Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo với chương trình giao hưởng "Khai Giác"

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo với dàn giao hưởng " Khai Giác"
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo với dàn giao hưởng " Khai Giác"
LTS: Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội, năm 13 tuổi được gia đình gửi đi Pháp du học, sau đó trúng tuyển và theo học khoa Sáng tác âm nhạc của Nhac viện Quốc gia Paris. Năm 1963, 23 tuổi, ông đã đoạt giải nhất sáng tác nhạc của Pháp, với tác phẩm “Thành đồng tổ quốc” ca ngợi Việt Nam anh dũng chống giặc ngoại xâm. Nhạc sĩ là tác giả của bản nhạc giao hưởng và hợp xướng Khai giác trình diễn tại Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) Hà Nội. Một chiều bên hồ Hoàng Cầu, trước cửa nhà nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo ở Hà Nội, mặc dù đang rất bận vì tập trung cho chương trình hợp xướng Khai giác tại Đại lễ Phật đản LHQ, ông vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng phóng viên Giác Ngộ...    GN
        
nhacsinguyenthiendao.jpg

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo

-  Thưa nhạc sĩ, được biết nhạc sĩ đang cùng Nhạc viện Quốc gia triển khai chương trình giao hưởng hoành tráng mang tên Khai giác để phục vụ Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, xin nhạc sĩ cho biết khái quát về tác phẩm này?  

- NS.Nguyễn Thiện Đạo: Khai giác là chương trình nhạc giao hưởng quy mô, huy động 500 nghệ sĩ biểu diễn, đây là chương trình nhạc giao hưởng đông người tham gia nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Bản Khai giác dài tới 40 phút, với 5 lĩnh xướng, hợp xướng chuyên nghiệp, hợp xướng nghiệp dư của các Tăng Ni.
Đại lễ Phật đản LHQ hội tụ khách quốc tế đến từ hàng trăm vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới, vì vậy đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu cùng bè bạn năm châu về đất nước Việt Nam nói chung, nền âm nhạc Việt Nam nói riêng. Đại đức Thích Đức Thiện, ông Ngô Thành (Giám đốc Nhạc viện Quốc gia) đã tận tâm để huy động được số lượng người tham gia, nơi luyện tập… Tôi chỉ đóng góp về mặt nghệ thuật cho chương trình.

-Xin nhạc sĩ cho biết tóm tắt nội dung của bản "đại giao hưởng” Khai giác?
- Khai giác được dựng trên cơ sở lời Đức Phật dạy chúng sinh, bao gồm 7 chương diễn tả tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập thiền trong 7 tuần, không ăn không ngủ để giác ngộ. Mở đầu và kết thúc đều bằng câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, thể hiện cấu trúc theo tư tưởng luân hồi của Phật giáo. Nội dung của 7 chương lần lượt là: Thiền quán tưởng; Tử; Sinh (bao gồm cả hỷ, nộ, ai, ố); Trừ tà; Thiền nhập định (diễn tả cảnh Thái tử sắp thành Phật); Bay lên và Niết bàn.

- Chương trình có dàn hợp xướng do các Tăng Ni biểu diễn. Chất giọng của các Tăng Ni không thể bằng ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ đã làm thế nào để hòa hợp họ lại trong chương trình giao hưởng quy mô như vậy?
- Khi tới chùa Phật Tích, nghe Đại đức Thích Đức Thiện tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật, tôi cảm nhận đây có lẽ là bản kinh hay nhất trong tất cả các kinh Phật. Vì vậy, tôi đã quyết định sử dụng bản kinh này theo đúng nguyên bản tiếng Phạn, không cần phiên âm ra tiếng Việt, từ đó hòa âm phối khí, hy vọng khi đưa vào Khai giác sẽ tạo nên sự độc đáo. Tuy nhiên trong Khai giác, các nhà sư sẽ không tụng kinh y như ở chùa, mà thể hiện sự cách tân bằng dàn nhạc hiện đại. Âm nhạc hiện đại và kinh Phật sẽ được cộng hưởng bởi chính 2 dòng nhạc tương phản giao hòa vào nhau như trời đất gặp nhau. Trong tác phẩm, tôi sử dụng hợp xướng với 50 Tăng Ni để tụng kinh và 2 vị Tăng tụng kinh sô-lô. Trải qua qua trình tập dượt, cho thấy các sắc thái, trường độ âm nhạc do các Tăng Ni biểu diễn khá nhuần nhuyễn, phối khí ăn ý.

-Cơ duyên nào đã khiến thiền, thơ và âm nhạc cùng giao thoa trong Khai giác?
- Khi được đọc bài thơ dài 7 trang của chị Ngô Minh Thơm, tôi tâm đắc vì nhận thấy ở đây một tầm cao nghệ thuật tâm linh, nên tôi đã nhận phối âm và lồng vào bản giao hưởng. Tôi dùng chữ “lồng” là vì toàn bộ tác phẩm dựa trên tư tưởng của kinh Phật, sau đó ghép bài thơ vào, chứ không phải Khai giác được phổ từ bài thơ đó. Dấn thân vào âm nhạc, tôi luôn tâm niệm phải lương thiện với chính mình trước rồi mới lương thiện với xã hội. Bài thơ của chị Ngô Minh Thơm đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi viết Khai giác. Kinh Phật là kết tinh những gì tinh túy nhất của cả nhân loại, và luôn được bồi đắp không ngừng bởi triệu triệu cá nhân, từ quá khứ tới mai sau. Vì vậy, nếu gặp một tác phẩm hữu ích đối với Phật giáo, dù tác giả là bất kỳ ai thì cũng nên trân trọng, nên coi đó như là một trong vô vàn “viên gạch” tiếp tục xây đắp làm đồ sộ thêm “lâu đài tư tưởng” Phật giáo, bồi đắp thêm kinh Phật.

-Nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi nét về cuộc sống của mình tại Pháp?
- Tôi không làm việc cho bất cứ cơ quan nào, chỉ là một nhạc sĩ sáng tác tự do. Tôi thường chỉ viết hợp xướng, tác phẩm của tôi hầu hết đều do các nhà nước, các cơ quan của một số quốc gia đặt sáng tác. Tiền thù lao cho mỗi bản hợp xướng tuy cao nhưng phải mất cả năm để hoàn thành một bản hợp xướng, vì vậy thu nhập tính ra lại rất thấp. Thu nhập của tôi không bằng một anh thợ hạng bét ở Paris nhưng tôi vẫn đường hoàng tồn tại, vì nhu cầu đời sống của tôi không cao. Như trưa nay, tôi chỉ ăn hai bắp ngô và một chiếc bánh mì, nhưng tôi vẫn rất sung sướng. Nhờ biết dành dụm, tôi mua được căn nhà ở Paris vào năm 1980, và mua được căn nhà nhỏ ở Hà Nội vào cách đây 5 năm. Trong cả hai căn nhà, tôi đều không có đồ đạc nào đáng giá, chỉ có chiếc đàn piano là có giá trị. Tôi dành cả cuộc đời mình cho nhạc giao hưởng, và luôn xác định âm nhạc là cuộc dấn thân. Tôi xin nói thêm, biểu diễn xong Khai giác, tôi sẽ phải về Pháp để nghỉ ngơi. Tuổi già rồi, cần phải có thời gian tĩnh dưỡng để lấy lại sức khỏe, không chỉ thể phách mà cả tinh thần. Sau đó, tôi sẽ bắt tay vào sáng tác một tác phẩm cho Ngàn năm Thăng Long -Hà Nội. Tôi khao khát phụng sự hết cuộc đời mình vì âm nhạc Việt Nam, vì xác định dân tộc chính là nhân loại, làm được việc hữu ích cho dân tộc mình thì sẽ đi vào lòng nhân loại.
-Xin cảm ơn nhạc sĩ.

     Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã cho ra đời gần 90 tác phẩm lớn, những tác phẩm này hầu hết được biểu diễn tại các trung tâm âm nhạc đương đại thế giới. Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo luôn gắn liền với tổ quốc, ngợi ca những chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của ông hiện diện trong hơn 70 cuốn sách giới thiệu danh nhân của nhân loại, do các nhà xuất bản uy tín trên thế giới ấn hành. Những cuốn từ điển danh nhân lớn nhất thế giới đều có tên nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Mặc dù mang quốc tịch Pháp và sống ở Paris hơn 50 năm, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ vẻ vang. Cách đây 10 năm, ông là một trong số ít những kiều bào ở nước ngoài được Chủ tịch nước Việt Nam cho phép có 2 quốc tịch.

Chu Minh Khôi 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kiềm chế các căn

GNO - Kiềm chế các căn có nghĩa là đảm bảo rằng chúng hòa hợp với các đối tượng của chúng.
Chuông chùa từ vỏ bom, hình ảnh đầy suy nghiệm về chiến tranh và hòa bình - Ảnh: L.Đ.L

Chiến tranh và hòa bình

GNO - Lâu rồi tôi mới thấy lại chiếc chuông quen thuộc - vốn là vỏ của một quả bom - được sử dụng làm đại hồng chung, đúng nghĩa của pháp khí thiền gia, dùng để thức tỉnh nhân sinh, vạn loại tìm về con đường tỉnh thức.

Thông tin hàng ngày