Người của xuân năm cũ

GNO - Xuân đến, hoa xuân lại nở, người hội xuân hớn hở, đổi thay như một giấc mơ, giữa dòng người vui xuân rạng rỡ, tôi chợt nhớ đến ông, đến em, đến chị có còn lặng thầm gánh một mùa xuân trong sắc mặt bơ phờ?

ghehoa.jpg
Mùa xuân trên tay em - Ảnh minh họa từ internet

Xuân trên chuyến xe khách cuối cùng

Tối 29, xe đổ ùa về hướng phố. Đêm muộn tiết trời lành lạnh, hơi nước bên dòng Hậu giang hắt từng chập theo làn gió nhẹ lùa. Ngoài phố nhạc du dương, xe vẫn ào ào lao vút, họ đang chạy miết cho kịp hòa vui bên mái ấm giao thừa. Gầm cầu, ông ngồi chồm hổm trên gành xe, quần lửng, áo ngắn tay xuề xòa cùng chiếc nón rộng vành sụp mặt, khói thuốc phì phà từng nhịp rít hơi,...

- Đi đâu không? Giọng ông cụt ngẳng.

Tôi vừa bước ra khỏi ánh đèn trái châu xoáy tít nhộn nhịp, nhạc vọng đùng đùng, đầu óc còn chập chờn lắc lư theo từng điệu Remix cuồng quay. Chưa vội trả lời, tôi vờ lại ông châm nhờ điếu thuốc.

- Về đâu chú? Ông lại hỏi.
- Dạ đường Xóm Gạo.
- Cho 10 đồng (10 ngàn).


Muộn, men say, chẳng chút dây dưa, tôi ngồi lên xe, đêm giữa lòng thành phố đang chựng lại, đèn sáng đêm như ngày. Tôi đếm thời gian cuối cùng theo vòng xe cọc cạch của ông. Ông lặng thinh, cố rướn người về phía trước cho xe đi nhanh hơn, gió lành lạnh cuối đông chẳng còn thấm nỗi chiếc áo phong phanh nhuốm nhàu một đời gió bụi. Xung quanh phố, đèn ngũ sắc bắt đầu bừng lên trên những tầng nhà, khu phố, siêu thị. Tôi biết còn đôi phút nữa thôi mọi người vẫy tay giã từ năm cũ,...

Để gạt mất khoảng lặng, tôi hỏi ông những câu không mục đích, dư thừa!
- Tết đến sao ông chạy xe hoài?
- Về trễ chút cũng chẳng nhằm gì, kiếm thêm đồng nào đỡ đồng nấy. Tranh thủ người ta đi chơi, coi có vớt vát được cuốc nào nữa không…
- Nhà bác ở đâu?
- Tôi ở gần đây thôi, hẻm 3, đường Bến Chợ.

Tôi chẳng biết “gần đây” là đâu, hẻm 3, đường Bến Chợ nơi nào; nơi đó nhộn nhịp như hàng quán tôi từng qua hay lặng buồn giống một góc trời thẳm xa nào đó quê nhà. Nhưng đều tôi biết chắc, nơi đó, ông phải quần quật hàng ngày bên chiếc xe lôi cà tàng này. Nơi đó đã nuôi một quãng đời bám sương bám nắng như ông. Nơi đó, bên căn nhà lạnh lẽo có một bà già đang chờ ông về trong thời khắc chuyển mùa “tống cựu, nghinh tân”…
 
Một chút dự cảm. Tôi đoán ông 60. Sai! Ông nói xuân này đã 70 mươi xuân. Thế trông ông còn khỏe lắm, tay rắn chắc kềnh cù cục mịch. Bàn chân bẹt to chai sạn nong chiếc dép “màu da bò”: “Một ngày chở gần chục xe cát, đá, xi măng đấy, bữa chạy trúng kiếm hơn 300 ngàn, bù cho lúc ngồi “ngáp gió”. Ban đêm ở nhà “buồn chân”, đi lòng vòng có khách kêu mình chạy. Xe lôi giờ “hết thời” rồi chú ơi. Hôm nay Tết mà đậu không, chú là chuyến thứ hai đấy…”.

Dừng xe, cuộc trò chuyện chớp nhoáng giữa tôi và ông kết thúc. Mười ngàn chẳng hơn. Lão cầm lấy rồi đạp nhanh về hướng hẻm 3, Bến Chợ nào đó mà lão nói. Tôi loạng choạng mở, đóng cửa, rút vào trong gian nhà lăn vùi vào giấc ngủ cuối năm, mơ màng tôi còn vẳng nghe bên ngoài đêm lộ tiếng khua lọc cọc của chiếc xe lôi, tiếng lão: Đi xe không…?

Xuân bên những tờ “lộc- tài-đỏ-đen” năm mới

Mùng 1: Sáng ở phố rợn ngợp bóng người, xe “bò” qua lòng thành phố. Kẻ xuôi người ngược chậm chậm chờ nhau, từng em nhỏ trên xe được mẹ cha “bọc” kín trong lòng, mắt đưa dáo dác nhìn dọc, nhìn ngang theo giàn treo bong bóng đỏ xanh, chiếc lồng hoa đỏ, con thú nhồi bông ngộ nghỉnh,... Trông cái tuổi “thần tiên” được cha mẹ chở che thật dễ thương, ấm áp,...

Phà cập bến, từng chiếc xe rẽ người hối hả, chẳng luyến lưu gì “hồn phách” dọc đường xuân. Kẻ vội vàng lên, người nôn nao xuống chờ phà rời bến về lại bên sông, trong ngan ngát hương xuân, trong trắng-xanh-áo-hồng-môi-tím nàng xuân, trong nhộn nhịp nói cười, em xuất hiện khiến lòng tôi tê lại. Chen chúc qua người và xe trên phà, em chìa tay mời chào mọi người xấp vé “đen-đỏ-lộc-tài” năm mới. Em nhỏ, em đen, em “cằn cỏi”, em lết phết giữa trời xuân; chiếc áo “mới” đầu năm sớm đồng hành theo những dấu chân bụi mù dọc ngang xuân phố thị. “Vội vàng chi, xuân hãy còn dài”, phà cập bến, chầm chậm xe, tôi chờ em để mong “đổi đời” bằng một vài vé  “lộc-tài” đầu xuân rao bán.

Nhưng tiếng kêu hối thúc, cuộc điện thoại dập dồn của bạn, người thân; xe nườm nượp lại qua khó lắm quay đầu, thoáng chốc, em rẽ mất dạng trong dòng chảy mùa xuân hồ hởi. Tôi thầm trách mình thêm lần nữa thành kẻ hững hờ, chẳng góp được bàn tay nâng lên một nụ hoa xuân vừa hé nở lại bị rớt rụng, bị dày vò, bị “kẻ mê xuân” ném giữa chợ đời buộc hoa nở sớm,...

Đến nhà vui xuân cùng gia đình. Con anh, con chị,... rạng mừng bên túi lì xì lẻng kẻng, bên câu chúc tụng ngọng nghịu, ngập ngừng được ông bà cười nựng, nâng niu, khen ngợi,... Tôi thấy tụi nó còn quá nhỏ để biết được sự công bằng trong lứa tuổi “thần tiên”. Mong rằng, dù cuộc sống có ra sao nữa, cũng mong tụi nó đừng bị cha mẹ đem ra giữa trời xuân rao bán những vé số như những đứa trẻ mà tôi đã gặp ở bến phà ngày đầu xuân!

Xuân nghe tiếng nhạc, món ăn “thừa”

Mùng 3. Có lẽ chị “ngớ ngẩn”. Chị đâu biết rằng đang xuân, người người cố chào đón “vinh hoa, phú quý”, sao chị phát vang lên bài hát trầm buồn, dẫu có hay cũng chẳng ai khen, nghe. Bởi bài hát chị phát, khởi đầu nó chứa đựng sự thiếu thốn, trái ngược với vũ điệu mừng xuân và điều cầu mong vui tươi phấn khởi của bao người. Thế mà chị vẫn cho nó rong ruổi mãi khắp đầu đường xó chợ: “Khi tôi sinh ra mang được ngay kiếp con nhà nghèo,... Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo…”, rồi “nghèo mà có tình thì cao quý hơn”. Buồn rượi. Xe chạy ngang hàng quán ven đường, tiếng nhạc của chị bị lồng vào nhạc hàng quán, lời ngắn đoạn, ngắt khúc, vô nghĩa: “qua bao nhiêu năm,... như dằm trong tim,... Qua không thương…”.

Kẻ trách nhạc sĩ “sến”, sao anh lại quá “mị đời” và “bi quan” như thế. Vậy cũng có người khen, xem ra “nốt bi ai” của nhạc sĩ, của chị đã đánh trúng vào “nghịch cảnh” của ít người. Xe chị xa, đọng lại trong nhà ai đó tiếng karaoke: “Khi tôi sinh ra…” bằng chất giọng trầm lắng, rất nhập tâm,...

Hình ảnh chị chẳng có gì lạ với tôi, con đường trước nhà ngày ngày chị bền bỉ qua lại lạch cạch trên chiếc xe đạp có gắn thùng nhạc “sến” và bọc “kẹo kéo”. Xưa, xe “kẹo kéo” của chị đơn thuần là tiếng chuông “leng keng”, để theo kịp “đồng nghiệp”, chị chuyển sang tiếng nhạc. Chị nói: “Chuông nghe đơn điệu lắm, tưởng bán cà-rem. Tôi biết người ta khoái nhạc sến, bắt nhạc gây chú ý hơn…”.

- Mấy ngày Tết người ta ăn nhiều thứ no nê, chị bán “kẹo kéo” ai ăn? Tôi hỏi.
- Vậy mà có nhiều người ăn đấy chú. Người ta ăn thử vì lạ miệng, nhất là “con nít”, nó thích “kẹo kéo” lắm! Tôi có cho chơi “bàn quay số” (“Bàn quay số” là một bàn tròn, phẳng, diện tích khoảng 20cm, đóng đinh dọc theo khung tròn, ghi số từ 1 - 10. Mỗi lần quay 1 ngàn đồng, trúng vào số 2 là 2 khúc kẹo…). Tụi nó thích lắm.

Lạ miệng, “kẹo kéo” chẳng qua là thứ đường quến, bên trong chứa đậu phộng, khi ăn kéo ra từng khúc, nó ngọt gắt cổ, lạ lẫm gì với tôi. Ngọt đường, béo đậu phộng, những thứ người ta ăn rất nhiều trong ngày Tết. Tụi nhỏ mua nhiều chẳng qua nó thích trò chơi “quay số” của chị - tôi thầm nghĩ.

Nhìn đuôi tóc vàng hoe giữa trưa xuân nắng hắt chang chang, gương mặt tàn nhang nhợt nhạt bôi bết thêm vài vết nám mà chị cố giấu vào chiếc khăn bịt mặt nhưng vẫn đủ để thấy rõ. Tôi đoán, người phụ nữ này chắc đã đưa cuộc đời dong ruổi đó đây nhiều lắm, nên tuổi xuân mới dễ bị “đốt cháy” mau như thế. Đúng vậy! Chị ở tận ngoài Bắc xa xôi, bươn chải vào Nam cách đây vài năm, đất lạ quê người không có chỗ dung thân cho người “không nghề, không vốn”. Chị cùng chồng và một đứa con tá túc trong một gác trọ. Hàng ngày, chồng chị ra bến chợ khuân vác, con gái chị một buổi học một buổi bán vé số. Chị không thể làm nặng nên “học lóm” cái nghề “kẹo kéo” này để sống. Tôi cắn cây kẹo chị đưa, đường ngọt lịm, mồ hôi tan vào từng sới chỉ, bỗng dưng mặn chát nghẹn vào cổ họng,...

Rồ ra, tôi lao nhanh về hướng xe đang chờ đợi. Bên đường, nhà nhà tiếng nhạc bập bùng vang thanh từng cung bậc, lắng tai nghe rõ những bài “nhạc sến” hát đi hát lại phía đường sau: “… Bạn quên ta tình cũng quên ta, nên trắng đêm thui thủi một mình. Soi bóng đời bằng gương vỡ nát,... ngày vui tới ta vẫn chờ…”.

Thoi đưa, xuân đi xuân đến luật tuần hoàn. Năm nay, trên những ngả đường xuân tôi vẫn đi - về lối cũ, tôi không mong gặp lại những mảnh đời xuân ngày đó. Họ về đâu, có đổi đời hay còn chật vật…?

Ra Giêng, vô tình đọc được bài thơ Xuân của Chế Lan Viên:

“Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran”


Liêu Ngọc Ân (Long Xuyên, An Giang)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày