Người góp tay “vẽ” nên dáng hình Giáo hội

GN - Định hướng ban đầu về hình thái tổ chức và cơ sở hoạt động của GHPGVN - tổ chức Phật giáo đại diện cho Tăng Ni, Phật tử VN trong và ngoài nước - đòi hỏi một tầm nhìn sâu rộng, thấu đáo trong bối cảnh lịch sử không ngừng vận động.

Cùng với chư tôn đức Tăng Ni và hàng cư sĩ có tâm với đạo pháp trong buổi đầu gian khó, HT.Thích Từ Hạnh - vị giáo phẩm từng được đánh giá có năng lực, xông xáo giữa bộn bề các sự kiện, biến cố liên quan đến sự tồn vong của Phật giáo nước nhà qua các thời kỳ, được phân công soạn thảo Hiến chương, văn bản pháp quy đặc biệt quan trọng, chi phối hầu hết các Phật sự đối nội, đối ngoại mang tầm ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng Phật giáo VN.

HtTuhanh.jpg

HT.Thích Từ Hạnh (1927-1988)

… Sau thời điểm thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo VN (1980), hàng đêm trong căn phòng nhỏ tại trú xứ chùa Phổ Đà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, luôn sáng lên ánh đèn soi tỏ một gương mặt cương nghị, thoảng đôi chút trầm tư, Thầy ngồi đăm chiêu bên xấp bản thảo mỗi lúc một dày thêm. Lần giở từng trang các văn kiện cũ được hình thành trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, Thầy lẳng lặng xem xét, đối chiếu từng câu, chữ, rồi chỉnh sửa tới lui cho phù hợp… Cứ thế, tiếng loạt soạt gấp mở từng trang giấy theo đó lại vang lên đều đặn, cần mẫn giữa đêm khuya…

Cứ thế, bao nhiêu dòng mực xanh, đỏ từ hàng tá cây viết bic tuôn chảy theo thứ tự sắp xếp ngôn ngữ gãy gọn mà chặt chẽ, khúc chiết được Thầy bày biện theo một trật tự ước định. Một thứ ngôn ngữ văn hoa được Thầy vận dụng một cách tài tình thể hiện qua từng chương, từng điều, từng mục được logic hóa. Văn bằng tốt nghiệp cử nhân Văn hạng ưu của Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1970 và kinh nghiệm đảm đương chức vụ Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất tỉnh Gia Định thời kỳ trước năm 1975 hẳn đã giúp thầy có chỗ sở dụng cho công trình quan trọng này… Cứ thế, từng xấp bản thảo viết tay chưa kịp ráo mực đã được chuyền đến tay chư tôn đức lãnh đạo Ban Vận động, rồi hiệu chỉnh, đánh máy, quay roneo, chuyển nhà in cho kịp ngày hội nghị.

Xuất thân từ quê hương Phù Cát, tỉnh Bình Định - nơi được xem là chốn Tổ phát tích của Phật giáo miền Trung với nhiều bậc cao tăng xuất trần thượng sĩ, nhiều danh lam cổ tự vang tiếng, lừng lững bóng Thầy xuất hiện giữa trần gian với chí nguyện kiến tạo “thế giới nhân gian Tịnh độ” như Thầy hằng mong ước, ứng hợp với thế danh của Thầy - Phạm Chí Nguyện!

Thế thọ chỉ vừa 61 năm, quá ít thời gian để Thầy có thể làm được nhiều việc to lớn hơn, mang lại lợi ích cho bước phát triển của tổ chức Giáo hội từng được Thầy góp công chăm chút từ buổi ban đầu. Bản Hiến chương GHPGVN - tấm khai sinh của Giáo hội với 11 chương, 46 điều khởi đi từ tâm huyết của nhiều vị tôn túc, trong đó có Thầy và những cộng sự thân cận, được tu chỉnh nhiều lần, nay đã là 13 chương, 71 điều với nhiều gợi mở tương lai trong thời điểm ngấp nghé tuổi 40. Nơi hạc nội mây ngàn, hẳn Thầy cũng mỉm cười mãn nguyện!

Ba mươi năm Thầy trở gót quy Tây, hồi tưởng lại những đóng góp vô giá của Thầy trong sự nghiệp điểm tô diện mạo một Phật giáo VN tươi tắn, hiện đại, hòa nhập với đồng đạo và thân hữu trên khắp thế giới, kính cẩn hồi tưởng một bậc Chân nhân!...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày