Người trẻ quay về và làm mới

GN - Mùa xuân là mùa để quay về, đoàn tụ, sum họp và là mùa để làm mới, để nhìn kỹ mặt người thân, người thương sau một năm (có người là nhiều năm) xa gia đình, bôn ba nơi đường xa gió bụi, có lúc quên cội nguồn, quên tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống… 

1.jpg

Ngồi yên, nhìn lại là cần thiết để nhận ra những giá trị sống thiêng liêng,
tình thương đích thực và ý nghĩa cuộc đời... - Ảnh minh họa

1. Thử làm một bài test trên facebook, rằng bạn sẽ làm gì (hoặc nói gì) khi quay về trong Tết này? Và điều bất ngờ là tôi đã nhận được gần 100 câu trả lời của các bạn trẻ, đa số là sẽ về ôm mẹ, hoặc ba. Trong đó, có bạn còn kèm theo lời nói nhớ, thương, rồi tặng quà cho ba là chiếc áo mới, đôi giày, cho mẹ là cái khăn ấm, bao lì xì để mẹ đi chợ Tết…

Nói chung, đó là những thương yêu vô điều kiện, bởi “ai đi xa về mà không vui mừng hớn hở khi gặp lại người thân, nhất là ba mẹ mình”, bạn Minh Khang chia sẻ như thế! Rõ ràng, gặp lại ba mẹ sau một (hoặc nhiều năm) đi xa là một cuộc làm mới cảm xúc, tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Tình thương cần được sự hâm nóng như thế để có thể tạo ra những điều mới mẻ như là niềm hạnh phúc lâng lâng trong những ngày chờ Tết và đón Tết quê nhà. Nghĩ đến đây, tự dưng thấy hình ảnh ôm ba mẹ, rồi nói lời thương nhớ là một hành động đẹp giữa những ngày xuân.

Có một lần, bạn tôi, một người bạn tha phương giống tôi chia sẻ trong một buổi cà phê với một tâm trạng rất thổn thức, rằng: Có lẽ tớ chỉ còn gặp ba mẹ chừng vài chục lần nữa… Tôi ngạc nhiên, hỏi bạn, sao lại còn vài chục lần? Bạn im lặng một lát, rồi đưa ra phép tính: thì năm nay ba mẹ tớ ngoài năm mươi rồi, có sống lâu thì cũng chừng vài chục năm nữa. Tớ thì đi xa mỗi năm mới về một lần, mỗi lần được chừng một tuần, tới mười ngày, mà có phải dành trọn thời gian ấy cho ba mẹ đâu. Toàn là đi thăm chỗ này, chỗ kia, túm tụm bạn bè, rồi liên hoan, ăn uống… đủ thứ hết.

Nghe xong, tôi giật mình. Hóa ra mình ơ thờ trước sự khắc nghiệt của thời gian. Xuân qua, xuân tới, mình cứ đi và về, đón mùa xuân trong sự háo hức, rồi lại để mình cuốn vào vòng xoay của cuộc sống bộn bề mà quên mất việc “tính toán” số lần có thể diện kiến người thân của mình. Và vì vậy mà khi về, khi đi mình cứ hời hợt, cứ vô tư như là tuổi già không đến bên ba mẹ, như là ba mẹ mình sẽ sống đời đời với mình, như là vô thường không tồn tại trong ba mẹ và cả mình.

Cuộc sống là vô thường! Không chắc ba mẹ mình sống đến bảy tám chục tuổi. Và cũng không chắc mình sẽ sống đến khi ba mẹ mình bảy tám chục tuổi. Thi thoảng mình mới nhận ra cái điều hiển nhiên ấy, để rồi giật mình. Nhưng, đừng chỉ giật mình không thôi mà hãy thực tập sống trong ý thức vô thường ấy, để dẫu mình có xa ba mẹ vì cuộc mưu sinh, vì nhân duyên này, nhân duyên khác thì mình cũng biết cách truyền thông và làm mới để mỗi giờ phút qua đi mình đều sống cho ba mẹ, sống có ba mẹ ngay cả khi ba mẹ không ở cạnh mình!

Ý niệm về tình thương, về vô thường và việc làm mới bản thân, làm mới hoàn cảnh sống cùng ý thức được sự hiện hữu của ba mẹ nơi thân-tâm mình ít nhiều cũng sẽ giúp cho ba mẹ mình bớt cô đơn, và mình không quên nguồn cội. Ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam có ngày Tết cổ truyền là một nếp văn hóa thật hay. Đến dịp đó thì con cái dẫu đi xa nơi nào cũng cố gắng về bên gia đình, về bên bàn thờ gia tiên để thắp nhang tưởng niệm, để ghi khắc khoảnh khắc sum họp, và trao nhau niềm vui. 

IMG_9557.JPG

Niềm hạnh phúc đoàn tụ - Ảnh minh họa

2. Trao cho nhau niềm vui, bỏ qua mọi khúc mắc, giận hờn trong năm cũ, để đón năm mới thật ấm cúng, vui vẻ cũng chính là một cách làm mới đã có trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân bao đời, của chính gia đình tôi và gia đình bạn. Nhưng, nếu cái nếp ấy được phát huy như một phương thức thực tập thì mỗi ngày đều là cơ hội chứ không phải đợi chờ đến khi năm mới sang mình mới có dịp để làm.

Tôi may mắn được tiếp xúc với phương pháp ấy từ một khóa tu tổ chức cách đây hơn năm năm, cũng vào dịp mùa xuân. Phương pháp làm mới! Khi ấy, đại chúng và tôi được chứng kiến một thời khắc xúc động của một gia đình xung phong lên làm mẫu sau khi được thầy giáo thọ hướng dẫn: “Phương pháp làm mới khá đơn giản, hãy bắt đầu bằng việc “tưới hoa” cho người thân, người thương bằng cách nói tất cả những niềm hạnh phúc mà quý vị có khi bên người mình thương, khi có sự có mặt của họ. Sau đó hãy nói một lời xin lỗi bằng cách bộc bạch tất cả những lỗi lầm, cố chấp, tồn tại của mình mà chính nó là nguyên nhân làm người thân, người thương mình khổ. Cuối cùng, hãy bày tỏ một mong muốn, gửi gắm dành cho người thân, người thương”.

Thật xúc động là khi gia đình ấy gồm bốn người đã lên thực tập và cả bốn người ôm nhau khóc. Khóc vì vỡ òa, bởi bấy lâu nay gia đình có lúc vui, lúc hục hặc, mỗi người có buồn về nhau nhưng không có cơ hội để nói, không dám nói nên giữ mãi trong lòng. Nội kết ấy đã lâu, gặm nhấm khá nhiều năng lượng yêu thương, hòa hợp trong nhà, nay mới được tháo gỡ. Và cả nhà ấy đã nói trong nước mắt rằng: cảm ơn một khóa tu đã “khai thông suối nguồn” yêu thương cho gia đình con…

Riêng tôi thì nhớ mãi, chuyện đứa con trai nói với cha rằng: “Ba là người ba cứng rắn, biết thương gia đình. Con cảm ơn ba đã đón đưa con đi học khi con còn nhỏ, con tự hào về ba. Con thương ba nhiều lắm. Nhưng, con cũng buồn về ba, vì mỗi lần đi uống rượu với bạn về ba hay la mẹ và chị em con một cách vô cớ. Có lần ba đốt cuốn sách mà con rất thích, con tổn thương và rất buồn vì ba… Con xin lỗi vì có lúc giận quá đã lớn tiếng với ba… Con mong ba mai mốt có uống rượu về cũng đừng lớn tiếng với mẹ và hai chị em con nhen ba. Hai chị em con lớn rồi, còn có bạn bè. Má cũng lớn tuổi, đâu còn bao lăm nữa ba má cũng già…”. Và khóc, và ôm nhau, và người cha trong buổi làm mới ấy đã hứa là sẽ bỏ rượu, sẽ để ý đến cảm nghĩ của con và của vợ nhiều hơn…

3. Vâng, chỉ là tóm tắt về một phương pháp thực tập, dẫu không trọn vẹn nhưng đó là câu chuyện rất thật mà tôi chứng kiến, như một gợi ý cho bạn trẻ. Có thể bạn là Phật tử hoặc chưa phải là Phật tử thì bạn cũng có thể “làm mới” bằng cách này, bởi ai cũng có một tổ ấm, một gia đình. Cuộc sống và những mối quan hệ, những cơn bão lòng, sóng gió, bụi đời, sự vô tâm, vô tình đã làm có lúc ba mẹ hiểu lầm con cái, con cái giận ba mẹ… thì ngày Tết, đầu xuân mình họp gia đình, trong không khí ấm cúng, hân hoan ấy, mình “tưới hoa” cho những người thân và nói một lời xin lỗi, một ước mong để gửi gắm cũng là một phần “mừng tuổi”, phần lì xì ý nghĩa, phải không? Tôi tin, nếu bạn thực tập làm mới, trước thời khắc đó, bạn lạy trước mười phương Tam bảo, xin sự gia hộ và yêu thương, tự tin tưới tẩm hạt giống lục hòa trong mình thì chẳng có bức tường nào có thể ngăn cản được tình thâm, tình cảm gia đình khi mà mỗi người đã biết đặt cái tôi mình xuống để nói lời thương yêu, nói lời xin lỗi cả!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày