Ngôi sao không tắt

GN - Một ngôi sao vừa tắt… Không dưng mà một câu thơ cũ hiện về. Mỹ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu (1).

Người ta vẫn quen nhắc lại câu thơ ấy, về người đẹp và tướng tài. Vì sao vậy? Có lẽ, vì để cho cái Đẹp không bị cuốn theo quy luật bào mòn của thời gian. Để trở thành bất tử, trong ước mơ của nhân loại: Con người luôn có khát vọng hướng đến cái Đúng, cái Tốt, cái Đẹp, dù lịch sử lắm khi những giá trị nhân bản vẫn bị các thế lực phi nhân muốn nhận chìm dưới bùn nhơ của tham vọng xấu xa. 

img-3610-1381224864275.jpg

Nhân cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sức hút đối với nhiều thế hệ - Ảnh: Soha.vn

Và hôm 4 tháng 10 năm 2013 này, người cuối cùng trong mười danh tướng lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại vừa ra đi. Sự tôn vinh danh hiệu “Mười vị danh tướng” ấy là xếp hạng từ nhiều năm trước, khi giới sử học thế giới bình chọn ra mười tướng lĩnh tài - đức của nhân loại. Trong con số 10 này, Việt Nam có hai: Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.  Những vị tướng tài khác trên toàn thế giới, nếu chỉ thuần túy là những tài năng về mặt quân sự, đã không được nhắc đến. Nghĩa là, năng lực thao lược về chuyện nghệ thuật quân sự chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để bình chọn. Không cần nhắc lại những cái chuẩn của việc chọn lựa, nhưng cái con số 10 ít ỏi ấy, trong dằng dặc thời gian của lịch sử xã hội loài người và trong không gian rộng lớn là cả hành tinh này, cũng đủ nói lên sự lớn lao khó có thể đo lường của danh hiệu ấy…

Hẳn nhiên, là tất cả các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đều đưa tin. Trân trọng. Kính mến. Thương yêu…

Hẳn nhiên, là hàng triệu người dân Việt tạm dừng công việc. Lắng lòng…

*

Điện thoại đường dài. Của một người cháu gái ở nước ngoài, gọi về cho gia đình: Đứa con trai của cháu năm nay tám tuổi, đang học lớp ba, chiều hôm qua tan học về hỏi mẹ: Mẹ đã biết tin Đại tướng Giáp ở Việt Nam qua đời chưa? Mẹ cháu chưa biết và hỏi lại: Vì sao con biết? Cu Nam trả lời: Cô giáo ở trường báo tin cho cả lớp con biết đó.

Cậu bé tám tuổi Đào Huy Nam ấy sinh ra ở Mỹ, tiếng nước ngoài nói tốt hơn tiếng Việt. Mẹ cháu phải cho cháu đi học thêm tiếng mẹ đẻ. Để khỏi bị cắt rời cái cuống rốn quê nhà. Để cho cháu lớn lên, không trở thành một người… dang dở. Điều đáng nói ở đây là gì, chung quanh việc “cô giáo báo tin” như thế, có lẽ cũng không cần… dông dài  hý luận.

Lại chợt nhớ lại. Trong nhiều năm trước, một lần, Người - vừa - ra - đi đã nói với hiền nội: Dù sao, chúng ta vẫn có thể dịch sách và dạy học được mà! Từ lời nói ấy, làm sao không liên tưởng đến tiếng than của Đức Khổng Phu Tử hơn 2.000 năm trước: Vi nhân nan (2). Cũng từ thời cái xa ấy, Lão Tử đã minh triết mà nhắc nhở: Khúc tắc toàn (3). Danh dự với sinh mệnh, cái nào mới thật sự đáng quý? Người hiểu biết không vì trọng cái danh hão mà xem nhẹ tính mạng.

Nghe nói, trong thời gian dài, Người đã có dịp tìm hiểu về triết lý sống theo tư tưởng Phật giáo. Và như thế, Hương các loại hoa thơm / không ngược bay chiều gió / Nhưng hương người đức hạnh / ngược gió khắp tung bay (4).

*

Nhìn lên bầu trời đêm. Nếu có một ngôi sao nào đó vừa tắt, thì ngàn năm sau hoặc hơn nữa, ánh sáng của nó vẫn còn trong những mắt nhìn của người. Nghĩa là, ngôi sao vừa tắt là ngôi sao không tắt, trong thăm thẳm thời gian…

Không nên viết dài hơn. Không thể viết dài hơn. Có lẽ, chỉ nên yên lặng. Và nhớ lại…

Một ngôi sao không tắt. Và tin, đó là tâm trạng không chỉ của riêng mình.

16 giờ, ngày 5-10-2013
Nguyễn Đông Nhật

---------------------------------------------------

(1) Người đẹp từ xưa như tướng giỏi / Chẳng hẹn cho ai thấy bạc đầu.
(2) Làm người thật khó.
(3) Cong (chịu khuất phục) thì sẽ được bảo toàn.
(4) Kinh Pháp cú, phẩm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày