Người Phật giáo nhớ đến bác Sáu Giàu

Người Phật giáo nhớ đến bác Sáu Giàu
GNO - Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) lớn hơn tôi đúng 30 tuổi. Ba tôi lớn hơn tôi 27 tuổi. Như vậy về tuổi tác, Giáo sư Trần Văn Giàu là hàng cha, hàng bác. Hành trình trí thức của tôi trưởng thành ở miền Nam, nên tôi không có được cái vinh dự là có thể được làm môn sinh của giáo sư, dù chỉ là môn sinh gián tiếp(1).

Nhưng do làm công việc nghiên cứu về Văn học Phật giáo Việt Nam, phải tham khảo nhiều tư liệu, chúng tôi đã tìm đọc một số tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Giàu (TVG), qua đó, ít nhất là ba lần, chúng tôi đã trích dẫn những câu viết của ông, để hỗ trợ, bổ sung và nhất là để làm sáng giá cho những luận giải của mình.

Vì vậy, tuy chưa từng được diện kiến(2), tôi vẫn luôn nhớ đến ông, luôn thành thật biết ơn ông, luôn xem ông là một vị giáo sư lão thành đáng kính, đáng kính nhất trong số các nhà trí thức Việt Nam có nhiều gắn bó với cách mạng cũng như trưởng thành từ cách mạng.

vangiau.gif
Giáo sư Trần Văn Giàu

Nói cho đầy đủ thì từ trước 1975, thời gian theo học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn (1964-1968), bộ nhớ của chúng tôi đã ghi nhận cái tên TVG để rồi có dịp sẽ nhớ mãi. Đại thể là trong một bài viết, một giáo sư đại học đã cho biết sơ lược là Giáo sư TVG xuất thân từ một gia đình ở miền Nam thuộc loại có rất nhiều ruộng đất, đã từ bỏ tất cả để đi theo kháng chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất, thời gian công tác tại Phòng Văn nghệ thuộc Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình (1980-1988), vì là dân viết lách nên chúng tôi có khá nhiều thì giờ để đọc sách cùng đi thực tế. Và chúng tôi đã đọc một cuốn sách không dày lắm do nhiều người viết, ghi nhận phê bình về một số nhà văn tiêu biểu thuộc loại "chống Cộng hàng đầu" của Văn học Sài Gòn trước 1975, như: Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Túy Hồng, Nhã Ca, và… sư Nhất Hạnh. Mỗi tác giả như thế đều do một vị có ít nhiều uy tín trong lãnh vực nghiên cứu, phê bình viết. Như về Võ Phiến thì do Vũ Hạnh viết. Và người viết về sư Nhất Hạnh là Giáo sư TVG.

Tôi cũng đọc qua bộ sách "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám" (2 tập, NXB. KHXH, H.1975), nhất là phần điểm qua "Phong trào chấn hưng Phật giáo" (1931-1945). Giáo sư TVG cũng đã phê phán về một số luận điểm của một vài tu sĩ Phật giáo trẻ tuổi được xem là những giảng sư Phật học tiêu biểu thời bấy giờ (ví như sư Đôn Hậu v.v…). Theo chúng tôi, vì là một nhà luận thuyết Mác xít, nên khi phê phán các học thuyết khác, Giáo sư TVG đều đứng trên quan điểm Mác xít để phê phán, cũng là điều bình thường.

1) Cho đến khoảng 1995-1996, khi nhận lời viết bài cho nhóm Giao điểm (Hoa Kỳ) theo chủ đề: "Phật giáo trong thế kỷ mới", chúng tôi đã chọn đề tài: "Sự gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam nhìn ở góc độ Văn học"(3). Nơi các tài liệu chúng tôi đã tìm đọc để tham khảo, có sách "Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam" (Viện Triết học xuất bản, 1986) trong ấy có bài viết của Giáo sư TVG. Đấy là cuốn sách đã tập hợp các bài tham luận trong một Hội thảo về Phật giáo do Nhà nước tổ chức.

Bài viết của Giáo sư TVG mang tựa đề: "Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam" qua đấy, Giáo sư TVG đã nhận định: "Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo"(4). Chúng tôi đã đọc câu viết ấy hàng chục lần, sung sướng đến sững sờ! Đây là một nhận xét hoàn toàn chính xác, lại do một đại giáo sư của cách mạng viết (lại viết trong hoàn cảnh đất nước chưa mở cửa, tư tưởng còn bị gò bó, hạn chế, càng cho thấy cái giá trị trung thực của một nhà trí thức chân chính).

Nếu câu viết trên do một nhà Phật học viết thì cũng là điều bình thường, nhưng đó là đánh giá của Giáo sư TVG một cây cổ thụ trong giới tri thức của cách mạng! Mà chúng tôi thì đang cố gắng dùng văn học để minh chứng cho sự gắn bó kia. Nên nơi bài viết khá dài ấy, sau đoạn vào đề, chúng tôi đã dẫn câu viết của Giáo sư TVG, và viết: … có thể ghi nhận sự gắn bó ấy qua các điểm sau đây:

Tính chất mở đầu - Dẫn đường:

"Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo". Đây là ý kiến, không phải của một nhà Phật học, hay một Phật tử trí thức, mà là của ông Trần Văn Giàu, giáo sư Sử học lão thành, cũng là cây bút lý luận vào hàng số một của giới trí thức Mác xít Việt Nam hiện đại. Nhận định như thế là đúng, cho cả lịch sử và văn học, hơn nữa, trong một số trường hợp văn học, Phật giáo còn tạo được những sự dẫn đường ghi dấu…"(5).

Do đã đọc qua một số phê phán về Phật giáo nơi bộ sách gồm hai tập khá dày đã nêu trên, nên chúng tôi cho là Giáo sư TVG chắc chắn đã có chuyển hướng tích cực trong cái nhìn về Phật giáo Việt Nam khi tham khảo tư liệu để viết bài tham luận ấy. Và chúng tôi lại nhớ đến trường hợp của học giả Đào Duy Anh (ĐDA)(1904-1988). Ngay từ trước Cách Mạng Tháng 8-1945, ĐDA đã có những chú ý, những quan tâm đến Phật giáo và Phật giáo Việt Nam.

Trong sách Việt Nam Văn hóa sử cương (xuất bản 1938) ĐDA cũng đã dành một số trang để viết về Phật giáo, Phật học và Phật giáo Việt Nam. Nhưng phải đợi đến hàng bao nhiêu năm sau, khi nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Lý - Trần (1010-1400) ĐDA mới có được những nhận định chính xác, công bằng về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam. Đây là những kiến giải mang tính khám phá của ĐDA về mối tương quan giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam ở đời Trần: "Trần Thái Tôn là vua sáng nghiệp nhà Trần, lại là tác giả sách Khóa Hư Lục, là tác phẩm tiêu biểu của Thiền tôn ở đời Trần, và Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng của nhà Trần, mà lại là Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm trong thiền tôn Việt Nam. Cả hai người đều kết hợp một cách tốt đẹp hoạt động tu hành và hoạt động kinh bang tế thế"(6).

Đánh dấu cho sự chuyển hướng đáng kể về nhận thức này là việc ĐDA đã dành nhiều thời gian cùng công sức để dịch, chú tác phẩm Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông (1218-1277) trong hoàn cảnh tài liệu tham khảo về Phật học còn rất thiếu thốn(7). Đấy là những điểm sáng của học giả ĐDA đối với Phật giáo Việt Nam mà người nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam phải luôn ghi nhớ.

Chúng tôi nghĩ là Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã có những chuyển hướng tương tự. Và câu viết kia, vừa ngắn gọn, vừa sáng rõ, lại giàu nhạc điệu, đối với chúng tôi ngày ấy đúng là một câu viết vàng, nó giúp cho chúng tôi thêm vững tin vào công việc mình đã làm, không chỉ là nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam mà còn là công việc góp ý, biện chính, phê bình. Câu viết ấy cũng giúp cho chúng tôi càng tin tưởng rằng hồng phúc của Phật giáo Việt Nam là rất dày, rất lớn, những kẻ xấu đừng hòng bôi nhọ hoặc xuyên tạc. Chính từ câu viết của Giáo sư TVG mà sau đấy chúng tôi đã "thu hoạch" thêm một số câu viết nữa, có thể xem là những khai triển mang tính chi tiết từ cái nhận định tổng quát kia.

Chẳng hạn nơi sách Lịch sử Việt Nam tập 1 (NXB.ĐH và THCN, 1983), Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết về nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí đã cho xây dựng chùa Khai Quốc: "Nhà nước Vạn Xuân - 2/544TL - dù mới dựng cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của nước ta. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày sau. Ngay cái tên chùa Mở Nước cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa!"(8). Ý nghĩa ấy càng được nhân lên khi chúng ta biết, theo Dương Bá Cung (1794-1868) trong sách Tây Hồ Chí thì chùa Khai Quốc thời Lý Bí đã được xây trên một nền chùa cũ là chùa Yên Tử có từ đời Hồng Bàng(9). Cũng trong sách Lịch sử Việt Nam tập 1 ấy, phần Giới thiệu tóm tắt về Phật giáo, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: "Đạo Phật không chống đối với tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Ngoài ông Trời và Tổ tiên, người Việt có thêm một ông Bụt từ bi, rất thương người, cứu giúp người hiền lành, ăn ở tốt mà bị những điều oan ức"(10).

Còn đây là ghi nhận của nhà Sử học Phan Đại Doãn về khía cạnh Bản địa hóa của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam: "Đạo Phật nguồn Ấn Độ do Khâu Đà La (Ksudra) và Ma Ha Kỳ Vực (Mahajtvaka) truyền vào đầu tiên ở Luy Lâu. Phật giáo này lại dung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ (tục thờ cúng các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp), mặt khác, tín ngưỡng dân gian lại hóa thân vào Phật. Hình tượng Phật giáo là cái vỏ bên ngoài, mà tín ngưỡng dân gian là nội dung chủ yếu. Những thần mây, mưa, sấm, chớp vốn là biểu tượng của các lực tự nhiên trong tín ngưỡng Việt cổ, đã trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là những vị Phật đầu tiên của Việt Nam"(11).

Riêng đối với chúng tôi, nơi bài viết gọi là bước đầu ghi nhận về những đóng góp của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) cho Phật giáo Việt Nam, ở phần kết luận, chúng tôi đã đưa ra một đúc kết. Cũng có thể xem đúc kết ấy là những quảng diễn, những soi rọi từ nhận định chung của Giáo sư TVG: "Trong khi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, trong khi tìm hiểu về nền tảng cùng bản sắc của văn hóa dân tộc, nhà trí thức Việt Nam hiện đại, dù đứng ở góc độ nào cũng đều bắt gặp Phật giáo. Và chỉ có thể hiểu đúng về Phật giáo Việt Nam thì mới hiểu đúng về dân tộc Việt Nam và ngược lại"(12).

Câu viết của Giáo sư TVG còn được chúng tôi nêu dẫn nhiều lần nữa, đáng chú ý nhất là lần biện chính với tác giả sách Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, về những giải thích lệch lạc đối với Lễ Vu lan, lễ cúng cô hồn vào rằm tháng 7.(13)

vangiau-2.gif

GS.Trần Văn Giàu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

2) Hai lần tiếp theo, chúng tôi nêu dẫn chứng câu viết của Giáo sư Trần Văn Giàu, là đều ở nơi bài viết, cũng cho nhóm Giao điểm (Hoa Kỳ) cũng theo chủ đề "Phật giáo trong thế kỷ mới" như đã nêu ở trước. Lần này, chúng tôi chọn đề tài: "Một cái nhìn lịch sử về Phật giáo Việt Nam trong sinh mệnh dân tộc"(14).

Dựa trên một cái nhìn quán xuyến như thế, nên vào Hậu bán thế kỷ XIX, chúng tôi đã nói đến Hiện tượng Nguyễn Đình Chiểu. Chúng tôi tạm gọi là Hiện tượng Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) đối với Phật giáo Việt Nam, vì với hai tác phẩm Dương Từ Hà Mậu (1851-1854) và Ngư Tiều vấn đáp Nho y diễn ca (1867). Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ một thái độ cực kỳ ác cảm, kích bác Phật giáo thậm tệ, chưa hề thấy trong Văn học Việt Nam(15).

Người biện luận hăng hái nhất mà cũng mang đậm tính chất lý luận nhất cho sự việc công kích đạo Phật, đạo Chúa trong tác phẩm Dương Từ Hà Mậu (DTHM) của Nguyễn Đình Chiểu (NĐC) có lẽ là Giáo sư Lê Trí Viễn. Nơi sách: "Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao càng nhìn càng sáng" (NXB TP.HCM, 1982), Giáo sư Lê Trí Viễn đã dành hơn 20 trang (tr.84-105) để biện luận về vấn đề ấy. Chúng tôi, trong cái cố gắng nhằm bảo vệ sự thật, nên cũng đã xin được góp ý - biện chính với Giáo sư Lê Trí Viễn về những chi tiết có liên quan tới Phật giáo(16).

Và để cho vấn đề thêm sáng rõ, chúng tôi đã nêu dẫn những câu viết của Giáo sư TVG trong sách Nguyễn Đình Chiểu - Đạo làm người (Sở VHTT Long An xuất bản, 1983). Giáo sư TVG viết: "Sáng tác DTHM, mở ra cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng chống Thiên Chúa giáo với tư cách là đạo Tây, là vũ khí xâm lược của thực dân… Cụ đồ công kích đạo Phật vì khi ấy Phật giáo không tỏ ra là một lực lượng yêu nước và kháng chiến như nó đã tỏ ra một cách đáng kính trong những năm bản lề giữa bán thế kỷ sau khi Nho giáo tỏ ra bất lực…"(17).

Lại cũng để cho người đọc rộng đường tham khảo, chúng tôi cũng đã xin được nêu lên mấy suy nghĩ như sau:

- Nhận định như vậy là rõ ràng và dứt khoát. Nhưng qua hai trích dẫn trên, chúng tôi thấy Giáo sư TVG đã dành nhiều cảm tình cho Phật giáo hơn, trong khi nơi tác phẩm DTHM, cụ Đồ Chiểu đã xem hai đạo ấy như là ngang nhau:

Dị đoan xưa hãy bời bời

Lại thêm đạo Phật đạo Trời băng xăng…

(DTHM. Câu 5-6. Theo bản của sách NĐC toàn tập, NXB. ĐH và THCN, 1980).

Về quá trình hành động của hai nhân vật chính nơi tác phẩm: Dương Từ (theo Phật), Hà Mậu (theo Chúa) cụ đồ cũng phân phối liều lượng hầu như bằng nhau.

- Theo các vị biên soạn sách NĐC toàn tập, thì DTHM có thể được soạn từ năm 1851 và hoàn chỉnh vào những năm trước khi thành Gia Định rơi vào tay giặc Pháp (sđd, T1, tr.36). Qua tập II, phần Niên phổ NĐC ghi: Truyện DTHM có lẽ được biên soạn vào thời gian này: 1854 (sđd, tr.439). Như vậy thì DTHM được viết ra trước khi đất nước ta bị rơi vào sự đô hộ của thực dân Pháp, làm sao bảo là "Phật giáo khi ấy không tỏ ra là một lực lượng yêu nước và kháng chiến"?

Giả sử DTHM được viết ra sau khi toàn miền Nam rơi vào tay giặc Pháp (1867), hay sau đó nữa, thì theo chúng tôi, hầu như không có một tư liệu nào nói về một sự quay lưng của Phật giáo đối với lực lượng yêu nước, kháng chiến hồi ấy cả. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, viết trước DTHM chừng 3 năm, NĐC còn nói đến ngôi chùa Phật từng là nơi chốn che chở đùm bọc cho Hán Minh, Lục Vân Tiên, nói tới hình ảnh Phật bà Quan Âm từng cứu giúp Kiều Nguyệt Nga. Hoặc trong các bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Nghĩa sĩ Trận vong Lục tỉnh, cụ Đồ Chiểu vẫn còn sử dụng một số hình ảnh và thuật ngữ Phật giáo rất thuận hợp. Vậy mà sang tới DTHM, khung cảnh và ngôn ngữ đã hoàn toàn khác hẳn! Bước ngoặt này thực sự là gì? Chúng tôi không thể hiểu nổi!

Chúng tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của Giáo sư TVG khi cho rằng Phật giáo "đã tỏ ra - Gắn bó với lực lượng yêu nước và kháng chiến một cách đáng kính trong những năm bản lề giữa bán thế kỷ sau khi Nho giáo tỏ ra bất lực". Đây không phải là chuyện khen chê, mà là những sự thực lịch sử cần nhìn nhận và đánh giá cho công bằng. Xem lại các tài liệu nói về các cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ (1898) của Vương Quốc Chính (1898) của Phật tử Nguyễn Hữu Trí (1916)… và nhất là những đóng góp của nhà sư Thiện Quảng (1862-1911), người mà cụ Phan Bội Châu (1867-1940) đã hết lời ca ngợi, không chỉ một lần mà đến những hai lần.

Cụ Phan đã viết hai truyện để giới thiệu về nhà sư yêu nước đặc biệt này: Truyện đầu, được viết bằng Hán văn nhan đề Tước Thái Thiền sư (Nhà sư ăn rau) đăng trên Binh Sư tạp chí, xuất bản ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, số 44, tháng 2-1917, đã được Chương Thâu Việt dịch, cho in trong Phan Bội Châu toàn tập, T3, NXB.Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.234-239. Truyện sau, được viết bằng chữ Quốc ngữ, nhan đề là: Đường tăng nước Nam, Thiện Quảng thiền sư, đăng trên Tạp chí Mai, số 5-6, tháng 5-1936, xuất bản ở Sài Gòn. Truyện này được đưa vào sách Văn thơ Phan Bội Châu, NXB.Văn Học, H, 1967, tr.437-455… để thấy, Phật giáo Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX và trong thời Pháp thuộc tuy có suy kém, nhưng Phật giáo không bao giờ đi ngược lại con đường đi tới của dân tộc"(18).

3) Phần cuối bài viết: "Một cái nhìn lịch sử về Phật giáo Việt Nam trong sinh mệnh dân tộc", chúng tôi đã nói đến "Một số gắn bó của Phật giáo với Lịch sử Việt Nam hiện đại", đã nhắc lại đoạn kết nơi truyện "Đường tăng nước Nam - Thiện Quảng thiền sư" của cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan viết: "Nghĩ lại, cũng một việc đi Thiên Trúc tìm Phật, nhưng mà Huyền Trang thiền sư đời Đường chói rọi ngàn thu, câu "Thiên Trúc đà kinh" còn rực rỡ ghi chép ở trong truyện Tây Du Ký, đến ông đường Tăng nước Nam mình là Thiện Quảng thiền sư thì không ai biết. Có phải sinh ra làm người Việt Nam là bất hạnh chăng?"(19).

Chúng tôi đã ghi nhận: "Từ sự hy sinh của một nhà sư yêu nước, để bày tỏ về nỗi xót xa của người dân sống trong hoàn cảnh nô lệ: "Có phải sinh ra làm người Việt Nam là bất hạnh chăng?". Câu viết của cụ Phan Bội Châu thật đã khơi gợi cho người Phật tử chúng ta nhiều suy nghĩ. Nói cách khác, trong nỗi bất hạnh của người dân Việt Nam sống đời nô lệ, quần chúng Phật tử chính là những nạn nhân trực tiếp"(20).

Nhân đấy, chúng tôi đã nêu dẫn câu viết của Giáo sư TVG, trong sách "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng 8", tập 2, phần điểm qua Phong trào Chấn hưng Phật giáo (1931-1945) đã tóm kết về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam thời Tiền chấn hưng: "Phật tử phê phán Phật giáo suy đồi ở trên hai điểm đó là chính: dốt và hư"(21). Và cũng như lần trước, để người đọc rộng đường tham khảo, chúng tôi cũng đã bàn thêm như sau: "Những nhận định của một số Phật tử và Giáo sư TVG đã tóm tắt như thế là đúng, nhưng chưa đủ, vì chưa nói hết vấn đề. Sau đây là một vài suy nghĩ:

- Phật giáo Việt Nam, từ khi du nhập và phát triển, đã có bao giờ muốn, hay chủ trương để cho hàng tu sĩ - và cả hàng tín đồ - của mình phải chịu dốt nát và hư hỏng?

- Có phải vào thời đó, đất nước ta đã độc lập, dân chúng ấm no hạnh phúc, văn hóa giáo dục phát triển v.v… mà người tu sĩ Phật giáo không chịu học hành, cầu tiến, cứ chấp nhận hoàn cảnh dốt và hư như thế? Hay ngược lại, vì đất nước còn bị nô lệ, dân chúng đa số bị lầm than, thất học, dễ bị hư đốn… và một bộ phận lớn của giới tu sĩ Phật giáo cũng chịu chung số phận ấy? Sách Việt Nam Phật giáo Sử luận T.3 của Nguyễn Lang, trong phần ghi nhận những thành quả đạt được của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam khắp ba miền, từ 1931 đến trước Cách Mạng Tháng 8-1945, đã cho rằng: "đứng về phương diện đào tạo Tăng tài, thành quả chỉ có thể được gọi là khiêm nhường… So với số lượng Tăng sĩ thất học lớn lao trong xứ, số Tăng sĩ được đào tạo tại ba miền là không thấm vào đâu!" (Sđd, NXB.Lá Bối, Paris, 1985, tr.39-41), đủ cho thấy số lượng tu sĩ Phật giáo thời đó bị thất học là rất lớn, và đấy là một liên hệ từ hậu quả của hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, dân tộc bị kiềm hãm trong vòng ngu dốt, lầm than…"(22).

Tuy nhiên, câu viết mang tính tóm kết của Giáo sư TVG, xét về khía cạnh tích cực, là đã chỉ thẳng vào trọng tâm nơi vấn đề sống còn của Phật giáo Việt Nam, không chỉ là Phật giáo Việt Nam của thời tiền chấn hưng mà là cho cả Phật giáo Việt Nam trong muôn thuở. Đó là trí tuệ đạo đức. Thiếu trí tuệ (dốt) và thiếu đạo đức (hư), thì Phật giáo Việt Nam sẽ không còn nội lực để tồn tại. Như vậy, một lần nữa, người Phật giáo xin cảm ơn Giáo sư TVG.

Lúc đầu, chúng tôi định bài này sẽ mang tên: "Giáo sư Trần Văn Giàu và Phật giáo Việt Nam". Nhưng như thế thì nội dung mở rộng mà sự tham khảo cũng mở rộng, ít nhất là cũng phải đọc qua bộ Trần Văn Giàu toàn tập - là điều kiện chúng tôi chưa thể làm được - mà những trang viết của chúng tôi đã chọn lấy đề bài là những ghi nhận bước đầu.

Do đấy chúng tôi đã chọn lấy đề bài hạn hẹp hơn, gần gũi hơn: "Người Phật giáo nhớ đến bác Sáu Giàu". Người Phật giáo ở đây xin hiểu là những người Phật giáo làm công việc nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam, có dịp tiếp xúc với một số tác phẩm của Giáo sư TVG và ít nhiều đã mang ơn ông. Theo chúng tôi, có nhiều cách để tưởng nhớ đến Giáo sư TVG, và công việc chúng tôi đã làm trong bài viết này cũng là một cách để tưởng nhớ ông, mãi mãi nhớ đến ông khi chúng ta nói đến Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày