Người Phật tử uy tín của đồng bào Khmer Kà Ốt

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1236 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1236 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kà Ốt hiện nay là tên ấp thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Đến với Kà Ốt không khó, theo trục đường tỉnh 785 đến trung tâm xã Tân Đông, rẽ trái qua chợ đi tiếp chừng 2km nữa là tới làng Khmer Kà Ốt. Hiện nay, Kà Ốt có 196 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu đang làm ăn sinh sống.

Khi tổng Chơn Bà Đen thành lập thì làng Kà Ốt chưa xuất hiện, vì vậy có thể nói Kà Ốt sinh sau đẻ muộn so với làng Tầm Phô (Ompil). Bên cạnh làng Tầm Phô, thì trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh vẽ năm 1896 có làng nhỏ Tung Thngay, nhưng về sau ngôi làng “ngược sáng” này, người dân bị chết chóc quá nhiều do chiến tranh nên bà con Khmer mới bỏ và lập làng mới đó là Kà Ốt.

Kà Ốt hiện nay là tên ấp thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Đến với Kà Ốt không khó, theo trục đường tỉnh 785 đến trung tâm xã Tân Đông, rẽ trái qua chợ đi tiếp chừng 2km nữa là tới làng Khmer Kà Ốt. Hiện nay, Kà Ốt có 196 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu đang làm ăn sinh sống.

Làng Khmer Kà Ốt là một làng còn lưu trữ khá nhiều những giá trị văn hóa truyền thống của bà con Khmer miền biên giới Tây Nam của Tổ quốc nói chung và Tây Ninh nói riêng. Làng có ngôi chùa Kiri Sattray Meanchey tọa lạc ngay đầu làng, đây vừa là trung tâm tín ngưỡng và cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa hàng năm của bà con thuộc về ba ấp Khmer trong xã. Đối với ngôi làng văn hóa Kà Ốt này, có rất nhiều người uy tín, luôn hết lòng phục vụ bà con xóm ấp, nhưng khi nhắc tới người thủ lĩnh tinh thần thì không ai khác đó chính là già làng Nách Chan, một Phật tử uy tín hết lòng vì Đạo pháp và bà con phum sóc của mình.

Đối với người dân Khmer ở đây, vừa khi sinh ra đã hiển nhiên là một Phật tử rồi. Đạo Phật đã thấm sâu vào đời sống của bà con từ mấy trăm năm qua và già làng Nách Chan cũng là một người như thế. Già làng Nách Chan [ណាចចាន] tên thường gọi là Uch Chhau [អ៊ូចឆៅ ], ông sinh năm 1945, đảm nhiệm chức vụ già làng của Kà Ốt từ hơn mười năm nay.

Nhớ lại giai đoạn năm 1998, gia đình ông rất khó khăn, vợ vừa sinh đứa con gái út được mấy ngày thì mắc cơn bạo bệnh qua đời. Ở cái tuổi 53, ông một mình nuôi mười người con. Hầu như quanh năm suốt tháng ông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, vật lộn với gia cảnh trăm bề thiếu thốn, ấy vậy mà ông vẫn nuôi cho con cái ăn học, có người tốt nghiệp đại học, đó là chuyện không hề đơn giản đối với bà con dân tộc Khmer ở biên giới hơn hai mươi năm về trước.

Ngày nay, ở cái tuổi bát thập lão ông, già làng Nách Chan vẫn quắc thước mạnh khỏe. Công việc đồng áng nương rẫy ông để lại cho các con, ông ở nhà chăm các cháu và làm một số công việc trong Ban Hộ tự của nhà chùa. Khi nhắc đến tên ông, người dân Kà Ốt ai cũng một lòng kính nể. Với vai trò của một già làng, ông luôn quan tâm và giúp đỡ tất cả các gia đình trong phum sóc bằng trái tim và trách nhiệm của một người Phật tử đúng nghĩa. Tiếng nói của ông là tiếng nói chung của cộng đồng, bởi vậy bất cứ gia đình nào có việc cần hay hữu sự ông đều có mặt và hết lòng giúp đỡ.

Ngôi nhà của già làng Nách Chan hiện nay là một ngôi nhà sàn truyền thống kết hợp với một số yếu tố hiện đại. Nơi đây từ nhiều năm qua được xem là cái thư viện mini cho trẻ em trong làng đến đọc sách báo, vui chơi và học chữ Khmer. Có thể nói đối với một làng Khmer biên giới còn nhiều thiếu thốn mà được như vậy là quý lắm. Sách báo đem lại tri thức, học chữ của dân tộc mình là cơ sở vững chắc để bảo tồn các giá trị văn hóa, không bị hòa tan, mất gốc. Bên cạnh đó, việc học chữ dân tộc của mình cũng là cơ sở để hiểu biết hơn về Phật giáo Nam tông Khmer, hiểu sâu hơn những lời sư giảng dạy.

Như trên đã nói, Kà Ốt là một làng Khmer văn hóa, trong năm có rất nhiều lễ hội vừa mang tính dân gian vừa mang tính Phật giáo như Chôl Chhnăm Thmây, Sen Đôn-ta, Ok Om-bok, Phật đản, Nhập hạ, Dâng y Kathina, cúng Neakta Srốk, Tảo mộ… và các nghi lễ vòng đời khác. Cho nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa sư cả trong chùa, Ban Hộ tự, mê srốk, các vị achar và già làng. Vai trò của già làng là hết sức quan trọng từ việc vận động tài vật của bà con, thực hành nghi lễ, bảo tồn văn hóa truyền thống cho đến việc giáo dục các thế hệ trẻ trong phum sóc sống thiện sống lành. Trong bất cứ nghi lễ nào từ chung cho đến riêng đều có mặt của vị già làng Nách Chan đầy uy tín.

Ngoài ra già làng Nách Chan còn là người luôn luôn gương mẫu trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới, tích cực làm từ thiện, đoàn kết, tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xóm ấp của mình. Ông sống chan hòa với mọi người, tuyên truyền các thành viên trong ấp không nghe theo lời kẻ xấu làm những việc vi phạm pháp luật. Đặc biệt, ông luôn vận động con cháu và người dân trong phum sóc không sa vào các tệ nạn xã hội, phải ý thức phấn đấu làm tốt kinh tế gia đình và bảo vệ an ninh trong xóm ấp, sống tốt đời đẹp đạo.

Có thể nói, ở cái tuổi chuẩn bị bước vào bát thập là cái tuổi của an dưỡng và nghỉ ngơi, nhưng đối với già làng Nách Chan, ông vẫn tận tụy với các công việc của xóm làng từ các nghi lễ phong tục văn hóa cho đến đời sống vật chất của người dân. Trên gương mặt hiền từ phúc hậu của ông, ta luôn cảm nhận được một người đầy nghị lực, vượt qua bao thử thách để có hôm nay. Cái uy tín của ông đã góp phần giúp cho Kà Ốt được nhiều người biết đến, ghi nhận công lao trách nhiệm của ông đối với bà con, có thể bằng hai từ: kính phục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày