Người con Phật đối diện với dịch bệnh và biến động

Trở về chánh niệm, trở về với chân tâm giúp ta nhìn vấn đề rõ hơn, cảm thông với sự khác chính kiến nhiều hơn.
Trở về chánh niệm, trở về với chân tâm giúp ta nhìn vấn đề rõ hơn, cảm thông với sự khác chính kiến nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00

GN - Vấn đề xảy ra ở siêu cường Hoa Kỳ trong những ngày qua là đỉnh điểm thu hút quan tâm của người dân toàn thế giới.

Khó có thể tưởng tượng một quốc gia có nền kinh tế, khoa học, văn hóa, quân sự ảnh hưởng đến toàn cầu lại không thể khống chế dịch bệnh Covid-19, dẫn đến tình trạng hơn 24 triệu ca nhiễm, gần 400 ngàn người chết (thống kê ngày 8-1-2021), cứ 14 người Mỹ thì có một nhiễm Covid-19, tỷ lệ thật khủng khiếp!

Cũng không ai ngờ quốc gia có guồng máy chính quyền và chính trị như thế lại có sự kiện bùng phát chống đối dữ dội kết quả bầu cử Tổng thống. Hình ảnh biển người đông như bất tận biểu tình phản đối, xâm chiếm Điện Capitol, nơi tập trung quyền lực biểu tượng của nước Mỹ là chuyện chưa từng có.

Trước những sự kiện như thế, nhất là sau gần một năm đời sống bị phong tỏa, giới hạn vì dịch bệnh, người dân Mỹ dễ trải qua những đợt sóng dâng tràn cảm xúc phẫn nộ hoặc trầm buồn u uất. Những cảm xúc này dẫn đến hành động tiêu cực hoặc tâm bệnh mà giới y khoa, tâm lý học đang cảnh báo nghiêm trọng.

Phật tử Mỹ là một bộ phận của dân chúng Mỹ, cũng đối diện những khó khăn trên. Tuy nhiên người Phật tử có được các phương pháp chuyển hóa trị liệu thân tâm vô cùng quý báu mà Đức Thế Tôn truyền dạy. Nếu thực hành những phương pháp này, người con Phật sẽ nhìn các khó khăn ấy như cơ duyên thử thách hiếm khi có được để thực chứng thành quả tu tập của mình.

Hình ảnh những bệnh nhân Covid ráng hết sức lực chống chọi từng phút từng giây để có một hơi thở vào, một hơi thở ra để tiếp nối sự sống đã thức tỉnh chúng ta rằng có được một hơi thở nhẹ thật vô cùng mầu nhiệm, giúp chúng ta trở về chánh niệm, nhận thức được sự quý báu thanh tịnh trong từng hơi thở khi đi đứng nằm ngồi. Sống trong vùng bị phong tỏa vì Covid cũng là một cơ duyên giúp chúng ta trở về chính mình, khám phá lại ngôi nhà thân yêu mà chúng ta lắm lúc coi thường, trân quý người thân trong gia đình mà đôi khi ta hờ hững do bị cuốn hút theo thời cuộc. Trong hơi thở chánh niệm, ta sẽ thấy con đường, hàng xóm, bầu trời, cây cỏ chim muông... có những nét đẹp diệu kỳ.

Bên cạnh dịch bệnh Covid-19, những tranh luận về kết quả bầu cử Tổng thống cũng như sự kiện biểu tình, bạo động tại thủ đô Washington những ngày qua cũng là một thử thách lớn trong tâm tư người dân Mỹ, bao gồm cả người Việt gốc Mỹ. Nhiều gia đình cha mẹ con cái giận nhau vì chọn lựa ứng cử viên khác nhau. Anh em, bạn bè từ biệt vì khác chính kiến là chuyện không hiếm trong kỳ bầu cử sôi động đầy kịch tính này.

Với người Phật tử, dù ở đâu, trong tình huống như thế, cần giữ tâm thật thanh tịnh, quán chiếu sâu xa nhiều góc cạnh để hiểu nhân duyên dẫn đến từng sự kiện.

Mỗi người dân đều có quyền và hoàn toàn chính đáng khi bỏ phiếu cho ứng cử viên thích hợp với quan điểm mình. Là con người, chúng ta không tránh khỏi cảm xúc giận ghét khi đối diện những tranh luận bất đồng quan điểm, hoặc những sự kiện ta cho là gian dối, bất công dù từ phe nào. Tuy nhiên là người con Phật, chúng ta được Phật dạy khi cảm xúc tiêu cực nổi lên cũng là lúc chúng ta cần ngồi yên thở nhẹ, thở sâu, mỉm cười với cơn giận bằng hơi thở vào, thương cơn giận bằng hơi thở ra.

Trở về chánh niệm, trở về với chân tâm giúp ta nhìn vấn đề rõ hơn, cảm thông với sự khác chính kiến nhiều hơn. Ta phản ứng các bất công qua những lời nói hành động đầy tuệ giác, vị tha và hòa bình hơn.

Mỗi chúng ta do bản năng nên hiếm khi mong muốn những khó khăn xảy đến trong cuộc sống. Tuy nhiên, do nghiệp chung, khó khăn vẫn đến dù ta có muốn hay không. Là Phật tử, chúng ta hãy xem đây là môi trường thử thách giúp ta thực tập chánh niệm, tỉnh thức để có niềm an lạc hơn, đồng thời giúp thế giới được an bình hơn.

Huyền Lam (ngày 9-1-2021, Hoa Kỳ mùa tuyết rơi)

Báo Giác Ngộ số 1085

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày