Lớn lên từ thất bại...
Nguyễn Thái Thuận đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng: một khi có tinh thần tốt thì làm việc sẽ hăng say, tích cực và không biết mệt. Nói về bản thân, bạn hồi tưởng về quá khứ cách đây mấy năm, khi đó… “mình từng cảm thấy chán nản, suy sụp và có lúc trầm cảm, phải nhờ bác sĩ trị liệu tâm lý và uống thuốc!”. Đó là khi bạn nhận được tin mình trượt Đại học Y Dược TP.HCM - ngôi trường mà bạn mơ ước theo nghiệp bác sĩ.
Sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, ba mẹ đều là công chức, Thuận là cậu con trai (con một) nên được “cưng”, được bảo bọc nhiều thứ. Cú sốc đầu đời cho Thuận một bài học xương máu về cuộc sống: nỗi khổ của “cầu bất đắc ý” là như thế nào. Bạn bắt đầu tìm lên blog, tìm những trang web có những chương trình tình nguyện, từ thiện… để tìm hiểu và tham gia như gợi ý của bác sĩ. Cũng từ đây Thuận gặp được “chiếc phao” cứu cánh cho mình - đó là CLB NHG và chương trình đầu tiên bạn tham gia là “Cánh hạc đêm” năm 2008.
Từ chương trình “Cánh hạc đêm”, Thuận được hòa mình cùng nhiều anh chị trong CLB tình nguyện NHG và nhận ra ở đây có nhiều người tốt, có nhiều điều để học hỏi. Và quan trọng hơn là “Thuận nhận thấy xung quanh còn nhiều người khổ hơn mình, nhiều mảnh đời không nhà, tha phương, thiếu thốn”. Ngộ ra sự thật ấy, Thuận bắt đầu lấy lại phong độ và từ một chàng thanh niên nhút nhát ngày xưa bạn đã trở thành một người dạn dĩ, tiếp xúc được với nhiều người trong những lần đi vận động tài trợ và tình nguyện. Thuận bộc bạch: “Chính môi trường tình nguyện, hoạt động xã hội đã dạy cho mình cách tổ chức, sắp xếp cũng như phân công công việc”. Và khi ấy Thuận nhìn lại quá trình mình đã sống, đã trải qua rồi tự rút ra nhận xét về chính mình: “Có lẽ những thất bại đã cho Thuận chất liệu để vững vàng hơn”.
"Mầm xanh Việt"
Hiện tại Thuận đang học hai trường đại học gồm ngành luật do ĐH Huế phối hợp với Trường Giao thông vận tải 3 đào tạo và ngành quản trị của ĐH Văn Hiến (TP.HCM). Bận rộn với việc học là vậy nhưng gần như chương trình tình nguyện nào của NHG cũng đều thấy Thuận nhiệt thành tham gia. Những ngày gần đây Thuận cùng với bạn Dương Thị Ngọc Thảo - một thành viên tích cực của NHG đang vừa phải chạy chương trình “Mầm xanh Việt”, vừa góp tay cho “Góp nắng xuân” (thực hiện vào cuối tháng 1-2010) nhưng trò chuyện với chúng tôi bạn vẫn rất thoải mái: “Mình cứ làm rồi cũng xong, đừng nghĩ tới công việc nhiều ít”.
“Mầm xanh Việt” là dự án học bổng dành cho học sinh nghèo được NHG nuôi ý tưởng từ lâu nhưng chỉ đến khi có duyên thực hiện chương trình cứu trợ bão lụt ở Phú Yên trong cơn bão số 9 và 11 (năm 2009) thì dự án mới thành hiện thực. Với số quỹ chưa nhiều nên Thuận và các thành viên “chủ xị” dự án đang vận động sự tài trợ để “nuôi” chương trình này lâu dài, làm cho nhiều “mầm xanh” được tươi tốt. Rất tâm đắc với chương trình này, Thuận đang vui vì có nhiều người nghe đến dự án đã rất hoan hỷ góp ý tưởng, sẻ chia bằng những đóng góp nho nhỏ cho học bổng. Đó cũng chính là điều mà Thuận cảm thấy hạnh phúc trong hơn hai năm tham gia tình nguyện: “Có nhiều người tốt lắm. Gặp họ trong những chương trình mình thấy yêu đời hơn”, bạn chia sẻ.
Anh Bùi Nghĩa Thuật, Chủ nhiệm CLB nhận xét: “Thuận là một chàng trai cá tính và đáng yêu nhưng cũng khá bướng bỉnh. Những ai lần đầu gặp Thuận dễ bị nhầm tưởng vì dáng vẻ mảnh khảnh yếu đuối. Kiên quyết, mạnh mẽ, trách nhiệm và tràn đầy tình yêu thương, đó là những gì mà tôi cảm nhận từ em sau hơn một năm em hoạt động ở NHG. Tin rằng rồi đây em sẽ cùng NHG chia sẻ nhiều hơn nữa với những mảnh đời còn khó khăn trong xã hội”.
Mới đây, trong Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI tổ chức tại TP.HCM, Thuận là một trong những tình nguyện viên của Sakyadhita. Tiếp xúc với chư Ni trong và ngoài nước, nhiệt tình, nói tiếng Anh lưu loát cùng khả năng giao tiếp tốt đã làm nhiều khách quốc tế tin cậy. Cũng từ Hội nghị này, Thuận nhận ra: “Người tu không phải là người chỉ biết… kinh kệ không mà họ còn quan tâm đến nhiều vấn đề lớn của xã hội”.
Và điều mà chúng tôi thán phục bạn còn là việc Thuận phát nguyện ăn chay trường mấy tháng nay: “Mình cảm thấy nhẹ nhàng khi ăn như vậy, có lẽ đây là sự tiếp nối những giá trị thiện lành từ đạo Phật…”. Kết luận điều đó cũng là tự hứa với lòng là sẽ bắt đầu học Phật, bắt đầu giữ gìn và làm những hạnh lành như ăn chay, góp tay chia sẻ với những nỗi khó khổ của cuộc sống quanh mình. Hành trạng ấy đã gắn với Thuận và như bạn nói: “Nó sẽ là một phần cuộc sống của mình…”.