Tinh thần Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Ninh

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1220 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1220 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau Bà-la-môn giáo, thì Phật phái Nam tông Khmer là tôn giáo được du nhập vào Tây Ninh sớm nhất. Hệ phái này được người Khmer đón nhận và phát triển thành tôn giáo chính từ mấy trăm năm qua.

Một câu hỏi đặt ra là Theravada vào vùng đất Tây Ninh từ khi nào? Một thực tế đặt ra, Tây Ninh là vùng đất thuộc Đông Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung, đây là một bán đảo của bán đảo, được truyền thừa Phật phái Nam tông từ khá sớm cùng với các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar... trên 2.000 năm lịch sử, kể từ hai vị thánh tăng Sonatthera và Uttarathera theo thuyền buôn từ Nam Ấn đặt chân vào cổ cảng Óc Eo.

Một bằng chứng cổ xưa còn lưu lại đó là địa danh Ba Thê - Ba là lớn lao thuộc về phái nam, Thê là “Thera” là vị cao tăng; núi Ba Thê là nơi có vị cao tăng đến truyền giáo. Bên cạnh đó là những dấu chân Phật in khắc rải rác từ các vùng miền Nam Bộ sang tận Campuchia ngày nay, điều đó minh chứng cho những dấu vết của các vị La-hán đã từng đặt chân đến vùng đất cổ xưa này truyền giáo, trong đó có núi Bà Đen ở Tây Ninh.

Từ khi Phật giáo Nam tông vào vùng đất này, người Khmer Tây Ninh tiếp nhận và trở thành hồn cốt của văn hóa bản địa. Triết lý của Phật phái Theravada cũng chính là triết lý tư tưởng của bà con Khmer ở vùng đất này, đó là nhân quả, nghiệp chướng. Nghiệp chướng quy định mỗi con người phải chịu cho những hành động việc làm của mình gây ra.

Cái địa vị thân phận thậm chí là những cái phải gánh chịu ở kiếp này là kết quả của các kiếp trước đó. Cho nên, phải làm lành lánh dữ, tránh tạo ra ác nghiệp, sống thuận theo pháp, tích phước để hậu kiếp được sống tốt đẹp hơn. Đó là triết lý giáo dục hết sức cơ bản của Phật giáo dạy con người ta biết cách ứng xử với mình, với người với vạn vật sao cho dung hòa, thân thiện, tốt đẹp.

Ngôi chùa ngoài chức năng tâm linh còn là nơi bảo lưu văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

Ngôi chùa ngoài chức năng tâm linh còn là nơi bảo lưu văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

Đối với bà con Khmer, ngôi Tam bảo Phật - Pháp - Tăng là hết sức tôn quý và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần. Người Khmer quan niệm, Phật là đạo là con đường dẫn dắt chúng sinh ra khỏi những mê lầm xấu ác; Pháp là cách thức để thực hành chính đạo; Tăng là người đại diện cho Đức Phật hướng dẫn chúng sinh hiểu rõ Phật, thực hành Pháp để đi đến bến bờ trí tuệ và giải thoát.

Để làm được điều trên, thì mỗi thôn làng phải có ngôi chùa, ngôi chùa không những là cơ sở để thờ tự mà còn là nơi để bà con Khmer thực hành những nghi thức tôn giáo, bồi dưỡng đức tin và cũng là trường học đường đời nẻo đạo xuyên suốt cả vòng đời đối với một Phật tử Khmer. Bên cạnh đó, ngôi chùa còn là không gian để diễn xướng các lễ hội, là nơi giữ gìn bản sắc, ngôn ngữ của đồng bào Khmer. Chính vì tầm quan trọng của ngôi chùa như thế, nên bất kỳ phum sóc nào xây dựng tôn tạo được ngôi chùa khang trang thì đều trở thành niềm hãnh diện.

Ở Tây Ninh hiện nay có sáu ngôi chùa Khmer theo hệ phái Moha Nikaya, trong đó thành phố Tây Ninh, Tân Châu, Tân Biên mỗi nơi có một, riêng Châu Thành có tới ba ngôi. Các chùa này hầu hết được xây dựng trong khoảng thế kỷ XIX và thế kỷ XX, qua nhiều lần trùng tu, làm mới, di dời… đến nay coi như đã ổn định.

Nhìn chung quần thể các ngôi chùa ở miền phên giậu này đều có các hạng mục như cổng chùa, chánh điện, sala, Tăng xá, tháp cốt, lò thiêu và các hệ tượng tròn… Các ngôi chùa Khmer Tây Ninh tuy không có cái vẻ bề thế, nhưng đều khá đẹp, tuân thủ theo mô hình kiến trúc và phong cách mỹ thuật Khmer Nam Bộ từ bao đời nay.

Tượng Đức Phật và các vị Thiên chủ trong chùa Kà Ốt
Tượng Đức Phật và các vị Thiên chủ trong chùa Kà Ốt

Trong các chùa Khmer Tây Ninh, việc tổ chức nội bộ là rất bài bản và chặt chẽ từ Sư sãi cho đến các Phật tử thuần hành. Đứng đầu trong các ngôi chùa là vị Sư Cả, bên cạnh đó là các Tỳ-kheo, Sa-di và ban hộ tự giúp nhà chùa trong các công việc tổ chức nghi lễ như cúng dường, đặt bát, dâng y… và các nghi lễ dân gian khác.

Hàng năm, các chùa Khmer Tây Ninh đều lần lượt tổ chức các nghi lễ hết sức hoành tráng như Phật đản, Nhập hạ, Xuất hạ, Dâng y Kathina, Chôl Chhnăm Thmây, Sen Đônta, Ok Ombok, Cúng Thần lúa… Đây vừa là nghi lễ thực hành tín ngưỡng Phật giáo vừa là lễ hội văn hóa dân gian. Thông qua các nghi lễ này, bà con Khmer được thực hành tâm linh, giáo dục đạo đức, lẽ sống, giải trí vui chơi và giữ gìn bản sắc dân tộc của mình.

Vào giai đoạn thế kỷ XIX, bác sĩ J.C. Baurac thống kê trong Nam kỳ và Cư dân các tỉnh miền Đông ở tỉnh Tây Ninh có 9 ngôi chùa Khmer, nhưng trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiến tranh tàn phá, phum sóc di dời… hiện nay chỉ còn có 6 ngôi.

Trước đây, đời sống của người Khmer Tây Ninh còn rất khó khăn, trẻ em trai mười ba mười bốn tuổi thường phải phụ giúp cha mẹ kiếm sống, sự cơ cực này không cho phép nhiều người có thời gian vào chùa tu học, nhưng trong vòng hơn mười năm nay, đời sống thay đổi theo hướng tích cực, nên nhiều gia đình tạo điều kiện cho con em lên chùa xuất gia báo hiếu khá nhiều. Người xuất gia có thể là vài tháng, vài năm, mười mấy năm… hoặc trọn cả cuộc đời. Nhưng một khi thấy mình hết duyên thì xin hoàn tục trở về với cuộc sống đời thường, luôn được xóm làng trân trọng. Đây là một nét thoáng mà các Phật phái khác không có được.

Đồng bào Khmer đến chùa trong những dịp lễ lớn
Đồng bào Khmer đến chùa trong những dịp lễ lớn

Vấn đề vị trí vai trò của ngôi chùa đối với đời sống phum sóc được TS.Trần Thuận ghi nhận như sau: “Ngôi chùa vốn đã trở thành trung tâm giáo dục của cả cộng đồng Khmer ở các phum, sóc. Nơi đó, những người con trai Khmer, từ 11 tuổi trở lên vào tu học một thời gian để trở thành người tốt giúp ích cho đời, cũng như báo hiếu cho ông bà, cha mẹ. Ở chùa, họ học tiếng Khmer và tiếng Pali, học được những kiến thức cần thiết cho cuộc sống,...

Vì vậy, những người đã hoàn thành “nghĩa vụ tư”, khi hoàn tục rất có uy tín đối với cộng đồng. Những người xuất gia sau một thời gian tu tập sẽ trở thành các chức sắc tôn giáo của cộng đồng. Các vị sư được nhân dân rất mực kính trọng và họ tồn tại trong quan niệm của người Khmer như là người đại diện cho Đức Phật để chăm lo việc cứu độ cho đời. Người dân Khmer mỗi tháng đến chùa bốn lần để lễ Phật, tụng kinh, tu dưỡng đạo đức để mong được hưởng quả phúc. Người Khmer coi trọng ngôi chùa còn hơn cả ngôi nhà của mình.

Một hiện tượng rất phổ biến là nhà cửa của nhiều gia đình ở các phum, sóc Khmer tuy vẫn còn đơn sơ, tạm bợ nhưng ở giữa lại mọc lên một ngôi chùa hết sức khang trang, lộng lẫy, nơi đó thường diễn ra các lễ hội dân gian và các lễ hội có nguồn gốc Phật giáo. Phật giáo của người Khmer là Phật giáo Tiểu thừa mang tính truyền thống cũng như tính khép kín của cộng đồng dân tộc. Nó đã chi phối mạnh mẽ đời sống của nhân dân và tạo nên những đường nét cơ bản trong nền văn hóa của người Khmer(Nam Bộ vài nét lịch sử - văn hóa, trang 258, NXB Văn Hóa Văn Nghệ - 2014).

Hiện tại các chùa Khmer Tây Ninh số lượng các sư theo tu học cũng không được nhiều, những mùa cao điểm có khoảng sáu mươi vị. Sau một thời gian thụ giới Sa-di, tu học tại chùa, các sư được gửi đi học tiếng Pali ở các trường khu vực Tây Nam Bộ, cũng có vị được gửi sang Campuchia học mỹ nghệ như hội họa, điêu khắc, xây dựng... để sau này trở lại phục vụ cho phum sóc quê hương.

Bên cạnh đó, có nhiều vị sư sau một thời gian tu học, được nhà chùa đào tạo, sau này hoàn tục trở thành các vị Achar tài năng của phum sóc. Các Achar này kế tục các Achar cao tuổi giúp dân làng làm chủ các lễ hội, đám cúng, cầu siêu, tang ma, cưới hỏi… đó là những công việc hết sức quan trọng và không thể thiếu trong cộng đồng Khmer Tây Ninh từ xưa cho đến nay.

Ngoài các công việc theo định kỳ được tổ chức tại chùa, trong phum sóc, các sư và các Phật tử Khmer Tây Ninh cũng thường xuyên xoay vòng đi cúng dường ở các chùa làng bạn, dự kiết giới Sima, khánh thành… các chùa ở các tỉnh khác. Đây không những là việc hùn phước, tích phước mà còn giúp bà con Khmer có điều kiện giao lưu, học hỏi cái hay cái đẹp ở những nơi khác để đem về tôn tạo xóm làng mình, làm giàu thêm văn hóa của quê hương mình.

Nhìn chung, Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Ninh tuy số lượng sư, số lượng chùa còn khá khiêm tốn, nhưng đời sống tinh thần của các Phật tử là hết sức phong phú, có bề dày lịch sử từ rất lâu đời. Phật giáo là hồn cốt, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bản sắc văn hóa của bà con. Chính vì vậy, việc bảo tồn bản sắc của của dân tộc Khmer Tây Ninh trước hết là giữ gìn nền nếp hệ phái Theravada, trong đó ngôi chùa là điểm nhấn quan trọng nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày