Người của vườn thong dong

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1134 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1134 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Không gian đầy tiếng chim kêu về tổ. Đưa mắt nhìn quanh cảm nhận sự vắng vẻ, gã lấy lại bình tĩnh, quên nỗi lo âu trong lòng.

Tình cờ gã nắm được thông tin rồi phát hiện ra cái nhà là cái kho chứa đồ vật cũ, mấy khúc gỗ chờ cưa ra làm củi. Rõ ràng mấy khi chủ mở cửa ngôi nhà, gã cũng đề cao cảnh giác, có động sẽ nhanh chân phóng ra cửa sau, lòn qua khu vườn lân cận.

Gã sẽ trú ẩn ở đây mấy ngày rồi tính sau. Đang vui, thấy mọi việc như thuận theo ý, gã chợt nhớ đã mải lo mà quên cả ăn. Nhưng cái túi đựng mì gói, bánh mì ngọt dành cho mấy ngày trốn tránh đâu rồi. Chắc nó rơi đâu đó hay là lúc nhảy xuống xe vội vàng gã bỏ quên. Thiệt là tai hại, cái ăn chuyện nhỏ lại để cho người ta phát hiện mình.

- Anh kia…

Sau lưng gã vang lên tiếng kêu của người đàn bà. Tiếng kêu kéo dài đầy quyền lực. Gã như bị ông vải bà vải lấy mất hồn vía. Rõ ràng từ nhà kho, gã đã quan sát rất kỹ lưỡng. Ngôi nhà chính vắng như nhà hoang, cửa lại mở toang. Gã không chú ý gì tới đồ đạc. Nhà có ba bốn phòng, mà cái bụng đói giục gã lần xuống bếp.

Tiếng kêu làm gã giật mình, trở về với bản năng. Gã nhanh lẹ phán đoán. Một là, khi phát hiện ra kẻ vô nhà bất hợp pháp, trước khi kêu, người ta đã gọi điện thoại cho xung quanh báo công an. Hai là, người sau lưng mình có cầm vũ khí. Gã cũng có con dao Thái, đi đâu cũng mang theo, gã đưa tay vịn cán dao thủ thế rồi quay đầu lại. Hơi bất ngờ. Trước mặt gã là người đàn bà mặc bộ đồ xá xẩu gài nút vải thắt màu nâu bạc. Khó đoán người bao nhiêu tuổi, đầu bạc gần nửa nhưng gương mặt trắng trẻo không có nếp nhăn.

Người đàn bà đứng trước mặt gã không chút sợ sệt, nghiêm nghị đưa mắt nhìn thẳng vô mặt gã. Rồi không cần sự trả lời, người nhẹ nhàng hỏi câu thứ hai.

- Anh kia. Ở đâu? Anh xin phép ai lại tự nhiên vô nhà của tui?

Gã lúng túng trước câu hỏi, nhất là cái nhìn nghiêm nghị chiếu thẳng vô mặt gã. Rồi gã chợt lạnh cả người khi nghe người đàn bà nói chắc nịch.

- Tui biết anh là ai rồi.

Câu nói như cờ chiếu tướng. Gã nhớ lúc buồn, vọc chiếc điện thoại thông minh, gã đọc biết được một chất có chiết suất bằng với chiết suất không khí, nó như biến mất, mắt thường khó nhìn thấy. Khoa học quân sự áp dụng nó để sơn máy bay, để nó trở nên tàng hình trước màn ra-đa. Gã ước gì mình bỗng dưng tàng hình trước người đàn bà. Gã nhớ trước đó gã còn ước làm chim bay đó đây, mà làm chim cũng đâu có dễ, luôn bị rình rập, lơ mơ sa bẫy như chơi.

Đúng là rơi vô hoàn cảnh ngặt nghèo người ta mơ đủ thứ viển vông trên trời dưới đất, kể cả điều không thể có. Nhưng điều không thể có vẫn thành có thể. Đầu óc rối nùi như cuộn dây tìm thấy mối gỡ, gã chợt nghĩ tới một ngôi chùa vắng vẻ nào đó. Gã sẽ xin vô chùa làm công quả, xin vô tu cũng được, cửa chùa lúc nào cũng mở rộng đón người.

Tuy nhiên gã thấy cũng không được. Chẳng lẽ một tội phạm như gã lại không ai biết. Ngay cả chùa chiền cũng phải trình báo với chính quyền địa phương có bao nhiêu người. Mà ăn cơm chùa cũng không dễ, phải siêng năng, bốn giờ sáng phải thức dậy đánh trống dộng chuông. Làm ra cơm gạo đâu có dễ, bá tánh không đem công sức của mình cho những kẻ lười nhác ở chùa mà ngủ nướng tám giờ sáng chưa chịu dậy.

Tính gì cũng không ra, gã cảm thấy mình bơi được nửa sông lửng lơ. Bơi ngược lại không được. Bơi tới cũng không được. Tin tức đã lan truyền khắp nơi. Hay là mình ra đầu thú? Thật tình gã tham gia băng trộm cướp, mặc dù có mang theo dao lận lưng, nhưng gã không phải là đứa có máu lạnh. Bất khả kháng, tay móc dao cho người sợ chớ không cố ý giết người. Thành thật khai báo chắc tòa xử cũng nhẹ… Sau năm mười năm ngồi tù, gã sẽ trở về với cuộc đời để làm lại từ đầu. Nhưng như vậy gã là đứa phản bội bạn bè sao.

Anh là ai? Đúng là có lúc không biết mình là ai, và gã đi đâu cũng không biết đi đâu. Hình như gã đã nghĩ tới một ngôi chùa Phật ở trên cao. Nhưng không biết ngọn gió xấu nào đưa chân gã lạc vô một xóm vắng. Sau này gã mới biết đây là xóm nhà có nhiều dân khá giả các nơi tìm đến mua đất cất nhà lập vườn, vừa là chỗ làm kinh tế phụ, vừa là chỗ để nghỉ cuối tuần. Họ mướn một người công nhân trông coi, hoặc khóa kín cổng rào, bỏ đó về thành phố, một hai tuần trở lên cùng với bạn bè vợ con hoặc bồ nhí.

Xóm vắng như chỉ có gã với tiếng gió rì rào, tiếng ve kêu rền. Người đi đâu cả rồi, ngoài đường trước sau không một bóng người. Một khuôn viên khá rộng bao quanh là trà xanh, sim trổ bông tím chen nhau thay cho hàng rào. Cây cối rợp bóng mát treo lủng lẳng những giò phong lan rừng đang ra hoa.

Gã dừng chân quan sát khuôn viên có 3 ngôi nhà. Ngôi thứ nhất trông giống chánh điện của một ngôi chùa nhưng không phải chùa. Vì chùa thì phải có bảng hiệu, có nhiều bàn thờ. Ở đây nhà mở rộng cửa, chỉ thấy duy nhất một bàn thờ và tượng Phật Thích Ca. Không giống chùa đã đành, nhìn bên trái gã thấy một phiến đá to viết ba chữ lớn “vườn thong dong”, không hiểu nơi đây là gì. Lùi về phía sau một khoảng rộng là nhà của chủ nhân. Xéo góc vườn là cái nhà giờ như là nhà dành riêng cho gã.

Điểm lại những gì nhìn thấy, gã móc gói thuốc ra ngồi xuống bãi cỏ ven đường. Chợt gã lấy thuốc ra khỏi miệng, ngồi lùi vô phía sau. Ngang góc cây me to, từ đâu xuất hiện một cô gái trẻ đạp xe chạy tới. Bất ngờ cô dừng xe cách gốc cây vài bước chân, ngó vô vườn kêu lớn: Cô ơi! Một người đàn bà thong thả bước ra. Gì đó cưng? Con đi chợ. Cám ơn cưng nghe, nhà có một mình hà! Tình cờ mọi thứ như thuận theo ý gã. Nhờ cô gái có vẻ lắm chuyện, gã biết thêm một vài thông tin. Lâu nay ít thấy bạn của cô lên chơi he? Người ta bận làm ăn, đâu ai rảnh rang. Mấy anh chị cũng không thấy lên chơi cho vui há cô? Đang là mùa thi, tụi nó bận lo thi cử cưng à, cô cũng lo không biết tụi nó có làm bài vở được không? Hóa ra người đàn bà còn nhà ở thành phố và điều khiển gia đình từ xa.

***

Vậy là gã tìm được chỗ ẩn náu. Bất ngờ với câu nói “tui biết anh là ai” của người đàn bà, gã hoảng hốt toan co chân bỏ chạy, nhưng sự tò mò ngạc nhiên lớn hơn kìm bước chân gã. Không biết thì thôi, biết rồi thì coi như lật ngửa lá bài, có con dao, sợ gì. Nhưng làm sao lại biết? Người đàn bà vẫn đứng yên một chỗ, uy nghi đưa mắt nhìn gã từ đầu xuống chân khiến gã cảm thấy nhột nhạt. Gã chờ. Bất ngờ, người đàn bà dịu dàng: Anh hôi hám dơ dáy quá! Đúng là mấy ngày qua ngoài việc ăn uống thất thường, gã còn quên tắm rửa. Gã hồi hộp im lặng coi người đàn bà nói gì nữa.

- Anh đã làm gì bị công an rượt mò vô nhà tui trốn phải hông? Hóa ra người đàn bà phát hiện ra anh qua cái thân thể như thây ma chết sình. Gã thầm tâm phục nên cúi đầu để né cái nhìn. Rồi gã như bị nam châm hút, như bị thôi miên, như nhân viên nghe lãnh đạo truyền lệnh:

- Ra giếng tắm cho sạch sẽ đi! Gã ríu rít ra phía sau nhà có giếng nước mát lạnh cởi áo, bỏ con dao ra. Người đàn bà bước ra, tay cầm cục xà bông, bộ quần áo: Nè, giặt đồ, thay quần áo. Của con tui đó, mặc đi. Người đàn bà trở vô rồi ngoái đầu lại nhìn. Cái nhìn chiếu vô con dao, gã hiểu ngay mình đã vô ý tứ. Gã bỗng thấy ngại ngùng, rụt rè tắm rửa xong trở vô lại thấy mâm cơm bày ra bàn. Người đàn bà như ra lệnh: Ngồi xuống ăn cơm! Gã rón rén kéo nhẹ ghế ra ngồi rồi nghe người nhẹ nhàng nói một câu dài.

- Nhà này ai tới cũng được kéo ghế mời ngồi, mời cơm nước. Lúc nãy thấy anh lò mò trong bếp tui ngạc nhiên nhưng rồi tui biết anh đang đói. Anh ăn tự nhiên. Nhà này ăn chay nghe.

- Bà cũng ăn.

- Tui chưa đói. Anh ăn đi. Tối tui nấu gói mì ăn cũng được.

Tự nhiên khoảng cách giữa hai người như không còn. Gã đang ngồi trước người độ lượng nên hết lo sợ. Gã hỏi thật thà: Bà không sợ? Sợ gì? Sợ con dao!

Người tỏ ra điềm đạm, đúng là cũng sợ khi thấy gã mang theo dao. Mình gặp tay chơi, tay anh chị rồi. Nhưng sực nhớ lẽ ra anh móc dao uy hiếp ngay ở phút đầu, anh lại không làm vậy thì sợ gì.

Lại thêm một lần nữa gã tâm phục khẩu phục. Coi như gã gặp người quen nên thân mật: Bà sống một mình không sợ? Lại câu hỏi về sợ. Người đàn bà thản nhiên: Sợ điều gì? Ngày nay tiền bạc vàng vòng thiên hạ gởi ngân hàng, ít người để ở nhà, nhất là nơi vắng vẻ. Để một ít xài, trộm lấy cũng chẳng sao. Điện thoại, tivi có lấy bán cũng không được bao nhiêu tiền. Mà anh nè. Đi trộm cướp lấy đồ thiên hạ kết cuộc không có hậu đâu nghe. Gã có vẻ sượng vì câu nói như nhắm vào gã.

Sau giây phút trò chuyện qua lại làm quen, người đàn bà như vô vấn đề: Anh quê ở đâu, vì sao phải chui nhủi trốn chạy? Nước làm mềm đá. Giọng nói nhẹ nhàng của người làm mềm lòng trái tim tưởng chai sạn. Lại thêm khi nói, đôi mắt của người không ngừng nhìn vô mắt gã, như yêu cầu gã trả lời đi, có gì hãy nói ra, đừng giấu giếm. Gã có thể giấu bất kỳ ai, ngay cả pháp luật, nhưng trái tim được người chạm vào rồi thì làm sao giấu được?!

Gã quê ở Đồng Tháp. Xứ ruộng vườn trước kia rất dễ sống. Khi đồng ruộng được cơ giới hóa làm thay người, cuộc sống mở ra với người có đất đai, người nghèo thì bị khép lại vì chẳng còn ai kêu mướn làm lụng. Khu công nghiệp Bình Dương mở ra thu hút dân nghèo các nơi, gã lên tìm được việc làm đủ sống, dư ra chút ít để dành hỏi vợ. Thình lình dưới quê điện cho hay cha lâm bệnh ngặt nghèo, gã gởi tiền về vẫn không đủ cho cha cần mổ xẻ. Bối rối không biết cách xoay trở, tình cờ gã quen với một đứa ăn trộm xe. Thấy cũng dễ ăn, tham gia một hai lần rồi quen. Gia đình không biết tiền gởi về là tiền của đứa con trộm cướp.

Biết người đàn bà quan tâm đến con dao, không biết nó đã nhuốm máu người chưa? Gã không biết người tin mình không, nhưng gặp được người tốt, gã khai thật. Mấy tay giang hồ, trộm dạo ai cũng đều có dao mang theo người. Riêng gã dùng dao chỉ để hù dọa. Vụ án mạng xảy ra làm xã hội hoang mang.

Hung thủ giết người là thằng bạn chớ không phải gã. Mò vô nhà thiên hạ bị phát hiện, hai bên xô xát, đứa bạn có máu lạnh xuống tay. Gã ngăn cản không kịp. Vô nhà người ta còn giết người tội rất nặng. Gã lo sợ, thằng bạn thì tỉnh queo: Nó đã biết mặt mình, không xuống tay nó đi khai báo rồi sao! Trước sự việc, gã ân hận định ra đầu thú, nhưng như vậy là phản bạn nên phải trốn tránh. Trở về Đồng Tháp cũng không được. Công an ngày nay nghiệp vụ rất cao, đang chờ gã về. Gã cảm thấy nhẹ lòng, nói ra hết người nghe vẫn ngồi yên không biết nghĩ gì. Rồi máu tò mò nổi lên, gã quên mất mình là ai.

- Cô ơi, vườn thong dong là gì vậy cô?

- Là nơi để người sống ung dung nhàn hạ không vội vã hối tiếc… Chừng như thấy kẻ đối diện chưa hiểu, người đàn bà nói hơi dài. Bao nhiêu người ra sức làm giàu, có thiệt nhiều tiền, cuối cùng chỉ để có cuộc sống ung dung nhàn hạ… Rồi người đàn bà như phân bua… Tui không giàu nhưng biết cái thiên hạ tìm kiếm mình có. Con cái đã lớn có đời sống riêng, sẵn chồng để lại miếng đất mua lúc giá rẻ, tui lập ra vườn thong dong. Vườn này của tui mà cũng dành cho bạn bè quen thân. Những ai mệt mỏi với đời sống cần một nơi để buông hết phiền muộn lo âu sống thong dong thì lên chơi với tui.

- Vậy là cô tu - Gã xen vô. Người bỗng bật cười khà khà vui vẻ - Tu bộ dễ sao anh. Tui không có tu mà chỉ làm người sống sao cho vui, biết chưa. Nhưng đang vui, người bỗng đứng lên bật đèn, trời cũng đã bắt đầu tối. Người lạnh lùng - Thôi lui nghe. Chỗ nào về chỗ đó!

Như bị xua đuổi, gã lủi thủi về lại cái nhà kho ẩm mốc tối mò. Ngồi nhìn ra chỗ sáng đèn, thái độ người ta cho gã thấy, hai thế giới sáng tối có lằn ranh rõ ràng. Có thể giao nhau ở phút nào đó rồi chia ra chớ không được phép hòa lẫn. Đời như vậy đó, phải chịu.

Gã vừa tiếc nuối phút giây êm đềm ngắn ngủi ngồi bên người ta vừa tò mò nhìn ra ngoài vườn. Bỗng gã giật mình thấy người đàn bà lấy chiếc điện thoại ra, nói chuyện với ai có vẻ lâu lắc không biết có hé lộ điều gì bất lợi. Gã không rời mắt theo dõi, đôi chân chuẩn bị tư thế chạy marathon, nghe rục rịch là vọt… Nhưng rồi gã suy đoán, có thể người ta đang nói chuyện với con cái đang ở Sài Gòn.

Chợt gã nghe tiếng kêu cô ơi. Lại thêm lần nữa có tật giật mình. Lần này gã phải nghe cho đích xác, đời lắm bất ngờ, biết đâu. Gã men theo bóng tối chập chờn lên nhà, đến gần lắng tai nghe. Cô gái trẻ gặp lúc trưa đi cùng với cha. Người đàn ông báo tin: Công an khu vực phát hiện bọn tội phạm đang lẩn trốn đâu đây. Tui biết rồi, cám ơn hai cha con nghe.

Cử chỉ cùng với giọng nói lúc nào cũng ngọt ngào của người ta, bao nhiêu lo lắng trong lòng gã chợt tiêu tan. Gã trở về nhà kho tiếp tục theo dõi. Hai cha con hàng xóm ra về, người đàn bà tiễn khách rồi… không thấy người đâu. Gã lại giật mình. Có thể người miệng nói vậy mà không phải vậy, kín đáo phát ra dấu hiệu báo tin nào đó. Người đi đâu thật là khó chịu. Rồi sự khó chịu ấy như tan dần theo tiếng chuông vang lên boong… boong boong… Hóa ra người ta đang ở trên gian thờ lạy Phật, gõ chuông trước khi đi ngủ.

Người miền Tây của gã, ở quê nhiều gia đình cũng vậy, có một cái chuông nhỏ để trên bàn thờ. Đêm buông xuống, trước khi ngủ, lạy Phật gõ ba tiếng chuông boong boong boong. Đêm lắng đọng theo tiếng chuông, giấc ngủ trở nên thanh thản không mộng mị.

Dân miền Tây khác tỉnh gặp nhau coi như đồng hương. Biết là đồng hương, gã lu bu chuyện mình quên hỏi người ta cũng dân miền Tây mà ở tỉnh nào. Gã có cảm giác trúng nắng, say nắng khó chịu. Trải qua ngày dài mệt mỏi, gã cố tìm giấc ngủ, nhắm mắt lại. Nhưng ngủ mà như không ngủ, chập chờn ngồi dựa lưng vô tường bồng bềnh cơn say, gã không biết mình đang ở đâu nữa.

Tiếng gió khuya rì rào, tiếng côn trùng rên rỉ, cuối cùng rồi đêm cũng trôi qua. Đêm như hết phiên trực. Từ gian thờ lại vang lên ba hồi chuông báo hiệu ngày mới bắt đầu. Giật mình, gã mở mắt ra, thấy trời đã sáng bạch. Lập tức gã trở lại với thực tại. Cuộc sống trốn chạy mấy ngày trước, không kể ở khu vườn này, đã bước qua ngày thứ hai. Gã thức dậy, buổi sáng không khí mát dịu, nhìn ra ngoài vườn thấy mấy luống hoa đã được người tưới đẫm nước. Rồi người lui cui hái lá trà xanh bên bờ rào. Bất ngờ người ta thong thả bước tới gần nhà kho kêu: Dậy chưa, đi rửa mặt rồi vô ăn khoai. Vẫn giọng nói của người bề trên, ngọt ngào để sai khiến ban lệnh truyền.

Gã vươn vai đứng lên, rụt rè ra giếng kéo nước rửa mặt rồi trở vô rón rén kéo ghế ra ngồi. Từ trong bếp, người bưng ra dĩa khoai mới nấu xong nóng hổi, trở lại bếp vò nắm lá trà xanh bỏ vô ấm nước đang sôi. Gã ngồi yên nhìn theo, nhìn rổ khoai giống đứa trẻ chờ lệnh rồi mới bắt đầu ăn. Người xách ấm nước bước ra thấy vậy lên tiếng: Sao không ăn khoai đi còn nóng, khoai tui trồng mới đào đó.

Người đàn bà không ăn, ngồi nhìn gã rồi cầm ấm trà rót cho mình một ly. Trà nóng, người đưa miệng thổi phù phù rồi đợi trà nguội bớt. Tui cũng trồng trà uống và cho lối xóm, không mua. Trồng để uống cho chắc ăn, trà mua được trồng với phân bón, phun thuốc xịt sâu, uống không bổ khỏe còn thêm bệnh.

Buổi sáng, thời tiết dễ chịu, không gian như chỉ có tiếng chim ríu ran và giọng nói dịu dàng của người đàn bà. Gã ngồi yên, cảm thấy sự dịu dàng kia như sợi chỉ mềm quấn quanh người, gã không chịu nổi rồi. Trái tim gã như đập mạnh lên lung tung không theo nhịp. Máu nóng dồn lên mặt. Sau một đêm, cơn say nắng chiều qua tưởng hết không ngờ vẫn còn. Ngay phút đầu tiên nhìn cử chỉ khoan thai, nhẹ nhàng, thong dong của người ta, gã đã trực nhận một điều gì đó. Từ người toát ra một lực từ trường kéo người xa lạ tới gần rồi lại đẩy ra xa, xa rồi lại gần, giống như sóng vỗ bờ. Lại thêm sáng tối khu vườn như tan ra theo tiếng chuông nhẹ nhàng. Người giống nữ tu lại nói tui không có tu nghe. Bộ tu dễ lắm sao!

Người đàn bà vừa uống nước vừa chăm chú cúi xuống quẹt cái điện thoại, không thấy gã đang nhìn trân trối, lúc ngước mắt lên mới phát hiện, nhẹ nhàng nhắc nhở: Sao không ăn, hay là mắc nghẹn? Ăn khoai dễ mắc nghẹn lắm, rót trà uống đi! Người cúi xuống điện thoại rồi lại vụt ngước lên nhìn. Sáng giờ gã không nói, giờ miệng gã lắp bắp: Bà ơi tôi yêu…

Hoàn toàn bất ngờ, người đàn bà ngơ ngác nhìn gã, không biết lỗ tai mình có nghe lầm. Rồi người bật cười hỏi lại: Yêu ai? Yêu bà! Yêu tui hà? Anh bao nhiêu tuổi? Ba mươi. Người đàn bà tiếp tục cười hỏi: Anh đoán coi tui bao nhiêu? Năm mươi! Tui còn trẻ vậy sao, nói lại đi. Năm mươi lăm. Gã tăng lên năm tuổi, thấy vui khi người ta có vẻ cũng vui. Bỗng dưng người ta nghiêm nghị nhìn gã chằm chặp. Gã đâm ra sượng sùng: Cho anh hay, tui đã sáu mươi lăm tuổi rồi nghe. Con tui còn lớn hơn anh!

- Bà lớn tuổi nhưng tôi yêu. Gã thu hết cảm đảm

- Anh yêu?

- Tôi yêu không phải vì gặp người tốt bụng cho tôi ăn đâu nghe.

Lần này gã như lùa trái banh vô khung thành. Người đàn bà ngồi yên. Không gian lúc này như nhường chỗ cho tiếng gió rì rào, tiếng chim buổi sáng ồn ào. Nhiều phút lặng lẽ trôi qua, gã chờ. Rồi người đàn bà nhìn gã nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm chỉnh.

- Yêu không ai cấm. Thôi được, nhưng anh phải ra đầu thú. Ở tù xong sẽ nói chuyện sau.

Không biết người ta có thật lòng không, nhưng dù sao người cũng tỏ ra quan tâm mình, nên gã nhè nhẹ gật đầu.

Thế rồi buổi trưa gã được phép vô bếp làm phụ bếp cho người ta nấu một buổi cơm ngon. Nhiều món ăn. Xong buổi cơm, người dọn dẹp rồi chuẩn bị cho gã túi quà gồm khăn lau mình, khăn tắm, dầu gió. Xong việc, người đàn bà mới ngồi xuống quan sát kẻ đối diện như để xác nhận thái độ bất ngờ từ trên trời rơi xuống thình lình. Rồi người đàn bà chậm rãi mở điện thoại ra báo cho công an tới dẫn gã đi.

Người đàn bà tiễn khách giống như tiễn vong, khép cửa vườn, trở vô bàn ngồi xuống nhớ lại những gì xảy ra. Vui. Có nên kể lại cho con nghe? Chắc chắn bọn trẻ bất ngờ. Vui. Nhưng rồi người đàn bà gấp điện thoại không gọi. Mấy đứa con sẽ vui hơn khi năm hoặc mười năm sau có một chàng trai trẻ đến tìm bà nội, bà ngoại mình. Rồi mấy đứa nhỏ tình cờ biết nhiều loại hiếu thảo với cha mẹ ông bà, bất ngờ biết thêm về cái hiếu… đồng ý cho bà ngoại, cho mẹ có chồng!

Nghĩ cho vui vậy thôi, chớ người đàn bà đã tới cái tuổi không lạ gì với cuộc đời. Hình dung ra con tim có tiếng nói của nó. Thời gian nó cũng có quy luật của mình… cả triệu người mua vé số chỉ có người duy nhất trúng lô độc đắc. Người đó lại là bà sao…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày