Người “xây” ước mơ cho những đứa trẻ đặc biệt

GN - Với người làm cha mẹ, để nuôi dưỡng, dạy dỗ được một đứa con chậm phát triển, có hội chứng tự kỷ là điều không hề đơn giản. Nhiều phụ huynh chia sẻ, hành trình dìu dắt con không tính bằng ngày mà bằng năm, có đôi khi vì mệt mỏi, tuyệt vọng quá, họ nghĩ đến việc ôm con kết thúc cuộc đời…

 Có vô vàn thử thách trong quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ đặc biệt, mà nếu như trong hành trình đó, yêu thương không đong đầy thì chắc chắn không thể nào thực hiện được. Ấy vậy mà, cô giáo trẻ Phan Thị Nhung vì thương những đứa trẻ đặc biệt ấy, nên đã xem các em như người thân, dành nhiều tâm huyết, tìm đủ mọi phương pháp để giảng dạy, giúp các em tiến bộ.

Công ty TNHH Phát triển năng lực Thành Đạt - trung tâm đang có gần một trăm bé đặc biệt theo học lớp cô Nhung và các cô giáo phụ trách có chuyên môn. Đây là nơi rất nhiều phụ huynh, đa phần có hoàn cảnh khó khăn gửi gắm, đặt trọn niềm tin, với hy vọng, bằng tình yêu thương, cùng với phương pháp “truyền lửa” của cô Nhung, cùng sự hỗ trợ của các cô giáo trẻ cộng sự, một ngày nào đó các con sẽ tiếp thu và tiến bộ.

“Kết nối” từ trái tim đến trái tim

Vì dạy cho những đứa trẻ đặc biệt nên giáo trình của cô Nhung soạn thảo cũng rất đặc biệt. Để có thể giúp các cô giáo đang cộng tác với mình có nhiều phương pháp giảng dạy, hỗ trợ cho các con phát triển, cô Nhung đã dành nhiều tâm huyết, biên soạn hẳn hai quyển sách “Dạy con thực hành”“Dạy con học nói” (NXB Thanh Niên) áp dụng cho các con học ở nơi đây.

Nội dung sách là những bài học, kiến thức, phương thức giúp các con phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức... Đó là những kinh nghiệm được cô Nhung đúc kết từ những trải nghiệm thực tiễn của chính bản thân trong suốt 10 năm “kết nối” với trẻ tự kỷ.

Thương trẻ, cô Nhung dành hầu hết thời gian và tâm huyết cho lớp học, cho các con. Sáng sớm cô có mặt tại cơ sở, đến chiều muộn, có khi đến đêm khuya, xử lý xong công việc, lên kế hoạch giảng dạy cho các con vào ngày mai thì cô mới về nhà. Nhiệt tâm, tận tình và quan tâm các con nhiều nhất có thể, vì thế số lượng những đứa trẻ đặc biệt đến với cô ngày càng nhiều.

ANHD (1).JPG

Một giờ dạy của cô Nhung với các bé mắc hội chứng tự kỷ

Hỏi cô Nhung bí quyết dạy được nhiều trẻ cùng một lúc, cô bảo: “Tôi không có gì khác ngoài tình yêu thương. Tất cả đều được kết nối từ trái tim ấm áp, đầy lòng bao dung nên khi ôm các con, khen các con hay vỗ về các con… mỗi hành động tôi đều thực hiện chân thành. Tôi đã đi cùng các con, dành tình cảm cho các con, rồi có ngày các con cũng có những tiến bộ”.

Trước sự lạc quan của cô Nhung, hỏi cô mỗi đứa con mỗi cá tính khác nhau, dạy các con có khi nào cô bị stress không? Cô thiệt thà chia sẻ: “Có. Đôi khi, tôi rất căng thẳng vì dạy con một thời gian dài rồi, mình tâm huyết lắm, dành nhiều tình cảm và nỗ lực lắm mà con vẫn chưa tiếp nhận, chưa mở lòng với mình.

Những lúc đó, tôi cảm thấy bế tắc khủng khiếp, có lúc gục khóc, cũng suy nghĩ bỏ nghề, nhưng suy nghĩ đó thoáng qua”. Cô chân tình trải lòng: “Tôi giảng dạy cho các con mà tự bỏ cuộc thì các con biết làm sao đây, biết dựa vào ai, lớn lên với tình trạng này, các con sẽ làm gì để nuôi sống bản thân.

Nghĩ đến đó, tôi không cho phép mình yếu đuối, chấp nhận đầu hàng, mà dặn lòng phải nỗ lực hơn để khơi dậy nhận thức cho các con. Tôi tìm đủ mọi phương pháp, học hỏi các bạn đồng nghiệp có chuyên môn giỏi, lên giáo trình riêng biệt để dạy cho từng nhóm đối tượng.

Vì thương các con nên tôi không bỏ qua bất cứ cơ hội nào đem lại lợi ích cho các con. Tôi tự đặt ra mục tiêu, lấy sự tiến bộ của các con chính là thước đo thành công nghề nghiệp, niềm hạnh phúc cho bản thân”. 

Không phải ai cũng có nhiều tình thương, quan tâm nhiều đến những đứa trẻ kém may mắn như vậy, đằng sau đó hẳn có lòng trắc ẩn? Khi hỏi điều đó, người viết đã lặng người khi biết được bản thân cô Nhung cũng có những khiếm khuyết trên cơ thể, và đó chính là động lực thúc đẩy cô cố gắng, nỗ lực đồng hành, chia sẻ với những bạn nhỏ có chung hoàn cảnh. Cô Nhung luôn gởi gắm thông điệp về niềm hy vọng đến bố, mẹ của các con, đó là: “Đừng bỏ cuộc dù bạn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nào. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, cứ đi rồi sẽ có đường…”.

Vì ngày mai… tươi sáng

Trước khổ đau, có người than thân trách phận, có người chọn cho mình lối sống tiêu cực, buông xuôi tất cả, nhưng cũng có những người rất mạnh mẽ. Ba, mẹ của những đứa con bị tự kỷ đã chọn cách đứng lên, cùng với các cô giáo bước về phía trước, chiến đấu với mọi thử thách.

Một phụ huynh chia sẻ trong niềm cảm kích: “Thương cô Nhung, nhờ có cô mà vợ chồng tôi bình tĩnh và có niềm tin hơn trong chặng đường chiến đấu cùng con. Học cùng cô Nhung, con mình có sự tiến bộ về nhận thức, bé nói được và biết dùng ngón trỏ để chỉ những vật xung quanh. Mừng lắm, chỉ có người cùng hoàn cảnh mới hiểu được niềm hạnh phúc này là thế nào”.

Một phụ huynh khác cho hay: “Trước khi gặp cô Nhung, tôi thường xuyên khủng hoảng tinh thần, cứ nghĩ đến con khù khờ, mình bế tắc là bị stress. Bạn cứ nghĩ đi, như đã thành quy luật, cứ đến 9 tháng 10 ngày thì đứa trẻ sẽ cất tiếng khóc chào đời và ở độ tuổi lên 3, chậm nhất là lên 5 tuổi thì con phải biết nói hoàn chỉnh.

Nhưng với một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ thì không có bất kỳ khung thời gian nào ấn định chính xác chúng sẽ biết nói, biết nhận thức. Gặp cô Nhung, được chia sẻ, được hướng dẫn phương pháp, được động viên ‘hôm nay dạy con chưa tiếp thu thì ngày mai, cứ tin là ngày nào đó rồi con sẽ tiếp thu’, nên tôi có niềm tin.

Tôi biết điều tôi cần phải làm là không được nản chí, không được bỏ cuộc giữa đường, dù khó cỡ nào cũng đồng hành cùng con, tìm mọi cách can thiệp để con khôn lớn”.

Nhắc đến cô Nhung, những phụ huynh có con đang theo học tại cơ sở của cô luôn dành cho cô nhiều tình cảm. Với những gia đình quá khó khăn, tìm đến lớp học, những phần có thể giảm học phí được, cô đều miễn giảm để san sẻ bớt gánh nặng cho các bố mẹ.

Một phụ huynh giấu tên chia sẻ trong niềm cảm kích: “Nuôi con chậm phát triển, tụi em tốn rất nhiều chi phí, nhiều nỗi lo, nhưng may mắn là gặp cô Nhung, cô giảm học phí, giúp đỡ gia đình tụi em rất tận tình. Em bán thức ăn trên Facebook, cô Nhung nhiều lần chia sẻ giúp em thông tin, giới thiệu cho bạn của cô, để em có thêm thu nhập lo cho con. Gia đình tụi em biết ơn, quý cô Nhung vì nhiều lẽ”.

Làm được nhiều việc, chia sẻ và đem đến hạnh phúc bất ngờ cho nhiều gia đình là vậy nhưng nhắc đến, cô Nhung bảo: “Hạnh phúc là khi mình có cái để giúp, có cái để chia sẻ”. Tiếp xúc với các bậc phụ huynh, trò chuyện cùng cô Nhung, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn triết lý: “Người giàu nhất không phải là người có nhiều tài sản mà là người luôn cho, có thể cho bất cứ thứ gì mà bản thân họ có”.

Với những gì cô Nhung thực hiện cho những đứa trẻ đặc biệt, giúp phụ huynh phần nào vượt qua khủng hoảng tâm lý, người viết cũng đã hiểu, vì sao với con, cô Nhung là “cô tiên”, còn với phụ huynh, cô Nhung là “hoa hậu thân thiện”.

Sự tiến bộ của con là hạnh phúc của cô

co-nhung.2.jpg
Cô Nhung

“Với người dạy, hướng dẫn và theo sát các con hàng ngày, hàng tuần, dành nhiều tâm huyết cho chúng thì không niềm vui nào bằng nhìn thấy chúng tiến bộ.

Có đứa hơn một năm không biết nói, hàng ngày mình rất nỗ lực, bền bỉ dạy cho con, đến ngày nọ con bỗng thốt lên được hai tiếng ‘dạ cô’, mình mừng đến độ không kiểm soát được, nhảy cẫng lên trong niềm hạnh phúc, sung sướng vô biên.

Niềm hạnh phúc đó không ít hơn so với phụ huynh, bởi mình dạy các con với tất cả sự kỳ vọng, tâm huyết và cả thời gian chờ đợi”, cô Phan Thị Nhung chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày