GN - Có một thời gian, tại bán đảo Jaffna, người dân đã từ bỏ Phật giáo và thậm chí không còn để lại ngay cả một manh mối nhỏ nhất để chứng minh có những di sản Phật giáo ở trên bán đảo.
Lúc ấy, các điềm đen tối của chủ nghĩa khủng bố đã bắt đầu bao trùm lên nền hòa bình của toàn bộ quốc gia Phật giáo Sri Lanka. Vào thời đó, khó có thể tìm thấy một người nào tụng kinh Phật, cũng không thể thấy bóng dáng một vị Tăng sĩ nào truyền dạy Phật pháp tại Jaffna.
Bây giờ, khi những đám mây đen của sự xung đột đã được xua tan và hòa bình đã ngự trị tại Jaffna, có một người đàn ông đang cố gắng truyền bá giáo pháp một cách nhẹ nhàng đến những người dân ở bán đảo Jaffna. Người đó chính là ông Arunnethwaraththam Ravi Kumar, sống ở Manipay, Jaffna. Cha mẹ Ravi Kumar là người lãnh đạo Jaffna nhưng ông được học tại Bandarawela đến lớp 10. Sau đó Ravi Kumar quay trở lại Manipay vào năm 1979 và bắt đầu công việc của mình với tư cách là một thầy giáo dạy Thực vật học.
Thế nhưng, xung đột sắc tộc xảy ra ở Jaffna, bà con họ hàng, thậm chí cha con quay lại sát hại nhau vì chủ nghĩa khủng bố. Những kẻ khủng bố đã yêu cầu Ravi Kumar giảng dạy chủ nghĩa chính trị của họ. Ravi Kumar không đồng thuận. Để sống sót, Ravi Kumar đã phải trốn sang Ấn Độ một mình và sống ở Chennai rồi sau đó chuyển đến Mumbai. Trong lúc đó, những kẻ khủng bố đã tìm giết vợ và con của Ravi Kumar ở quê nhà.
Biết được tin vợ và con đã bị những kẻ khủng bố giết hại, Ravi Kumar vô cùng đau khổ. Trong cơn đau khổ và cô đơn cùng cực ấy, Ravi Kumar đã xin vào tu học ở Đền Vàng (Golden Temple) của đạo Sikh. Thế nhưng sự tu tập đó cũng không giúp anh vơi bớt khổ đau.
Thế rồi tình cờ anh đi đến một trung tâm thiền có tên Battadiya và tham dự khóa thiền 10 ngày. Anh cảm thấy rất thích nếp sống ấy. Từ đó, Ravi Kumar càng ngày càng đến gần với đạo Phật hơn. Rồi anh cảm thấy những lợi ích mà anh có được từ việc tu học theo đạo Phật không nên giữ cho riêng mình mà nên chia sẻ với người khác. Cho nên, sau khi bán đảo Jaffna được hòa bình trở lại, anh đã trở về quê hương và bắt đầu thành lập một trường giáo pháp (Dhamma School) có tên gọi là Trường Nandarama Dhamma ngay tại nhà mình. Ravi Kumar tự mình điều hành lớp học và giảng dạy cho học sinh. Hiện có khoảng 50 học sinh người Tamil đang được giảng dạy giáo lý đạo Phật tại ngôi trường này.
Chỉ có một mình, nên việc duy trì và phát triển ngôi trường giáo pháp trong cộng đồng người Tamil gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm và lòng vị tha của mình, Ravi Kumar vẫn đang duy trì tốt hoạt động của ngôi trường. Ravi Kumar bày tỏ: “Tôi cần sự hỗ trợ của Tăng đoàn. Tăng đoàn nên khuyến khích việc giảng dạy giáo lý đạo Phật cho người Tamil trước khi đến châu Âu để giảng dạy giáo lý cho người da trắng. Hãy đến Jaffna để truyền bá giáo lý với tinh thần vô úy”.
Ravi Kumar chia sẻ thêm: “Tôi bảo với những người Tamil ở Jaffna là đừng nhìn đạo Phật với sự ngờ vực. Khi quý vị đến chùa, các vị thần thánh cũng ngự ở đó. Với xu hướng cải đạo trong hiện tại, khoảng 80% dân số trong cộng đồng người Tamil cải đạo sang Thiên Chúa giáo, khoảng 20% còn lại sẽ cải đạo sang Hồi giáo. Điều đó sẽ nguy hiểm cho người theo Ấn Độ giáo và cả người theo Phật giáo. Chúng ta là một gia đình. Nếu chúng ta đánh nhau thì những người hàng xóm kia sẽ được hưởng lợi”.
Hiện tại, các bạn trẻ người Tamil ở Jaffna và cả những em nhỏ đều đồng thuận với những gì mà Ravi Kumar đang làm.
Tuy nhiên, chỉ với sự cố gắng của một cá nhân thì không làm được việc lớn, cho nên Ravi Kumar khẩn thiết kêu gọi Tăng đoàn và Chính phủ hỗ trợ để anh có thể làm tốt công việc của mình.
Hoàng Lam (theo Sinhala Divaina)