Ngôi Tam bảo giữa rẫy điều, cao su

GN - Những đường nét uốn cong của mái già-lam Đức Tạng (H.Chơn Thành, Bình Phước) bắt đầu ẩn hiện dưới những lớp gạch khô cứng, giữa những mảng xanh nơi rẫy điều, cao su lặng lẽ bao bọc xung quanh.

Từ một mái am nhỏ, được gia đình hiến tặng, Sư cô Thích nữ Diệu Quán thương cảnh mưa gió dãi dầu, Phật tử không có nơi tu học trang nghiêm nên bắt đầu từ tháng 4-2018, xin phép được xây dựng ngôi Tam bảo.

2bt.jpg


Chùa Đức Tạng (H.Chơn Thành, Bình Phước)

Gần 10 năm về đây, Sư cô nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, Phật sự tại địa phương, mọi hoạt động cô “làm khéo” dù chùa cũng nghèo - là nhận xét của TT.Thích Tỉnh Cường, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Sư cô Diệu Quán kể, ở đây là vùng kinh tế mới, cuộc sống bà con chỉ đủ ăn, đủ mặc, lại ở xa trong rẫy, nên tối chỉ có khoảng hơn chục người đến tụng kinh. Nhưng ngày lễ, tổ chức từ thiện thì họ tới công quả đông. Như trong tuần nấu cơm chay miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Chơn Thành hàng tháng đều có rất đông Phật tử tới hỗ trợ, “ở đây bà con họ thích làm, mỗi lần công quả đông lắm, nhưng tụng kinh thì vắng. Nên theo cô, có nhiều phương pháp cho người ta tu, mà Phật dạy phước huệ song tu, nên miễn sao họ cùng chùa làm việc thiện là tốt rồi”.

Việc nấu cơm ở bệnh viện bắt đầu từ năm 2013 đến giờ, dù có nhiều lúc chùa cũng rất khó khăn, nhưng cô luôn duy trì hoạt động này; cô cũng thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân của mình những chương trình để Phật tử ở xa có thể cùng cô làm từ thiện. Cô bày tỏ, khi xuất gia tại chùa Tây Tạng (Bình Dương), được sư phụ cho xuống bếp làm nên dần trở thành một đầu bếp giỏi, nấu ăn từ thiện với cô vì vậy không khó.

“Khi nấu cơm cho bệnh viện, tôi thấy đó là niềm vui của mình chớ không có gì cực hết, ngày nào người ta còn ăn chay được là mình mừng. Nhiều người nói cơm chay chùa Đức Tạng ngon, vì đích thân tôi xuống nấu, vừa nấu vừa niệm Phật nên tôi nghĩ ít nhiều có an lạc  trong đó”, cô chia sẻ.

Có nhiều người hỏi giữa cúng xây chùa và làm từ thiện thì làm cái gì tốt hơn, “tôi nói gặp một người đang đói thì mình phải giúp ngay chớ không hỏi, còn đắn đo giữa hai việc làm thì tôi sẽ xây dựng chùa. Vì chùa tạo nên những con người thiện, và những con người thiện ấy khi ra ngoài sẽ làm được những việc tốt cho xã hội”.

Cô kể, có chú Phật tử tới xin coi ngày để làm nhà cho tốt, “xây nhà để đời cho con”. Nhân đó cô chia sẻ, nhà để đời cho con là cái nhà chú làm thiện, làm phước đức, đó mới để đời cho con. Còn những nhà này chỉ tạm thời, nếu giờ để lại một căn biệt thự, nhưng không tạo nhân lành phúc đức ngày hôm nay thì ngày hôm sau nó làm đổ vỡ hết.

Nhiều công nhân đến than, năm nay họ “tam tai”, cô nói, đầu tiên phải biết nhịn khi ai chửi mình, nếu mình chửi lại thì lửa sân nổi lên, họ đánh mình - đó là tam tai, nên tam tai là phải bỏ tham sân si, tiếp theo là bớt sát sanh.

Về đây, từ những chuyện thực tế đó, cô chia sẻ trong khả năng với cốt tủy là làm sao người dân hiểu được việc thiện, hiểu được nhân quả để họ sống tốt. “Để cuộc sống tốt đẹp thì phải tu, khi đó phước báo mới tới, chứ mải mê với những hoạt động thế sự bình thường thì không nhận ra được đâu là chỗ dừng lại, đâu là chỗ làm tiếp”, Sư cô tâm niệm.

“Tôi cũng nguyện khi chùa tạm ổn định thì sẽ thỉnh giảng sư về đây để tổ chức khóa tu, mời Phật tử đến để họ được nghe Phật pháp, hiểu Phật pháp nhiều hơn”.

Sư cô cũng tâm niệm “quan trọng mình có những ngày tháng sống an lạc, bây giờ sống dưới mái hiên mình cũng phải tìm sự an lạc cho mình trước, cái này chỉ là một phương tiện cho mình làm Phật sự thôi”, SC.Diệu Quán bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày