Người ta cứ bảo nghề báo là… bon chen!

GN - Trước khi chọn cho mình nghiệp viết, tôi đã nghe rất nhiều thông tin liên quan đến việc làm báo, mà buồn một nỗi, đa phần là tiêu cực thôi.

anh 3.jpg

Giống như một định kiến, người ta cứ nghĩ nghề báo là bon chen, là phức tạp. Con gái mà làm nghề này nữa thì ôi thôi! Cực nhọc, thị phi đủ điều. Không thật liên quan lắm nhưng có lẽ lúc ấy, hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính khi nói về đời nhà thơ tôi thấy sao giống đời nhà báo quá chừng?!


Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong.

“Thì thôi, đừng làm báo nhe con!”, “Bà không hợp với nó đâu!”. Đó là lời khuyên tôi được nghe khá nhiều từ những người thân, bạn bè của mình.

Ấy vậy mà chắc là do duyên, dù ngành tôi học không chuyên về báo chí hay truyền thông nhưng vào năm học thứ 3, “cái năm định mệnh” đó, tôi đi thực tập ở Báo Giác Ngộ.

Và nhờ khoảng thời gian làm việc tại Giác Ngộ, dù không quá lâu nhưng đủ để tôi có thể khẳng định, người ta sai rồi và tôi cũng sai nốt!

Bon-chen-nghề-báo chắc có lẽ là một ngoại lệ với Giác Ngộ!

Rất lâu rồi tôi không có dịp ghé thăm Giác Ngộ nhưng trong tâm trí tôi, nơi này vẫn luôn ấn tượng ngay từ những ngày đầu.

Không phải là cảnh tượng ồn ào, người ra kẻ vào nhộn nhịp. Sảnh trước của Giác Ngộ được bài trí giản dị và rất yên tĩnh. Không gian bên trong các căn phòng cũng ấm cúng và gợi cảm giác gần gũi vô cùng. Người ở Giác Ngộ thì hiền hòa và thân thiện lắm, cứ như những người thân trong một gia đình vậy. Nói chung sẽ không phải là một môi trường báo chí như tôi và bạn có thể tưởng tượng ra được. Ở Giác Ngộ có một phong cách khác biệt, trầm lắng và rất nhẹ nhàng…

Một môi trường có vẻ không lấy gì làm vội vàng như thế nhưng mọi người nơi đây làm việc rất nghiêm túc, quy củ. Bản thân tôi hồi thực tập cũng căng thẳng không ít. Tuy nhiên, đó là vấn đề của tôi, vì chưa có nhiều kinh nghiệm và vì chuyên môn chưa tốt nên cũng làm “hư bột hư đường” mấy lần.

Những lúc ấy thì sao nhỉ? Tôi nhớ là các anh, chị trong tòa soạn động viên và hỗ trợ cho tôi rất tận tình. Bên cạnh những kỹ năng nghề nghiệp mà tôi được chia sẻ, tôi cũng học được từ các anh, chị nhiều điều bổ ích. Những điều đó đến giờ vẫn theo tôi và giúp tôi khá nhiều trên đường đời.

Đó là “cuộc sống bon chen” ở Giác Ngộ, còn làm báo Giác Ngộ thì… “bon chen” gấp mấy lần!

Sẽ không thể nào tìm được những tin tức giật gân hay những trào lưu nóng hổi ở đây đâu, Giác Ngộ vẫn “điềm đạm” mỗi tuần với những thông tin theo tinh thần Phật giáo, hướng con người ta sống một cuộc sống khỏe mạnh và tích cực hơn từng ngày. Mà vậy thì bon chen sao được, phải không?

Thời gian thực tập khoảng hơn 3 tháng tại Giác Ngộ, tôi được tiếp xúc với không ít người, đi cũng kha khá nơi và đặc biệt, cũng ngộ ra nhiều thứ. Cứ mỗi bài báo của mình được đăng, đó là biết bao tình cảm, trải nghiệm thú vị của tôi về nhân vật, sự kiện mà tôi tham gia được trải lòng. “Viết cho Giác Ngộ vui lắm!”, người phụ trách của tôi nói với tôi như vậy, mà đúng thật. Tuy đó không phải niềm vui của tự thân, do mình nhưng mình được “lây” từ người khác, từ cuộc đời khác và nhiệm vụ của mình là làm nó “lây lan” cho nhiều người nữa thì có gì vui và ý nghĩa bằng?!

Vậy thôi, nếu làm báo Giác Ngộ có bon chen, thì đó là sự bon chen dễ thương nhất đối với tôi rồi! Mà vậy thì cứ bon chen thôi!

Huỳnh Thị Tú Linh
(Rạch Giá, ngày 23-12-2017)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày