Ông Tám Giống (trái) cùng với quý thầy làm việc thiện- Ảnh: Ngọc Nguyện
Điều đó thể hiện qua tâm sự chân tình của ông : “Tôi là độc giả trung thành của báo. Bận rộn cách mấy tôi cũng ra sạp báo trước bưu điện huyện mua và xem đều mỗi tuần. Đọc báo Giác Ngộ phải giác ngộ, đời trước mình không biết bố thí nên đời này nghèo khó, phải nghe lời Phật dạy mà tu tập. Làm được nhiều việc thiện là nhờ báo Giác Ngộ”. Có lẽ vì vậy mà gần một năm qua, ông là một hội viên tích cực của Nhóm Từ thiện y bác sĩ thị xã Hồng Ngự.
Thật ra, trong sinh hoạt đời thường, ông đã được nhiều người dân địa phương quý mến với những việc tri ân thầm lặng bằng cái tâm của một người lao động nghèo. Mỗi khi cần người tiếp sức, bà con tiểu thương thường bảo nhau: “Việc này phải kêu ông Tám Giống!” Ông cười hề hà tâm đắc: “Bà con tạo điều kiện giúp tôi kiếm phước”.
Hàng ngày chở hàng cho khách, ông tranh thủ tạt vào những địa chỉ hảo tâm ủng hộ hoạt động của nhóm để gom tiền về cho nhóm chuẩn bị các đợt khám bệnh, cấp thuốc hàng tháng cho bệnh nhân nghèo. Có khi chỉ vài ngàn đồng của một người mua đầu chợ, bán cuối chợ hay một người bán vé số ông cũng đến nhận một cách trân trọng. Những ngày không bận việc nhóm, ông tranh thủ chạy xe đến tối mịt mới về và dành dụm lo cho chi phí gia đình trong những ngày nhóm khám bệnh hay đi ủy lạo.
Ông Tám góa vợ đã 29 năm, sống với người con gái góa chồng, con gái ông hàng ngày quảy gánh đi mua ve chai lông vịt và đứa cháu ngoại 13 tuổi. Mùa lũ này, căn nhà sàn mộc mạc của cha con ông cũng ngập chìm trong nước lũ, phải kê ván lên cao mới có chỗ ngủ.
Vậy mà, ông vẫn không quên những ngày lễ rằm và 30 âm lịch hàng tháng. Đến ngày ấy, bác tài xe lôi đạp lại thức dậy thật sớm, ông đạp xe ra cầu kinh Long An - một vùng kháng chiến cũ, đứng chờ để đẩy tiếp bà con hàng hóa ra chợ. Sau đó, ông đi chở gạo, đường hay đồ hàng bông của các thí chủ đến cúng dường chùa hoặc ủng hộ tổ từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự.
Thấy ông còm lưng đạp xe kiếm sống, bà con gởi tiền thù lao, ông khoát tay từ chối: “Tôi nghèo không có của. Bà con phải cho tôi góp công để tôi kiếm chút phước chứ.” Biết được việc làm của ông, bác sĩ Lê Văn Thôi, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện ĐKKV Hồng Ngự đã mời ông vào tổ hậu cần của Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi, Bệnh nhân nghèo thị xã Hồng Ngự.
Nói về ông Tám Giống, bác sĩ Thôi cho biết: “Mỗi đợt, Hội đi khám từ thiện là chiếc xe lôi đạp của ổng vận chuyển tất cả trang thiết bị y tế, giường bệnh nhân, cả quét dọn ổng đều lo trước hết. Phải nói rất là nhiệt tình, Hội không có ổng là mệt lắm!” Nhờ uy tín với xóm làng nên gần đây, ông còn đi từng nhà xin cây và vận động cất nhà tình thương cho một bà cụ neo đơn ở phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự. Căn nhà đơn sơ nhưng kín đáo, trị giá 8 triệu đồng.
Trong mùa mưa lũ dâng cao tại thị xã Hồng Ngự, ông Tám Giống cùng chiếc xe lôi đạp cũ kỹ của mình kêu gọi anh em góp công đắp đê Tân Thành bị vỡ để bảo vệ 400 ha lúa vụ 3 cho bà con an tâm vượt qua lũ lớn.