Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn - tác giả của ký sự “Đi dọc dòng sông Phật giáo” qua đời

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn qua đời ở tuổi 83 - Ảnh: Huyền Nguyễn
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn qua đời ở tuổi 83 - Ảnh: Huyền Nguyễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn - người được xem là linh hồn và đồng tác giả của của bộ phim tài liệu nổi tiếng “Mê Kông ký sự”, đồng thời là tác giả của loạt ký sự nhiều kỳ “Đi dọc dòng sông Phật giáo” vừa qua đời ngày 2-7.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn sinh năm 1941 tại Nam Định. Ông là nhà báo, tác giả, nguyên Trưởng ban chương trình của Đài truyền hình TP.HCM.

Ông được xem là một trong những người khai phá thể loại phóng sự khi viết kịch bản và viết lời bình hàng loạt ký sự của HTV như Trung Hoa du ký (23 tập), Ký sự hỏa xa (75 tập), Hành trình theo chân Bác (110 tập), Huyền bí sông Hằng (50 tập)…

Loạt ký sự về Phật giáo dọc sông Mê Kông trên các báo Phật giáo được tác giả tập hợp in thành sách, nhiều nhà xuất bản ấn hành

Loạt ký sự về Phật giáo dọc sông Mê Kông trên các báo Phật giáo được tác giả tập hợp in thành sách, nhiều nhà xuất bản ấn hành

Trong đó đặc biệt là Mê Kông ký sự (80 tập) được nhiều khán giả yêu thích và đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Những ai từng làm việc với nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, đều biết ông là người rất tinh tế và kỹ tính. Trước mỗi chuyến đi, ông chuẩn bị tỉ mỉ với hàng trăm cuốn tài liệu để tìm kiếm thông tin cho lộ trình đoàn phim đi qua.

Ông cùng với ông Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, cộng tác với các báo, tạp chí Phật giáo đặc biệt với loạt ký sự sinh động về đời sống tinh thần và tâm linh của dòng sông Mê Kông. Và, ông gọi đó là “dòng sông Phật giáo”, chảy qua nhiều quốc gia, lãnh thổ mà chính ông là người đã có nhiều trải nghiệm với nó. Loạt ký sự này cũng đã được tập hợp xuất bản thành sách.

Cuộc hành trình hàng trăm ngàn cây số dọc bờ sông Mê Kông đã giúp tác giả tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, với rất nhiều sắc tộc và tôn giáo ngự trị trên các miền đất ven bờ và lưu vực mênh mông của nó.

Trong bức trường họa thiên nhiên hùng vĩ và xã hội phong phú đó, nền văn hóa Phật giáo đã trở thành một hệ thống huyết mạch làm cường tráng toàn bộ cơ thể của Mê Kông, hòa quyện với các bộ phận khác để trở thành một bản thể đặc sắc và độc đáo của dòng sông huyền bí.

Bên cạnh dòng chảy của Mê Kông luôn tồn tại một dòng chảy của tinh thần Phật giáo. Hệ thống chùa chiền dày đặc, tráng lệ cùng với âm thanh vang vọng ngân nga của tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh đã tạo cho Mê Kông một sức sống thần kỳ và diễm ảo...

Thông tin từ gia đình cho biết nhà biên kịch Trần Đức Tuấn từ trần vào lúc 6 giờ ngày rằm tháng 5-Quý Mão (2-7-2023), hưởng thọ 83 tuổi.

Lễ nhập quan vào lúc 15 giờ ngày 2-7-2023, lễ động quan vào lúc 7 giờ ngày 5-7-2023. Linh cữu quàn tại tư gia, số 513 đường Điện Biên Phủ, P.3, Q.3, TP.HCM.

Nhất tâm cầu nguyện hương linh nhà biên kịch Trần Đức Tuấn tiếp tục hành trình đời sống tiếp theo, với tâm nguyện luôn nỗ lực mang đến điều lợi lạc, tốt đẹp cho cuộc đời. Xin chia buồn cùng gia đình ông về sự mất mát lớn này.

Ban Biên tập Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo thì không căn cứ vào tuổi mà căn cứ vào Nhân quả-Nghiệp báo - Ảnh minh họa

"Canh cô, Mậu quả"

GNO - Theo các sách coi tuổi của người Trung Quốc xưa thì: “Canh biến vi cô, Mậu biến vi quả...” nghĩa là chữ Canh thì cô độc, chữ Mậu thì góa bụa… Cho nên mới có thành ngữ “Canh cô, Mậu quả” để nói về những người nằm trong can Canh, Mậu thường rơi vào số cô độc, đơn lẻ hay trắc trở đường tình duyên.

Thông tin hàng ngày