GN - Gần ba năm, kể từ Đại lễ Quy y cho hơn 6.000 đồng bào dân tộc, đa số là dân tộc Stiêng, tôi đã trở lại huyện Bù Đăng (Bình Phước) để gặp lại SC.Thích nữ Lệ Thành, người đã truyền bá giáo lý đạo Phật cho bà con đồng bào dân tộc mà mọi người nơi đây gọi một cách thân thương là “thầy”.
Sư cô TN.Lệ Thành và người nghèo dân tộc tại địa phương
Năm 1997, theo thỉnh nguyện và cũng như mong muốn của bà con đồng bào dân tộc Stiêng có một người thầy để hướng dẫn mình tu học, mặc dù trong giai đoạn còn khó khăn, Sư cô TN.Lệ Thành đã cố gắng, nỗ lực làm cho bà con đồng bào nơi đây hiểu về Phật pháp. Đó là cuộc hành trình đem ánh sáng đạo Phật về với bà con đồng bào các dân tộc, đặc biệt là người Stiêng nghèo tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Được hỏi về những khó khăn trên bước đường đưa bà con đồng bào đến với Tam bảo, Sư cô TN.Lệ Thành tâm sự: “Khi gặp bà con mình mới hiểu, cả sóc không có lấy một ngôi chùa, không có người nào quy y cả, không có nơi tụng kinh, lễ Phật. Trong khi đó, đồng bào nhiều người lại muốn học giáo lý của Phật. Không đành lòng, tôi đã hướng dẫn việc tu học và hoằng pháp cho bà con”.
Hỏi ra mới biết, trước lúc Sư cô về đây, bà con đa phần không biết Phật pháp. Người hiểu, tin Phật thì không nói gì, lúc đó Sư cô phải giải thích, cắt nghĩa để họ hiểu. Thậm chí, có nhiều người dân tộc tưởng Sư cô được phái xuống trừ yêu, ma nên lên tận thất hỏi xin “bùa” để đi rừng khỏi sợ ma, quỷ. Khi Sư cô bảo không phải là thầy mo, sư cô chỉ là tu sĩ không có “bùa”, chỉ có chú Đại bi thôi thì họ kêu Sư cô giải thích cho bằng được. Và khi đã biết, đã hiểu rồi thì lúc nào họ cũng để quyển chú Đại bi trong người, bất kể đi đâu, từ đó mà ngày nào họ cũng rủ người thân, nhà hàng xóm đến chùa lễ Phật.
Được biết toàn huyện Bù Đăng có hơn 7.000 Phật tử thì trong đó hơn 5.000 Phật tử là đồng bào dân tộc đang sinh sống tại 13 sóc của huyện. Đời sống văn hóa và tâm linh nơi đây mặc dù thiếu thốn, nhưng với tâm huyết của mình, Sư cô đã đem ánh sáng Phật pháp về với bà con làm thay đổi cả đời sống và nhận thức của người dân nghèo nơi này.
Đến huyện Bù Đăng bây giờ, hỏi tới Sư cô TN.Lệ Thành, đồng bào ai cũng dành cho nhiều tình cảm, bởi nhờ có Sư cô mà người dân có nơi đây nương tựa với Phật.
Ngày xưa, Sư cô tiếp nhận nơi đây, mọi thứ đều khó khăn, Phật tử rất nghèo khó, bản thân Sư cô cũng không có tiền. Với tâm nguyện hết lòng phụng sự đạo pháp, Sư cô đã sống có tình, có nghĩa với bà con Phật tử, khuyên làm việc thiện, bỏ việc ác, hướng mọi người đến cuộc sống tích cực nên ở đây chính quyền, mọi người ai cũng sẵn sàng trợ duyên cho sư cô.
Không thể ngờ rằng, vùng đất nghèo khó ngày nào từ những người không biết đạo, bây giờ họ trở thành Phật tử tinh tấn, một lòng theo Phật và có một vị thầy trẻ mỗi ngày hướng dẫn họ tụng kinh niệm Phật.
Chúng tôi gặp Phật tử Trung Nam ở sóc Đồng Nai cách chùa hơn 10km, ông chia sẻ: “Từ khi có thầy đến hướng dẫn chúng tôi tu tập, bây giờ mỗi ngày cứ đến chiều, sau khi đi rẫy về là cả nhà mình có 5 người lại lên chùa tụng kinh. Cũng nhờ đi chùa, tụng kinh, tôi đã bỏ rượu chè, lo làm ăn. Mọi người trong sóc cũng sống nghĩa tình hẳn ra”.
Quý nhất là, bà con nơi đây dù tay lấm chân bùn, lặn hụp suốt ngày trong rẫy nhưng vẫn dành thời gian đến chùa để công phu, tụng kinh, lễ Phật. Nhìn những đôi bàn tay già nua lần từng chữ, đọc từng câu kinh; những đứa trẻ lem luốc, quần áo xộc xệch chắp tay ngồi niệm Phật làm những ai bắt gặp hình ảnh này cũng đều thấy xúc động và hoan hỷ và thương khôn xiết.