối tượng và chia ra từng nhóm nghề, để từ đó định ra mục tiêu và quỹ thời gian đào tạo cho từng em.

Từ việc phân định rõ nhóm đối tượng, bằng phương pháp cầm tay chỉ việc và thực hành trên sản phẩm là chủ yếu, qua đó chúng tôi đã giúp cho các em có điều kiện học nghề tốt hơn. Nhiều em đã phát huy được khả năng của mình, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và được thị trường chấp nhận. Nhiều đơn vị doanh nghiệp đến thăm và nhận các em vào làm việc tại cơ sở sản xuất của họ.

Đồng thời việc dạy và truyền nghề đối với các em đòi hỏi sự kiên trì, yêu nghề của tập thể cán bộ, giáo viên ở đây”.

Nhiều em, tùy theo điều kiện sức khỏe sẽ được sắp xếp học những lớp khác nhau như các em Huỳnh Đức Tính, Nguyễn Văn Tâm (phường Hòa Quý) thì bố trí kết cườm trên liễn. Hai em này vào đây đã khá lâu nhưng không học chữ được, cũng không làm được các nghề khác. Kết cườm là việc đơn giản, nếu lỡ làm sai thì tháo ra kết lại mà không gây hư hỏng sản phẩm.

Em Nguyễn Lê Phương (ở phường Hòa Thọ Đông), bị bệnh tự kỷ, gia đình đã đưa đi chữa ở nhiều nơi nhưng không thuyên giảm, lúc còn ở nhà sợ tiếp xúc với người khác nên thường xuyên trốn vào ngồi trong xó tối. Vào trung tâm, Phương được các thầy cô ân cần chăm sóc, bệnh tự kỷ đã đỡ hẳn nhưng khả năng tiếp thu vẫn rất kém, nên cũng được bố trí công việc kết cườm.

Hay cặp sinh đôi Trần Thị Bông và Trần Thị Cúc (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cả hai chị em đều bị câm điếc bẩm sinh, khi vào Trung tâm các em được thầy cô tại Trung tâm dạy cho những công việc phù hợp với các em, đến nay cả 2 em đều tạo ra nhiều sản phẩm như bóp, ví, hoa vải…

Từ học nghề sang tự nuôi bản thân ...

Việc kết hợp chặt chẽ giữa học nghề với sản xuất, đã tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tích cực và không ngừng nâng cao tay nghề, đồng thời cũng đã tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc ăn ở cũng như học nghề của các em.

Khi vào ngôi nhà chung này, các em chỉ dám mơ ước làm sao để chiến thắng bản thân, vượt qua bệnh tật. Vậy mà sau nhiều năm ở đây, các bạn đã thật sự trưởng thành và nhiều cặp đã nên duyên vợ chồng. Nhiều sản phẩm do các em làm ra đã được xã hội công nhận và ký hợp đồng thu mua dài hạn. Trung bình mỗi năm, các em tự tạo ra được hơn 12.000 sản phẩm với thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng. Điều đáng nói, các em được hưởng 30-50% lãi trên một sản phẩm, do quá trình học nghề làm ra.

NAHTT (3).JPG
Các em khuyết tật chăm chút tác phẩm của mình

 Nhiều em đã nỗ lực vượt qua khó khăn bệnh tật, không những tiến bộ trong học tập, làm nghề mà còn tạo ra những sản phẩm giá trị như em Lê Thị Mỹ Ái (Tiên Sơn,Tiên Phước, Quảng Nam). Là một học sinh bị teo cơ khó phát âm, nhưng sau hai năm kiên trì dạy và học, đến nay Ái đã trở thành thành viên tích cực của lớp, số lượng hương làm ra của Ái ngày một tăng lên từ 4kg hương tương đương tám bó, lên 6kg tương đương 12 bó.

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy lớp làm hương cho biết: “Không phải em nào cũng có khả năng tiếp thu được như Ái. Có những em khi vào đây, trung tâm phải bố trí học các lớp khác nhau, để xem phù hợp công việc gì, sau đó mới tính chuyện học lâu dài”.

Và không ít em đã có nghề nghiệp và tự tạo thu nhập cho bản thân, nhiều em đã tách ra và nỗ lực khẳng định thành công trên đường đời. Em Lê Thị Lệ Hằng, hiện làm tại công ty may thêu xuất khẩu ở TP.Hồ Chí Minh. Em Nguyễn Thị Liêng, bị khuyết tật hai tay, sau một thời gian học nghề may tại trung tâm, được cửa hàng thời trang Cẩm Tiên (số 9 đường Đỗ Thúc Tịnh, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) nhận vào làm, với mức lương 2,4 triệu đồng/tháng.

Em Nguyễn Danh (Thăng Bình, Quảng Nam) bị teo cơ, chân tay yếu được nhận vào học nghề từ năm 2011, đến hết năm 2013, em đã xin ra trường, về tự sản xuất hương tại gia đình, thu nhập hàng tháng trên 2 triệu đồng và đã kết hôn với vợ cũng là người đồng cảnh ngộ. Hay em Trần Thị Khánh Vi (Điện Bàn, Quảng Nam) bị khuyết tật dị dạng, mồ côi cha, gia đình khó khăn, vào trung tâm năm 2012. Vậy mà, đến nay em đã tự làm được rất nhiều sản phẩm thủ công tạo doanh thu hàng tháng trên 3 triệu đồng, và đã được trung tâm tin tưởng giao hướng dẫn làm nghề cho 5 em mới vào học.

Phối hợp và tự vận động…

Kết hợp chặt chẽ việc dạy nghề với việc sản xuất, ngay từ năm 2005, trung tâm đã phối hợp với các cơ sở sản xuất và bán sản phẩm do các em làm ra và ký hợp đồng sản xuất với nhiều cơ quan, đơn vị trong thành phố như: cung cấp hương thắp cho các Ban Nghĩa trang thành phố, in biểu mẫu cho Xí nghiệp Xây dựng 309 (Công ty Vạn Tường, QK5), gia công túi xách tay, bao bì cho Công ty TNHH Tứ Xuân (xuất khẩu đồ trang sức, dây đeo, vòng đá…), xây dựng 3 cơ sở bán sản phẩm của các em tại Bảo tàng Chăm, 280 Nguyễn Tri Phương, Hội CTĐ phường Hòa Cường Nam, để tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời để cải thiện đời sống cho các em, lãnh đạo trung tâm chủ động liên hệ các cơ sở, nhà chùa... tạo thêm việc làm, bán hàng lấy kinh phí phục vụ công tác đào tạo.

Ngoài ra, kinh phí hoạt động của trung tâm còn do sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân tấm lòng hảo tâm trong nước và nguồn từ hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung tâm.

Trong 5 năm qua (2010 - 2014), Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện CTĐ TP.Đà Nẵng đã giúp đỡ cho 319 lượt trẻ khuyết tật (128 em có đủ điều kiện ăn ở và học nghề tại Trung tâm, 40 em có việc làm tại các cơ sở sản xuất, 14 em có việc làm tại gia đình, 26 em hồi gia). Và trung tâm đã vận động được 8 tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, trung tâm còn vận động sự giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân trong nước với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, kết quả qua 5 năm, đã vận động được gần 4 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày